Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012
Ly kỳ "vụ án giết người"!
Chỉ vì tranh chấp
với hàng xóm, một thượng tá quân đội về hưu đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam về
tội “giết người”. Nhưng sau 6 lần bị triệu tập, tòa không xử được vì không đủ
chứng cứ cấu thành tội phạm…
Chuyện bắt đầu từ
việc ông Nguyễn Hữu Lộc xây dựng khách sạn 3 tầng liền kề với nhà trọ của ông
Nguyễn Trọng Tụy (54 tuổi, thượng tá quân đội về hưu) tại số 3/14 đường Nguyễn
Thị Thập, P.6, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Vì lý do quá trình thi công phía ông Lộc để
vật liệu rơi vãi làm hư hại nhà ông Tụy mà không xin lỗi, vì vậy ông Tụy yêu cầu
phía ông Lộc phải tháo dỡ giàn giáo bắc trên không gian nhà mình nên dẫn tới
mâu thuẫn giữa hai nhà.
*Ông Nguyễn Trọng Tụy. |
Theo hồ sơ, ngày
8.11.2010 ông Lộc thuê 2 thợ hồ tới bắc giàn giáo bằng sắt thả từ sân thượng
nhà ông Lộc xuống lấn qua phần không gian phía trên của nhà ông Tụy để chuẩn bị
tô tường mà không xin phép ông Tụy. Thế là ông Tụy dùng một cây tre dài hơn 1m,
trên đầu cây có quấn dây điện vào một móc nhôm rồi đứng bên nhà mình lên tiếng dọa:
“Tao không thù oán ai nhưng đứa nào xuống thang làm thì tao dí điện chết ráng
chịu”. Ngay lập tức phía ông Lộc đã gọi công an phường tới lập biên bản, trong
khi phía ông Tụy cứ tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đây.
Không ngờ hơn 7
tháng sau, ngày 17.6.2011 ông Tụy được công an phường mời tới điểm tiếp dân “để
trả lời về vụ việc ngày 8.11.2010”. Khi ông Tụy đến nơi thì bất ngờ nghe đọc
quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt đảng rồi ngay lập tức bị Công an TP Mỹ Tho… đè
xuống còng tay, trước khi đọc quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can
và lệnh bắt tạm giam 4 tháng do thượng tá Lê Văn Kiệm, Phó trưởng Công an TP Mỹ
Tho ký và quyết định phê chuẩn của Viện trưởng KSND TP Mỹ Tho Võ Văn Ngoan về tội
“giết người”. Nhưng có lẽ vì chứng cứ quá yếu nên ngày 6.7.2011, thượng tá Kiệm
lại ký quyết định thay đổi tội danh đối với ông Tụy từ “giết người” sang “đe dọa
giết người”. Sau khi bị tạm giam gần một tháng, ngày 8.7.2011 ông Tụy được Viện
KSND TP Mỹ Tho ký quyết định cho tại ngoại chờ xét xử.
Phiên tòa đầu
tiên xét xử ông Tụy diễn ra ngày 14.9.2011 nhưng vừa bắt đầu thì tạm hoãn rồi hẹn
lại vào chiều 16.9.2011. Lần thứ hai, sau khi làm thủ tục xong thì phía bị hại
không đến nên không xử được. Các phiên tòa tiếp theo diễn ra liên tục vào tháng
10.2011 nhưng không có kết quả. Cụ thể là ông Tụy đã 3 lần đứng trước vành móng
ngựa, còn lại 3 lần được triệu tập nhưng tòa không xét xử được bởi vì khi thì
thiếu nhân chứng, lúc thì vắng nguyên cáo hoặc người có liên quan. Ngày
28.12.2011, khi “bị cáo” Tụy được triệu tập ra tòa lần thứ 6 thì được thư ký
tòa thông báo: “Tòa bận họp nên tạm hoãn”.
Sau nhiều lần mở
phiên tòa nhưng không xét xử được vì chứng cứ quá yếu. Thậm chí, dù truy tố ông
Tụy về tội giết người nhưng cơ quan điều tra vẫn không thu hồi được vật chứng
là dây điện, móc sắt và cây tre. Do vậy, ngày 8.3.2012, tức gần một năm rưỡi
sau khi sự việc xảy ra, TAND TP Mỹ Tho quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Viện KSND
TP Mỹ Tho điều tra bổ sung, làm rõ những vật chứng mà bị cáo đã sử dụng để thực
hiện hành vi phạm tội, đồng thời xác định lại chính xác tư cách bị hại trong vụ
án, làm rõ về hành vi và lời nói của bị cáo đã tác động đến tâm lý bị hại như
thế nào…
Sự việc kéo dài
cho đến ngày 21.5.2012, Viện KSND TP Mỹ Tho đã ký quyết định đình chỉ vụ án
hình sự vì cho rằng “hiện tại hậu quả chưa xảy ra, hành vi của Nguyễn Trọng Tụy
không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, vì vậy không cần thiết xử lý hình sự”. Ngày
17.7.2012 Công an TP Mỹ Tho đã mời ông Tụy đến để trao quyết định đình chỉ vụ
án và quyết định xử phạt hành chính nhưng đương sự từ chối không nhận. Lý do,
theo ông Tụy “vì tôi đã ra tòa rồi làm sao xử phạt hành chính được”.
Mới đây, ngày 1.8.2012 Công an TP Mỹ
Tho tiếp tục mời ông Tụy tới để trao quyết định xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng
nhưng không nói rõ xử phạt về tội gì. Ông Tụy bức xúc: “Họ muốn xử phạt hành
chính để “né” việc bắt giữ oan sai. Nhưng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại để đòi trả
lại danh dự và bồi thường vật chất theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội.
Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012
Thiên vị và không công bằng!
Vậy là một lần nữa người đẹp chân dài của Trung Cộng lại... giật được vương miện Miss World. Nhưng khác với trường hợp của Miss Trương Tử Lâm hồi năm 2007, lần này ai cũng thấy rằng người đẹp Trung Cộng nhan sắc chỉ tầm thường, thậm chí còn thua xa 2 người đẹp của Xứ Wales và Australia. Thi ứng xử thì dở ẹc, lại không nói được bằng tiếng Anh. Vậy mà Vu Văn Hà lại chiến thắng. Rõ ràng là Ban tổ chức Miss World đã tỏ ra thiên vị nước chủ nhà! Không tin, các bạn nhìn hình thử thì biết.
*Miss China nhan sắc cũng tầm thường. |
*Người đẹp Xứ Wales... |
*Và người đẹp Australia đều đẹp hơn người đẹp China. |
Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012
Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012
Có một Lăng Ông ở Tiền Giang
Ngoài khu lăng mộ mà dân gian gọi là “Lăng Ông Bà Chiểu” tọa lạc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, ở Tiền Giang cũng có khu lăng mộ mà một số tài liệu nói rằng trong đó có mộ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Bia mộ bị đục xóa
Có một câu chuyện kể rằng, năm Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành đã cho người gửi trát đòi thôn trưởng làng Vĩnh Kim lên dạy việc. Nhận được tin, ông thôn trưởng hoảng sợ không biết lành dữ ra sao, vội vã chèo thuyền về Gia Định. Nghe theo lời dặn của một bà bóng, thôn trưởng đến tư dinh của Tả quân đúng vào giờ ngọ. Bấy giờ ngài đang nghỉ trưa nên rất giận. Nhưng thôn trưởng thưa, vì quan gọi gấp nên bất kể thời gian, hơn nữa đây là chuyện riêng nên phải tới tư dinh tìm gặp. Sau khi nguôi giận, Đức Tả quân bảo: “Ta muốn chở đá về xây mộ cho song thân thì phải làm sao?”. Vì khu vực xây mộ nằm ngoài đồng trống, nên thôn trưởng gợi ý dùng ghe thuyền chở vật liệu theo sông Tiền mà vào rồi dùng trâu kéo tới chỗ. Nghe có lý, Đức Tả quân đã giao việc và tiền bạc cho thôn trưởng lo liệu. Khi việc thành công, thôn trưởng giữ y lời hứa cất tại làng Vĩnh Kim một ngôi miều thờ bà Hỏa, hiện vẫn còn (Theo Trần Năng Dung - Qua những trang sử oai hùng của xã Vĩnh Kim).
Khu mộ cụ Lê Văn Toại, thân sinh Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: H.P |
Hiện khu mộ của song thân Tả quân tọa lạc tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là một quần thể các ngôi mộ khá quy mô gồm hai ngôi mộ to và bốn ngôi nhỏ hơn được xây bằng đá, vôi và ô dước. Cả hai ngôi mộ lớn đều có hai quynh thành: Theo thời gian, vòng phía ngoài nay đã lún sát mặt đất và quynh thành phía trong có nhiều chỗ đã lún sụt, rêu phong. Nấm mộ đắp theo hình căn nhà trở đòn dông dọc, cao hơn 2 m. Bia mộ bằng đá xanh màu được viền khắc hoa văn, đầu bia hình chữ kim cũng có hoa văn khá sắc sảo. Trên bia nhiều hàng chữ bị đục xóa nham nhở.
Năm 2006, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng từ TP.HCM xuống đã tìm tới khu mộ. Ông đã dò đọc bia ký trên mộ, truy được nhiều chữ bị đục bỏ trước đây, và cho biết đó là mộ cụ ông Lê Văn Toại và cụ bà Nguyễn Thị Lập, thân sinh của Tả quân Lê Văn Duyệt, đồng thời đã đề nghị làm mới hai tấm bia đá xanh cùng kích cỡ, cùng nét hoa văn, khắc chữ mạ vàng trên bia dựng bên cạnh.
Theo bản phiên âm của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng ghi phía sau hai tấm mộ bia được phục chế, thì mộ của cụ Lê Văn Toại ghi: Tuế tại Tân Tỵ trọng xuân cốc nhật/ Hiển khảo chi mộ/ Tự tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tả quân Vọng các công thần Bình Tây đại tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt bái giám. Và bia của cụ bà ghi: Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ nguyệt cát nhật/ Hiển tỷ Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu chánh thất Nguyễn Phu nhân chi mộ/ Hiếu tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng cơ tả quân Bình Tây tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt lập. (Rất tiếc ở dòng ghi năm tháng, người thợ khắc đã khắc sai chữ Trọng thành chữ Thân nên mất ý nghĩa).
Ở mộ cụ ông, ngay hàng lạc khoản bên trái còn sót lại các chữ: “Tự tử...(các chữ bị đục bỏ là Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tả quân Vọng Các công thần Bình Tây đại tướng quân Quận công). Hàng chữ lớn dòng giữa còn bốn chữ: “Hiển khảo... chi mộ (chữ bị đục Vũ Huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê hầu). Tương tự, trên bia mộ cụ bà những chữ bị đục bỏ đều liên quan đến tước vị như Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu; Phu nhân; Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng cơ Tả quân Bình Tây tướng quân Quận công.
May mắn là trên các bia mộ, nơi ghi ngày tháng lập bia còn nguyên, cho nên căn cứ vào đó ta biết được mộ cụ bà được lập vào tháng 5.1814, còn mộ cụ ông lập sau đó khá lâu, tháng 2 năm 1821.
Và những ngôi mộ không tên
Việc phục chế hai bia mộ nói trên đã xóa tan những nghi ngờ về khu mộ mà bấy lâu nay trong dân gian cũng như nhiều tài liệu cho rằng, đây là ngôi mộ thật của Tả quân Lê Văn Duyệt. Ngoài ra, căn cứ những chữ còn lại trên bia mộ, có thể thấy sau vụ án xử Tả quân Lê Văn Duyệt, nhà vua (Minh Mạng) đã lấy lại những gì triều đình ban tặng, chứ không hề có sự “cảm nghĩa thương tình” của người “thi hành công vụ” cố ý chừa lại những chữ cần thiết để người đời sau có thể xác định, như một số người đã nhận định gần đây.
Gian thờ Đức Tả quân - Ảnh: H.P |
Theo thư tịch, trong các tội danh dành cho Tả quân Lê Văn Duyệt có ghi tội xây lăng mộ cho song thân. Nhưng căn cứ vào quy chế xây mộ của nhà Nguyễn: Quan đại thần xây mộ hai lớp quynh thành, thứ dân thì một lớp. Mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt có hai lớp quynh thành, nên đây chỉ là ngôi mộ lớn, không thể gọi là lăng và cũng không phạm quy chế. Mặt khác, điển lệ phong kiến cũng không quy định mộ to mộ nhỏ. Do đó, việc bắt tội Lê Văn Duyệt về mặt này không có cơ sở. Nhưng có lẽ vì vua Minh Mạng không xét kỹ, nghe lời đám nịnh thần nên mới có thêm tội danh không đáng có này, cũng như gán cho Tả quân là người “lạm dụng quyền thế” đã dùng quyền “tiền trảm, hậu tấu” để chém đầu Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng). Các tội danh cố tình vu cáo ở vụ án lịch sử này cho thấy có sự tranh chức, tranh quyền gay gắt trong nội bộ triều đình Minh Mạng mà Lê Văn Duyệt là nạn nhân.
Riêng bốn ngôi mộ nhỏ hơn nằm ở phía ngoài, hiện vẫn còn nhiều điều khuất lấp. Có ý kiến cho rằng trong số đó có ngôi “mộ vọng” không hài cốt của vợ chồng Tả quân, cũng có ý kiến là mộ thật của Tả quân được bí mật di chuyển về đây để tránh bị đào mồ cuốc mả.
Mặc dù đã có sự tu bổ của người đời sau, nhưng các ngôi mộ vẫn còn giữ được những đặc điểm chung giống nhau, cho thấy được xây cùng thời điểm. Vì vậy có thể phỏng định, đây có thể là những người cháu của Lê Văn Duyệt bị vua xử tử trong vụ án, trong đó có thể có mộ của Phò mã Lê Văn Yến, con của Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong, em ruột của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Những bức ảnh độc đáo!
Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012
Giai thoại về thượng phương bảo kiếm
Nằm sát chợ Thang Trông thuộc ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo (Tiền Giang) có một tấm bia cổ cao chừng 90 cm, đặt bên trong thủ chủ cũ kỹ, mái lợp bằng tôn. Bên cạnh là những tấm ngói xưa còn chất đống.
Hằng ngày người qua lại mua bán nhộn nhịp, nhưng ít ai biết được đó là tấm bia ghi dấu việc đào kênh từ hơn 2 thế kỷ trước.
Lịch sử và bia ký
Vào năm 1705, quân Xiêm từ Chân Lạp theo sông Vàm Cỏ và sông Tiền tấn công nước ta. Chúa Nguyễn sai Chính thống Nguyễn Cửu Vân đem quân đắp lũy tại giồng Kiến Định để ngăn giặc. Để có nước sinh hoạt và đường thủy cho chiến thuyền hoạt động, Nguyễn Cửu Vân đã cho đào kênh Vũng Gù nối liền vàm rạch Thị Cai (Cai vệ Phạm Hoằng Lộc) và ngọn rạch Mỹ Tho tại Hóc Đùn.
Kênh Vũng Gù lâu ngày bùn lấp, ghe thuyền đi lại khó khăn. Khoảng năm Gia Long thứ 18 (1819), từ lời tâu xin của quan Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Huỳnh Đức, triều đình đã chuẩn cho Định Tường huy động hơn 9.000 dân phu cải tạo con kênh này từ tháng giêng đến tháng tư: Hễ đoạn cong thì đào ngay, còn có bùn thì nạo vét. Hai bên có bờ đê cao ráo. Kênh dài 14 dặm (9.000 m), rộng 1 trượng 5 thước (6 m), sâu 9 thước (3,5 m), kéo dài từ Thang Trông đến Hóc Đùn. Khi hoàn tất, mọi người gọi là kênh Mới hoặc kênh Bến Tranh (Tranh giang). Sau này có người nhầm lẫn giữa kênh mới Bến Tranh (Tranh giang tân kênh) với kênh mới Rạch Chanh (cũng gọi Tranh giang tân kênh (nay gọi là kênh Bà Bèo, H.Tân Phước, Tiền Giang).
Khởi công ngày 28 tháng giêng đến mồng 10 tháng tư nhuận thì kênh đào xong, sau đó được vua Minh Mạng đặt tên là Bảo Định. Theo Đại Nam nhất thống chí, trên kênh Bảo Định, thời Nguyễn có lập một số giang trạm, có lẽ vì vậy dân gian thường gọi là Kênh Trạm. Người Pháp thì gọi là Arroyo de la poste nên bị phiên dịch là kênh Bưu điện hay kênh Bưu chính, đi quá xa nguồn gốc. Thời Pháp thuộc, kênh Bảo Định nhiều lần cải tạo kéo dài, nối rạch Mỹ Tho ra tận bờ sông Tiền nên gây sự ngộ nhận là cầu Quay bắc qua kênh Bảo Định.
Ngôi thủ chủ... - Ảnh: H.P |
...và bia ký xưa - Ảnh: H.P |
Giai thoại về thượng phương bảo kiếm
Trở lại nội dung bia ký, trong đó có câu “Khâm sai Gia Định thành Phó Tổng trấn, Thị trung Thống chế Lý Văn Hầu cùng vâng lệnh đến đôn đốc (phụng tựu tấn đồng đốc)”.
Theo tài liệu lịch sử thì vị quan Phó tổng trấn này là Huỳnh Công Lý, cha vợ vua Minh Mạng. Không rõ vai trò “đôn đốc” của viên Phó tổng trấn này ra sao, nhưng trong dân gian có lưu truyền câu chuyện (sau này có người chép lại đưa vào lịch sử) rằng, lúc phóng kênh ông đã cố tình nhắm vào các hộ nhà giàu để vòi vĩnh, hối lộ. Bị dân làng tố cáo, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã dùng thượng phương bảo kiếm “tiền trảm hậu tấu”: chém đầu. Ngoài ra, trong quyển Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1885, cũng kể lại rằng trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế, Huỳnh Công Lý đã có liên hệ bất chính với những người vợ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định, vì vậy đã bị Lê Văn Duyệt chém đầu...
Tuy nhiên, sách Đại Nam thực lục thì chép rằng: Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng (Huỳnh) Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên...
Mặt khác, trong bản Ngự chế văn (do Trần Văn Quyền dịch. Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội xuất bản năm 2000) dụ của vua Minh Mạng ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) cũng đã công bố tội trạng của Huỳnh Công Lý ở Gia Định: “Đến khi y trở lại nhận chức Phó tổng trấn Gia Định, lòng tham lại càng quá đáng. Nay bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác. Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn đe sau này...”. Đặc biệt, vua Minh Mạng cũng đã tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng của mình: “Từ nay về sau bất kể quân lính trong ngoài, gặp phải các viên biền tham lam ngược đãi như vậy mà vướng chỗ quyền thế không nói ra được thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng”.
Đại Nam thực lục chính biên là quyển sách do Quốc sử quán của triều Nguyễn, cơ quan biên soạn lịch sử chính thức, cho nên căn cứ vào Thực lục và một số văn bản triều Nguyễn còn lưu giữ thì chuyện dùng thượng phương bảo kiếm để tiền trảm hậu tấu có lẽ chỉ là giai thoại mà thôi.
Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời
Trong những ngày đầu thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, nếu như chùa Sắc tứ Kim Chương dỡ được bộ sườn gỗ cùng nhiều hiện vật di tản về miền Tây thì Sắc tứ Khải Tường tự không có may mắn đó. Song đây là ngôi chùa của hoàng gia, dẫu “nước mất chùa tan” cũng phải giữ lại, dù chỉ là một cái tên.
Khoảng năm Mậu Thân (1788), chúa Nguyễn Phúc Ánh trở lại Gia Định có mượn nhà Tống Quốc công phu nhân (tức Tống Phúc Khuông phu nhân) để tạm trú. Theo lịch sử thì vào ngày 22 tháng 4 năm Tân Hợi (1791), Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng) đã chào đời tại đây. Do đó, sau khi lên ngôi, nhà vua trăn trở: “Cố cung - chỗ sinh ra Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ở tại xã Dương Xuân (Huế), nhưng vì do binh biến nên không còn di tích. Sau khi đất nước thanh bình, trẫm tìm hiểu không ra. Mỗi khi nghĩ đến thương cảm khôn nguôi”, rồi ra lệnh cho Bộ Lễ: “... Nhân đó nghĩ đến chỗ ta ở chỗ nhà cũ của Tổng quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định, vậy sai quan địa phương tìm hỏi xem”.
Chân dung hòa thượng Chơn Thành - Ảnh: H.P |
Mãi đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) tỉnh thần Gia Định mới tìm được địa chỉ, vẽ bản đồ dâng lên. Vua dụ rằng “Lân Tân Lộc ở hai bên hữu thành Gia Định, lúc Hoàng Thái hậu theo hầu Thế tổ Cao Hoàng đế ta đi tuần ở phương nam - tức chạy loạn Tây Sơn - xa giá từng dừng ở đất này. Có điềm “cầu vồng sa xuống bến Hoa”. Nhờ đất quý phát điềm lành, cho nên phải xây dựng thắng tích lưu lại lâu dài cho đời sau”. Vua bèn lấy của kho 300 lạng bạc, giao cho quan địa phương, theo cách thức đã định của Bộ Công, gọi thợ xây dựng.
Vì kinh phí xây dựng hoàn toàn do quốc khố đài thọ nên công việc thổ mộc nhanh chóng hoàn tất và ngôi chùa được danh hiệu chính thức là Quốc Ân Khải Tường tự. Vua Minh Mạng lại chọn một cao tăng lúc bấy giờ là Tế Tín hiệu Chánh Trực hòa thượng làm trụ trì (đệ tử của hòa thượng Liên Hoa trụ trì Sắc tứ Từ Ân tự) và 18 tăng chúng lo quét dọn, kinh kệ hằng ngày. Vua lại cấp cho hòa thượng Chánh Trực 20 mẫu ruộng miễn thuế để chư tăng tự canh tác, lấy huê lợi thực hiện phật sự vua giao.
Đến khoảng năm Quí Mão (1843) tức năm Thiệu Trị thứ ba thì Giáo thọ Như Quang vận động các vị hoàng thân quốc thích, đồng bào phật tử ủng hộ chỉnh trang quy mô tráng lệ hơn. Nhưng rồi cũng chỉ được mấy mươi năm thì quân viễn chinh Pháp xua quân xâm lược. Vua Tự Đức cử Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương đắp đồn Chí Hòa (tài liệu Pháp ghi là Kỳ Hòa) kháng cự. Giặc cũng chiếm một số chùa chiền đền miếu của ta ở ngoại thành để làm “phòng tuyến các chùa”, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Sắc tứ Từ Ân, Quốc Ân Khải Tường, Sắc tứ Kim Chương. Trong đó, Sắc tứ Từ Ân tự may mắn hơn vì không ở ngay tầm súng đạn nên chuyển được khá nhiều tượng thờ, hoành phi, câu đối vào Cầu Tre để xây dựng lại. Sắc tứ Kim Chương thì cũng kịp dỡ bộ giàn trò và nhiều hiện vật tản cư về miền Tây rồi “thay tên đổi họ”. Còn Quốc Ân Khải Tường tự vì ở sát thành Gia Định, bị giặc chiếm làm đồn lũy.
Chùa Khải Tường bên bờ rạch Ông Lữ - Ảnh: H.P |
Đêm 7.12.1860, nghĩa quân của Trương Định ở Gò Công kéo lên phục kích giết chết tên đại úy trưởng đồn tên là Barbé ở gần đó nên giặc đặt tên là đồn Barbé. Cũng trong giai đoạn này, vua Tự Đức có đặt một tấm bia đá ghi công đức của Phạm Quốc công (Phạm Đăng Hưng) định chở về Gò Công dựng, nhưng đến Vũng Tàu thì giặc Pháp phát hiện tịch thu. Chúng đục xóa toàn bộ chữ trên bia rồi khắc tên đại úy Barbé làm mộ bia cho hắn ở khu đất Thánh Tây. Tấm bia này hiện đã được đem về lăng Hoàng gia ở Gò Công.
Năm 1869, đồn Barbé tức khung sườn chùa Khải Tường bị phá hủy để xây dựng các công trình của chế độ thuộc địa. Hiện vật quý nhất của Quốc Ân Khải Tường tự là pho tượng Phật của vua Minh Mạng từ đây lưu lạc “Phật trên bàn còn vương tám nạn”. Pho tượng bị chính quyền thực dân tịch thu giao cho Hội Cổ học Ấn - Hoa. Địa chỉ dời đổi nhiều lần rồi lại giao cho bảo tàng, trở thành tài sản quốc gia.
Chùa Khải Tường ở Cái Thia
Theo quyển Ngũ gia tông phái ký của hòa thượng Hải Tịnh (bản khắc năm 1875) thì lúc Tây chiếm thành Gia Định, hòa thượng Tế Tín Chánh Trực đang lánh nạn tại Sắc tứ Từ Ân và đang bệnh nặng. Biết không thoát khỏi nên vào ngày 20 tháng 7 năm Giáp Thìn (1864), hòa thượng cho triệu tập tăng chúng hai chùa và ủy thác Quốc Ân Khải Tường tự cho hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh, đồng thời cũng ủy thác cho pháp sư Trí Thông (chùa Từ Ân) làm phó trụ trì, Giám quản Quốc Ân Khải Tường tự. Rồi đại lão hòa thượng viên tịch, nước mất nhà tan, tổ ấn bị chôn vùi, sự ủy thác chỉ còn là danh nghĩa.
Theo dòng người di tản, một số đệ tử ngài cầu pháp với tổ đình Sắc tứ Kim Chương, trong số này có Hòa thượng Chơn Thành, pháp danh Thanh Đặng (1847-1919) đời thứ 41 phái Lâm tế. Lúc mất chùa có lẽ ngài còn là một tiểu tăng. Không mang theo được những di vật của Quốc Ân Khải Tường tự, khoảng năm 1862, ngài về tới đình Hội Thọ rồi sau đó dựng chùa Khải Tường ở Cái Thia (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức Đông, H.Cái Bè, Tiền Giang hiện nay) để hoài niệm. Chùa mới, Phật mới, chỉ có cái tên còn lưu giữ, nhưng chẳng được an cư. Năm 1947, Tây đánh vô chợ Cái Thia, chùa Khải Tường phải một lần nữa dời vô vàm rạch Ông Lữ để lánh nạn.
Nằm khiêm nhường bên bờ rạch Ông Lữ, chùa Khải Tường ít người biết đến, ngay cả trong sách Phật giáo Tiền Giang lược sử những ngôi chùa được xuất bản gần đây thống kê 56 tự viện ở Cái Bè cũng không có tên Khải Tường tự. Nhưng có lẽ dòng chảy văn hóa tiếp tục không hề đứt đoạn. Tháng 9.2011, chùa Quốc Ân Khải Tường được phục dựng tại số 18 Đất Mới, xã Long Phước, H.Long Thành, Đồng Nai. Lịch sử ngôi chùa được nhắc lại song cũng còn nhiều điều chưa minh bạch.
Di vật của Thừa thiên Cao hoàng hậu
Hơn 20 tác phẩm tượng tròn bằng chất liệu đất sét, gỗ tạo tác từ đầu thế kỷ 19, trong đó hầu hết được đem từ kinh đô Huế vào. Sau hàng trăm năm lưu lạc vì thời cuộc, di vật của tiền nhân bị mất dần, số còn lại tiếp tục bị hủy hoại bởi bàn tay hậu bối.
Chuyện ở Sắc tứ Kim Chương tự
Bên bờ sông Mỹ Thiện, thuộc ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Trí, H.Cái Bè (Tiền Giang) có một ngôi chùa vừa mới xây dựng rất khang trang theo lối kiến trúc thời thượng của các ngôi chùa được trùng tu gần đây. Bên ngoài trông vào, ít ai nghĩ đây là một tổ đình có gốc tích từ một ngôi chùa nổi tiếng của đất Gia Định xưa: Sắc tứ Kim Chương tự.
Tượng Phật Di đà có niên đại xưa |
Theo lịch sử Phật giáo, chùa Kim Chương do thiền sư Đạt Bản (người Quy Nhơn) vào khai sơn năm Ất Hợi (1755) tại phường Tân Lộc, tổng Bình Trị, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (đến đời Tự Đức đổi thôn Tân Triêm, tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định). Là một danh thắng của vùng đất mới nên chùa được Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát đã ban cho một tấm biển hiệu Sắc tứ Kim Chương tự.
