Khoảng 10 năm về trước, cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm thì báo chí liên tục đưa tin “báo động lũ cấp 2”, “báo động lũ cấp 3”. Nhưng mấy năm gần đây chuyện đó không còn vì nước lũ đã không về. Nguyên nhân vì trên thượng nguồn sông Mekong Trung Cộng đã ngăn sông để xây hàng loạt đập thủy điện.
Hồi đó gần như năm nào ở vùng Đồng Tháp Mười cũng có lũ mà người dân gọi là nước lụt, với chu kỳ kéo dài chừng 3 tháng. Và cứ chừng 5-6 năm thì lại có lũ lớn một lần, như các năm 1961, 1966, 1978, 1984 và 2000… Vào mùa lũ, những cánh đồng mênh mông đều trắng xóa như biển nước. Nhà cửa, ruộng vườn ở vùng hạ nguồn cũng bị ngập. Bấy giờ người dân phải đi lại bằng xuồng.
Nhưng hồi đó người dân vùng châu thổ sông Cửu Long xem chuyện nước lũ hàng năm là bình thường, là quy luật của thiên nhiên nên ít ai nghĩ đến chuyện phải đối phó hoặc tìm cách “sống chung với lũ”. Bởi vì ngoài tác động xấu như tàn phá công trình, làm hư hại nhà cửa, vườn cây trái, nước lũ còn mang về một lượng lớn phù sa, giúp rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng nên vụ lúa sau lũ thường rất trúng mùa. Đối với người nông dân thì mùa nước lũ còn là cơ hội để kiếm thêm thu nhập như giăng câu, lưới, nuôi tôm, đóng ghe xuồng, v.v…
Tuy nhiên, vì thấy mặt bất lợi của nước lũ nên sau này chính quyền đã phát động người dân đối phó với lũ bằng nhiều biện pháp như đắp đê bao, ô bao, làm bờ vùng, xây dựng khu dân cư vượt lũ tập trung rồi đào kênh thoát lũ ra biển Tây, v.v… rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Cụ thể là sau gần chục năm triển khai nhưng nhiều khu dân cư đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh, có nơi bị bỏ hoang, không thu hút được người dân miền Tây vốn quen sống với vườn rau, ao cá quanh nhà.
Có những năm lũ nhỏ thôi nhưng vì ở vùng này đắp đê bao nên vùng khác bị lãnh đủ vì “lũ cục bộ”, do bị ngăn dòng chảy làm cho nước dâng cao. Kỳ quặc hơn, có tỉnh nọ vì muốn bảo vệ vùng trồng cây ăn trái trù phú ở phía nam quốc lộ 1 nên cho bít tất cả các cống thoát nước trên quốc lộ để ngăn dòng chảy. Hậu quả là nhà cửa của người dân ở phía bắc quốc lộ đều ngập chìm trong nước.
Rồi bây giờ, gần 10 năm qua nước lũ đã không về. Ruộng đồng thâm canh liên tục mỗi năm 3 vụ không ngừng nghỉ nên đất bị chai cứng vì thiếu phù sa. Không có lũ nên mầm sâu bệnh lưu tồn, chuột và ốc bươu vàng phát triển mạnh rồi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Chẳng những chi phí phát sinh nhiều hơn vì phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc sát trùng, mà người dân còn bị thất thu vì không có thu nhập tăng thêm nhờ nước lũ. Bởi vậy mà có chuyện nghịch lý rằng người dân đồng bằng bây giờ cứ mong chờ một mùa “lũ đẹp” đến hẹn lại lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét