Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

XÓM BỎ CHỒNG!

Vốn là nơi “khỉ ho cò gáy”, dân cư thưa thớt, nhưng từ khi có khu công nghiệp (KCN) do Trung Cộng đầu tư thì một vùng quê hẻo lánh thuộc vùng Đồng Tháp Mười này không còn yên ả.
*Ly thân, ly dị tùm lum!
Khi được hỏi về tin đồn nhiều phụ nữ tại địa phương bỏ chồng để “cặp bồ” với mấy anh Ba Tàu, ông Q.H.M., một nông dân ở ấp 5, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang, lắc đầu ngao ngán: “Thì nhóc hết chứ đồn đại gì. Tan đàn xẻ nghé hết rồi! Hồi xưa giờ ở đây đâu có chuyện kỳ cục như vậy. Còn bây giờ thì ly thân, ly dị, bỏ chồng, bỏ vợ tùm lum”.
Ông M. kể tiếp: “Họ khôn lắm chú ơi. Lân la tới chơi nhà có con gái đẹp, thấy không có nhà vệ sinh, thế là họ bỏ ra mười mấy triệu đồng làm nhà vệ sinh liền, như trường hợp ông Ba K. ở ấp 4. Ở vùng đất cháy phèn này mà bỗng dưng có nhà vệ sinh, phòng tắm tiện nghi, ai mà chẳng thích. Rồi trường hợp của bà H.T.M. ở ấp 5. Thấy người ta đua chen, bà này đã đón đứa cháu gái từ dưới Kiên Giang lên đây rồi ráp... vô với một ông Ba Tàu, nghe đâu cô gái mới xấp xỉ 17 tuổi. Dù không có đăng ký kết hôn nhưng thỉnh thoảng “ông chồng” vẫn tới ăn ở trong nhà, hàng xóm ai cũng biết”.
Bi kịch nhất là trường hợp của anh V. làm ở Công ty CP Rau quả Tiền Giang: “Sau khi nghe tin vợ cặp bồ với người tình ngoại rồi viết đơn đòi ly hôn, một hôm gặp vợ đang chạy chiếc xe gắn máy được cho là “chiến lợi phẩm” do tình địch của anh vừa mới mua tặng, không kềm chế được cơn tức giận, anh đã tông thẳng vào xe vợ khiến cả hai cùng vào bệnh viện. Anh Hồng, chủ một quán giải khát ở ấp 5 và cũng là một người vừa bị vợ bỏ, nói: “Kết hôn thì tôi chưa nghe, nhưng chuyện mấy ông lao động Trung Cộng “làm bạn” với gái VN rồi cặp kè đi chơi thì nhiều lắm. Cả mấy bà dù đã có chồng con rồi, gia đình đang ấm êm, hạnh phúc, cũng “làm bạn” với họ luôn. Cũng tại dân mình thôi, thấy tiền là chóa mắt”.
*Và bi kịch gia đình...
Anh V., một trong những người bị... vợ bỏ kể về nỗi đau của mình: “Làm việc tại nông trường từ năm 2002, năm 2006 tôi quen và cưới vợ ở ấp 4. Những năm đầu gia đình tôi rất hạnh phúc. Vợ tôi cao 1m73, có nhan sắc. Vì một mình tôi đi làm thu nhập chỉ chừng vài triệu đồng mỗi tháng nên không đủ xoay sở. Đầu năm 2009 tôi đã hùn với người chị vợ mở quán cho vợ bán kiếm thêm tiền chợ. Thời gian đầu quán chỉ bán cà phê, giải khát, nhưng thấy quán ngày càng đông khách, nhất là khách ngoại, nên vợ tôi bán thêm món nhậu. Họ chơi rất “sộp”, mỗi lần tới quán nhậu kêu một con gà hấp chấm với muối trắng và uống một kết bia, họ trả 500.000đ và không cần thối lại”.

Khu công nghiệp mênh mông giữa vùng Đồng Tháp Mười.
Anh V. cho biết vì rất tin tưởng vợ nên mỗi ngày sau khi phụ dọn quán, anh ra khỏi nhà đi làm, ăn trưa ở cơ quan và đến chiều mới về nhà. Sau khi xảy ra xích mích về chuyện tiền bạc, vợ chồng anh bắt đầu sống ly thân thì anh nghe nhiều dư luận không hay. Có người còn nói rõ vợ anh cặp bồ với một tay giám sát công trình, đẹp trai, cao chừng 1m8, anh không tin. Nhưng rồi một hôm, chính anh đã bắt gặp thằng Ba Tàu đó chở vợ anh đi chơi bằng xe gắn máy. Nổi nóng, anh chặn xe lại cảnh cáo, nhưng mặt hắn cứ khinh khỉnh, không thèm trả lời.
Cũng theo anh V. thì anh bị mất vợ bắt đầu từ những chuyện nhỏ như vợ anh được người lạ rủ đi ăn uống, mua sắm. Lúc đầu thì đi bằng xe gắn máy, về sau thì đi bằng xe hơi. Kỳ lạ hơn, dù không làm gì ở KCN nhưng vợ anh cũng được cấp một cái nón giống như đám lao động ngoại. Đó là cái nón bảo hiểm, nhưng lại có vành là cái nón lá được khoét lổ ở chóp rồi chụp lên. Không rõ trên nón ghi ký hiệu gì nhưng mỗi lần vợ anh đội nón ra vào KCN thì không bị bảo vệ hỏi. Anh V. cho biết trong thời gian sống ly thân, ngày nào vợ anh cũng điện thoại kêu về ký tên vào đơn ly hôn, trả lại tự do cho vợ. Và bi kịch đã đến đỉnh điểm khi anh gặp vợ đi chiếc xe gắn máy mà theo dư luận thì do người tình mua cho. Thế là trong lúc thiếu suy nghĩ, anh đã cho xe lao thẳng vào... xe vợ!
          *Dễ sa ngã vì tiền...
          Ông Lê Văn Rất, Trưởng ban Tư pháp xã Tân Lập 1, cho biết hầu hết các trường hợp ly hôn đều do các bà vợ chủ động đề xuất. Tất cả đều hòa giải bất thành vì các bà nhất quyết bỏ chồng. Những lý do thường được đưa ra là chồng không biết làm ăn, say xỉn, quan điểm bất đồng... Nhưng theo nhận xét của ông Rất thì: “Vùng này vốn là đất nông trường. Một lao động làm cỏ khóm, nắng cháy suốt ngày chỉ kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng. Sau khi giao đất cho KCN và được đền bù một số tiền kha khá, không ít gia đình bắt đầu có thói quen tiêu xài, đua đòi. Giờ cạn túi, gặp người khác vung tiền ra thì dễ sa ngã!”
Như trường hợp ông V. V. D. ở ấp 5, có đứa con gái bán quán giải khát. Một hôm có “khách lạ” tới uống 2 ly cà phê đá, đưa giấy 50.000đ nhưng không lấy tiền thối. Tưởng là gặp khách “sộp”, nhưng mấy hôm sau thì vị khách này quay lại nói thẳng với ông D. rằng họ thích cô con gái của ông. Không kềm được tức giận, ông D. nổi nóng đuổi họ về. Nhưng trường hợp nổi nóng như ông D. là rất hiếm, vì theo ông Hạnh thì ở ấp 4 có hai mẹ con cùng cặp bồ với người nước ngoài. Có cô gái chỉ mới 18 tuổi nhưng sẵn sàng đi chơi với một lão già bằng tuổi cha mình.
                    

ĐƯỜNG XE LỬA SÀI GÒN-MỸ THO XƯA


Cách đây 126 năm đã từng có tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, nhưng hoạt động hơn 70 năm thì tuyến đường này ngừng hẳn.

“Ngày xưa người Pháp mở tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho với mục tiêu nối liền tuyến xuyên Việt và ý định kéo dài sang tận Phnom Penh, Campuchia”, bác Tân Văn Công, 86 tuổi, làm nghề dạy học tại Mỹ Tho từ năm 1943, nhớ lại. Lý do mở tuyến xe lửa nầy, theo bác Công, vì thời đó Mỹ Tho là đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa Nam Kỳ lục tỉnh, do các tỉnh miệt dưới như Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên... đường bộ gặp trở ngại vì phải qua 2 con sông Hậu và sông Tiền, phải đi bằng phà. Có lẽ cũng vì trở ngại đó mà đường xe lửa chỉ tới Mỹ Tho và nhà ga chót dừng lại ở đầu đường Trưng Trắc, bên bờ sông Tiền, gần vườn hoa Lạc Hồng bây giờ.

Hồi đó, ga xe lửa nằm trong dãy nhà ngói xưa, cất theo kiểu Pháp, cùng với hệ thống phòng trọ và dịch vụ kéo dài đến chỗ Bưu điện Mỹ Tho ngày nay. Nằm cạnh ga xe lửa còn có bến tàu với 3 cầu tàu. Toàn bộ hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi xe lửa tới Mỹ Tho sẽ xuống tàu về các tỉnh miền Tây và ngược lại, hành khách và sản vật, cây trái từ miền Tây đi bằng tàu tới Mỹ Tho cũng lên xe lửa rồi đi tiếp về Sài Gòn, Biên Hòa. Cũng vì vậy mà Mỹ Tho xưa được xem là “đầu mối trung chuyển”. Vào thời đó ga xe lửa Sài Gòn nằm ở đầu đường Lê Lai, gần khách sạn Saigon New World bây giờ. Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho có 15 ga. Ga thứ nhất gọi là Chợ Lớn Mới, nằm bên hông chợ An Đông. Kế đến là ga Chợ Lớn trên đường Hùng Vương. Các ga tiếp theo là Phú Lâm, Cây Mai, Bình Chánh, Gò Đen, Tân An, Tân Hương, Ông Táo, Tân Hiệp, Trung Lương và Mỹ Tho…
Khu nhà này xưa là  nhà ga Mỹ Tho.
            Bác Tân Văn Công nhớ lại: “Hồi đó đầu tiên xe lửa chạy bằng hơi nước. Từ Sài Gòn về Mỹ Tho đường rầy xe lửa chủ yếu nằm phía trái, thỉnh thoảng có đoạn nằm bên phải của quốc lộ 1 bây giờ, ngày xưa gọi là đường Cái Quan, lộ Đông Dương, sau đổi lại là quốc lộ 4. Đến khoảng thập niên 1930 của thế kỷ 20 thì xe lửa chuyển sang chạy bằng dầu diesel, còn gọi là Autorail. Sự khác biệt của Autorail là thiết kế đẹp hơn, tốc độ nhanh hơn, tiếng ồn nhiều hơn, toa hành khách có cửa sổ nhìn ra bên ngoài, tiếng còi kêu “hoét, hoét”, trong khi xe lửa chạy bằng hơi nước thì tiếng còi kêu “pin, pin”. Lúc đầu xe lửa chỉ có ghế ngồi bằng băng gỗ, xếp dọc theo 2 bên thành xe. Tuyến đường xa thì có hạng nhất, hạng nhì, có phòng riêng, bên trong có 2 tầng và giá vé cũng mắc tiền hơn. Riêng tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho thì chỉ có một hạng thường, do đoạn đường ngắn”.
         
Chính thức khai trương vào năm 1885, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho ngừng hoạt động vào năm 1958. Dù chỉ dài 70 cây số nhưng ngày xưa đi bằng xe lửa cũng mất chừng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Vì chỉ có một đường rầy duy nhất nên tới ga chót Mỹ Tho, muốn trở đầu để chạy trở lại Sài Gòn thì xe lửa phải... chạy thụt lùi chừng 2 cây số từ vườn hoa Lạc Hồng theo đường Lý Thường Kiệt bây giờ, ra ngoài đồng thì có đường vòng cung. Tại đây đầu xe lửa tách ra khỏi toa rồi chạy vào một đoạn đường rầy khác để nối vào đuôi toa xe lửa và lại chạy thụt lùi trở về nhà ga Mỹ Tho để đầu xe lửa quay về hướng Sài Gòn. Bác Tân Văn Công kể: “Hồi nhỏ, vào những buổi chiều tôi hay nhảy theo xe lửa chạy ra ngoại ô để trở đầu. Giếng nước Mỹ Tho hiện giờ chia làm 2 cũng vì hồi đó có đường xe lửa chạy ở giữa”.

          Bác Công kể tiếp: “Nhớ hồi học xong tiểu học và thi vào lớp đệ thất trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, thầy cho bài luận văn bằng tiếng Pháp và yêu cầu “Trò hãy tả người nhổ răng dạo trên toa xe lửa” mới thấy ảnh hưởng của xe lửa thời bấy giờ. Hồi đó Trường Nguyễn Đình Chiểu mỗi năm chỉ tuyển 200 học sinh cho cả vùng lục tỉnh, còn khó hơn thi đại học bây giờ. Lần đó tôi bị rớt nên phải lên Sài Gòn học ở trường tư thục Đồng Nai, đường Bùi Thị Xuân và ở nội trú trong trường. Lúc đó phát xít Nhật đã qua, ban đêm sợ đồng minh ném bom nên hầu hết trường học trong nội thành đều phải tản cư ra vùng Chợ Lớn. Thường buổi chiều không biết làm gì, bọn học trò nội trú lấy đá xanh để vào đường rầy cho xe lửa chạy ngang cán xẹt lửa coi chơi.” 

Nhà ga xe lửa Sài Gòn xưa
         
         Vì sao ga xe lửa Mỹ Tho xưa lại nổi tiếng trong thời Pháp thuộc? Theo bác Tân Văn Công: “Vì đây là ga chót nối với các tuyến thủy bộ đi lục tỉnh và hồi đó, sau Sài Gòn thì Mỹ Tho là một trong 3 đô thị lớn nhất vùng. Có 2 quyển sách viết bằng tiếng Pháp nói về ga xe lửa Mỹ Tho mà tôi được đọc. Quyển thứ nhất là của một nhà văn Pháp, từng là lính hải quân, có qua Đông Dương và đi xe lửa tới Mỹ Tho để đi tàu xuống các tỉnh miền Tây, đã mô tả ga xe lửa Mỹ Tho mang dáng dấp giống như những ga xe lửa bên Pháp. Một quyển sách khác của tổng bí thư đảng cộng sản Pháp thời đó mà tôi không nhớ rõ tên. Vị nầy sau khi sang VN về đã viết quyển Indochinois, chỉ trích chính sách kỳ thị chủng tộc của chính quyền thực dân Pháp thời bấy giờ. Theo mô tả thì tác giả đã đi cùng với nhà cách mạng Nguyễn An Ninh xuống ga Mỹ Tho, cùng Nguyễn An Ninh vào một bungalow (một dạng nhà trọ xưa) để ở nhưng bị từ chối vì nơi đó chỉ dành cho người Pháp và Âu châu. Chỉ một dân tộc Á châu được vào ở là Nhựt Bổn”.

Nhà ga Mỹ Tho xưa kiến trúc theo kiểu Pháp, mái ngói, vách tường, cửa ô vòng nguyệt, có chỗ bán vé, chỗ hành khách ngồi chờ, có cân dùng để cân hành lý và ai chở nặng thì phải trả nhiều tiền. Ticket xe lửa hồi đó được làm bằng loại giấy rất dầy và cứng. Sau khi thu tiền, người bán vé đưa ticket vào máy đục lỗ và phát ra một tiếng kêu rất vui tai. Khi hành khách lên xe, người soát vé còn bấm ticket một lần nữa. Đường Sài Gòn-Mỹ Tho xưa mỗi ngày có 4-5 chuyến. Chuyến đầu tiên từ Mỹ Tho đi Sài Gòn khởi hành khoảng 4 giờ sáng, phục vụ công chức nhà ở Mỹ Tho nhưng làm việc ở Sài Gòn. Bác Công kể, có một người quen làm việc tại Mỹ Tho nhưng chiều nào cũng đi chuyến xe lửa chót lên ga Sài Gòn ở đường Lê Lai. Tại đây có một quán rượu và một người đẹp mà vị khách nầy thích nên ông cứ tới đó ngồi nhâm nhi cho tới sáng rồi đi chuyến xe lửa sớm nhất trở về Mỹ Tho, kịp giờ đi làm.       

Theo các tài liệu cũ thì vào cuối thế kỷ 19, lúc đầu người Pháp dự định xây dựng tuyến đường sắt từ Sài Gòn đến Vĩnh Long, sau đó sẽ nối sang Campuchia, nhưng cuối cùng họ chỉ xây dựng tới Mỹ Tho với khổ đường rộng 1m. Dự án được khởi công vào giữa năm 1881, thời gian thi công khoảng 4 năm, kinh phí khoảng 6 triệu francs. Nguyên vật liệu làm đường được chở từ Pháp sang và họ huy động hơn 11.000 lao động. Ngày 20.7.1885, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho hoàn thành với chiều dài 70km. Chuyến xe lửa đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức và đến ga chót tại Mỹ Tho, đánh dấu sự ra đời của đường sắt VN.                                                                                    

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

SỐC VỚI... SÂN BAY!



Vừa rồi báo chí “lề phải” rộ lên chuyện ông cựu Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng trước khi về hưu còn phóng bút ký quyết định quy hoạch xây dựng sân bay… trên cánh đồng lúa bạt ngàn tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, làm bà con nông dân ta hết sức xôn xao.

Xôn xao bởi vì đến năm 2020, dự kiến sân bay này {diện tích 235ha, vốn đầu tư khoảng 3.417 tỉ đồng} sẽ có một đường băng dài 1.850m, bảo đảm cho máy bay ATR72 hoạt động. Giai đoạn 2, nhà ga sân bay sẽ mở rộng lên 4.500m2 cùng với việc nâng cấp đường băng để có thể tiếp nhận máy bay Airbus A321 và đón chừng… 300 hành khách/giờ cao điểm (ít hơn bến xe đò)!
Thoạt tiên, người dân miền Tây tiếp nhận thông tin này với tâm trạng vui mừng vì quê mình lại có thêm sân bay. Nhưng rồi người ta giật mình tự hỏi: xây dựng sân bay để… làm gì? Liệu rồi có thành “phong trào” giống như tỉnh nào cũng có nhà máy đường, có khu công nghiệp và bến cảng, nhưng chẳng hiệu quả?

Cựu Bộ trưởng GTVT trong một lần trả lời báo chí.

Người ta thắc mắc bởi vì miền Tây hiện nay ngoài sân bay Cần Thơ đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế, còn có các sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc, nhưng thực tế nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở khu vực này còn rất thấp. Còn nói về khoảng cách địa lý thì các sân bay nói trên chỉ cách nhau chừng 50-60km tính theo đường chim bay. Liệu khoảng cách như vậy có quá gần?

Khi được hỏi về vấn đề này, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp VN tại Cần Thơ, cho biết: “Theo tôi, nếu An Giang xây dựng sân bay cho ATR72 và Airbus đáp được thì nên cân nhắc kỹ vì liệu có khách hay không? Nên chăng tập trung vốn đầu tư thỏa đáng để sân bay Cần Thơ trở thành sân bay quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả khu vực. Và nếu cần thì xây dựng tuyến đường 50km từ Long Xuyên đi Cần Thơ thật hiện đại để rút ngắn khoảng cách. Điều này có lẽ tốt hơn là đầu tư thêm một sân bay mới”.
Trong khi đó thì trả lời trên báo SGTT, một quan chức của Sở GTVT An Giang đã phán một câu để đời: “Đường từ Long Xuyên đi Cần Thơ hiện đã hư hỏng nhiều, vì vậy cần xây dựng sân bay để đi cho… đỡ xốc!”

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

CHỜ... NƯỚC LŨ!


Khoảng 10 năm về trước, cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm thì báo chí liên tục đưa tin “báo động lũ cấp 2”, “báo động lũ cấp 3”. Nhưng mấy năm gần đây chuyện đó không còn vì nước lũ đã không về. Nguyên nhân vì trên thượng nguồn sông Mekong Trung Cộng đã ngăn sông để xây hàng loạt đập thủy điện.
Hồi đó gần như năm nào ở vùng Đồng Tháp Mười cũng có lũ mà người dân gọi là nước lụt, với chu kỳ kéo dài chừng 3 tháng. Và cứ chừng 5-6 năm thì lại có lũ lớn một lần, như các năm 1961, 1966, 1978, 1984 và 2000… Vào mùa lũ, những cánh đồng mênh mông đều trắng xóa như biển nước. Nhà cửa, ruộng vườn ở vùng hạ nguồn cũng bị ngập. Bấy giờ người dân phải đi lại bằng xuồng.
Nhưng hồi đó người dân vùng châu thổ sông Cửu Long xem chuyện nước lũ hàng năm là bình thường, là quy luật của thiên nhiên nên ít ai nghĩ đến chuyện phải đối phó hoặc tìm cách “sống chung với lũ”. Bởi vì ngoài tác động xấu như tàn phá công trình, làm hư hại nhà cửa, vườn cây trái, nước lũ còn mang về một lượng lớn phù sa, giúp rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng nên vụ lúa sau lũ thường rất trúng mùa. Đối với người nông dân thì mùa nước lũ còn là cơ hội để kiếm thêm thu nhập như giăng câu, lưới, nuôi tôm, đóng ghe xuồng, v.v…
Tuy nhiên, vì thấy mặt bất lợi của nước lũ nên sau này chính quyền đã phát động người dân đối phó với lũ bằng nhiều biện pháp như đắp đê bao, ô bao, làm bờ vùng, xây dựng khu dân cư vượt lũ tập trung rồi đào kênh thoát lũ ra biển Tây, v.v…  rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Cụ thể là sau gần chục năm triển khai nhưng nhiều khu dân cư đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh, có nơi bị bỏ hoang, không thu hút được người dân miền Tây vốn quen sống với vườn rau, ao cá quanh nhà.
Có những năm lũ nhỏ thôi nhưng vì ở vùng này đắp đê bao nên vùng khác bị lãnh đủ vì “lũ cục bộ”, do bị ngăn dòng chảy làm cho nước dâng cao. Kỳ quặc hơn, có tỉnh nọ vì muốn bảo vệ vùng trồng cây ăn trái trù phú ở phía nam quốc lộ 1 nên cho bít tất cả các cống thoát nước trên quốc lộ để ngăn dòng chảy. Hậu quả là nhà cửa của người dân ở phía bắc quốc lộ đều ngập chìm trong nước.
Rồi bây giờ, gần 10 năm qua nước lũ đã không về. Ruộng đồng thâm canh liên tục mỗi năm 3 vụ không ngừng nghỉ nên đất bị chai cứng vì thiếu phù sa. Không có lũ nên mầm sâu bệnh lưu tồn, chuột và ốc bươu vàng phát triển mạnh rồi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Chẳng những chi phí phát sinh nhiều hơn vì phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc sát trùng, mà người dân còn bị thất thu vì không có thu nhập tăng thêm nhờ nước lũ. Bởi vậy mà có chuyện nghịch lý rằng người dân đồng bằng bây giờ cứ mong chờ một mùa “lũ đẹp” đến hẹn lại lên.                                                                                                                

"KHÔNG CÓ CHUYỆN MUA CHUỘC... CỬ TRI!"

Trường Đại học Tân Tạo
 Đó là khẳng định của ông Võ Lê Tuấn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, sau khi một vài tờ báo đã tung scandal liên quan nữ đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.
Ông Tuấn cho biết: Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 thì Long An được bầu 8 đại biểu, đồng thời cơ cấu khoảng 2 đại biểu nữ… Do đó, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất chúng tôi giới thiệu 17 vị ra ứng cử, trong đó có một nữ thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài đảng.
Cụ thể, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã họp và thống nhất để Công ty CP đầu tư Tân Đức giới thiệu một nữ, ngoài đảng, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Sau đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức và cũng là Chủ tịch HĐQT Đại học Tân Tạo, được giới thiệu.
Cũng theo ông Tuấn thì: “Qua 3 vòng hiệp thương lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc, bà Yến được tín nhiệm 100%, không có ai đặt vấn đề về bà Yến, kể cả cử tri và cán bộ địa phương. Chúng tôi đã làm chặt chẽ và đúng quy trình. Còn việc báo chí nêu về nhân thân của bà Yến sau khi bà đã được thẩm tra tư cách đại biểu quốc hội rồi thì không thuộc thẩm quyền của địa phương”.
*Phóng viên : Thế sau khi báo Cựu Chiến binh và Người Cao tuổi đăng bài về bà Yến thì trong dư luận người dân cũng như cán bộ địa phương có phản ứng gì không?
-Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó chủ tịch MTTQ đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Long An, cho biết: Chúng tôi không nghe dư luận gì cả. Cụ thể là từ khi công bố kết quả bầu cử cho đến ngày họp đầu tiên của Quốc hội chúng tôi không nhận được phản ánh nào về bà Yến.
Ông Nhung nói thêm: “Về thông tin nói bà Yến phạm luật trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi khẳng định là không có và cũng không có chuyện bà Yến dùng tiền để mua chuộc cử tri. Còn việc bà Yến hứa hỗ trợ cho 4 huyện số tiền 8 tỉ đồng nhưng chưa giải ngân cũng không phải lỗi do bà Yến, vì đến nay Hội Nông dân và Hội Phụ nữ các huyện vẫn chưa xác định được danh sách cụ thể những hộ nào được nhận tiền”.
*Phóng viên: Vậy tỉnh giải thích thế nào về thông tin bà Yến đã bỏ ra gần 700 triệu đồng để tặng cho 1.300 đại biểu mà dư luận cho rằng đó là hình thức mua phiếu cử tri?
-Ông Nhung: Việc tổ chức tri ân cán bộ lão thành cách mạng đó là hoạt động riêng do bà Yến tự tổ chức vào ngày 29-4-2011, trong khi từ 3-5 các ứng cử viên mới bắt đầu tiếp xúc cử tri. Do vậy, theo tôi thì bà Yến không phạm luật. Trong buổi tri ân này có người nhận được 500.000đ nhưng cũng có người không có. Nếu trong các cuộc tiếp xúc cử tri mà bà Yến chi tiền hoặc tặng quà là phạm luật, còn việc này được tổ chức trước khi vận động bầu cử là không sai. Tóm lại, việc chúng tôi giới thiệu bà Yến tham gia ứng cử đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
*Phóng viên: Theo thông tin trên một vài tờ báo thì trước đây bà Yến liên quan đến một vụ án, bị khởi tố nhưng sau đó không biết bằng cách nào, bà đã sang Mỹ. Riêng chồng bà là ông Jimmy Trần, cũng bị khởi tố và bị truy nã vì liên quan một vụ án khác. Vậy trước khi giới thiệu bà Yến tham gia ứng cử địa phương có biết thông tin này không?
-Ông Nhung: Không biết, lãnh đạo địa phương hoàn toàn không biết việc này. Chúng tôi không nhận được thông tin nào từ cơ quan chức năng về việc này cũng như không nghe phản ảnh khi lấy ý kiến cử tri.
*Phóng viên: Vậy trong trường hợp này thì lấy ý kiến cử tri ở quận Phú Nhuận, TPHCM hay ở huyện Đức Hòa, Long An?
-Ông Nhung: ở Đức Hòa, nơi bà Yến đang cư trú.