Đó là trường hợp
của ông Phan Văn Lá, 46 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, H.Châu Thành, Long An.
Năm 1991, ông Lá bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù về tội “hủy hoại tài sản
XHCN”. Năm 1992 án sơ thẩm bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm
điều tra xét xử lại. Nhưng rồi bị can đã chờ đến nay đã 22 năm.
*Chuyện 23 năm trước…
Theo hồ sơ vụ án
thì khoảng 22 giờ đêm 21.7.1991, đường dây điện của ấp 1 (xã Hiệp Thạnh, H.Châu
Thành) bị mất điện. Lúc đó, 2 em của ông Lá là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan
Văn Châu (13 tuổi) đang soi cá ngoài đồng. Nghe tiếng truy đuổi và đèn pha rọi
tới, sợ bị lấy bình điện vì dùng để xuyệt cá, Tân và Châu bỏ chạy nhưng bị người
dân bắt giao công an. Lúc đầu Tân và Châu (không có người giám hộ) không thừa
nhận việc cắt dây điện, nhưng vì bị đánh và buộc phải khai theo hướng dẫn của
điều tra viên là có cắt trộm dây điện (án phúc thẩm ghi) và có người thứ 3 chủ
mưu. Chẳng biết khai ai, Tân và Châu khai anh ruột của mình là Phan Văn Lá.
Ngày 22.7.1991,
Công an H.Châu Thành ra lệnh bắt khẩn cấp Phan Văn Tân và Phan Văn Châu rồi tiếp
tục khởi tố, bắt tạm giam Tân, Châu và Phan Văn Lá để điều tra. Mặc dù trong suốt
quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12.1991 ông Lá luôn
kêu oan, không nhận tội, nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng buộc tội, cho là
“ngoan cố” và bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù về tội hủy hoại tài sản XHCN.
Trong khi đó thì sau 2 tháng bị tạm giam, Tân và Châu được cho tại ngoại rồi
sau đó Viện KSND huyện có quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Tuy nhiên, ngày
5.9.1992 TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy án sơ thẩm và giao về cấp sơ thẩm điều
tra, xét xử lại vì “đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vì Phan Văn Lá kêu
oan, không nhận tội, trong khi Tân và Châu khai đã bị đánh đau nên buộc phải
khai theo hướng dẫn của điều tra viên là có 3 người tham gia. Rồi, vì không biết
khai ai nên khai anh mình”. Ngày 13.10.1992 Công an H.Châu Thành tiếp tục ra lệnh
tạm giam Phan Văn Lá thêm 2 tháng. Nhưng chẳng hiểu sao, 2 ngày sau Viện KSND cùng
cấp đã ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam.
*Vụ án bị bỏ quên
Theo khiếu nại của
ông Phan Văn Lá thì từ khi được cho tại ngoại đến nay các cơ quan tố tụng của
huyện vẫn không đưa vụ án ra xét xử lại, nhưng cũng không thông báo gì cho
đương sự. Vì vậy ông đã làm đơn gửi tới các cơ quan tố tụng yêu cầu làm rõ về
thân phận pháp lý của mình - là bị can trong vụ án hình sự mà hơn 20 năm vẫn bị
treo lơ lửng, trong khi các cơ quan tố tụng của huyện lại im lặng.
Ngày 15.1.2013, TAND
H.Châu Thành có văn bản trả lời ông Phan Văn Lá, theo đó: “Sau khi án sơ thẩm bị
TAND tỉnh hủy ngày 5.9.1992, hồ sơ đã được chuyển đến cơ quan điều tra để thụ
lý lại… Qua kiểm tra sổ sách thụ lý án hình sự từ sau ngày 5.9.1992 đến cuối
năm 1994 cũng không thấy biên bản giao nhận hồ sơ vụ án từ TAND sang Viện KSND
huyện... Đề nghị ông tiếp tục khiếu nại tại cơ quan điều tra Công an H.Châu
Thành và rút khiếu nại ở TAND huyện”.
Theo trình bày của
ông Lá thì ngày 26.3.2013 Công an H.Châu Thành có mời ông đến làm việc nhưng
không có lập biên bản. “Tại cuộc gặp này còn có đại diện của Viện KSND huyện,
ông Nguyễn Văn Trãi, Phó trưởng Công an huyện, nói với tôi: “Việc này xảy ra
lâu quá rồi, đề nghị anh rút đơn khiếu nại cho vui vẻ cả hai bên”. Vị đại diện
Viện KSND thì nói luật tố tụng thời điểm đó là vậy, giờ khiếu nại cũng không được
gì. Ông động viên tôi về suy nghĩ lại, đừng nghe lời ai khiếu nại tốn công vô
ích”. Ông Lá nghẹn ngào: “Ông Trãi với tôi quá quen vì lúc tôi bị bắt thì ông
Trãi là điều tra viên. Hồi đó con gái tôi chưa thôi nôi, bây giờ nó đã 24 tuổi
rồi mà thân phận tôi vẫn còn là bị can vì vụ án chưa kết thúc”.
Ngày 15.5, chúng
tôi đến Công an H.Châu Thành để xác minh sự việc. Người trực ban là trung tá
Lâm Minh Theo, nói: “Vấn đề này có liên quan đến tố tụng, tôi là trực ban kiêm
nhiệm nên phải chờ thủ trưởng trả lời” và hẹn 11 giờ trưa. Nhưng khi chúng tôi trở
lại, ông Theo cho biết đã xin ý kiến ông Trần Văn Hà, Trưởng công an huyện, ông
Hà nói “vụ đó ở đây đang làm để báo cáo công an tỉnh”…
Trong khi đó thì thẩm phán Trương Thị
Hải, Chánh án TAND H.Châu Thành, thừa nhận: “Lẽ ra khi thả bị can thì phải có
quyết định đình chỉ vụ án vì không chứng minh được tội phạm, nhưng lại không có
quyết định gì hết. Sau khi bị khiếu nại, chúng tôi tìm nhưng không thấy hồ sơ ở
đây, Viện KSND tìm bên đó cũng không có. Lúc đầu cơ quan điều tra cũng không
tìm thấy nhưng cuối cùng họ báo là đã tìm thấy rồi”. Về hướng giải quyết vụ án,
bà Hải nói: “Ngày 20.9.2012 tôi đã có văn bản báo cáo việc này lên tòa án tỉnh rồi
nhưng từ đó đến nay tỉnh chưa có ý kiến gì. Cái sai này thuộc về hai chục năm về
trước, lúc đó tôi đâu có ở đây mà chịu trách nhiệm. Hôm 9.5 chúng tôi có photocopy
hồ sơ và gửi về tòa tỉnh một lần nữa”.
Khi nào đứt dây thì rớt xuống thôi! haha
Trả lờiXóa