Nằm trên một
khu đất rộng 12 ha vốn là căn cứ của quân đội Mỹ trước năm 1975, Trung tâm nuôi
trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 mà người dân quen gọi là Trại
rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang) có thể nói là vương quốc của
các loài rắn độc!
Gọi là vương quốc của loài rắn bởi vì ở đây có hằng
hà sa số rắn.
Từ những chú hổ mèo, hổ đất trông rất dữ tợn được chăm sóc cẩn thận trong những
“căn nhà” kiên cố, đến hàng ngàn chú rắn lục màu xanh lá cây với thân hình dài
ngoằn, nhỏ xíu, nằm cuộn mình trên những tàng cây im lìm, tưởng như rất hiền
lành nhưng lại là một trong những loài rắn cực độc. Nhưng “khủng” nhất là những “vua rắn”
hổ chúa (King
Cobra) và hổ mang chúa (Naja Naja). Hiện trại đang nuôi một rắn hổ
mang chúa có làn da mốc thếch, đen xì nặng 12 kg và dài gần 4m.
“Hổ mèo cũng được xem là loài nguy hiểm nhất. Loại rắn nầy với bản năng tự vệ, có thể phun nọc độc xa đến 2m và có lần chúng phun nọc ướt hết mắt kính của người
chăm sóc rắn”, một cán bộ quản lý cho biết. Vậy mà hàng tháng người chăm sóc rắn phải kiểm tra cẩn
thận từng con một.
Nếu chúng bỏ ăn thì phải xem miệng chúng có bị nấm không? Phải cạy răng ra và đút mồi vào miệng… rắn! Thức ăn “khoái
khẩu” của rắn hổ chúa
cũng là… rắn, còn rắn hổ mang thì thích xơi cóc, nhái và chuột đồng. Để đáp ứng nhu cầu này, hàng tuần trại phải tìm mua
hàng trăm kg rắn bông súng và chuột đồng về làm thực phẩm phục vụ cho các vị
“vua rắn”.
“Xuất phát từ việc nguồn rắn độc ở nước ta ngày càng hiếm do sự săn bắt, tận diệt của con người
và môi trường sống của chúng dần bị thu hẹp. Vì vậy, chúng
tôi được giao nhiệm vụ bảo tồn các loài rắn, đặc
biệt là loài rắn hổ chúa và hổ mang chúa đang nằm trong chương trình bảo tồn
gien quốc gia”, bác sĩ Vũ Ngọc Lương,
Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, giải thich. Ngoài rắn, trại còn nuôi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm khác như trăn, gấu, hươu, nai, rái
cá, chồn vàng, cua đinh vàng, cá sấu, đà
điểu, đại bàng trắng, quạ đen, bìm bịp, v.v... như là một vườn thú nhỏ phục vụ nghiên cứu của học
sinh, sinh viên, nhưng cũng rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ là một trung tâm nghiên cứu khoa học, Trại rắn Đồng Tâm còn có một khoa cũng rất độc là chuyên cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Có thể nói
từ khi thành lập đến nay đây là nơi “cải tử
hoàn sinh” cho hàng chục ngàn trường hợp
từ miền Đông, miền Tây Nam bộ cho tới đảo Phú Quốc. Một yếu tố khác cũng rất đặc biệt là nạn nhân của
rắn độc hầu hết là dân nghèo vùng nông
thôn. Thỉnh thoảng
cũng có dân thành thị thì họ là những người làm thuê mướn
hoặc lội mương lượm bọc. Nhưng các thầy thuốc mặc áo lính thì không cần biết họ là ai, bởi cứu người là trên hết.
Nhiều trường hợp được đưa tới cấp cứu vào lúc nửa đêm trong tình trạng bị hôn mê, trên người chỉ mặc mỗi chiếc
quần xà lỏn, không giấy tờ tùy
thân, tay chân lấm lem bùn đất. Thậm chí, không ít trường
hợp tới ngày ra viện người bệnh không có tiền đi xe về nhà.
“Điều quan trọng khi cấp cứu nạn nhân bị rắn cắn
là phải chẩn đoán nhanh và chính xác. Đầu tiên là phải xác định rắn gì cắn, độc
hay không độc. Nếu là rắn độc thì rắn hổ hay rắn lục, để chỉ định điều trị kịp
thời. Nhiều trường hợp khi đến trại thì bệnh
nhân đã hôn mê sâu, không còn
mạch. Nhưng nếu bệnh nhân còn thở thì vẫn còn có thể cứu
được”, BS Lương khẳng định. Có một người
đàn ông ở Bến Tre đi chăn bò bị rắn hổ đất cắn, nhập viện ở Bến Tre rồi được chuyển
sang Trại rắn Đồng Tâm. Điều chẳng may là xe cấp cứu đang chạy giữa đường bị…
chết máy, khi đến nơi thì bệnh nhân đã chết lâm sàng. Bấy giờ các thầy thuốc phải
làm hô hấp nhân tạo đến khoảng một giờ sau nạn nhân mới phục hồi tim trở lại. Sau
khi ra viện, người này về nhà làm tiệc ăn mừng vì vừa từ… cõi chết trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét