Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Xây chợ mới, tiểu thương kêu cứu!


Đó là nghịch lý xảy ra tại Chợ Cũ thuộc phường 8, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Chợ Cũ đã quá cũ phải xây lại chợ mới, thay vì vui mừng, gần 500 tiểu thương đã ký đơn khiếu nại gửi khắp nơi.
*Giá thuê sạp quá cao?!
Theo thông báo của chính quyền địa phương thì ngày 10.2.2012 là hạn chót để tiểu thương bốc thăm, chọn lô ở khu chợ tạm để tiến hành di dời, chuẩn bị khởi công xây chợ mới. Vậy mà mấy ngày qua bà con tiểu thương vẫn liên tục tới gõ cửa các cơ quan chính quyền của TP Mỹ Tho và Tiền Giang để khiếu nại. Hầu hết tiểu thương đều khẳng định họ không phản đối chủ trương xây chợ, nhưng đây là chợ phường với đa số tiểu thương nghèo. Họ sợ sau khi xây chợ mới rồi sẽ không còn cơ hội trở lại mua bán nữa vì giá quày sạp vượt quá khả năng của họ.
Theo thông báo của chủ đầu tư là Công ty CP Lợi Nhân thì thời gian thuê quày sạp giới hạn trong 10 năm, quày sạp do cá nhân tự đóng hoặc đăng ký để công ty đóng theo mẫu thống nhất. Với diện tích mỗi sạp là 3m2, khu kinh doanh quần áo may sẵn, vải sợi, mỹ phẩm giá cho thuê từ 450.000-517.500đ/tháng. Khu giày dép, tạp hóa giá thuê từ 400.000-460.000đ/tháng. Khu hoa tươi, trái cây, thịt heo, thực phẩm khô, bánh kẹo, sành sứ, ăn uống… giá thuê từ 360.000-414.000đ/tháng. Thấp nhất là khu cá tép, khô, mắm, rau cải, giá thuê từ 275.000-316.250đ/tháng. Riêng 43 ki ốt xây bao quanh chợ sẽ được đấu thầu với giá khởi điểm từ 140 triệu đồng/ki ốt (6m2) và 180 triệu đồng/ki ốt (8m2), thời hạn sử dụng 15 năm và thu tiền “trọn gói” một lần. 


Ngoài tiền thuê sạp hàng tháng, Công ty CP Lợi Nhân còn thu trước “tiền thuê đất” 10 năm với giá  3 triệu đồng/sạp, đồng thời sau 2 năm sẽ điều chỉnh giá cho thuê một lần với dự kiến tăng thêm khoảng 5%. Cũng theo thông báo của chủ đầu tư thì ngoài các khoản tiền trên, tiểu thương còn phải nộp trước khoản “tiền thế chân” tương đương với 6 tháng tiền thuê sạp. Đây là vấn đề khiến tiểu thương hết sức bức xúc, nhất là đối với bà con nghèo, mặc dù chủ đầu tư hứa “sẽ hoàn trả lại khi hết hợp đồng”.
*Xin được xem xét lại…
Trả lời thắc mắc của người dân, ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Mỹ Tho cho biết: “Phương án thu phí do nhà đầu tư lập nhưng có thông qua các ngành chức năng của TP Mỹ Tho, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, tiểu thương và nhà nước. Nguyên nhân khiến tiểu thương phản đối vì có những người đang kinh doanh ở vị trí thuận lợi, nay phải dời đi, họ ngại sau khi xây chợ xong sẽ bốc thăm gặp vị trí không thuận lợi. Nguyên nhân thứ hai là do tác động của… người cho vay(?!) Vì là chợ nghèo nên đa số tiểu thương đều phải vay “bạc nóng” để kinh doanh, sáng vay, chiều trả. Nay phải di dời ra chợ tạm, người cho vay sợ ra ngoài bán không được sẽ không thu được nợ nên không đồng tình”.
Giải thích về việc tiểu thương phản ảnh không được tham khảo ý kiến trước khi áp giá, ông Tùng cho rằng: “Không có cơ sở, không có chuyện chính quyền cùng nhà đầu tư đưa giá ra rồi bắt dân phải theo, vì từ khi triển khai việc xây chợ đến nay đã có ít nhất 4-5 cuộc họp với tiểu thương. Tại các cuộc họp đều có đại diện cơ quan chức năng và chủ đầu tư để nghe ý kiến của tiểu thương. Khi họp bà con đồng tình, khi về lại bàn ra bàn vô rồi có ý kiến khác”. Thế nhưng, nhiều tiểu thương khẳng định từ khi triển khai dự án đến nay chính quyền chỉ tổ chức họp dân được 2 lần, một lần ở hội trường UBND phường 8 và một lần tại phường 3. Những lần còn lại là do người dân bức xúc, tới gõ cửa thì đại diện chính quyền mới tiếp.  

Một tiểu thương yêu cầu không nêu tên cho biết: “Lần đầu khi triển khai chủ trương xây chợ bà con đều nhất trí vì tưởng rằng xây xong thì được trở về chỗ cũ. Đến lần họp thứ hai, khi chúng tôi yêu cầu công bố giá thì mới tá hỏa vì đối với tiểu thương nghèo, phải vay nóng hàng ngày, thì đó là những con số không tưởng tượng được. Đây là chợ phường, bà con chúng tôi kiếm ăn từng bữa. Có những hộ hàng ngày mua bán với số vốn ít ỏi chừng 500.000đ hoặc mua hàng gối đầu, bán trước trả sau. Nhưng sau khi xây chợ xong, ngoài tiền thuê sạp, tiền thuế, còn phải đóng tiền thế chân 6 tháng nên nhiều người không có khả năng lo nổi. Chúng tôi đồng tình việc xây dựng lại chợ vì đã xuống cấp. Nhưng sau khi bốc thăm di dời, tôi đã khóc vì với giá như vậy thì tiểu thương nghèo chúng tôi ít có cơ hội trở lại”.


Bà Nguyễn Thị Bé bán hủ tiếu ở Chợ Cũ trên 30 năm vừa khóc, vừa nói rằng: “Đây là chợ nghèo vì bà con nghèo lắm. Lâu nay mỗi tháng tôi chỉ nộp thuế 165.000đ thêm 8.000đ hoa chi mỗi ngày nhưng đã vất vả. Giờ mấy ổng kêu dời ra chợ tạm rồi mai mốt đâu có đủ tiền để dời trở lại đây. Chúng tôi mong “cấp trên” cho điều chỉnh lại giá thuê sạp và xem xét lại khoản tiền thế chân, đồng thời xin có cuộc họp giữa chính quyền, nhà đầu tư với tiểu thương để có sự thống nhất, vì mức giá như vậy vượt quá khả năng của dân nghèo”.
Theo phương án được UBND TP Mỹ Tho phê duyệt, Chợ Cũ là công trình dân dụng cấp 4, được xây dựng trên diện tích 5.210m2, trong đó diện tích nhà lồng chợ 2.625m2, còn lại là các khu kinh doanh ăn uống, khu kinh doanh ngoài trời, khu ki ốt… với tổng cộng 537 sạp và 43 kiốt, tổng vốn đầu tư là 16,9 tỉ đồng, trong đó tiền thuê đất 30 năm hơn 6 tỉ đồng. 
Vì muốn nghe ý kiến của chủ đầu tư, chúng tôi đã đến chi nhánh Công ty CP Lợi Nhân tại TP Mỹ Tho nhưng người đại diện là cô Bích Thu hẹn hôm sau sẽ làm việc với ông giám đốc. Hôm sau chúng tôi liên lạc thì cô Thu cho biết “Ông giám đốc chưa tới, khi nào tới sẽ gọi” nhưng chờ mãi vẫn không thấy gọi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét