*TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG
Quan
niệm Á đông, cổng điện vua chúa thì ngó về hướng nam (ngọ môn) có 5 cửa, theo
câu “chính nhân cư nam diện nhi thính thiên hạ”. Đền
thờ thần thánh thì có hai cửa (nhị quan) vì còn “chấp hữu chấp vô”. Đặc biệt
cổng chùa phải có 3 cửa (tam quan) hàm chứa triết lý sâu xa: Tam giải thoát môn
(không môn, vô tướng môn, vô tác môn). Do đó dân gian thường gọi chùa chiền là
chốn không môn, tức nói cửa chính trong “tam giải thoát môn”. Điều này từ điển
Phật học có giải thích rõ.
*Tượng bị chú thích sai
Trong lịch sử, Nam bộ là
vùng đất rộng, người thưa, nên lúc đầu xây chùa ít ai nghĩ đến
việc xây cổng hay làm hàng rào. Hơn nữa đối với quan niệm Thiền tông thì “Tịnh
độ hà tu hảo; Không môn bất dụng quan”. Cho nên trong lịch sử kiến trúc Phật
giáo Nam bộ thì cổng chùa được xây dựng khá lâu sau khi có ngôi chùa. Chùa Vĩnh
Tràng khởi công xây dựng từ năm 1849, nhưng mãi đến năm 1930 mới tiến hành xây
cổng chùa.
Cổng
và hàng rào chùa Vĩnh Tràng do hai vị cư sĩ Huỳnh Trí Phú và Lý Văn Quang hiến
cúng, thời Hòa thượng An Lạc (thế danh Lê Ngọc Xuyên) làm trụ trì. Lúc bấy giờ
các công trình sư cũng rất đắn đo nên xây dựng tam quan hay nhị quan vì bấy giờ
quan niệm phong thủy ảnh hưởng khá mạnh. Sau khi tham khảo cổng chùa Hội Khánh
(Thủ Dầu Một), các vị đã quyết định xây tam quan nhưng vẫn giữ yếu tố nhị quan,
theo đó cổng giữa chỉ dùng để rước Phật và các vị tăng ni tài đức.
*Cổng chùa trước đây có 2 cây sao... |
*Cổng chùa bây giờ chỉ còn một cây sao. |
Bấy
giờ người con rể của ông Lý Văn Quang là nhà điêu khắc Nguyễn Phi Hoanh du học
ngành mỹ thuật ở Pháp về. Ông Hoanh đề nghị rước thợ Huế vào thực hiện công trình đồng thời đúc hai pho tượng Hòa thượng Chánh Hậu và
Hòa thượng An Lạc đặt trên hai cổng phụ. Ông Hoanh còn đúc thêm hai tượng đứng
hầu hai bên bàn Phật tại chánh điện. Sau năm 1945, ông Hoanh vào bưng
biền kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Giới mỹ thuật vẫn xem ông là bậc thầy của
ngành điêu khắc. Các tác phẩm của ông để lại ở chùa Vĩnh Tràng và chùa Giác Hải
(Chợ Lớn) đều là những tác phẩm quí báu – kể cả bức tượng bán thân của cha vợ
mình là ông Lý Văn Quang. Bức tượng này bị sứt mũi và đã được sửa lại hiện đặt phía sau chùa Vĩnh Tràng, nhưng bị chú thích sai
là tượng của Tri huyện Bùi Công Đạt. Nói thêm, bức tượng bán thân này được tạo
tác theo mỹ thuật phương Tây, còn thời ông Bùi Công Đạt (mất năm 1849) thì chưa
có kỹ thuật làm tượng và ảnh chân dung.
*Về 2 pho tượng ở cổng chùa
Hòa thượng An Lạc (thế danh Lê
Ngọc Xuyên) là một cao tăng. Năm 1934 ông cùng Hòa thượng Từ Phong ở chùa Giác
Hải và các vị cao tăng khác về miền Tây lập Lưỡng Xuyên Phật học hội, đặt trụ
sở tại Long Phước (Trà Vinh), xuất bản tờ Duy Tâm, mở Thích học đường đào tạo
tăng tài. Hòa thượng An Lạc đảm nhiệm “Minh Đàn” trong thời gian ngắn. Lúc này
ở Mỹ Tho và Nam bộ có nhiều hòa thượng “Minh Đàn” chứ không chỉ có Hòa thượng
An Lạc. Tuy nhiên, trong cuộc chấn hưng Phật giáo của ngài và các vị cao tăng
đã tạo nên sự đố kỵ trong nội bộ, bởi trong hội có một số người thân chính
quyền thực dân. Hai câu ca dao châm biếm việc đặt pho tượng ngài ở cổng chùa Vĩnh Tràng là xuất phát từ trong nội bộ, chứ sự thật thế gian ít ai biết ngài có biệt hiệu là Minh Đàn. Điều đó được khẳng định thêm bởi
bia mộ tháp của ngài và hoành phi câu đối trong chùa không ghi hai chữ ấy.
Nhưng lúc bấy giờ Hòa thượng An Lạc (tức Minh Đàn) cũng đã “tự thấy” cần phải xử
lý êm thắm nên đã đem hai pho tượng gắn trên cổng xuống. Sau khi ngài viên tịch
khá lâu, khoảng năm 1956, trong ngày lễ Phật đản rằm tháng Tư, nhà
chùa đã tổ chức đưa hai pho tượng trở lại vị trí cũ. Những người lớn tuổi ở Mỹ
Tho vẫn còn nhớ hôm đó có chiếc xe hoa rước tượng Phật đản sanh đi vòng châu thành
Mỹ Tho về đậu ở cổng giữa chùa Vĩnh Tràng.
*Thêm một cây sao vừa bị đốn hạ... |
*Và bức tượng này được thêm tóc... |
Tuy nhiên, trong quá trình tôn tạo, không hiểu sao chùa Vĩnh Tràng không còn cổng
giữa, nhưng nguyên tắc chùa thì không thể làm cổng nhị quan được, điều đó các
nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo và Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang nên
lưu ý. Ngoài
ra, việc Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang đưa hai pho
tượng Phật Di đà lên cổng thì vướng hai vấn đề quan trọng:
Thứ
nhất, các câu đối viết hai bên cổng có nội dung ca ngợi và khoán thủ 4 chữ Chánh Hậu
Hòa Thượng:
Chánh giác thân tiền nhứt chúng sinh
Hậu tâm tinh ích khoáng cầu tinh.
Hòa hàng dĩ đạt ba la mật
Thượng phổ từ bi đối nguyện minh
Và
câu thứ hai khoán thủ xuyên tâm 6 chữ An
Lạc Hoà thượng Vĩnh Trường:
An tâm hòa bỉnh công tâm, tự tổ thiệu tông tăng Vĩnh hựu
Lạc đạo thượng hành chơn đạo, độ sinh tế chúng ích Trường lưu.
Mặt khác, các hoa văn họa tiết ở hai cổng đều mang màu sắc dân gian thế tục như
“ngao sò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”, hay các con “thú lạ” theo văn hóa Tây
phương… Nếu ta đặt tượng Phật đứng trên đó thì giải thích như thế
nào với du khách mà trong đó có những người hiểu biết chữ nghĩa, điển tích,
người nước ngoài đến tham quan nghiên cứu…
Thứ
hai, nếu chấp nhận để hai tượng Phật ở hai cổng thì nhà chùa nên sửa lại câu đối và phá bỏ hoa văn họa tiết không phù hợp. Nhưng điều này bất khả thi vì sẽ phạm luật bảo tồn di sản.
Riêng về các pho tượng Hòa thượng
Trà Chánh Hậu, Hòa thượng An Lạc hoặc tượng bán thân của ông Lý Văn Quang thì
nên để màu trắng nguyên bản, nếu có sứt mẻ thì sửa sang đắp lại. Có như vậy
chúng ta mới “trân tàng”, bảo vệ một cách có hiệu quả tài sản văn hóa của địa
phương cũng như di sản văn hóa Phật giáo ở Nam bộ.