Khi Tây Sơn nổi dậy, chúa Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần và vương tộc chạy vào Nam lánh nạn. Lý Tài phản Tây Sơn, tìm được Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương và mượn chùa Kim Chương làm cung điện tôn phù. Do đó, chùa Kim Chương được chúa Nguyễn sắc tứ lần thứ hai, nhưng đổi hiệu là Sắc tứ Phổ Quang tự. Khoảng năm 1776, Tây Sơn bắt được Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần và Mục vương Nguyễn Phúc Dương. Hai vị chúa này bị giải về Gia Định. Trớ trêu thay, Tây Sơn cũng mượn chùa Kim Cương làm pháp trường kết thúc cuộc đời hai vị chúa này.
Mấy mươi năm sau, khi cuộc nội chiến Nguyễn Ánh -Tây Sơn kết thúc, đất nước trở lại thanh bình, chùa Kim Chương vẫn là một danh lam nổi tiếng như trong Gia Định phú khen ngợi:
“Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám phá Chùa Kim Chương làm tôi Phật, tương dưa muối mặn sãi trường trai”.
Năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (tức bà Tống Thị Lan (1761-1814), vợ cả vua Gia Long) xuất cúng 10.000 quan tiền và đề nghị vua lệnh cho Thần võ Tướng quân Trần Nhân Trung đem lính thợ trùng tu tái thiết Sắc tứ Kim Chương tự. Việc làm này dường như chứa đựng ý nghĩa hoài niệm, nhớ lại thời bà cùng chúa Nguyễn bôn tẩu trước sự truy đuổi của nhà Tây Sơn.
Gia Định Thành thông chí mô tả Sắc tứ Kim Chương tự lúc bấy giờ quy mô đồ sộ: “Trước sau đại hùng bảo điện có đông tây đường, sơn môn, phương trượng, nhà chứa kinh sách, hương viện và nhà ăn chạm trổ, sơn son thếp vàng, trang nghiêm đẹp đẽ. Việc xây dựng hoàn tất, ngôi chùa tiếp tục được vua Gia Long ban cho biển hiệu “Sắc tứ” và đổi tên là Thiên Trường tự”.
Di vật của Cao Hoàng hậu
Năm 1859, quân Pháp tấn công thành Gia Định, chiếm nhiều chùa chiền đền miếu, lập “phòng tuyến chùa ” (lignes des pagodes) để chống lại các cuộc tấn công của quân ta. Theo quyển Ký sự lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1885 thì quân viễn chinh Pháp chiếm chùa Kim Chương làm Sở Nuôi ngựa (tức khu vực chùa Lâm Tế, đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM ngày nay).
Trong cơn binh lửa, tăng chúng chùa Kim Chương đã dỡ toàn bộ ngôi chùa rồi dùng thuyền bè theo đường thủy chuyển về vùng Thiện Trí (Cái Bè, Tiền Giang) và sau đó đổi hiệu là Hội Thọ tự, với ý nghĩa là một ngôi chùa có nhiều cao tăng trường thọ. Theo nhiều người lớn tuổi ở địa phương, trước năm 1945, chùa Hội Thọ được làm bằng gỗ, mái ngói, nền lót gạch tàu, đặc biệt khu vực đại hùng bảo điện vách ván, vừa kín đáo vừa trang nghiêm. Bên ngoài là hành lang rộng rãi, sát hiên có một hàng song kiên cố, khi đóng cửa chỉ lắp song vào ngạch nên rất thoáng mát.
Vào năm 1946, Yết ma Quảng Tục và chư tăng chùa Hội Thọ hưởng ứng lệnh tiêu thổ kháng chiến, đề phòng quân Pháp trở lại tái chiếm, sử dụng chùa làm đồn bốt. Trước khi đốt chùa, các vị đã vào lạy Phật rồi di chuyển toàn bộ tượng thờ, tự khí và pháp khí ra khỏi chùa, rồi dựng tạm một cái am tranh gìn giữ. Tuy nhiên trong lúc vội vã, các loại biển hiệu, hoành phi câu đối... bị bỏ lại, một số văn bản thiền phổ, giới đao điệp của chùa đem chôn giấu, trong đó quý nhất là bản sắc tứ ngự bút của chúa Nguyễn Phúc Khoát ban tặng hồi khai sơn Kim Chương tự. Mấy năm sau, tình hình trở lại yên ổn nhưng nơi chôn giấu không còn ai nhớ và di vật tiền nhân vĩnh viễn bị chôn vùi trong lòng đất.
Mặc dù di chuyển xa hàng trăm cây số và trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt, nhưng chùa Hội Thọ còn giữ được bộ tượng gỗ tạc vào đầu thế kỷ 19 của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu hiến cúng, gồm các tượng Địa tạng, Chuẩn Đề, Thái tử giáng sinh, Già Lam, Đạt Ma, Ngọc đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập điện Minh vương, Phán quan... Đặc biệt, có một pho tượng Phật Di đà bằng đất sét, bên ngoài phủ sơn màu. Đây là bức tượng được tạo hình theo lối dân gian khá đặc biệt: Nụ cười của Phật tương tự như nụ cười của một bà lão miền quê phúc hậu. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng này có thể được tạo tác từ thời khai sơn chùa Kim Chương, tức vào khoảng năm 1755, là di tượng có giá trị lịch sử mỹ thuật thuộc loại quý hiếm cần được bảo tồn.
Bộ tượng gỗ Thập điện Minh vương, di vật còn sót lại của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - ẢNH: H.P |
Thượng tọa trụ trì Thích Lệ Ngộ cho biết, sau năm 1975, người dân địa phương đã cất lại chùa trên nền cũ, đem những bức tượng còn lại vào thờ, nhưng vì không có sư trụ trì nên nhiều bộ tượng, nhất là tượng đồng đã bị mất cắp. Trong khoảng thời gian này, một số tượng của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu hiến cúng cũng bị mất trộm.
Riêng pho tượng Phật Di đà bằng đất sét bị gãy, nên sư phải nhờ người ở TP.HCM xuống sửa lại, nhưng do không am hiểu về mỹ thuật lại thiếu kiểm tra nên họ đã dùng thạch cao và sơn tây trét tô lòe loẹt làm pho tượng không còn nguyên bản như cũ.
Miếu trinh nữ, di tích thời vua Thiệu Trị
Tại xóm Ba Dầu, làng Mỹ Đông cũ, nay thuộc ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên, H.Cai Lậy, Tiền Giang có một di tích xưa, được xây cất từ năm 1846, người dân địa phương gọi là Dinh Cô.
Dinh Cô là cách gọi dân gian của một cái phường (miếu), thờ một cô gái tên Nguyễn Thị Liệu. Trong quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (quyển 2, tr.66), Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909, có ghi:
Nguyễn Thị Liệu, trinh nữ phường/Nguyên xưa nàng ấy bị cường hãm dâm/
Khi đó tuổi chừng mười lăm/Mình không chịu nhục mạng lầm tay gian/
Vua ban cho tấm biển vàng/Lập phường trinh nữ tại làng Mỹ Đông.
Khi đó tuổi chừng mười lăm/Mình không chịu nhục mạng lầm tay gian/
Vua ban cho tấm biển vàng/Lập phường trinh nữ tại làng Mỹ Đông.
Theo sách Đại Nam liệt truyện thì Nguyễn Thị Liệu người thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, là một cô gái xinh đẹp, năm 16 tuổi theo cha qua Kompong Chàm buôn bán. Chẳng may có một cường hào tên Thạch Giao bắt hãm hiếp. Cô không chịu ô nhục nên đã cắn lưỡi tuẫn tiết. Tương truyền sau đó cô hiển linh hóa thành thần dẫn đường và báo mộng cho quan quân nhà Nguyễn đánh thắng nhiều trận dẹp loạn, giữ biên cương.
Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1846), cô Nguyễn Thị Liệu được ban tinh bảng (bảng vàng), trên khắc dòng chữ ca tụng:
Sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ
Thị Liệu quán Định Tường tỉnh, Kiến An phủ, Kiến Đăng huyện, Lợi Mỹ tổng, Mỹ Đông thôn nữ dã; Thủ trinh dĩ tử bất di cường bạo sở ô; Đặc tứ tinh bảng dĩ vi thiên hạ chi trinh dã khuyến.
Thiệu Trị ngũ niên, thập nhị nguyệt, cát nhật.
Thị Liệu quán Định Tường tỉnh, Kiến An phủ, Kiến Đăng huyện, Lợi Mỹ tổng, Mỹ Đông thôn nữ dã; Thủ trinh dĩ tử bất di cường bạo sở ô; Đặc tứ tinh bảng dĩ vi thiên hạ chi trinh dã khuyến.
Thiệu Trị ngũ niên, thập nhị nguyệt, cát nhật.
Tạm dịch:
Sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ
Thị Liệu là gái quê quán thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường; Giữ trinh mà chết không để cho bọn cường bạo làm nhục; Nay đặc biệt ban cho bảng vàng để làm gương trinh liệt khuyến khích trong thiên hạ.
Ngày lành, tháng chạp năm Thiệu Trị thứ V. (*)
Thị Liệu là gái quê quán thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường; Giữ trinh mà chết không để cho bọn cường bạo làm nhục; Nay đặc biệt ban cho bảng vàng để làm gương trinh liệt khuyến khích trong thiên hạ.
Ngày lành, tháng chạp năm Thiệu Trị thứ V. (*)
Sau đó, triều đình còn sai Công bộ trích 10 lạng bạc và đem gạch vào xây dựng một cái phường treo tấm bảng vàng, ngoài cửa có đặt câu đối ca ngợi:
Thánh đức bao tinh dụng thị tiết liệt khả khuyến/Tiên hương cảm phát, bất vi cường bạo sở ô. (Thánh đức ban bảng vàng, làm gương tiết liệt khuyến khích/Tánh trời sớm cảm phát, nhục nhơ không để người làm).
Bảng vàng sắc tứ Nguyễn Thị Trinh Nữ |
Bên trong gian thờ - Ảnh: H.P |
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập 7, NXB Thuận Hóa, Huế 1993), quy chế của phường là “một ngôi nhà có lòng căn 4 thước 5 tấc (đơn vị đo thời Nguyễn 1 thước dài 0,705 mét), đều dùng gỗ và gạch. Ở khoảng giữa trên sóng nóc nhà làm hình vòm tròn đỏ như ngọn lửa bốc lên, chỗ góc nhà đều làm hình con cù giao, vách gạch ở tả hữu đều đắp vẽ đàng hoàng. Hoành phi cao 1 thước 7 tấc, phía trên khắc hai chữ Sắc tứ...”. Theo lời kể của các bô lão ở địa phương, phường Trinh nữ ở đây gần giống với quy chế mô tả nhưng đặc biệt trong vách hậu ngoài hình vòm tròn tượng trưng cho mặt trời, hai bên còn có cặp phụng vẽ rất đẹp ôm lấy vòm tròn, bên dưới đặt một cái ghế thờ.
Năm 1904, cơn bão năm Thìn làm sập ngôi miếu, người dân địa phương góp công góp của sửa lại nguyên trạng. Mấy năm sau, Nguyễn Liên Phong qua đây còn nhắc: Thiện nam tín nữ bổn hương/Y theo sửa lại tỏ tường như xưa. (Theo Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca).
Đến năm 1930, trong tài liệu khảo cứu địa chí của người Pháp cũng còn ghi chú “Ở đền thờ này người ta thấy có khắc chữ Nguyễn Thị Trinh Nữ hiền đức Thiệu Trị ngũ niên (Theo Monographie de la province de Mytho 1930)”.
Giá trị ngôi miếu không phải ở chỗ quy mô hoành tráng hay những đồ tự khí quý báu mà nó là dấu ấn lịch sử văn hóa của cha ông. Việc ban tặng bảng vàng và xây dựng ngôi miếu ở đầu làng là nhằm xiển dương giá trị đạo đức cho người đời noi theo. Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) vua đã ban dụ khuyến khích tôi trung, con hiếu, gái tiết, trai nghĩa, nhấn mạnh “Từ xưa nêu cao người hiếu, biểu tượng người liêm là để rèn tục dân, sáng tỏ giáo hóa”. Cho nên người đời sau, khi ngang qua miếu Trinh nữ làng Mỹ Đông cũng đã làm nhiều bài thơ ca ngợi: Vi sanh tiên sỉ, kế vi manh/Bất ngữ tầm thường, liệt nữ trinh/Vị bạo sở ô kỳ vãn tiết/Sương tàn hà khẳng khứ xuân thanh/Hồn quy thiên thượng càn khôn lão/Phách lạc sa trường thảo mộc linh/Cảm phát thiên lương, Hoàng thượng phổ/Thệ chơn thiên cổ nguyệt thu minh. (Trinh nữ phường hoài cảm - khuyết danh)
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi miếu đã bị người đời sau làm mất dấu tích xưa.
Vào năm 2008, xã Long Tiên tiến hành đắp đê, bê tông hóa con đường ngang qua miếu. Bấy giờ dân địa phương tổ chức dời ngôi miếu đã đập phá toàn bộ kiến trúc cũ. Số gạch có chữ giáp, chữ đinh xây dựng thời vua Thiệu Trị bị vùi chôn xuống nền. Bên cạnh, người ta còn đưa vào đây những tác phẩm như “cửu phẩm liên hoa” làm bình phong cùng hoành phi “Phật quang phổ chiếu” mang nội dung Phật giáo và một số vật dụng quần áo thuộc tín ngưỡng thờ Bà Chúa xứ vào thờ, khiến ngôi miếu trở thành một trú sở hỗn hợp các dòng tín ngưỡng và tôn giáo.
Thật ra việc trùng tu phục chế di tích này không khó, bởi quy mô ngôi miếu khá nhỏ, đồng thời hình ảnh và quy chế trang trí cũng còn được lưu giữ. Vấn đề ở chỗ ai sẽ chịu trách nhiệm bảo tồn di tích của tiền nhân. Và quan trọng hơn là kế thừa và phát huy truyền thống “trung, hiếu, tiết, nghĩa” như cha ông ta từng làm.
Giai thoại quanh mộ ông Tang
Ở xã Thanh Hòa (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có một con rạch mang tên rạch Ông Tang. Theo tài liệu lịch sử địa phương, ông Tang tên thật Lê Phước Tang, là một nhân vật gắn với nhiều huyền thoại trong vùng.
Ông Tang nguyên là cai quản đồn điền, dẫn đoàn người từ miền ngoài vào Nam khai hoang lập nghiệp, lập nên làng Hòa Thuận (nay thuộc xã Long Khánh, H.Cai Lậy). Nhờ chí thú làm ăn, chẳng bao lâu ông trở thành người giàu có.
Mặc triều phục... đi ruộng
Giai thoại dân gian kể rằng lúc chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi đã chạy đến vùng này. Sau một ngày chịu đói khát, nhờ mấy cụ già chỉ bảo, đoàn người đã tìm đến nhà ông Lê Phước Tang và lưu lại đây mấy hôm. Trước khi giã từ, Nguyễn Ánh đem một số hành lý gửi lại nhà ông Tang. Ngoài ra, ông Tang còn cống hiến một số tiền lớn cho chúa. Hành động hào hiệp của chủ nhà làm chúa Nguyễn Ánh cảm động, phong cho ông Tang làm Khâm sai Cai cơ.
Ngôi mộ ông Tang bị rêu phong, cỏ lấp - Ảnh: H.P |
Một thời gian sau, hai người con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi là cậu Gương, cậu Sen) tò mò mở gói hành lý của Nguyễn Ánh gửi lại ra xem. Thấy trong số đồ đạc có bộ triều phục đẹp mắt, hai cậu công tử bèn mượn tạm để mặc đi... coi ruộng! Những người làm thuê thấy vậy khuyên can: “Hai cậu không nên vô lễ với người trên. Biết đâu sau này ngài phục quốc thì tội hai cậu không nhỏ”. Gương và Sen khinh khỉnh trả lời: “Thằng Nguyễn Ánh dở ẹc. Chừng nào con c. lỏ lợi da thì nó mới phục nghiệp được”. Khi ông Tang mất, hai người con lại lấy bộ triều phục khâm liệm cho cha.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, gửi chiếu chỉ tìm Lê Phước Tang để đền ơn, nhưng vợ chồng ông đã qua đời. Lúc bấy giờ trong làng có người thù oán bèn dâng sớ tố cáo “hành động khi quân” của hai cậu con trai Gương và Sen. Vua Gia Long tức giận ra lệnh tru di tam tộc và tịch thu toàn bộ gia sản của gia đình họ Lê. Chẳng những thế, vì sanh con mà không biết dạy nên Lê Phước Tang còn bị tội đánh roi và xiềng mộ. Ngoài ra, nhà vua lại cho trồng cây thị trước mộ ngụ ý khinh khi miệt thị.
Hiện nay, trong ngọn rạch Ông Tang ở ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, còn khu mộ của vợ chồng Lê Phước Tang. Khu mộ rộng khoảng 200 m2, chôn theo nguyên tắc nam tả nữ hữu, quynh thành bao quanh và bốn trụ hình búp sen (hiện đã gãy mất hai trụ) cùng bình phong hậu và bình phong tiền. Đặc biệt, cạnh khu mộ còn một cây thị cổ thụ. Theo một số bô lão ở địa phương, có lẽ đây là cây thị còn sót lại trong số cây trồng làm hàng rào bao quanh khu mộ. Cây thị có tuổi thọ hàng trăm năm này hiện nay còn rất hiếm ở đất Nam bộ. Gần đây có tin một số “kiểng tặc” đã tới dòm ngó, song không dám bứng vì nó quá to, đồng thời gốc rễ ăn sâu vào trong quynh thành.
Cây thị hơn 200 năm tuổi bên mộ ông Tang - Ảnh: H.P |
Giai thoại xiềng mả
Hai ngôi mộ ông và bà Lê Phước Tang được xây bằng chất liệu vôi và ô dước theo hình lá sen úp. Những đường gân lá sen trải qua hàng trăm năm vẫn còn hằn rất rõ nên có người tưởng tượng là dây xích mộ.
Theo chữ khắc trên bia mộ thì ông Tang mất vào tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức năm 1779, nhưng rất tiếc phần năm sinh đã bị sứt mẻ, không đọc được. Hai người con đứng ra lập mộ cha là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ “lão tiên sanh”, ắt hẳn ông Tang mất khi tuổi đã cao. Nếu vậy, so sánh thời điểm năm ông Tang mất thì lúc đó Nguyễn Phúc Ánh chưa lên ngôi thì lấy đâu ra triều phục?
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì dòng họ Lê Phước là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn Ánh, vì vậy việc ông ghé nhà ông Tang lúc bôn tẩu rất có thể xảy ra. Còn Khâm sai Cai cơ là chức vụ “đặc tấn”. Riêng việc ông Tang bị tội có thể là do hai người con trai về sau thân Tây Sơn. Năm 1785, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã làm chủ nhiều làng dọc theo sông Ba Rài, nên có thể hai ông này đã hỗ trợ hoặc cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn. Đến năm Đinh Mùi (1788), quân của chúa Nguyễn trở lại đánh đuổi quân của Ngự úy nhà Tây Sơn đóng tại vàm Ba Rài, ra lệnh cho Tiền quân Tôn Thất Hội đắp đồn Mỹ Trang và Thanh Sơn (nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy).
Như vậy, việc làm của hai người con ông Tang đối với chúa Nguyễn Ánh là hành động “bất trung”. Vì thế nên ông Tang bị vua Gia Long kết tội “dưỡng bất giáo”, ra lệnh xiềng mả và tịch thu ruộng đất cấp lại cho con cháu Tiền quân Tôn Thất Hội. Số ruộng đất này theo thống kê trong Địa bạ Minh Mạng năm 1836 có tới 125 mẫu. Dân gian gọi là “đồng quan”. Đến đời vua Tự Đức, “đồng quan” được giao khoán cho một người có thế lực là ông Trâu Văn Điền coi sóc, lập kho chứa lúa thuế tạm trữ, trước khi chuyển về Huế. Ở gần vàm rạch Ông Tang còn địa danh Bến Kho và xa hơn một chút về phía nam có con rạch mang tên Bầu Điền.
Chắc chắn hai người con trai của ông Tang bị tội vì đã theo Tây Sơn, song dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, hằng năm con cháu khắp nơi vẫn về tảo mộ. Tuy nhiên, giai thoại dân gian đã lấn át sự thật lịch sử nên vào năm 1985, có người tin rằng áo mão tư trang của vua Gia Long ắt hẳn nằm trong mộ, nên đã lén đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên kẻ trộm phải đào hầm ngầm xuyên phía bên hông để tìm moi quan tài. Nhưng kẻ trộm đã thất vọng vì ngoài hài cốt đã hóa thành bùn đất, tài sản trong mộ chỉ là một chiếc ống ngoáy bằng đồng và một chiếc lược sừng dành cho nam giới thời xưa.
Mộ ông Lê Phước Tang là một ngôi mộ cổ, gắn với lịch sử thời khai hoang lập làng vùng Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung, song hiện thời đã trở thành phế tích. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần lưu ý đưa vào danh sách bảo vệ chứng tích của tiền nhân.
Huyền thoại về chiếc đại hồng chung
Nhiều truyền thuyết về vua Gia Long - Nguyễn Ánh thực hư khó biết, nhưng có những câu chuyện mang tính ngẫu nhiên có thể giải thích được, như chuyện cá sấu cản đường, rái cá nâng thuyền...
Riêng chuyện đại hồng chung chùa Sắc tứ Linh Thứu giúp ông trốn sự truy đuổi của Tây Sơn vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Biển Sắc tứ Linh Thứu tự - Ảnh: Hoàng Phương |
Ngôi chùa 3 lần được sắc tứ
Sắc tứ Linh Thứu nguyên thủy là ngôi chùa mục đồng nằm giữa khu rừng hoang thuộc làng Tân Thạnh Trung, nay thuộc ấp Chợ, xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, Tiền Giang.
Vào khoảng giữa thế kỷ 18, vị tiểu tăng Nguyễn Phước Chánh (? -1816) đến trụ trì, về sau trở thành hòa thượng pháp hiệu Nguyệt Hiện, pháp danh Thiệt Thanh. Lúc này ngôi chùa có tên là Long Nguyên tự. Nhà sư Nguyễn Phước Chánh vốn thuộc dòng dõi chúa Nguyễn, vì vậy năm Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi đã ghé lại chùa tá túc. Tương truyền chúa Nguyễn ở được ít hôm nhưng do sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn nên nhà sư tìm cách đưa chúa đến trú ngụ ở chùa Quang Long (ngôi chùa này cũng được ngự tứ, hiện nay tọa lạc ở xã Tam Bình, H.Cai Lậy, Tiền Giang).
Nhờ công trạng đó nên vào năm Gia Long thứ 11 (1812), hòa thượng Nguyệt Hiện được phong Tăng Cang, chùa Long Nguyên được “sắc tứ” và đổi tên là Sắc tứ Long Tuyền tự, vua còn cấp cho 10 dân phu chăm sóc quét dọn chùa. Khi hòa thượng viên tịch, triều đình ban thụy hiệu là “Mẫn Huệ hòa thượng”.
Sau đó, hòa thượng Từ Lâm kế thế trụ trì. Năm 1830, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Minh Mạng, triều đình triệu Từ Lâm về kinh đô Huế để tụng kinh chúc thọ. Sau khi lễ nghi hoàn tất, Bộ Lễ tổ chức sát hạch, hòa thượng Từ Lâm và 50 cao tăng trúng tuyển được cấp “giới đao độ điệp” (tức dao cạo tóc và tờ điệp chứng nhận). Dịp này, triều đình đổi hiệu “Sắc tứ Long Tuyền tự” thành “Sắc tứ Linh Thứu tự”.
Khoảng năm 1890, Sắc tứ Linh Thứu tự được hòa thượng Trà Chánh Hậu trùng tu khá quy mô. Đến đời Bảo Đại, chùa Linh Thứu được sắc tứ lần thứ ba.
Huyền thoại về chiếc đại hồng chung
Sắc tứ Linh Thứu tự là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở vùng Tiền Giang, nhưng có lẽ chùa nổi tiếng là nhờ huyền thoại về chiếc đại hồng chung. Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1936 ghi lại huyền thoại này như sau: “Tại làng Thạnh Phú, cách Mỹ Tho 7 km, có một kỷ niệm lạ kỳ thời ông tẩu quốc. Tại đó có một ngôi chùa rất cổ được phong sắc tứ. Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi, chạy trốn vào Nam kỳ, ông đã trốn ở nhiều tỉnh để khỏi bị bắt và đến ngôi chùa này. Hòa thượng Dung, trụ trì ngôi chùa, một mình lật đại hồng chung để giấu kín vua vào bên trong. Đội quân Tây Sơn đến ngay lúc ấy cũng không ngờ sự có mặt của nhà vua. Bởi vì mạng nhện giăng đầy xung quanh chùa làm quân lính tưởng rằng không người nào vào nơi tôn nghiêm này. Sau khi quân Tây Sơn đi rồi, hòa thượng Dung mời nhà vua ra khỏi chuông và lấy ghe chài hộ tống vua đưa qua Long Hồ (Vĩnh Long). Khi Gia Long lên ngôi, ông cấp cho chùa này tấm biển bằng gỗ quý có khắc chữ Long Tuyền tự để tỏ lòng tri ngộ” (1). Câu chuyện đặc biệt này các tài liệu lịch sử chùa chiền ở Nam bộ trước đó chưa thấy đề cập.
Chiếc đại hồng chung - Ảnh: Hoàng Phương |
Lần theo câu chuyện, có tài liệu cho rằng vào năm 1929, chùa Linh Thứu có một nhà sư đam mê nghề làm báo rồi thiếu nợ bèn đem… đại hồng chung qua Bến Tre bán. Sau đó bị dư luận phản đối nên tìm cách chuộc về, trùng dịp vua Bảo Đại sắc tứ chùa lần thứ ba, ông lập giới đàn lên làm hòa thượng, trong lúc cao hứng đã tạo ra giai thoại chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong đại hồng chung kể cho mọi người nghe. Và huyền thoại ấy được những người tham dự lưu truyền rồi ghi vào tài liệu.
Chiếc đại hồng chung hiện còn lưu giữ tại chùa. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, chuông này được đúc vào năm 1805. Trên thân chuông còn khắc dòng chữ “Thiên vận Ất Sửu niên (năm 1805), tứ nguyệt cát tạo; Long Nguyên tự bổn đạo chú tạo hồng chung”. Điều đó chứng tỏ, chuông được đúc trước khi chùa đổi tên thành Long Tuyền, đồng thời sau khi vua Gia Long lên ngôi đến 3 năm. Do vậy, giai thoại nói chúa Nguyễn Ánh từng trốn trong chuông như đã mô tả trong nhiều tài liệu từ năm 1936 đến nay hoàn toàn phi lý. Hơn nữa, quả chuông quá nhỏ, không thể chứa được một thanh niên cỡ chúa Nguyễn lúc bôn tẩu được.
Ngoài ra, người ta còn thấy trên chuông có một dòng chữ khác “Gia Long thập nhất niên tặng phong Sắc tứ Linh Thứu tự”. Theo các bô lão, đây là dòng chữ do hội tề làng Thạnh Phú khắc thêm vào lúc chuộc được quả chuông từ Bến Tre đem về. Có lẽ hội tề làng xưa cũng không rành lịch sử ngôi chùa, bởi vào năm Gia Long thứ 11, chùa Sắc tứ Linh Thứu vừa mới được đổi tên từ Long Nguyên tự thành Sắc tứ Long Tuyền tự.
Ở đất Nam bộ, các huyền thoại, giai thoại về chúa Nguyễn Ánh trong thời gian bị Tây Sơn truy đuổi khá nhiều. Từ những chuyện khá bình dân như chúa Nguyễn Ánh ăn trái bần chua với mắm sống rồi đặt tên cho cây bần là thủy liễu, đến những chuyện ly kỳ như chuyện cá sấu đỡ trâu, cứu ông thoát hay kỳ đà lội qua sông chặn đường... Trong đó, có nhiều chuyện được tập hợp trong bộ tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử xuất bản hồi năm 1930. Các huyền thoại Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn Tây Sơn ở các chùa cũng không ít, như chùa Trường Thọ, chùa Long Huê (ở Gò Vấp, TP.HCM), chùa Thiên Tôn (Lái Thiêu, Bình Dương) hay xa hơn là chùa Sắc tứ Tam Bảo (Rạch Giá, Kiên Giang).
Lịch sử đẻ ra huyền thoại, nhưng huyền thoại không phải là lịch sử. Điều này những người viết sử nên cẩn trọng kẻo làm “nhiễu sóng” các thế hệ mai sau.
Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)