Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Ngày thứ 2 thu phí đường cao tốc

Trái ngược với ngày đầu tiên, chiều 26-2, lượng xe vào đường cao tốc từ hướng miền Tây về Sài Gòn tăng cao, nhiều lúc ở các cửa vào xe phải xếp hàng dài chờ bấm lấy thẻ. Trong khi ở hướng ngược lại lượng xe thưa thớt, có những lúc cửa ra vắng tanh. Nguyên nhân vì hôm nay là chủ nhật, lượng khách đi chơi từ các tỉnh miền Tây quay trở lại Sài Gòn rất đông.

Mặc dù lượng xe vào đường cao tốc khá đông nhưng đa số là xe du lịch 4 chỗ, xe ô tô loại từ 12-15 chỗ ngồi và xe khách chất lượng cao của các hãng lữ hành. Riêng xe tải thì rất ít và xe container thì càng hiếm. Trong suốt 2 giờ ở trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, chỉ có 2 chiếc container vào đường cao tốc. Trong khi đó thì lưu lượng xe khách và xe tải lưu thông trên quốc lộ 1A rất cao.
*Nhân viên thu phí bấm thẻ giùm tài xế.
Ở các cửa vào đường cao tốc, thay vì tài xế phải dừng xe lại ngay trụ để bấm lấy thẻ, thì hôm nay cửa vàotừ số 1 đến số 3 đều có nhân viên của trạm thu phí đứng bấm giùm… cho tài xế. Vì vậy, có nhiều tài xế dừng xe cách xa cabin rồi đưa tay nhận thẻ mà không cần đậu sát trụ vì đã có nhân viên làm thay. Riêng ở làn số 1 thì do máy bị trục trặc nên nhân viên phải đứng trực tiếp phát thẻ thay vì tài xế bấm máy.

*Thay vì bấm thẻ, tài xế này lại đưa tiền.
Khoảng 15 giờ 20, tài xế xe du lịch loại 12 chỗ, biển số 72M-6511 dừng lại sát trụ phát thẻ rồi đưa tay bấm nhiều lần nhưng máy không… nhả ra thẻ. Phải chờ gần 3 phút, nhân viên của trạm trực tiếp phát thẻ thì xe này mới qua được. Sau đó, 2 nhân viên kỹ thuật đã tháo máy ra và ngồi sửa tại chỗ. Ngoài ra, ở cửa vào nhưng có tài xế không nắm vững quy trình nên khi nhận thẻ còn móc tiền ra để đưa cho nhân viên.
*Người tài xế này phải vói lên cao mới bấm được thẻ.
*Còn tài xế này thì bấm nhiều lần nhưng máy không nhả ra thẻ.
Ngoài việc máy hay bị trục trặc, nhiều tài xế còn than phiền việc thiết kế 2 nút bấm trên máy đều không ngang tầm với chiều cao của các loại xe. Chẳng hạn như xe du lịch 4 chỗ thì tài xế phải với tay lên chừng 30cm mới bấm được, xe du lịch 15 chỗ thì phải với xuống, xe khách lớn thì phải với lên… Do vậy mà nhiều trường hợp xe đậu khoảng cách xa cabin thì tài xế phải đứng dậy và nhoài người ra ngoài mới bấm được thẻ. Chỉ có xe tải nặng là tương đối vừa tầm.          
       
*Sửa máy tại chỗ.

              

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Vua cá sấu!

Cuộc sống đang ổn định với nghề kinh doanh tạp hóa ở thị xã, anh bất ngờ dẹp tiệm, bỏ đi mua đất… làm ruộng! Làm ruộng được ít năm anh lại bỏ ruộng, mở trại chăn nuôi. Đang nuôi gà, anh chuyển sang nuôi heo rồi bỏ heo nuôi cá sấu. Việc thay đổi xoành xoạch ấy khiến người thân và bạn bè cho là anh hơi bị… ngông! Nhưng chỉ sau mấy năm anh đã tạo được cơ ngơi hàng chục tỉ đồng.
*Làm giàu vì dám liều…
Người nông dân “đa hệ” nói trên là anh Lê Tấn Tài (xã Long Hòa, TX Gò Công, Tiền Giang). Anh Tài kể: “Hồi trước tôi chỉ mới học hết lớp 9 thì nghỉ. Năm 1987 tôi lập gia đình rồi sống bằng nghề buôn bán tạp hóa ở Gò Công. Sau khi tích lũy được một số vốn, năm 1996 tôi mua 1 hecta đất và bỏ buôn bán đi làm ruộng. Làm ruộng được 9 năm, vợ chồng tôi dành dụm và lần lượt mua thêm được tổng cộng 3 hecta đất”.

Nhưng Gò Công là đất ven biển, thời tiết khắc nghiệt, nên làm nông nghiệp không hề đơn giản. Xưa nay người dân trồng rẫy cũng không khá nổi vì mùa nắng luôn thiếu nước ngọt. Phải đến thập niên 1990, sau khi nhà nước đầu tư xây hệ thống “ngọt hóa Gò Công” để ngăn mặn, giữ ngọt mới trồng lúa được. Vậy mà anh Tài đã dám liều bỏ tiền ra mua đất rồi vừa làm, vừa san lấp, cải tạo lại để trồng lúa. Anh nhớ lại, lúc đó mỗi công đất giá khoảng 8 chỉ vàng nhưng rồi phải tốn thêm 4 chỉ nữa để cải tạo từ đất rẫy thành đất ruộng. Nhưng nhờ vậy mà 2 năm sau ruộng của anh làm được 3 vụ/năm và đạt năng suất 5 tấn/ha, trong khi lúc đó đa số chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Vậy là anh đã thành công.
Nhưng rồi một lần nữa anh lại tạo bất ngờ cho mọi người. Đang làm ruộng có hiệu quả nhưng thấy rằng nếu cứ trồng lúa thì rất khó làm giàu. Thế là anh đem 3 hecta đất cho người khác thuê lại với giá 600 giạ lúa (12 tấn) một năm rồi tìm đến ấp Long Bình, xã Yên Luông (H.Gò Công Tây) mua 4.000m2 đất để mở trang trại chăn nuôi. Năm 2001 anh bắt đầu nuôi gà thịt với quy mô 2.000 con. Nuôi gà được 2 năm, bán được 5 đợt, cho rằng hiệu quả nhưng không cao, anh liền bỏ gà chuyển sang nuôi heo vừa lúc xảy ra dịch cúm gia cầm.

“Dù mới bắt đầu nuôi heo, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại theo mô hình công nghiệp trên diện tích gần 300m2. Lúc đầu tôi nuôi 150 con heo thịt và 30 heo nái. Khi đàn heo nái đẻ tôi không bán mà để lại nuôi hết. Vì vậy đàn heo của tôi có lúc tới gần 100 heo nái và 600 con heo thịt. Mỗi ngày tốn hơn một tấn thức ăn và chi phí mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng. Và cứ trung bình mỗi tháng tôi xuất chuồng bán ra khoảng 9-10 tấn heo thịt. Nhưng nuôi heo rất cực vì tốn nhiều công lao động, chi phí thức ăn, thuốc thú y cao, tâm trạng lại luôn phập phồng lo sợ xảy ra dịch bệnh. Do vậy, sau 5 năm nuôi heo, đến năm 2007, vì sợ bị trắng tay nên tôi bỏ nghề không nuôi nữa khi thấy dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện. Lúc đó tôi bán sạch đàn heo và thu được gần 2 tỉ đồng”, anh Tài kể.
*Và cá sấu lên ngôi
Trong thời gian nuôi heo, để tận dụng hết nguồn phế phẩm từ chăn nuôi như heo con bị chết ngộp, heo bệnh, anh Tài đã nuôi thử nghiệm 100 con cá sấu và lấy phế phấm cho cá sấu ăn, thay vì phải đem chôn, gây ô nhiễm. Từ lứa đầu tiên thấy hiệu quả, anh mở rộng chuồng trại và nuôi 300 con rồi sau đó cải tạo lại toàn bộ chuồng heo để nuôi cá sấu.

“Lứa đầu tiên tôi mua 100 con cá sấu giống dài chừng dài 1m, giá khoảng 1 triệu đồng/con. Sau 18 tháng nuôi, cá sấu đạt trọng lượng trung bình khoảng 18 kg/con thì tôi xuất bán với giá 100.000đ/kg. Tùy theo thời điểm và nhu cầu thị trường, giá bán cá sấu có thể lên hoặc xuống (có lúc giá 150.000đ/kg) nhưng mức lãi luôn đạt khoảng 30-40% vì chi phí lớn nhất là đầu tư xây dựng chuồng trại ban đầu và tiền mua con giống. Riêng thức ăn thì dễ mua và chi phí không nhiều. Điều quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ cá sấu luôn ổn định, người nuôi không sợ ế ẩm”, anh Tài chia sẻ.
Vào thời điểm cao nhất trại cá sấu của anh Tài có hơn 2.000 con. Do nuôi xoay vòng liên tục nên cứ 6 tháng thì xuất bán một lần. Tính trung bình mỗi năm anh bán ra hơn 1.000 con cá sấu, tương đương khoảng 18 tấn với tổng thu nhập hơn 2 tỉ đồng/năm. Hiện nay trại cá sấu của anh Tài đang có khoảng 1.600 con. Anh thành thật: “So với nuôi gà, nuôi heo, thì nuôi cá sấu rất khỏe vì không tốn nhiều công lao động, không hồi hộp vì lo sợ dịch bệnh. Mỗi ngày tôi chỉ tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ để thay nước, dọn chuồng trại vào buổi sáng và đổ thức ăn cho cá sấu vào buổi chiều. Nuôi cá sấu chỉ chăm sóc kỹ trong những tháng đầu. Khi cá càng lớn thì việc chăm sóc càng nhẹ. Hiện nay tôi đang nuôi thử nghiệm 30 con nhím. Nếu thành công tôi sẽ tiếp tục mở rộng”.

Điều đáng ngạc nhiên là với quy mô trang trại lớn như vậy nhưng kỹ thuật chăm sóc, thuốc men từ gà, heo rồi cá sấu, đều do một mình anh Tài lo liệu, mặc dù anh chỉ là nông dân không qua trường lớp nào. Năm nay 45 tuổi, anh Tài có 2 con gái. Đứa lớn học cao đẳng công nghệ thực phẩm đã ra trường và lấy chồng, đứa nhỏ còn đang học lớp 7. Tài sản thấy được của anh ngoài trại cá sấu, 3 hecta ruộng, anh còn xây được căn nhà một trệt, 2 lầu ở TX Gò Công với tổng diện tích 600m2.
Thành công của anh Tài là ở chỗ anh biết linh hoạt, nhạy bén và dám quyết đoán. Chẳng hạn như khi bắt đầu nuôi heo, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và con giống tốn khoảng 100 cây vàng. Khi thấy cá sấu có hiệu quả và ít rủi ro hơn, anh liền chuyển sang nuôi cá sấu, không do dự, tiếc của như nhiều nông dân khác. “Nhưng trước khi chuyển đổi thì tôi đã làm thử trước. Đầu tiên là thử nghiệm với quy mô nhỏ rồi mở rộng ra quy mô lớn. Khi nào thấy chắc chắn có hiệu quả thì tôi mới quyết định chuyển chớ không phải làm liều”, anh Tài cho biết.                                          

Xe ô tô né đường cao tốc!

Trái với dự đoán rằng ngày đầu tiên thu phí tuyến đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương sẽ xảy ra ùn tắc, hôm nay 25-2, hoạt động của các phương tiện trên đường cao tốc vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ lượng xe vào tuyến đường này có giảm, đặc biệt là xe container và xe tải.
*Tài xế bấm máy để nhận thẻ vào đường cao tốc.


Theo quy định thì khi xe vào đường cao tốc, tài xế phải dừng lại tại cabin làn vào và bấm máy nhận thẻ từ để xác nhận 3 yếu tố: biển số xe, địa điểm làn vào đường cao tốc và thời gian nhận thẻ, sau đó barie sẽ tự động mở để xe chạy qua. Nhưng có rất nhiều tài xế khi đến trạm thu phí khá lúng túng nên đã chạy qua khỏi cabin, hoặc dừng xe cách cabin chừng… 3m, nên nhân viên trạm thu phí phải hướng dẫn cho xe lùi lại hoặc chạy tới.
*Rất ít xe container vào đường cao tốc.

*Trong khi lối ra thì xe rất đông còn lối vào lại vắng tanh.
Trong khi đó, cũng có rất nhiều tài xế dừng xe ngay cabin nhưng không biết phải làm gì nên nhân viên trạm thu phí phải hướng dẫn bấm máy để nhận thẻ, hoặc là bấm giùm… tài xế. Tuy vậy, tại làn vào trung bình mỗi xe chỉ mất chừng vài giây để qua trạm. Còn ở làn ra, tài xế phải trả lại thẻ từ cho nhân viên thu phí, chờ in chứng từ thu phí và trả tiền. Quy trình này trung bình mất khoảng 15 giây, tùy theo tài xế có chuẩn bị sẵn tiền lẻ hay chưa vì nếu đưa tiền chẵn thì phải chờ thối lại.
*Có lúc lối vào đường cao tốc vắng tanh.
*Ngày cuối tuần xe khách từ Sài Gòn về miền Tây rất đông.
Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) có 3 làn dành cho xe vào và 5 làn cho xe ra khỏi đường cao tốc. Trong buổi sáng 25-2, mặc dù không xảy ra ùn tắc nhưng ở phía 5 làn xe ra (hướng Sài Gòn về miền Tây) phương tiện luôn đông đúc. Ngược lại, ở 3 làn xe vào (hướng miền Tây về Sài Gòn) thì khá vắng nên chỉ hoạt động 2 làn. 
*Ở lối ra, trung bình mỗi xe phải mất khoảng 15 giây.

*Xe container né đường cao tốc vì mức phí quá cao.
Theo nhận định của CSGT thì lượng xe lưu thông trên đường cao tốc sáng nay đã giảm khoảng 50%. Nguyên nhân vì hôm nay là thứ bảy, lượng xe từ hướng Sài Gòn về các tỉnh miền Tây để du lịch, nghỉ ngơi nhiều hơn, trong khi ở hướng ngược lại ít hơn vì cuối tuần.
*Lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1A đã tăng lên đột biến.

Ngoài ra, một lượng khá lớn xe tải, xe khách và xe container đã không vào đường cao tốc mà chọn lưu thông trên quốc lộ 1A để né phí! Do vậy, mật độ lưu thông của xe tải, xe khách và container trên quốc lộ 1A đã tăng lên một cách bất thường.   

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Vua... mít!

           Xưa nay nhiều nông dân vùng ĐBSCL làm giàu nhờ trồng sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc…, nhưng chưa nghe ai làm giàu từ cây mít bao giờ. Vậy mà ở Cai Lậy, Tiền Giang có một người được bà con nông dân gọi là… vua mít!
*Từ 10 cây giống đầu tiên
Từ ngã tư Cai Lậy rẽ trái theo tỉnh lộ 868, đi chừng 5 cây số qua cầu Thanh Niên hỏi thăm nhà “vua mít” thì ai cũng biết. Đó là biệt danh người dân đặt cho ông Hồ Văn Lập ở ấp 4, xã Cẩm Sơn. Muốn vào nhà ông Lập phải đi theo con đường bê tông nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo xuyên trong vườn cây chừng 2 cây số, rất khó tìm. Nhưng ông nổi tiếng là nhờ làm giàu và tạo được thương hiệu từ cây mít, “mít Ba Lập”.
Chất phát, rặt nông dân, nói chuyện với khách nhiều lúc thấy ông còn e ngại vì trả lời không được trôi chảy. Nhưng khi hỏi về kỹ thuật trồng mít như thế nào cho hiệu quả thì ông kể vanh vách. Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, ông vào đời sớm và trải qua nhiều gian nan, vất vả trước khi tạo được cơ ngơi và thương hiệu. “Hồi xưa ở nhà quê cưới vợ sớm lắm. Tôi lập gia đình khi mới ngoài 20 tuổi và lăn lộn với đủ thứ nghề nhưng vẫn nghèo. Đầu tiên là làm nghề đăng tôm, cá, lặn lội dưới sông. Thấy không khá nổi, sau bỏ đăng đi theo làm công cho chủ máy phóng lúa. Làm thuê một thời gian, tôi dành dụm tích lũy được một ít tiền liền mua máy phóng và tự mình làm chủ. Vài năm sau tôi mua được giàn máy xới rồi đi xới đất mướn. Hết phóng lúa, xới đất, tôi chuyển sang trồng táo. Trồng táo rất cực vì phải chăm sóc kỹ. Mỗi tuần phải xịt thuốc một lần vì táo có rất nhiều sâu nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Tôi làm hết mình, quần quật, mà vẫn nghèo”, ông Lập kể.
*Nông dân Hồ Văn Lập và giống mít do ông nhân ra.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003 khi ông Lập đi thăm người bà con ở Biên Hòa và tình cờ làm quen với người chủ trại cây giống. Ông Lập kể tiếp: “Nghe ông ấy giới thiệu về một loại mít có nguồn gốc du nhập từ Thái, tôi tò mò mua 10 cây giống về trồng thử.  Chăm sóc kỹ và đợi một năm rưỡi sau, 10 cây mít đầu tiên cho trái. Tôi ăn thử thấy rất ngon mới bắt đầu ghép cành, nhân giống ra trồng đại trà. Đặc điểm của loại mít này là múi to, cơm dày, ăn dòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, tôi ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên, đến nay vườn mít 9.000m2 của tôi có chừng 600 cây mít đủ cỡ. Vừa trồng vừa tặng bạn bè, bà con hàng xóm cùng trồng. Đến nay cả xóm đều trồng giống mít do tôi nhân ra. Vào đợt thu hoạch, ai đi ngang qua đều nghe toàn mùi mít!”
*Và tỉ phú… mít!
Hỏi vì sao người ta gọi ông là vua… mít? Ông Lập thành thật: «Vì tôi là  người đầu tiên đem mít về trồng chuyên canh và thành công ở vùng này. Lúc đầu, khi tôi có ý định trồng mít đại trà nhiều người khuyên nên tìm giống cây khác vì xưa nay chưa có ai làm giàu nhờ trồng mít bao giờ. Ngay cả người thân trong gia đình cũng không tin là tôi sẽ thành công. Nhưng hồi cuối năm ngoái, giống mít của tôi đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa với thương hiệu mít Ba Lập».
Ông Lập cho biết đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác liên tục và chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng. Vì vậy, để trái có trọng lượng lớn, bán được giá cao, cần phải tỉa bỏ bớt. Tùy theo độ tuổi của cây mà chừa trái cho thích hợp, nhưng trung bình nếu bón phân, tưới nước đầy đủ thì mỗi đợt chỉ nên chừa lại chừng 10 trái mỗi cây. Khi thu hoạch, mỗi trái có trọng lượng từ 20 đến trên 30kg là bình thường. Càng ít trái thì trọng lượng mỗi trái càng lớn. Với giá mít dao động từ khoảng 28.000 đến 34.000đ/kg như hiện nay, mỗi trái mít có thể bán được hơn nửa triệu đồng. Như vậy mỗi đợt thu hoạch, một cây mít có thể thu được trên 6 triệu đồng và một năm có thể thu hoạch được 3 lần. Trong khi đó thì vườn mít của ông Lập có chừng 600 cây nên mỗi năm có thể thu được tiền tỉ là dễ hiểu. Đó là chưa kể nguồn thu nhập từ bán cây giống. Chỉ riêng năm 2011 ông Lập cung cấp ra thị trường gần 20.000 cây mít giống. Với đơn giá 12.000đ/cây, ông thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.

Trồng mít cho thu nhập cao nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc ít và công chăm sóc đơn giản hơn nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, thường mỗi năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch là vào mùa thu hoạch rộ nên trái cây thường bị rớt giá. Để tạo lợi thế cạnh tranh, ông Lập cho biết phải xử lý cắt bỏ khi trái còn nhỏ, không cho mít ra trái và thu hoạch vào thời điểm bất lợi đó. Nhờ vậy mà vườn mít của ông luôn bán được với giá cao, tránh được tình trạng được mùa, rớt giá. Ngoài ra, nhờ trồng chuyên canh nên mỗi đợt thu hoạch đều cho sản lượng lớn nên cả cây giống và trái đều được thương lái đến mua tại vườn, không phải chở đi đâu.
Không chỉ làm giàu một mình, ông Lập luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cho cây giống và giúp đỡ nhiều người khác cùng trồng và thoát nghèo từ cây mít. Nhưng để thành công, ông Lập cho rằng phải quyết tâm, siêng năng, còn kỹ thuật nếu không biết thì có thể đi học hỏi.        

Tỉ phú chân phèn!

Làm giàu bằng nghề nông là chuyện không dễ dàng, nhưng làm giàu trên vùng đất khô cằn, hoang hóa của vùng Đồng Tháp Mười lại càng khó hơn. Bởi vậy mà người ta gọi ông Ngô Văn Biền (ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, H.Tân Phước, Tiền Giang) là “vua khóm” vì ông đã làm giàu được trên vùng đất phèn với thu nhập hơn một tỉ đồng mỗi năm.
*Ngôi nhà lầu giữa đồng phèn
Anh cứ chạy cặp theo bờ kênh, đi chừng 2 cây số thì gặp ngôi nhà lầu nằm giữa cánh đồng khóm mênh mông, đó là nhà của ông Chín Biền. Dễ tìm lắm vì ở đây chỉ có một ngôi nhà lầu độc nhất của ổng”, một cán bộ ở UBND xã Tân Lập 2 hướng dẫn.
Vốn xuất thân từ bộ đội, sau khi nghe câu hỏi, ông Biền đi thẳng vào vấn đề mà không cần rào đón hoặc e ngại như nhiều nông dân khác. “Hồi trước gia đình tôi ở xã Tân Hòa Thành, cách đây chừng chục cây số. Nhà nghèo, đông anh em, 7 người nhưng chỉ có 5 công ruộng, làm quần quật quanh năm nhưng không ai khá lên được. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo, năm 1990 sau khi xuất ngũ tôi quyết định đưa vợ con tới vùng đất mới này để lập nghiệp. Vốn là vùng đất hoang hóa lâu năm, lại nhiễm phèn nặng nên điều kiện sống lúc bấy giờ hết sức khắc nghiệt. Đất đai bạt ngàn nhưng cây lúa không phát triển được. Nước sinh hoạt thì phải lóng tro để khử phèn. Hồi đó có rất nhiều gia đình đi kinh tế mới đến đây nhưng không chịu nổi đã phải lặng lẽ bỏ đi. Riêng vợ chồng tôi động viên nhau cố bám trụ, vì nếu bỏ về cũng thấy ngại”, ông Biền kể.

Ông Biền cho biết: “Lúc đầu vợ chồng tôi xới đất trồng khoai mì để “chống đói”, đồng thời lấy ngắn nuôi dài. Cây mì hợp với đất phèn nên củ to, năng suất rất cao, chỉ có điều giá bán rẻ như cho. Thế là chúng tôi chuyển sang trồng mía. Nhưng mía lại càng thê thảm hơn vì đầu tư nhiều vốn, tốn nhiều công chăm sóc, đến khi thu hoạch lại không bán được, phải thuê người đốn để… chia hai! Sau nhiều lần thất bại, thua lỗ, năm 1996 một lần nữa tôi quyết định đốn bỏ cây mía để trồng khóm và lần này đã thành công, nhờ cây khóm mà gia đình tôi khấm khá cho đến bây giờ”. Thế là từ một hecta ban đầu, ông Biền dành dụm và tích lũy dần để mua thêm đất. Đến nay vợ chồng ông canh tác trên diện tích 14 ha. Ngay giữa cánh đồng khóm bạt ngàn, nắng cháy, cách đây nhiều năm vợ chồng ông xây một ngôi nhà lầu tốn hơn nửa tỉ đồng.
Là nông dân, lại là nông dân Đồng Tháp Mười nhưng nhà ông Biền có đầy đủ tiện nghi như người dân thành thị. Dù nhà rất xa trường, xa chợ, nhưng con trai lớn của ông học trung cấp thú y, con gái kế học trung cấp du lịch và đứa con gái út thì đang học lớp 8 ở Sài Gòn. Với năng suất trung bình khoảng 25 tấn/ha, ông Biền cho biết mỗi năm thu nhập của gia đình ông đạt hơn một tỉ đồng, chưa kể các khoản thu nhập khác từ máy cày, máy xúc…
*Hơn nhau ở cách làm
Khi được hỏi vì sao cùng có điều kiện giống nhau nhưng nhiều nông dân khác vẫn cam chịu mức sống “bình bình” không vượt lên được? Ông Biền giải thích đơn giản: “Có lẽ là do ở cách làm. Chẳng hạn như tôi canh tác trên diện tích lớn, nhà ít lao động, nhưng liếp khóm lúc nào cũng luôn sạch cỏ trong khi có người không làm được. Ví dụ, lúc đầu thiếu vốn thì tôi rủ người khác cùng làm vần đổi công. Khi tích lũy được vốn thì tôi thuê thêm lao động. Và để đạt được hiệu quả, tôi thà chịu mắc nợ để đầu tư lớn bằng cách mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và dứt khoát trồng chuyên canh, không trồng xen. Kết quả là cùng trồng khóm như nhau nhưng khóm của tôi bao giờ cũng bán được với giá cao hơn người khác. Và cũng nhờ diện tích lớn, sản lượng lớn nên có lợi thế là lúc nào cũng dễ bán, thương lái không dám bỏ”.
Mặt khác, để sản xuất có hiệu quả, ông Biền luôn quan tâm học hỏi cách ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chọn giống như thế nào để cây khóm đạt năng suất cao, thu hoạch đúng thời điểm nhằm bán được với giá cao. Tuy nhiên, theo ông Biền thì tới bây giờ vẫn còn nhiều bà con trồng khóm theo kiểu “phục tráng”, tức là cây khóm trồng cả chục năm rồi nhưng cứ để thu hoạch hoài, không dám phá bỏ trồng mới vì… tiếc. Nhưng cây cũ thì chất lượng không đồng đều, năng suất thấp, giá trị thấp và cây càng lâu thì trái càng nhỏ. Cũng có những nông dân có nhiều đất nhưng vẫn nghèo hoặc không phát triển được vì sợ mất tiền nên không dám mạnh dạn đầu tư. Ngược lại, khi nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ nông dân vay tiền thì ông Ngô Văn Biền đã dám đi chơi hụi và “xung phong” hốt trước, chịu thiệt, để lấy vốn đầu tư vào cây khóm. Và trong điều kiện khí hậu, đất đai không được thiên nhiên ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười, chính nhờ sự cần cù, chịu khó, dám làm, mà ông Biền đã thành công. Theo bình chọn của Hội Nông dân tỉnh thì ông Biền là người đứng đầu trong top" những nông dân giỏi, có thu nhập cao của vùng huyện Tân Phước.

            Năm 2009, khi chính quyền phát động sản xuất khóm theo mô hình VietGAP, ông Biền cũng là một trong những nông dân đầu tiên đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha khóm đang cho trái để trồng mới theo sự hướng dẫn của Viện Cây ăn quả miền Nam. Ông Biền tâm sự: “Sản xuất theo quy trình VietGAP rất cực vì phải tuân theo rất nhiều chỉ tiêu như bón phân theo định mức, phải có nhật ký ghi chép, có nhà vệ sinh, nhà kho... và đầu tư rất tốn kém. Có tới 103 yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất và 38 yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng theo quy trình VietGAP. Nhưng làm được VietGAP rồi mà nông dân chúng tôi vẫn phải tự tiêu thụ, vẫn phải bán khóm cho thương lái theo giá lên xuống thất thường hoài thì cũng… hơi buồn! Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân còn ngại, không muốn áp dụng mô hình VietGAP. Nhưng để chuẩn bị cho hướng đi xa thì không thể cứ làm theo kiểu cũ, bởi vì đến lúc nào đó thị trường yêu cầu phải có chứng nhận VietGAP thì làm sao trở tay kịp”.  

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

DU KHÁCH NGOẠI THUÊ XE ĐI LỪA ĐẢO

Khoảng 20 giờ đêm 12.2, tiệm tạp hóa của chị Nguyễn Thị Kim Liên ở ấp Hưng Qưới, xã Hưng Thạnh, H.Tân Phước, Tiền Giang (cách quốc lộ 1A chừng 30km) bất ngờ có chiếc ô tô sang trọng ghé lại. Ngồi trên chiếc Innova màu đen, biển số 52F-4450 là hai người đàn ông, một phụ nữ và hai bé gái người nước ngoài.
*Chiếc Innova lấm lem bùn đất.
Họ xuống xe để mua 3 hộp cháo ăn liền, 3 hộp xà bông Lifebuoy và một lốc sữa Milo, tổng cộng thành tiền là 60.000đ.  Người đàn ông đưa tờ giấy 500 ngàn đồng và chờ chị Liên thối lại. Nhưng sau khi đếm lại, người đàn ông ngoại quốc cho rằng đó không phải là tiền… Việt Nam và ra dấu bảo chị Liên đưa xấp tiền đang cầm trên tay để ông ta lựa chọn. Khi ông ta trả lại xấp tiền và cùng người phụ nữ lên xe đi về hướng xã Phú Mỹ, chị Liên kiểm lại thì phát hiện bị mất 1 triệu đồng.
*Lo tháo chạy, tài xế va vào chiếc Kobe đào đất làm hư cánh cửa.
Ngay lập tức, anh Nguyễn Ngọc Hiệp (chồng chị Liên) điện thoại báo cho công an xã biết đồng thời dùng xe gắn máy đuổi theo. Khi đến đoạn đường đang thi công tại tỉnh lộ 865 thì chiếc ô tô bị lún do vừa mới đổ cát. Khi đuổi kịp, anh Hiệp đòi lại tiền và yêu cầu họ vào trụ sở công an giải quyết. Tuy nhiên, trong lúc đang chờ lập biên bản thì nhóm người này bất ngờ lên xe nổ máy phóng đi. Chạy chưa xa thì chiếc ô tô va chạm với chiếc Kobe (xe đào đất) đang thi công trên đường và bị tạm giữ.
*Bằng lái xe của tài xế Ahmadi Rasoul.
Khi được mời về trụ sở công an, họ xuất trình 3 bằng lái xe gồm tài xế tên Ahmadi Rasoul, sinh năm 1994;  Ahmadi Hossein, sinh năm 1977 và vợ là Rezaeiniko Afsaneh, sinh năm 1979. Tất cả cùng quốc tịch Iran. Họ cho biết đã thuê chiếc ô tô nói trên tại TP.HCM từ ngày 31.1 với giá 70 USD/ngày, đến nay đã quá hạn hơn một tuần nhưng chưa trả.
*Ahmadi Hossein.
Ngày 14.2, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Tiền Giang đã ra quyết định tạm giữ Ahmadi Rasoul để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng  Ahmadi Hossein cùng Rezaeiniko Afsaneh bị tạm giữ giấy tờ và cho về TP.HCM vì có con nhỏ. Cơ quan điều tra nghi vấn trong 2 tuần qua họ thuê xe và hoạt động ở nhiều địa phương.        
Rezaeiniko Afsaneh.
                   

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Tờ vé số "lượm trong sọt rác"!

Cuối tháng 12.2011, kỹ sư Trần Nam Phúc đã phát đơn tố cáo sếp của mình là ông Trương Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An, đã “chiếm đoạt tờ vé số trúng giải” của anh. Theo đó, ngày 2.12.2011, khi tới Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An liên hệ công việc, một khách hàng đã mua 6 tờ vé số của Công ty XSKT Vĩnh Long và 9 tờ của Công ty XSKT Bình Dương tặng cho 6 người có mặt tại cơ quan gồm ông Bình, anh Miên, chị Dưỡng, chị Diệu và anh Phúc mỗi người 2 tờ của 2 tỉnh khác nhau. Kết quả là 6 tờ vé số Vĩnh Long đều trúng giải. Trong đó, chị Dưỡng, chị Diệu, anh Miên, trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng. Riêng ông Bình (được tặng 1 tờ Vĩnh Long và 2 tờ Bình Dương) nhưng cho biết không có tờ nào trúng.
Chiều hôm đó sau khi có kết quả xổ số, trong lúc anh Phúc đang phụ bán phở tại nhà ông Bình thì ông Bình tới hỏi 2 tờ vé số được tặng lúc sáng đâu đưa cho ông dò giùm. Dò xong, ông Bình nói “vé số không trúng” rồi lấy luôn 2 tờ vé số đó. Sáng hôm sau, chị Năm Kim là người bán vé số hôm trước cho biết tất cả các tờ vé có số đuôi 48 của đài Vĩnh Long đều trúng giải. Trong đó, tờ có số 063848 trúng giải an ủi 100 triệu đồng và tờ có số 163848 thì trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng. Ngay lập tức, anh Phúc chạy tới nhà ông Bình để đòi lại tờ vé số nhưng ông Bình vẫn bảo “tờ vé số đó không trúng”. Khi anh Phúc hỏi vậy tờ vé số đó ở đâu thì ông Bình nói đã quăng rồi. Đòi không được, anh Phúc làm đơn khiếu nại gửi nhiều nơi nhưng không cơ quan nào thụ lý. Công an thì bảo đó là quan hệ dân sự nên phải kiện ở tòa. Tòa lại nói đó là hình sự do công an xử lý.
*Kỹ sư Trần Nam Phúc.
Tuy nhiên, sự việc hiện đã phát sinh diễn biến mới. Anh Trần Nam Phúc tường trình: “Sau khi báo Thanh Niên có bài phản ánh thì khoảng 21 giờ ngày 30.12.2011, bà Xuân (vợ ông Trương Hữu Bình) gọi tôi tới quán phở của bà và nói rằng có lượm được tờ vé số trúng giải an ủi trong sọt rác. Bà Xuân gợi ý trả lại cho tôi số tiền 30 triệu đồng với điều kiện tôi phải viết giấy xác nhận rằng bà “đã lượm được tờ vé số trong thùng rác và đã giấu không cho chồng biết”, đồng thời tôi phải cam kết không được thưa kiện hoặc cho báo chí biết. Tôi trả lời nếu là giải an ủi thì phải trả đủ 90 triệu đồng (sau khi trừ thuế thu nhập) nhưng bà Xuân không đồng ý. Cuối cùng tôi đành phải viết cam kết theo ý của bà Xuân và nhận 30 triệu đồng. Ngày 1.1.2012, khi ông Bình đi công tác về thì tôi tiếp tục tới nhà đòi ông phải trả hết số tiền còn lại, nhưng ông Bình nói tờ vé số đó do bà Xuân lượm được nên cho ai hoặc cho bao nhiêu là quyền của bà Xuân, ông không biết”.
Quá bức xúc, anh Phúc viết đơn khiếu nại gửi Công an tỉnh Long An, sau đó đơn được chuyển về Công an TP Tân An nhưng cơ quan này không giải quyết vì cho rằng đó là quan hệ dân sự. Anh Phúc tới gõ cửa TAND TP Tân An thì ở đây lại bảo đó là hình sự nên chỉ sang công an. Ngày 31.1.2012 anh Phúc tiếp tục gửi đơn tới Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Long An. Thế nhưng, trong khi chờ đợi phúc đáp thì bất ngờ ngày 6.2.2012, anh Phúc nhận được quyết định do ông Trương Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An  ký, điều động anh về nhận nhiệm vụ tại Trạm thủy văn Bến Lức.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phúc quả quyết tờ vé số bị mất của anh không phải trúng giải an ủi (như bà Xuân nói) mà trúng giải đặc biệt. Lý do, trong cặp 10 tờ vé số do người bán vé số dạo bán ra hôm đó thì 4 tờ trúng giải an ủi đã được xác nhận. Riêng 6 tờ trúng giải đặc biệt thì 2 tờ được xác nhận người trúng giải ở huyện Tân Hưng và 3 người ở Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An. Trong khi đó thì tờ vé số thứ 6 đến giờ này không có ai xác nhận nên anh Phúc khẳng định đó là tờ vé số của mình đã bị mất. Để làm rõ thông tin này, ngày 9.2 chúng tôi tìm đến đại lý vé số Việt Hoa ở phường 2, TP Tân An gặp ông Hà Văn Dũng. Ông Dũng xác nhận: “Đúng là ngày hôm đó trong số vé tôi phát cho bà Năm Kim (người bán vé số dạo) có một cặp 10 tờ vé số Vĩnh Long. Bà Năm Kim đã bán cho ai tôi không biết, nhưng tôi xác nhận có 6 tờ trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng và và 4 tờ trúng giải an ủi 100 triệu đồng. Nếu muốn biết ai đã nhận giải, anh cứ đến Công ty XSKT Vĩnh Long xác minh thì rõ”.

Ngày 10.2, chúng tôi đến Công ty XSKT Vĩnh Long. Sau khi đòi xem thẻ nhà báo và hỏi mục đích đến làm gì, anh bảo vệ vào trong trình rồi trở ra thông báo “tất cả lãnh đạo đều đi vắng”. Hỏi xin số điện thoại, bảo vệ nói không biết. Sau khi tìm được số điện thoại, chúng tôi liên lạc với Phó giám đốc Bé Tư thì được trả lời không giải quyết được vì bà đang đi công tác ở TPHCM. Gọi cho Phó giám đốc tên Chính thì ông trả lời dứt khoát là không thể cung cấp thông tin người trúng giải được, trừ khi có có yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan điều tra.                                                    

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Xây chợ mới, tiểu thương kêu cứu!


Đó là nghịch lý xảy ra tại Chợ Cũ thuộc phường 8, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Chợ Cũ đã quá cũ phải xây lại chợ mới, thay vì vui mừng, gần 500 tiểu thương đã ký đơn khiếu nại gửi khắp nơi.
*Giá thuê sạp quá cao?!
Theo thông báo của chính quyền địa phương thì ngày 10.2.2012 là hạn chót để tiểu thương bốc thăm, chọn lô ở khu chợ tạm để tiến hành di dời, chuẩn bị khởi công xây chợ mới. Vậy mà mấy ngày qua bà con tiểu thương vẫn liên tục tới gõ cửa các cơ quan chính quyền của TP Mỹ Tho và Tiền Giang để khiếu nại. Hầu hết tiểu thương đều khẳng định họ không phản đối chủ trương xây chợ, nhưng đây là chợ phường với đa số tiểu thương nghèo. Họ sợ sau khi xây chợ mới rồi sẽ không còn cơ hội trở lại mua bán nữa vì giá quày sạp vượt quá khả năng của họ.
Theo thông báo của chủ đầu tư là Công ty CP Lợi Nhân thì thời gian thuê quày sạp giới hạn trong 10 năm, quày sạp do cá nhân tự đóng hoặc đăng ký để công ty đóng theo mẫu thống nhất. Với diện tích mỗi sạp là 3m2, khu kinh doanh quần áo may sẵn, vải sợi, mỹ phẩm giá cho thuê từ 450.000-517.500đ/tháng. Khu giày dép, tạp hóa giá thuê từ 400.000-460.000đ/tháng. Khu hoa tươi, trái cây, thịt heo, thực phẩm khô, bánh kẹo, sành sứ, ăn uống… giá thuê từ 360.000-414.000đ/tháng. Thấp nhất là khu cá tép, khô, mắm, rau cải, giá thuê từ 275.000-316.250đ/tháng. Riêng 43 ki ốt xây bao quanh chợ sẽ được đấu thầu với giá khởi điểm từ 140 triệu đồng/ki ốt (6m2) và 180 triệu đồng/ki ốt (8m2), thời hạn sử dụng 15 năm và thu tiền “trọn gói” một lần. 


Ngoài tiền thuê sạp hàng tháng, Công ty CP Lợi Nhân còn thu trước “tiền thuê đất” 10 năm với giá  3 triệu đồng/sạp, đồng thời sau 2 năm sẽ điều chỉnh giá cho thuê một lần với dự kiến tăng thêm khoảng 5%. Cũng theo thông báo của chủ đầu tư thì ngoài các khoản tiền trên, tiểu thương còn phải nộp trước khoản “tiền thế chân” tương đương với 6 tháng tiền thuê sạp. Đây là vấn đề khiến tiểu thương hết sức bức xúc, nhất là đối với bà con nghèo, mặc dù chủ đầu tư hứa “sẽ hoàn trả lại khi hết hợp đồng”.
*Xin được xem xét lại…
Trả lời thắc mắc của người dân, ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Mỹ Tho cho biết: “Phương án thu phí do nhà đầu tư lập nhưng có thông qua các ngành chức năng của TP Mỹ Tho, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, tiểu thương và nhà nước. Nguyên nhân khiến tiểu thương phản đối vì có những người đang kinh doanh ở vị trí thuận lợi, nay phải dời đi, họ ngại sau khi xây chợ xong sẽ bốc thăm gặp vị trí không thuận lợi. Nguyên nhân thứ hai là do tác động của… người cho vay(?!) Vì là chợ nghèo nên đa số tiểu thương đều phải vay “bạc nóng” để kinh doanh, sáng vay, chiều trả. Nay phải di dời ra chợ tạm, người cho vay sợ ra ngoài bán không được sẽ không thu được nợ nên không đồng tình”.
Giải thích về việc tiểu thương phản ảnh không được tham khảo ý kiến trước khi áp giá, ông Tùng cho rằng: “Không có cơ sở, không có chuyện chính quyền cùng nhà đầu tư đưa giá ra rồi bắt dân phải theo, vì từ khi triển khai việc xây chợ đến nay đã có ít nhất 4-5 cuộc họp với tiểu thương. Tại các cuộc họp đều có đại diện cơ quan chức năng và chủ đầu tư để nghe ý kiến của tiểu thương. Khi họp bà con đồng tình, khi về lại bàn ra bàn vô rồi có ý kiến khác”. Thế nhưng, nhiều tiểu thương khẳng định từ khi triển khai dự án đến nay chính quyền chỉ tổ chức họp dân được 2 lần, một lần ở hội trường UBND phường 8 và một lần tại phường 3. Những lần còn lại là do người dân bức xúc, tới gõ cửa thì đại diện chính quyền mới tiếp.  

Một tiểu thương yêu cầu không nêu tên cho biết: “Lần đầu khi triển khai chủ trương xây chợ bà con đều nhất trí vì tưởng rằng xây xong thì được trở về chỗ cũ. Đến lần họp thứ hai, khi chúng tôi yêu cầu công bố giá thì mới tá hỏa vì đối với tiểu thương nghèo, phải vay nóng hàng ngày, thì đó là những con số không tưởng tượng được. Đây là chợ phường, bà con chúng tôi kiếm ăn từng bữa. Có những hộ hàng ngày mua bán với số vốn ít ỏi chừng 500.000đ hoặc mua hàng gối đầu, bán trước trả sau. Nhưng sau khi xây chợ xong, ngoài tiền thuê sạp, tiền thuế, còn phải đóng tiền thế chân 6 tháng nên nhiều người không có khả năng lo nổi. Chúng tôi đồng tình việc xây dựng lại chợ vì đã xuống cấp. Nhưng sau khi bốc thăm di dời, tôi đã khóc vì với giá như vậy thì tiểu thương nghèo chúng tôi ít có cơ hội trở lại”.


Bà Nguyễn Thị Bé bán hủ tiếu ở Chợ Cũ trên 30 năm vừa khóc, vừa nói rằng: “Đây là chợ nghèo vì bà con nghèo lắm. Lâu nay mỗi tháng tôi chỉ nộp thuế 165.000đ thêm 8.000đ hoa chi mỗi ngày nhưng đã vất vả. Giờ mấy ổng kêu dời ra chợ tạm rồi mai mốt đâu có đủ tiền để dời trở lại đây. Chúng tôi mong “cấp trên” cho điều chỉnh lại giá thuê sạp và xem xét lại khoản tiền thế chân, đồng thời xin có cuộc họp giữa chính quyền, nhà đầu tư với tiểu thương để có sự thống nhất, vì mức giá như vậy vượt quá khả năng của dân nghèo”.
Theo phương án được UBND TP Mỹ Tho phê duyệt, Chợ Cũ là công trình dân dụng cấp 4, được xây dựng trên diện tích 5.210m2, trong đó diện tích nhà lồng chợ 2.625m2, còn lại là các khu kinh doanh ăn uống, khu kinh doanh ngoài trời, khu ki ốt… với tổng cộng 537 sạp và 43 kiốt, tổng vốn đầu tư là 16,9 tỉ đồng, trong đó tiền thuê đất 30 năm hơn 6 tỉ đồng. 
Vì muốn nghe ý kiến của chủ đầu tư, chúng tôi đã đến chi nhánh Công ty CP Lợi Nhân tại TP Mỹ Tho nhưng người đại diện là cô Bích Thu hẹn hôm sau sẽ làm việc với ông giám đốc. Hôm sau chúng tôi liên lạc thì cô Thu cho biết “Ông giám đốc chưa tới, khi nào tới sẽ gọi” nhưng chờ mãi vẫn không thấy gọi.