Làm giàu bằng nghề nông là chuyện không dễ dàng, nhưng làm giàu trên vùng đất khô cằn, hoang hóa của vùng Đồng Tháp Mười lại càng khó hơn. Bởi vậy mà người ta gọi ông Ngô Văn Biền (ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2, H.Tân Phước, Tiền Giang) là “vua khóm” vì ông đã làm giàu được trên vùng đất phèn với thu nhập hơn một tỉ đồng mỗi năm.
*Ngôi nhà lầu giữa đồng phèn
“Anh cứ chạy cặp theo bờ kênh, đi chừng 2 cây số thì gặp ngôi nhà lầu nằm giữa cánh đồng khóm mênh mông, đó là nhà của ông Chín Biền. Dễ tìm lắm vì ở đây chỉ có một ngôi nhà lầu độc nhất của ổng”, một cán bộ ở UBND xã Tân Lập 2 hướng dẫn.
Vốn xuất thân từ bộ đội, sau khi nghe câu hỏi, ông Biền đi thẳng vào vấn đề mà không cần rào đón hoặc e ngại như nhiều nông dân khác. “Hồi trước gia đình tôi ở xã Tân Hòa Thành, cách đây chừng chục cây số. Nhà nghèo, đông anh em, 7 người nhưng chỉ có 5 công ruộng, làm quần quật quanh năm nhưng không ai khá lên được. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo, năm 1990 sau khi xuất ngũ tôi quyết định đưa vợ con tới vùng đất mới này để lập nghiệp. Vốn là vùng đất hoang hóa lâu năm, lại nhiễm phèn nặng nên điều kiện sống lúc bấy giờ hết sức khắc nghiệt. Đất đai bạt ngàn nhưng cây lúa không phát triển được. Nước sinh hoạt thì phải lóng tro để khử phèn. Hồi đó có rất nhiều gia đình đi kinh tế mới đến đây nhưng không chịu nổi đã phải lặng lẽ bỏ đi. Riêng vợ chồng tôi động viên nhau cố bám trụ, vì nếu bỏ về cũng thấy ngại”, ông Biền kể.
Ông Biền cho biết: “Lúc đầu vợ chồng tôi xới đất trồng khoai mì để “chống đói”, đồng thời lấy ngắn nuôi dài. Cây mì hợp với đất phèn nên củ to, năng suất rất cao, chỉ có điều giá bán rẻ như cho. Thế là chúng tôi chuyển sang trồng mía. Nhưng mía lại càng thê thảm hơn vì đầu tư nhiều vốn, tốn nhiều công chăm sóc, đến khi thu hoạch lại không bán được, phải thuê người đốn để… chia hai! Sau nhiều lần thất bại, thua lỗ, năm 1996 một lần nữa tôi quyết định đốn bỏ cây mía để trồng khóm và lần này đã thành công, nhờ cây khóm mà gia đình tôi khấm khá cho đến bây giờ”. Thế là từ một hecta ban đầu, ông Biền dành dụm và tích lũy dần để mua thêm đất. Đến nay vợ chồng ông canh tác trên diện tích 14 ha. Ngay giữa cánh đồng khóm bạt ngàn, nắng cháy, cách đây nhiều năm vợ chồng ông xây một ngôi nhà lầu tốn hơn nửa tỉ đồng.
Là nông dân, lại là nông dân Đồng Tháp Mười nhưng nhà ông Biền có đầy đủ tiện nghi như người dân thành thị. Dù nhà rất xa trường, xa chợ, nhưng con trai lớn của ông học trung cấp thú y, con gái kế học trung cấp du lịch và đứa con gái út thì đang học lớp 8 ở Sài Gòn. Với năng suất trung bình khoảng 25 tấn/ha, ông Biền cho biết mỗi năm thu nhập của gia đình ông đạt hơn một tỉ đồng, chưa kể các khoản thu nhập khác từ máy cày, máy xúc…
*Hơn nhau ở cách làm
Khi được hỏi vì sao cùng có điều kiện giống nhau nhưng nhiều nông dân khác vẫn cam chịu mức sống “bình bình” không vượt lên được? Ông Biền giải thích đơn giản: “Có lẽ là do ở cách làm. Chẳng hạn như tôi canh tác trên diện tích lớn, nhà ít lao động, nhưng liếp khóm lúc nào cũng luôn sạch cỏ trong khi có người không làm được. Ví dụ, lúc đầu thiếu vốn thì tôi rủ người khác cùng làm vần đổi công. Khi tích lũy được vốn thì tôi thuê thêm lao động. Và để đạt được hiệu quả, tôi thà chịu mắc nợ để đầu tư lớn bằng cách mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và dứt khoát trồng chuyên canh, không trồng xen. Kết quả là cùng trồng khóm như nhau nhưng khóm của tôi bao giờ cũng bán được với giá cao hơn người khác. Và cũng nhờ diện tích lớn, sản lượng lớn nên có lợi thế là lúc nào cũng dễ bán, thương lái không dám bỏ”.
Mặt khác, để sản xuất có hiệu quả, ông Biền luôn quan tâm học hỏi cách ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chọn giống như thế nào để cây khóm đạt năng suất cao, thu hoạch đúng thời điểm nhằm bán được với giá cao. Tuy nhiên, theo ông Biền thì tới bây giờ vẫn còn nhiều bà con trồng khóm theo kiểu “phục tráng”, tức là cây khóm trồng cả chục năm rồi nhưng cứ để thu hoạch hoài, không dám phá bỏ trồng mới vì… tiếc. Nhưng cây cũ thì chất lượng không đồng đều, năng suất thấp, giá trị thấp và cây càng lâu thì trái càng nhỏ. Cũng có những nông dân có nhiều đất nhưng vẫn nghèo hoặc không phát triển được vì sợ mất tiền nên không dám mạnh dạn đầu tư. Ngược lại, khi nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ nông dân vay tiền thì ông Ngô Văn Biền đã dám đi chơi hụi và “xung phong” hốt trước, chịu thiệt, để lấy vốn đầu tư vào cây khóm. Và trong điều kiện khí hậu, đất đai không được thiên nhiên ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười, chính nhờ sự cần cù, chịu khó, dám làm, mà ông Biền đã thành công. Theo bình chọn của Hội Nông dân tỉnh thì ông Biền là người đứng đầu trong “top" những nông dân giỏi, có thu nhập cao của vùng huyện Tân Phước.
Năm 2009, khi chính quyền phát động sản xuất khóm theo mô hình VietGAP, ông Biền cũng là một trong những nông dân đầu tiên đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha khóm đang cho trái để trồng mới theo sự hướng dẫn của Viện Cây ăn quả miền Nam. Ông Biền tâm sự: “Sản xuất theo quy trình VietGAP rất cực vì phải tuân theo rất nhiều chỉ tiêu như bón phân theo định mức, phải có nhật ký ghi chép, có nhà vệ sinh, nhà kho... và đầu tư rất tốn kém. Có tới 103 yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất và 38 yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng theo quy trình VietGAP. Nhưng làm được VietGAP rồi mà nông dân chúng tôi vẫn phải tự tiêu thụ, vẫn phải bán khóm cho thương lái theo giá lên xuống thất thường hoài thì cũng… hơi buồn! Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân còn ngại, không muốn áp dụng mô hình VietGAP. Nhưng để chuẩn bị cho hướng đi xa thì không thể cứ làm theo kiểu cũ, bởi vì đến lúc nào đó thị trường yêu cầu phải có chứng nhận VietGAP thì làm sao trở tay kịp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét