Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Nhà bị "cắt ngọn" vì cao hơn trụ sở... UBND tỉnh!

             *Bài đăng ngày 14/9/2012:
            Thời gian gần đây dư luận trong cán bộ và người dân tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang, rất bức xúc khi chứng kiến tòa nhà Trung tâm điều hành du lịch (tọa lạc tại đường 30.4), vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 19.8.2009 thì nay bất ngờ bị phong tỏa kín mít để… đập và sửa chữa.
*Trung tâm điều hành du lịch Mỹ Tho trước khi bị đập sửa.
          Đây là công trình nằm trong gói dự án phát triển du lịch sông Mê Kông, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, tiểu dự án Bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho được xây dựng cặp bờ sông Tiền trên diện tích 12.000m2, bao gồm các hạng mục như: Trung tâm điều hành du lịch, bờ kè, cầu tàu, bãi đỗ xe... với vốn đầu tư lúc bấy giờ là 25,1 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,4 triệu USD. Vậy mà công trình chỉ mới sử dụng được 3 năm thì bị đập sửa chữa lại, khiến người dân hết sức ngạc nhiên.
*Cho rằng tòa nhà có mũi nhọn chĩa về hướng trụ sở UBND tỉnh nên bị che bít bùng lại để đập sửa.
           Giải thích về sự việc trên, ngày 11.9, bà Đỗ Thị Hương Thu, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết việc đập sửa công trình này là do Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch đề xuất “vì tòa nhà bị dột”. Nhưng khi hỏi kinh phí sửa chữa tốn khoảng bao nhiêu thì bà Thu nói rằng “chưa dự toán”. Ngược lại, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh văn phòng UBND tỉnh, lại cho rằng lý do phải đập sửa tòa nhà đó vì trước đây tỉnh có quy định các công trình xây dựng trên con đường này không được cao hơn… trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Hỏi đây là quy định bằng văn bản hay bằng miệng, ông Chiến nói đó là chủ trương của một vị cựu bí thư tỉnh ủy đã về hưu cách đây hàng chục năm! 
              Tuy nhiên, nếu theo giải thích của ông Chiến thì còn nhiều công trình dân dụng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước có chiều cao cao hơn tòa nhà của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, lẽ nào cũng phải đập hết hay sao? Trong khi đó thì ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang, cho biết tòa nhà nói trên sẽ được cải tạo, sửa chữa lại từ nhà mái ngói thành tòa nhà nóc bằng, nhưng kinh phí thì “chưa phê duyệt nên chưa biết cụ thể là bao nhiêu”. Về lý do phải đập sửa, ông Phong lại cho rằng do tòa nhà “đã bị thấm nước”. Chúng tôi cũng đã liên lạc với đơn vị tư vấn thiết kế thì được một cán bộ cho biết ông cũng rất trăn trở vì tòa nhà này trước đó do đơn vị ông thiết kế. Bây giờ phải thiết kế “cắt ngọn” thì cũng do đơn vị ông làm. 
          Thế nhưng dư luận từ những vị cán bộ về hưu cho rằng lý do phải đập sửa tòa nhà trên xuất phát từ phong thủy. Cụ thể là “do mũi nhọn của tòa nhà này đâm về hướng trụ sở UBND tỉnh lại ngẫu nhiên trùng hợp với việc nhiều vị lãnh đạo UBND tỉnh bị bệnh, bị tai nạn, nên dẫn đến chủ trương trên(?!)” Thực hư lời đồn không ai xác nhận, chỉ có điều mấy năm trước đây tại UBND tỉnh Tiền Giang cũng từng có dư luận về việc đốn cây, dời cổng nhiều lần cũng được cho là xuất phát từ phong thủy.  
            *Thông tin cập nhật 05/05/2013:
*Trung tâm điều hành du lịch sau khi đã "sửa chữa".
           Sau khi chúng tôi đăng tải chuyện kỳ quặc này, một phóng viên của tờ báo T tại TP.HCM đã "nhảy vô" UBND tỉnh Tiền Giang gặp bà Phó chủ tịch Trần Kim Mai "phỏng vấn" rồi đưa tin "đính chính giùm" UBND tỉnh Tiền Giang rằng không hề có chuyện cắt ngọn tòa nhà mà chỉ là sửa chữa lại vì nhà bị... dột nóc mà thôi. Và bây giờ, xin quý vị hãy nhìn xem tòa nhà sau khi đã được sửa chữa xong có đẹp hơn tòa nhà cũ và có đúng là đã bị cắt ngọn hay không?!   

     

*******
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (40)
trương xuân huy
Cách đây 2 năm ở tỉnh này cũng đã làm 1 con rồng rất to, tốn 2 tỉ, xong lễ bán ve chai 60 triệu!
Tùng, Đà Nẵng
Phải nói thế này mới đúng, các công trình xây dựng trên cùng trục đường với trụ sở UBND tỉnh Tiền Giang không được cao hơn tư duy và tầm nhìn của ông cựu bí thư tỉnh này. Tầm nhìn hạn chế quá.
DAN, HUNG YEN
Thật là một điều xỉ nhục, đến cấp tỉnh còn thế này, đất nước bao giờ phát triển được đây, than ôi!!!!!
NVH, Q1, TP HCM
Cái này sao giống như bắt chước Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng vào năm 1910 của Mỹ (Heights of Buildings Act of 1910) trong đó không có tòa nhà nào được phép xây cao hơn Tòa Quốc hội Mỹ.
Thiếu gì cái hay không bắt chước lại đi lựa cái dở để làm theo. Vài năm trước đây TP HCM cũng có vụ tính cắt nóc một cao ốc gần trụ sở UBND TPHCM vì có ý kiến cho là làm xấu diện mạo trụ sở UB nhưng cuối cùng bị dẹp bỏ vì nghe lãng xẹt. Tưởng không có ai sẽ đi làm ba cái chuyện tầm phào như vậy ai dè !
Trần Thanh, TPHCM
Nản toàn tập. Tiền các ông có làm vậy không.
Eli
Cảm ơn anh Hoàng Phương nhiều nghe, em ở Mỹ Tho từ nhỏ từng chứng kiến nhiều công trình xây dựng mà từ trước tới giờ chưa có một công trình nào xây dựng hay sửa chữa mà bao che cực kỳ "kín" như công trình này. Tòa nhà này là dạng sửa chữa nhỏ như lời của vị phó chánh văn phòng trình bày là chỉ "bị thấm dột". Theo em nghĩ chắc bao che cực kỳ "kín" là vì "họ" muốn che mắt dư luận nhưng không ngờ bị anh phát hiện. Đúng là những vị QUAN kia họ kỵ cái "cây nhọn" chĩa qua trụ sở UB nên mới "bức tử bằng cách hớt ngọn" tòa nhà này.
Phúc Long
Tòa nhà Trung tâm điều hành Du lịch thực tế không cao hơn tòa nhà UBND tỉnh, xét về mặt kiến trúc cả 2 tòa nhà điều xây dựng 2 tầng (1 trệt và một lầu + mái ngói) nhưng UBND tỉnh cao hơn vì tòa nhà này có nhiều bậc cấp trong khi đó Tòa nhà Trung tâm điều hành Du lịch có 3 bậc cấp vậy làm sao cao hơn được. Tôi là dân Mỹ Tho tuy chưa bao giờ cầm thước đo thực tế nhưng nhận xét một cách khách quan thì như vậy. Tôi đồng ý với cách nhận xét của hai nông dân Mỹ Tho, dư luật địa phương cũng nói như vậy và tôi cũng thấy như vậy. Ở TG người có quyền thì muốn làm gì thì làm, không cần biết các bạn nói gì và nghĩ gì đâu nhé!!!
Cu Li
Quá hay, tui có tiền tui sẽ xây 10 tầng cho cao hơn chơi, nếu thấy ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái thì cứ đập, mỗi tầng đền 5 tỉ thôi !
Trần Ngọc Hoàng
Chuyện thường ngày ở tỉnh.
Thái Phong
Khi đi ngang qua công trình này thì ấn tượng nhất chính là phần khung vách bao che để thi công công trình.
vodinh
Rất có thể đây là thể hiện "chữ tôi" của một quan chức tỉnh có hạng vì cho rằng mái ngói chiếu thẳng vào UBNN tỉnh thì sẽ xui xẻo này nọ ( có thể vị này đi xem bói) không được nắm chức quyền lâu dài...nên tìm lý do khác để sửa lại. Cơ chế xin cho đã trở thành một thứ văn hóa ở đất nước ta, việc xin dự án, xin công trình...không phải là mang lại lợi ích gì cho dân mà là có được bao nhiêu % trong số xin được.
hoacomay
Không thể nói thêm được lời nào! Quá quan liêu!!!!!!!!
Nguyễn Tùng Chinh
Bó tay ... hết nói nổi.
Tống Bình
Tiền chùa mà, tha hồ phung phí!
Hân
Không biết mấy ông quan làmcó hỏi ý kiến dân không nữa? Muốn là làm vậy trời,tại xui nên mới bị tai nạn,cứ đổ thừa chỗ làm,sao không đổ thừa cái nhà mấy ông đang ở đi..........
Vinh
Các quan làm thế này thì ngân sách chịu sao thấu? Kiểu tư duy "lồng sắt nhốt hòn đá" như ở Gia Lai đây?
Xgame - TPHCM
Kiểu này đúng như ta cao 1,50m chọn cấp dưới chỉ được cao từ 1,49m chở xuống, ấu trĩ và mê tín quá, làm gì mà sáng sủa được?
ngothuy, P. An Phú, Quận 2, TPHCM
Tôi là dân của TP Mỹ Tho, từ ngày giải phóng đến nay đã mấy chục năm mà đời sống của đại đa số người dân không khá lên được bao nhiêu, cơ sở hạ tầng cũng chẳng có gì phát triển chỉ thấy cấp chính quyền làm toàn những chuyện lợi bất cập hại, vừa gây tốn kém tiền của của dân vừa gây tổn thất cho dân như xây cống Bảo Định không mang lại lợi ích gì cho ngăn mặn theo chủ trương của tỉnh mà gây cản trở dòng nước làm ngập úng bao nhiêu hecta vườn cây ăn trái lâu năm của các xã ven sông, cản trở việc lưu thông của tàu bè. Con nước năm rồi ngập úng chết hàng lọat vườn cây trái lâu năm, chính quyền xã + TP đến từng hộ dân khảo sát ghi nhận thiệt hại để đền bù, ghi đã 3 lần nhưng đến giờ chưa thấy hỗ trợ cho dân bị thiệt hại đồng nào.
Tiếp đến chính quyền tỉnh lại cho đắp đê bao dọc theo sông Bảo định phía xã Đạo thạnh để ngăn triều cường gây ngập úng: công trình không có tính khả thi, thiếu cân nhắc tình toán và cũng không lấy ý kiến dân tự triển khai, đang làm thì 1 số đọan đã sạt xuống sông làm mất thêm đất của dân. Trong kỳ họp Hội đồng ND cấp tỉnh cách nay đã 3 năm, tôi được nghe các ông lãnh đạo tỉnh thông bào sẽ triển khai làm bờ kè dọc 2 bờ sông Bảo định và kinh phí đã được duyệt nhưng không biết vì sao không làm. Nghe nhiều lời hứa hẹn nhưng không thấy thực hiện gì, chỉ làm những việc không mang lại lợi ích gì cho dân.mà thêm tốn kém tiền của mà người dân phải còng lưng đóng thuế và làm thiệt hại thêm của dân.
vuongbui (Q.7, TPHCM)
Lại thể hiện cung cách quan liêu của mấy quan cấp tỉnh.
Hai nông dân - Mỹ Tho, Tiền Giang
Hình như vì lý do gì đó mà ông nhà báo này chưa nói hết sự thật. Theo tui được biết thì việc cắt ngọn tòa nhà nói trên vì lý do phong thủy: Nghe đồn rằng gần đây ông chủ tịch bị thoát vị đĩa đệm, ông phó chủ tịch thì bị bệnh tim, bà phó chủ tịch thì vừa mới bị té gãy xương đòn. Chính vì vậy mà họ xử ngôi nhà nói trên vì cho rằng mũi nhọn đã đâm thẳng vào trụ sở UBND tỉnh nên gây hậu quả. Mấy năm trước tại trụ sở UBND tỉnh này cũng từng xảy ra việc đốn bỏ 2 cây liễu và 2 lần dời cổng vì lý do phong thủy, ông tân chủ tịch vừa lên thay thì bị té quẹo giò. Sau đó họ chủ trương đập bỏ, sửa, xây các trụ sở đều quay mặt về hướng bắc.
nguyen hoang (MỸ THO, TIỀN GIANG)
Thực ra các bác nói sai hết nguyên nhân tòa nhà bị đập là do lãnh đạo UBND tỉnh sặc mùi mê tín dị đoan là tòa nhà có mũi nhọn chĩa qua UB tỉnh làm cho vị phó bị té gãy chân, vị trưởng bị thoát vị địa đệm nên coi phong thủy phải đập bỏ - giống vụ đốn hàng dương liễu ở tỉnh ủy vậy thôi.
Thanh Bình
là Chánh văn phòng tỉnh ủy mà nói như vậy thì chỉ làm mất lòng tin của dân với chính quyền sở tại. Công trình hàng chục tỉ đồng xây dựng xong, sử dụng được 3 năm thì "đập phá-sửa chữa"???? "tốn kém + lãng phí + tham nhũng = dự án". trong khi hàng triệu người dân "ăn chưa no, mặc chưa ấm" vẫn phải gồng mình kiếm từng đồng xu để "đóng góp vào ngân sách nhà nước"!!!!! LÃNG PHÍ
Tu Do, TpHCM
Công trình mới xây mà dột rồi uổng quá ha. Chắc tại mua vật liệu không tốt.
Lê Ngọc Cường, Đà Nẵng
Tóm lại, ý của Đ/c cựu bí thư tỉnh ủy là việc phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh Tiền Giang nói chung không được cao quá nóc nhà của UBND tỉnh. Than ôi !
võ chí tình - Phú Yên
Phong thủy quá đi. gây tốn kém lãng phí của Nhà nước
Tú Huế - Phú Lộc- Thừa Thiên Huế
Tiền vay này ai trả? Nếu nói như ông chánh văn phòng thì khi xây dựng, ai là người cấp phép? Đừng trả lời kiểu ấy với dân. Tiền vay phát sinh cho việc này rồi cũng lấy từ tiền thuế của dân ra mà thôi
Bich Loan, Mỹ Tho
Tòa nhà Trung tâm điều hành du lịch bị sửa chữa là do mũi nhọn của mái nhà (đầu xông) chĩa vào cửa UBND tỉnh. Theo tục mê tín thì không tốt. Ai nói chính quyền không tin dị đoan
Nhật Hồng - Đà Lạt
Cảm ơn các cấp Đảng, chính quyền, công an và cả hệ thống chinh trị Tiền Giang đã nghiêm túc tạo một nét son trong tỉnh nhà để dân hiểu rõ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trần Trung Hiếu
Đúng là tiền của Nhà nước, nên xài cứ như tiền chùa.
KTS LÊ CÔNG SĨ -Trà Vinh
Theo tôi, có vẻ như có vấn đề gì đó khá "nhùng nhằng" trong việc "cắt ngọn" tòa nhà trung tâm điều hành du lịch vốn tọa lạc ở thế "chiếu tướng" tòa nhà làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh này!
Theo dõi nội dung bài báo, tôi nhận ra dường như đằng sau việc đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà này là vấn đề "phong thủy" (tôi xin mở ngoặc kép chữ phong thủy). Tuy nhiên, dù với lý do gì, đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà trên cũng không thuyết phục, và xung quang vấn đề này cần làm rõ những yếu tố sau:

1. Lý do hạn chế chiều cao công trình so với công trình trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thực tế, không rõ vì nguyên nhân nào, có một dạo nhiều địa phương đã đặt ra "lệ làng" này, tức không cho phép công trình xây dựng cao hơn công trình nhà làm việc của chính quyền!
Thực tế, nhà nước VN là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên xem ra không khó thấy quan niệm ấy đã lỗi thời. Việc duy trì một quan niệm lỗi thời trong xã hội hiện đại là biểu hiện của sự trì níu trong tư duy của những lãnh đạo đương quyền, và đó là thực trạng nguy hiểm bởi đó cũng là nguyên do khiến tình hình kinh tế xã hội địa phương bị kìm hãm! Lại nữa, bất kỳ "chủ trương của lãnh đạo" nào cũng đều phải dựa trên pháp luật, tức phải theo những điều luật cụ thể chứ không do mong muốn chủ quan của lãnh đạo!

2. Lý do công trình sai phạm so với quy hoạch kiến trúc khu vực, tức vượt quá chiều cao giới hạn cho phép. Nếu vậy, phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, quy trình cấp phép, thi công, hoàn công của công trình này. Cụ thể, nếu công trình thiết kế vượt quá chiều cao quy định thì cá nhân nào thẩm định, trách nhiệm của đơn vị cấp phép ở đâu khi để "lọt lưới" công trình. Tương tự, cơ quan quản lý xây dựng có "buông lỏng" để công trình thi công "sai" và hoàn công, đưa vào sử dụng đến nay đã trên 3 năm mới "phát hiện" (?!). Làm rõ trách nhiệm, tất nhiên, sau đó phải xử lý nghiêm và công khai cho truyền thông.

3. Công trình bị "cắt ngọn" vì lý do... "phong thủy". Mặc dù bài báo không đề cập nhưng việc chú thích hai bức ảnh đính kèm và cách chụp của phóng viên, tôi cho rằng số phận công trình này bị định đoạt bởi chính quyền địa phương do yếu tố "phong thủy". Cạnh đó, qua dư luận ở địa phương (tôi có quen nhiều người trong ngành kiến trúc và xây dựng tỉnh này), tôi nghiên nhiều về lý do "phong thủy". Không thể khác và đến giờ đã không còn chối cãi, phong thủy là khoa học, là nghệ thuật, chi phối nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có kiến trúc. Tuy nhiên, khi kết luận một công trình, một khu vực, một đô thị "sai" phong thủy hay có ảnh hưởng tiêu cực đến công trình khác cần phải có nghiên cứu khoa học và kết luận nghiêm cẩn từ những nhà nghiên cứu!
Có ý kiến cho rằng trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng", nên đề nghị "cắt ngọn" mà theo dư luận thực ra chỉ là cải tạo mặt đứng theo hướng "phá thế trực hung" của công trình này (?!).

Theo tôi, sai phạm của cá nhân lãnh đạo xuất phát từ năng lực và đạo đức, tư cách cán bộ, tức từ bản thân theo triết lý xưa nay là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", chứ hẳn không thể xuất phát từ yếu tố mang tính "ngoại vi" được dán nhãn "phong thủy". Nói cách khác, lãnh đạo kém năng lực, thiếu tu dưỡng tư cách đạo đức thì dù làm việc ở công trình nào trước sau gì cũng bị "nhúng chàm"!
Hạnh Hoa
Ôi! các quan sao lại mê tín đến phi lý thế. Muốn giữ được ghế thì phải có Đức có Tài và hết lòng vì dân chứ. Thật buồn!
trần ngọc thành
Chuyện chỉ có ở VIỆT NAM.
Người Mỹ Tho
Còn rất nhiều những công trình tại Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang cho thấy sự yếu kém trong quản lý, và đầu tư gây lãng phí tại tỉnh Tiền Giang. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc thực hiện " Phê Bình và Tự Phê Bình" theo đúng nghị quyết của Đảng đề ra! Không làm qua loa, thành tích. Kiểm điểm từng việc nóng của Tỉnh như Nhà máy nước BOO Tiền Giang Công Ty Du Lịch Tiền Giang Các Khu Công Nghiệp, Công An tỉnh Tiền Giang, Lễ hội 333 năm Mỹ Tho Đại Phố gây tốn kém và không hiệu quả !!
hoàng giang
Bao đời nay phép vua thua lệ làng là điều luôn luôn xảy ra ở các địa phương có mấy xếp thích xem địa lý, phong thủy để "giữ ghế" mà! Như tôi đây chỉ là 1 GV bình thường mà lỡ mua xe tay ga giống màu xe của Hiệu trưởng thì sẽ bị "đì" ngóc đầu lên không nổi huống hồ cả một cái nhà to đùng như thế.
Lê Nhân, Cần Thơ
Oái!!! Chuyện tưởng như đùa!
long tran van
Đúng là lệ làng! Đã qua thế kỷ 21 rồi mà ông Mỹ (tho) này vẫn còn lạc hậu quá vậy?
Thu Trang, Mỹ Tho
Hy vọng là tiền sửa chữa do ông giám đốc bỏ tiền túi ra làm
Civil
"Chưa dự toán"! Nói nghe có vẻ không hợp lý, tôi cũng là kỹ sư xây dựng, cái chuyện chưa dự toán hoàn toàn phi lý! Ngay cả cái nhà phố bình thường ít nhất cũng có dự toán sơ bộ, đằng này lại là đề xuất của Sở, không có kế hoạch vốn cũng chẳng thầu nào dám làm đâu chứ ở đó mà chưa dự toán.
Lâm Ninh Thuận
Lý do mà 2 vị lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra đã không có tính thuyết phục, bởi vì: Thứ nhất là 2 ý kiến này không thống nhất về lý do phải cắt ngọn tòa nhà trung tâm điều hành du lịch. Thứ 2 nếu như quy hoạch kiến trúc khu vực này không cho phép các tòa nhà mới xây cao hơn trụ sở Tỉnh ủy và UBND, thì tại sao ngay trong khi phê duyệt thiết kế, hoặc trong lúc xây dựng các cơ quan chức năng không đình chỉ, khắc phục mà lại để kéo dài đến 2 năm mới đập bỏ gây lãng phí.

Với cách nhìn khách quan, có thể đặt ra vấn đề là có chăng vấn đề phong thủy trong vụ việc này. Trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng"... Nên việc Sở văn hóa- thể thao và du lịch đề nghị và được chấp thuận cho sửa chữa bằng cách cắt ngọn đổ mái bằng tòa nhà (gỡ thế chiếu tướng cho trụ sở UBND tỉnh) là điều dễ hiểu.

Thiết nghĩ, đây là một nội dung mới phát sinh mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần đưa vào xem xét kiểm điểm theo tinh thần NQ TW 4 (khóa XI) hiện nay.
Công Tâm (Gia Lai)
Bị cắt ngọn vì phạm thượng. May mà chưa bị cắt gốc !






                                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét