Quần jeans bụi, chân
mang dép kẹp, áo bỏ ngoài quần. Xài 2 điện thoại di động nhưng không cái nào tới
giá… một triệu đồng. Nhưng với công việc thì ông có thể nói suốt 2 tiếng đồng hồ
và dẫn chứng từng con số mà không cần sổ sách. Đó là phong cách của ông Dương
Ngọc Minh mà dân miền Tây quen gọi là “vua” cá tra!
*Bước ngoặc thời bao cấp…
Năm 1978, mới 22
tuổi chàng TNXP Dương Ngọc Minh từ Q.6, TP.HCM được điều về Nông trường Duyên Hải
nhận chức chỉ huy phó phụ trách kinh doanh. Trong giai đoạn kinh tế hết sức khó
khăn vì bị cấm vận vào những năm 1980, thì Duyên Hải là nông trường quốc doanh
hạch toán lấy thu bù chi, nhờ dám áp dụng mô hình hợp tác với nông dân. Ông
Minh kể: “Trong 1.000 ha đất được giao thì tới phân nửa là kênh rạch và phần lớn
đã được người dân tứ xứ tới đây đắp đập bắt tôm, cá. Bấy giờ tôi nghĩ nếu thu hồi
đất thì dân lấy gì để sống, trong khi mình cũng không có tay nghề. Vậy là chúng
tôi đưa lực lượng TNXP tới đắp đập, bà con nông dân thì làm kỹ thuật rồi cùng ăn
chia: nông trường 7, dân 3”.
Nhờ áp dụng mô
hình này mà Duyên Hải trở thành đơn vị tiên phong trong nuôi trồng thủy sản, đồng
thời cũng là một nguồn cung ứng tôm xuất khẩu cho Xí nghiệp Cầu Tre. Do vậy,
Nông trường Duyên Hải được phép thành lập một phân xưởng chế biến thủy sản xuất
khẩu tại TP.HCM và từ năm 1987 chuyển thành Công ty chế biến xuất khẩu Hùng
Vương (tại số 139 Hùng Vương, Q.6) do ông Minh làm giám đốc. Đây cũng là một bước
ngoặc lớn trong cuộc đời ông.
Thời điểm đó Hùng
Vương là một trong 10 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp với kim ngạch hơn
30 triệu USD/năm. Ông Minh nhớ lại: “Từ khi thành lập đến ngày gặp nạn, hoạt động
của công ty hoàn toàn dựa vào vốn vay và từ nguồn ứng trước của khách hàng. Trong
giai đoạn bị cấm vận, chúng tôi đã góp phần phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp
TP.HCM khi mỗi năm nhập về trên 20 triệu USD sợi và nhựa phục vụ cho ngành dệt,
sản xuất bao bì và các sản phẩm gia dụng. Nhưng cứ mỗi USD nhập hàng thì Hùng
Vương phải chịu lỗ trên 2.000đ, do phải thanh toán theo tỉ giá nhà nước quy định,
mà tỉ giá quy định thì luôn chênh lệch với giá thị trường chợ đen”.
Không chỉ nhập nguyên liệu sản xuất, Hùng
Vương còn nhập trên 10 tấn vàng cho Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM và Công ty
Vàng bạc đá quý Q.6 mà thời đó xem như là “nhiệm vụ chính trị” phải làm. Nhưng bấy
giờ lạm phát phi mã. Khi nhập hàng về, thu được tiền thì giá USD đã biến động. Ông
Minh nhớ lại, có thời điểm khi giao hàng, công ty chỉ được hạch toán theo tỉ giá
5.000đ/1 USD trong khì giá thị trường chợ đen đến 11.000đ/1 USD. Mặt khác, vì
không được cấp vốn nên khi xây dựng nhà máy, Hùng Vương phải nhập thiết bị trả
chậm theo tỉ giá 1 USD đổi 230 yen Nhật. Ba năm sau, khi đồng yen có giá trở lại
thì 1 USD chỉ đổi được 150 yen. Giá trị tài sản của Hùng Vương vì vậy bị đội
lên cùng với công nợ nhập thiết bị trả chậm.
“Ngày xưa, mỗi tấn hàng xuất đi thì được đại
lý tàu biển cho 50 USD hoặc một container thì 500 USD, gọi là tiền hoa hồng.
Thay vì bỏ túi riêng thì chẳng ai biết được, tôi lại chủ trương thu về cho đơn
vị để sử dụng vào việc chi thưởng cho công nhân. Chính điều này mà tôi bị vướng
vào tội lập quỹ trái phép nên nhiều người cho rằng tôi là thằng ngu nhất”, ông
Minh nói.
*300 triệu tiền mượn
“Phải chịu án 10 năm, nhưng 6 năm thì được tha
trước hạn. Khi ra tù, có nhiều người quen kêu về phụ việc nhưng tôi từ chối và
quyết tâm trở lại nghề cũ. Nhưng lúc đó chỉ có hai bàn tay trắng, không có chiếc
xe gắn máy để đi. Một nhân viên cũ đã cho tôi mượn chiếc xe Dream để làm phương
tiện đi lại”, ông Minh tâm sự.
Đầu tiên ông quyết
định thuê kho lạnh để cho thuê lại, với giá 100 triệu đồng/tháng và phải ký quỹ
3 tháng. Nhưng vừa mới ra tù tìm đâu ra được 300 triệu đồng? Giữa lúc bế tắc
thì có một khách hàng cũ (chủ tòa nhà Sun Wah đường Nguyễn Huệ bây giờ) sẵn
sàng cho mượn 150 triệu đồng. Rồi một hôm tới nhà ông Võ Trần Chí (cựu Bí thư
Thành ủy TP.HCM) chơi, ông Chí hỏi: “Mày về giờ làm gì?” Ông Minh trả lời: “Con
định làm kho nhưng không có tiền”. Ngồi uống trà, lặng thinh không nói gì. Lát
sau ông Chí kêu vợ lên hỏi 2 sổ tiết kiệm của ông và bà còn được bao nhiêu tiền?
Bà Chí đem ra 2 sổ tiết kiệm tổng cộng hơn 98 triệu đồng. Ông Chí kêu vợ đi rút
hết “đưa cho thằng này mượn, có lẽ nó không làm mất tiền của bà đâu”.
Có kho lạnh
trong tay thì tháng đầu tiên lỗ mất 50 triệu đồng vì chẳng có ai thuê lại.
Nhưng đúng vào thời điểm đó thì Mỹ công bố thuế chống phá giá đối với cá tra
khiến hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản đều bị kẹt kho. Thế là 1.800 tấn
kho lạnh của ông hoạt động hết công suất. Ông Minh nhớ lại: “Khi tôi thu được
tiền kho thì nhiều người lại điêu đứng vì không bán hàng được nên tôi thấy ái
ngại. Bấy giờ cá tra phi lê bán ra chợ chỉ còn 6.000đ/kg. Dự đoán rằng khó khăn
chỉ là nhất thời nên tôi quyết định mua lại với giá 7.000đ/kg. Đây là lối thoát
cho các doanh nghiệp, bởi vì nếu họ cứ gửi cá, trả tiền kho rồi đem bán đổ bán tháo
thì càng lỗ nặng. Giờ bán cho tôi cao hơn giá chợ mà không phải mất tiền thuê
kho. Từ quyết định táo bạo này, 6 tháng sau tôi bán ngược lại cho chủ cũ với
giá 30.000đ/kg trong khi giá thị trường là 40.000đ/kg. Như vậy họ lời được
10.000d/kg, còn tôi thì lời gấp 5 lần”.
Có thời điểm cá
ngừ tại cảng chỉ 5.000đ/kg, nhưng khi hết mùa vụ thì giá tăng gấp đôi. Thế là
ông quyết định trữ hàng. Nhờ vậy mà từ 300 triệu đồng mượn ban đầu, năm 2003 ông
tích lũy được 6 tỉ đồng. Lúc này KCN Mỹ Tho (Tiền Giang) mới mở, ông quyết định
xây nhà máy chế biến cá ngừ. Nhưng khi nhà máy xây xong thì cá ngừ bị thất mùa.
Thế là ông bỏ cá ngừ, chuyển sang chế biến, xuất khẩu cá tra. “Sự thành công của
Hùng Vương đến hôm nay là nhờ đã chọn đúng điểm rơi và thái độ quyết đoán, dám
thay đổi. Ví dụ khi bắt đầu làm cá tra, tôi phát hiện cá nuôi trong ao giá rẻ
hơn nuôi bè, tỉ lệ thành phẩm cao hơn, chất lượng tốt hơn, nên quyết định đầu
tư, mở rộng vùng cá nuôi ao và đã thành công, mặc dù lúc đó nhiều người không đồng
tình”, ông Minh chia sẻ.
*Vua cá tra xuất khẩu
Cổ phần hóa vào
năm 2007, hiện tổng vốn của Hùng Vương đạt trên 3.000 tỉ đồng và đang sử dụng
hơn 16.000 lao động tại 8 nhà máy với công suất 400 ngàn tấn cá nguyên liệu/năm,
dự kiến năm 2013 sẽ tăng lên 20.000 lao động.
Năm 2011, tổng
doanh thu của Hùng Vương đạt 7.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỉ đồng,
giá trị xuất khẩu đạt 232 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2012 doanh thu đã đạt trên
6.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 190 triệu USD và dự kiến cả năm đạt 250
triệu USD. Hiện ông Minh đang nắm giữ gần 36% cổ phần của Hùng Vương, tương
đương hơn 800 tỉ đồng, là người giàu thứ 2 trong ngành thủy sản. Năm 2011 ông được
chia lãi 42 tỉ đồng và năm 2012 được 47 tỉ đồng. Số tiền này ông Minh sử dụng
vào 2 việc: tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu Hùng Vương và dùng khoảng 20% để thưởng
cho cán bộ, nhân viên giỏi.
Năm 2009, Hùng
Vương mua cổ phiếu của Agifish An Giang. Năm 2010 mua Faquimex Bến Tre, 2011 sáp
nhập Nhà máy thức ăn Việt Thắng và năm nay sẽ tiếp vốn cho FMC Sóc Trăng, Tắc
Vân Cà Mau… Theo ông Minh thì đó không phải là thâu tóm: “Chúng tôi quyết định đầu
tư thẳng vào công ty, nơi đã có sẵn cơ sở vật chất và con người. Vấn đề là thay
đổi cách nhìn và cách làm. Như trường hợp Agifish, từ 2003 đến 2009 lợi nhuận
chưa bao giờ vượt quá 15 tỉ đồng/năm. Nhưng từ khi chúng tôi tham gia thì lợi
nhuận nâng lên khoảng 70 tỉ đồng/năm. Năm 2009, Nhà máy thức ăn Việt Thắng gần
như phá sản thì nay đạt sản lượng bán ra 360 ngàn tấn/năm. Trước đó, trong 2
năm chúng tôi bỏ tiền vào Việt Thắng 10 đồng nhưng không thu được 1 đồng. Đó là
quan điểm của chúng tôi để củng cố sản xuất”.
“Tôi luôn coi trọng
con người, những cấp dưới của tôi. Trong sử dụng con người phải bảo đảm ăn, mặc,
đời sống. Nếu làm được 3 điều này thì sẽ giữ được người tốt, người giỏi làm việc
cho mình”, ông Minh nhấn mạnh.
“Giữa
tôi và ca sĩ Mỹ Tâm chỉ là quan hệ bạn bè, là mối quan hệ bình thường giữa 2
doanh nghiệp. Chúng tôi có cùng chí hướng
trong hợp tác làm từ thiện. Hàng năm chúng tôi phối hợp nhau trong các chương
trình trao học bổng và xây nhà tình thương cho người nghèo. Còn về chuyện tình
cảm thì chỉ là tin đồn thôi. Không thể nào thấy 2 người đi chung rồi… kết tội
được!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét