Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

*Độc đáo quảng cáo xưa

Vào giữa thế kỷ 20, ở ngã tư Cai Lậy (Tiền Giang) có quán hủ tiếu Ngã Sanh ngon nổi tiếng với slogan cũng nổi tiếng: “Trên đời có người ăn để sống, có kẻ sống để ăn, còn tôi xin các người ăn để tôi sống”! Cách tiếp thị dí dỏm, độc đáo đó đến giờ vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người lớn tuổi.
*Quảng cáo xưa nhất…
 Gia Định Báo được xem là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của làng báo Việt Nam. Xem lại tờ số 1 (15.4.1865) thấy nội dung bấy giờ khá đơn giản: Phần công vụ chủ yếu là đăng biên bản các cuộc họp nghị định của Thống đốc Nam kỳ, Soái phủ Nam kỳ và phần tạp vụ thì đăng những tin địa phương. Riêng quảng cáo thì từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu, ví dụ: “Có một khoảnh đất thổ cư ở Sài Gòn tại đường Espagne góc đường Mac-Mahon, giá bán mỗi một thước tây là một quan năm. Như ai muốn mua, thì cứ hỏi ông thông phán Bollon ở Sài Gòn…” Hoặc “Pharmacie Normale ở góc đường Catinat và đường Olivier. Ông chủ thứ nhứt tiệm thuốc nầy làm lời rao cho mấy thân chủ năng tới bỏ thuốc đặng hay ông ấy có các thứ thuốc nhứt hạng để mà trị hết thảy các bệnh...” (số ra ngày 28.1.1881). 

Năm 1901, khi tờ Nông Cổ Mín Đàm ra đời thì liều lượng quảng cáo nhiều hơn và có những mẩu quảng cáo còn minh họa bằng tranh vẽ. Đây có thể xem là tờ báo chuyên về kinh tế đầu tiên nước ta. Tờ Nông Cổ Mín Đàm số đầu tiên (1.8.1901) khởi đăng quảng cáo nhà in và nhà bán sách của ông Claude ở số 119 và 129 đường Catinat Sài Gòn, gồm các loại truyện thơ Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, tuồng hát Sơn Hậu, Kim Thạch Kỳ Duyên... “Ai muốn mua thì đến tại nhà bán sách mà mua, còn những quan cò ở xa hạt mà muốn mua thì xin phải gởi thơ và mandat poste, nói trong thơ đề chỗ ở và tên họ rõ ràng thì ông Claude sẽ gởi cho lập tức chẳng sai”.
Có những lời rao rất dài dòng, chi tiết như: “Có người muốn bán một sở ruộng rất tốt tại hạt Sóc Trăng, ruộng ấy khẩn được 13 năm đã thành thuộc rồi, huê lợi mỗi năm hơn vài ngàn giạ lúa ruộng, bốn phía đều có rạch giữa có khai kinh đã lâu, mỗi kỳ dồn đặng 4-5 muôn lá tàu, phía rạch cái đất làm rẫy tốt lắm, đã có hơn 30 tá điền ở, chủ nào cũng khá... sẵn sàng bán giá nhẹ, ai muốn mua xin đến bổn quan mà thương nghị”. Những lời rao như vậy có khi đăng liên tục 5-7 số báo liền.
*Dí dỏm và nghệ thuật
 Trong khi đó thì tờ Phong Hóa số đầu tiên (16.6.1932) 16 trang nhưng chỉ có một mẩu quảng cáo nhỏ ở trang 9 giới thiệu tiệm Đức Lợi “đồ đồng đẹp nhất Bắc kỳ…” Tờ đầu tiên này không thấy in địa chỉ tòa soạn, chỉ có trang cuối in giá báo 0$10. Đến tờ số 2 thì in tòa soạn và trị sự số 1 đường Carnot Hà Nội và dành hẳn 3 trang 2, 19 và 20 để đăng tổng cộng 13 mẩu quảng cáo khá đa dạng, như: Trường học tư, lớp học hè, thuốc trị bệnh, thuốc thơm Ăng Lê... Hoặc “Nhà đẻ Nguyễn Thị Doan… mở đã lâu năm, bà đỡ có bằng tốt nghiệp trường thuốc Đông Dương, đã làm việc hơn 10 năm ở các nhà thương nhớn Bắc kỳ”. Mẩu quảng cáo này được đăng nhiều kỳ, nhưng đến tờ số 9 thì sửa lại là “nhà hộ sinh”, không còn “nhà đẻ”.

Đặc biệt, số báo ra ngày 14.7.1932 đăng quảng cáo một loại đèn “đa năng” rất lạ: “Đèn Phoebus. Vừa là đèn thắp sáng tới 300 bougies, vừa là đèn để đun nấu. Lại có thể chế thành đèn sưởi được. Thắp bằng dầu hỏa (Petrole), nếu thiếu dầu hỏa dùng toàn dầu săng (Essence) càng hay. Đến cả dùng dầu hỏa và dầu săng pha với nhau cũng được”. Đến năm 1936, lần đầu tiên xuất hiện quảng cáo đèn manchon: “Đèn manchon kiểu mới rất tối tân. Giòng giõi chế tại Đức quốc, đốt bằng dầu lửa và dầu săng. Rất tinh xão, rất lịch sự, rất bền bỉ. Ngọn lửa sáng sanh, chịu đặng ngoài mưa gió. Sài đèn Petromax rất được tiện tặn, ít hao dầu (một lít dầu hôi đốt đặng 26 giờ). Cách đốt rất dễ dàng, không sợ chúc chắc điều gì, ai cũng có thể đốt được... Đèn Petromax có bảo kiết luôn luôn”.
Từ xưa báo chí đã coi độc giả là thượng đế, bằng chứng là tờ Phong Hóa ngày 29.9.1932 đăng: “Ký một chữ là có báo xem. Người ở Hà Nội xin đến các hiệu sách lớn ký một chữ, trả tiền, lấy biên lai, là có báo đưa đến tận nhà. Nên mua năm vì nhiều số đặc biệt bán giá cao mà đối với người mua không tính thêm. Ai không muốn mua năm mà muốn có báo đưa đến tận nhà cũng xin lại mấy hiệu sách, ký một chữ, sẽ có báo đưa lại tận nhà. Lấy số nào trả tiền số ấy”.
*Quảng cáo bằng văn vần
Ngày xưa có nhiều mẩu quảng cáo bằng văn vần, được minh họa bằng tranh vẽ, rất vui và dễ nhớ. Như tờ Phong Hóa ngày 13.1.1933: “Giạo này nhai chữ khó khăn/Xem ra mới biết thực rằng răng đau/Lấy tăm trọc thấy lỗ sâu/Vì bằng càng để càng lâu càng rầy!/Xếp sách bút vội đi ngay/Trần Quang Minh ấy nhà này chuyên môn/Giông nhổ vá khéo tiếng đồn/Vào ngay nhờ chứ chẳng còn hồ nghi/Thuốc đâu thuốc mới lạ kỳ/Bôi một chốc nhạt tức thì hết đau/Ngẫm xem hiệu quả quá mau/Đến trường giới thiệu cho nhau tin dùng/Kìa 199 Hàng Bông/Trần Quang Minh hiệu chuyên trồng chữa răng/Xem giá tính rất phải chăng/Giao thiệp lịch sự há rằng đồn ngoa!”

Rượu cũng là sản phẩm được quảng cáo nhiều trên báo: “Bắc kỳ Nam tửu công ty/Đặt lò Văn Điển cũng vì lợi chung/Quản chi tốn của hao công/Thương trường mở lối mong cùng bước lên/Một lò thanh khí xây lên/Hương xưa nồng đậm, cúc sen mặn mà/Hơi men pha vị sơn hà/Tỉnh say trong nước non nhà có nhau/Bán buôn nào phải xa đâu/Anh em kẻ trước người sau đồng lần/Buổi đời kinh tế khó khăn/Lợi quyền chớ để chuyên phần cho ai/Yêu nhau giúp đỡ một hai/Có công chất đá nữa rồi lên non/Còn trời, còn nước, còn non/Còn ty Văn Điển ta còn say sưa”!
Cũng hiệu rượu trên, tờ Phong Hóa (15.6.1934) có mẩu quảng cáo được giới thiệu là do thi sĩ Tản Đà viết: “Ta về ta tắm ao ta/Ao ta tắm mát, rượu nhà uống ngon/Nghĩ thôi sông cạn đá mòn/Ai hay quốc túy lại còn có nay”. “Nam nhân, nam tửu. Người Annam nay uống rượu Annam/Thật tha hồ cất chén với tri âm/Bõ nhớ vụng thương thâm bao những lúc/Chất gạo có say không nhức óc/Hơi men cùng nhấp lại mềm môi/Trải tang thương non nước đầy vơi/Còn chút đó cuộc đời chưa đáng chán/Rót đầy chén uống chơi cho cạn/Họ nhà tiên, nào những bạn Lưu Linh/Yêu nhau một hớp cũng tình”.

Lạ nhất là chuyện mua thuốc trị bệnh có khuyến mãi: “Kính mời các ông, các bà, nhà quê, kẻ chợ. Tất cả lại mua thuốc tại hiệu Pharmacie Chassagne Hà Nội. Nhân dịp tết bản hiệu có nhiều quà rất quý để biếu các quý khách mua thuốc của bản hiệu từ một đồng trở lên. Từ đĩa hát, ví da, nước hoa, đồng hồ, túi tiền, đồ chơi cho trẻ con, bút máy…”
Và “Nhân dịp đại kỷ niệm thập ngũ chu niên của bản dược phòng và khánh thành chung hết thảy các phân cục trong cõi Đông Dương, nhà thuốc Võ Đình Dần nhất định kể từ 11 Novembre đến hết 31 Décembre 1935 để riêng 10 vạn hộp thuốc Cửu Long hoàn giá mỗi hộp 1$10 là 11 vạn bạc biếu không cho hết thảy các quý khách có lòng chiếu cố dùng thuốc của bản hiệu… Hễ mua một đồng thuốc lại được biếu một hộp”!                  

1 nhận xét:

  1. Chào bạn, tôi muốn tìm ảnh về tờ Phổ Thông, có mặt từ những năm 1930, bạn có thì gửi cho tôi một bản nhé. Thanks

    Trả lờiXóa