Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013
Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013
Tòa "khai tử" người còn sống
Một vụ tranh chấp
quyền sử dụng đất chỉ vài trăm m2 lại kéo dài trên 10 năm, hai cấp tòa xét xử với
6 bản án nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc.
*Tòa tỉnh bác tòa huyện
Bà Nguyễn Thị
Kim có 1.880m2 đất vườn tọa lạc tại ấp Mỹ, xã Kim Sơn, H.Châu Thành (Tiền
Giang). Năm 1976, bà Kim cho bà Nguyễn Thị Huệ và con gái là Nguyễn Thị Nga (gia
đình nghèo) cất căn nhà thô sơ trên phần đất của mình với lời hứa miệng “cho ở
tới mãn đời”. Đổi lại, vì bà Kim là vợ liệt sĩ, sống neo đơn lại bị bệnh down,
nên Hội phụ nữ huyện và xã vận động chị Nguyễn Thị Nga đảm nhiệm việc chăm sóc,
tắm giặt và lo cơm nước hàng ngày cho bà Kim.
Năm 1989, ông
Nguyễn Văn Luốc (cán bộ tập đoàn sản xuất) đứng ra bán 1.500m2 đất của bà Kim cho
bà Lê Thị Sáu lấy tiền gửi HTX tín dụng để dành nuôi bà Kim. Phần còn lại là
nhà của bà Kim và nhà chị Nga đang ở. Việc này được ông Phạm Văn Phước (con trai
bà Kim) xác nhận trong biên bản lấy lời khai của TAND H.Châu Thành rằng mẹ ông
bán đất “nhưng chừa lại nền nhà của bà và chị Nga chớ không có bán hết”.
*Chị Nga trước thửa đất bị tranh chấp. |
Sau khi mua đất,
việc tranh chấp bắt đầu vì nhà bà Sáu ở phía sau trong khi nhà của chị Nga (cất
năm 1976) ở phía trước. Sự việc càng rắc rối thêm vì đang lúc tranh chấp thì năm
2002 UBND H.Châu Thành lại cấp giấy QSDĐ cho bà Sáu. Khó hiểu hơn, bà Sáu được
cấp 1.500m2 nhưng bản vẽ trong giấy QSDĐ của bà Huệ và bà Sáu vẫn giống y chang,
không thấy điều chỉnh và thể hiện phần còn lại mà chị Nga đang ở. Có được QSDĐ,
bà Sáu càng xúc tiến mạnh việc đòi đất. Thế là 2 đương sự kéo nhau ra tòa. Ngày
20.8.2008, bản án sơ thẩm đầu tiên của TAND H.Châu Thành quyết định chấp nhận
yêu cầu khởi kiện của bà Sáu, buộc chị Nga “tháo dỡ ngôi nhà trả lại 134.2m2 đất
do bà Sáu đứng tên trong giấy QSDĐ”.
Chị Nga kháng án,
ngày 18.2.2009 TAND tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm với
nhận định: “Án sơ thẩm căn cứ vào giấy QSDĐ của bà Sáu được cấp vào năm 2002,
trên đó có phần đất chị Nga đang ở để buộc chị Nga dỡ nhà trả đất là chưa phù hợp.
Cấp sơ thẩm chưa tiến hành đo đạc diện tích đất của bà Sáu so với giấy được cấp
và chưa xem xét quá trình cấp giấy QSDĐ cho bà Sáu (cấp giấy trong khi đang xảy
ra tranh chấp)”.
Thế nhưng, án sơ
thẩm lần 2 của TAND H.Châu Thành tiếp tục chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà
Sáu, buộc gia đình chị Nga phải tháo dỡ nhà trả lại đất cho bà Sáu. Chị Nga lại
kháng cáo và án phúc thẩm lần 2 của TAND Tiền Giang nhận định: “Việc sang nhượng
quyền sử dụng đất giữa bà Kim và bà Sáu trước đây không xác định rõ ràng vị trí
đất. Án sơ thẩm chưa đối chất giữa bà Huệ và bà Sáu nên hủy án sơ thẩm và giao
toàn bộ hồ sơ về tòa cấp sơ thẩm để xét xử lại”.
*Tòa khai tử người còn sống
Sau 4 bản án sơ
thẩm và phúc thẩm, ngày 28.5.2012 án sơ thẩm (lần 3) của TAND Châu Thành đã
“khai tử” bà Nguyễn Thị Huệ với nhận định: “Trước đây bà Kim cho bà Huệ ở nhờ
trên đất của bà nhưng không thể hiện bằng văn bản. Năm 1986 bà Huệ
chết (thực tế bà Huệ vẫn còn sống, xem ảnh), chị Nga tiếp tục ở trên phần
đất ở nhờ vẫn không có làm văn bản… Xét việc bà Sáu khởi kiện yêu cầu chị Nga
tháo dỡ nhà, trả đất là có cơ sở bởi trong suốt quá trình làm thủ tục chuyển
nhượng cho đến khi bà Sáu chính thức đứng tên QSDĐ hoàn toàn không có sự khiếu
nại, tranh chấp nào từ bà Huệ và sau này là chị Nga khi bà Huệ chết năm 1986?!”…
(Tòa nói không có tranh chấp trong khi chị Nga trưng ra giấy mời của UBND xã để
giải quyết tranh chấp đất từ đầu năm 2001).
Bà Huệ còn đây nhưng tòa tuyên rằng "đã chết"! |
Tòa cũng cho rằng
chị Nga trình bày “khi bà Kim chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu có trừ ra phần diện
tích đã cho bà Huệ ở trước đây nhưng không có chứng cứ nào có giá trị pháp lý để
chứng minh. Mặt dù anh Phước là con bà Kim trước đây trình bày có nghe bà Kim
nói lại khi bán đất cho bà Sáu mẹ anh có trừ ra phần đất cho bà Huệ ở, nhưng
nay anh Phước không có ý kiến gì nên đây không là cơ sở để xem xét” (!) Vậy là
một lần nữa án sơ thẩm do thẩm phán Nguyễn Quốc Đạt tuyên, buộc chị Nga phải
tháo dỡ nhà trả lại đất cho bà Sáu.
Trong khi đó thì sau 2 lần hủy án sơ
thẩm, bản án phúc thẩm lần thứ 3 do thẩm phán Nguyễn Văn Trọn chủ tọa và bà Lê
Thị Lĩnh, cán bộ TAND tỉnh Kiên Giang (?) ghi biên bản, đã tuyên: “Cho căn
nhà của chị Nga được tồn tại trên diện tích 79,6m2”, không buộc chị Nga phải dỡ
nhà trả đất nhưng phải trả bằng tiền 15.920.000đ cho bà Sáu.
Một bị can bị "treo" suốt 22 năm!
Đó là trường hợp
của ông Phan Văn Lá, 46 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, H.Châu Thành, Long An.
Năm 1991, ông Lá bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù về tội “hủy hoại tài sản
XHCN”. Năm 1992 án sơ thẩm bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm
điều tra xét xử lại. Nhưng rồi bị can đã chờ đến nay đã 22 năm.
*Chuyện 23 năm trước…
Theo hồ sơ vụ án
thì khoảng 22 giờ đêm 21.7.1991, đường dây điện của ấp 1 (xã Hiệp Thạnh, H.Châu
Thành) bị mất điện. Lúc đó, 2 em của ông Lá là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan
Văn Châu (13 tuổi) đang soi cá ngoài đồng. Nghe tiếng truy đuổi và đèn pha rọi
tới, sợ bị lấy bình điện vì dùng để xuyệt cá, Tân và Châu bỏ chạy nhưng bị người
dân bắt giao công an. Lúc đầu Tân và Châu (không có người giám hộ) không thừa
nhận việc cắt dây điện, nhưng vì bị đánh và buộc phải khai theo hướng dẫn của
điều tra viên là có cắt trộm dây điện (án phúc thẩm ghi) và có người thứ 3 chủ
mưu. Chẳng biết khai ai, Tân và Châu khai anh ruột của mình là Phan Văn Lá.
Ngày 22.7.1991,
Công an H.Châu Thành ra lệnh bắt khẩn cấp Phan Văn Tân và Phan Văn Châu rồi tiếp
tục khởi tố, bắt tạm giam Tân, Châu và Phan Văn Lá để điều tra. Mặc dù trong suốt
quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12.1991 ông Lá luôn
kêu oan, không nhận tội, nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng buộc tội, cho là
“ngoan cố” và bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù về tội hủy hoại tài sản XHCN.
Trong khi đó thì sau 2 tháng bị tạm giam, Tân và Châu được cho tại ngoại rồi
sau đó Viện KSND huyện có quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Tuy nhiên, ngày
5.9.1992 TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy án sơ thẩm và giao về cấp sơ thẩm điều
tra, xét xử lại vì “đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vì Phan Văn Lá kêu
oan, không nhận tội, trong khi Tân và Châu khai đã bị đánh đau nên buộc phải
khai theo hướng dẫn của điều tra viên là có 3 người tham gia. Rồi, vì không biết
khai ai nên khai anh mình”. Ngày 13.10.1992 Công an H.Châu Thành tiếp tục ra lệnh
tạm giam Phan Văn Lá thêm 2 tháng. Nhưng chẳng hiểu sao, 2 ngày sau Viện KSND cùng
cấp đã ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam.
*Vụ án bị bỏ quên
Theo khiếu nại của
ông Phan Văn Lá thì từ khi được cho tại ngoại đến nay các cơ quan tố tụng của
huyện vẫn không đưa vụ án ra xét xử lại, nhưng cũng không thông báo gì cho
đương sự. Vì vậy ông đã làm đơn gửi tới các cơ quan tố tụng yêu cầu làm rõ về
thân phận pháp lý của mình - là bị can trong vụ án hình sự mà hơn 20 năm vẫn bị
treo lơ lửng, trong khi các cơ quan tố tụng của huyện lại im lặng.
Ngày 15.1.2013, TAND
H.Châu Thành có văn bản trả lời ông Phan Văn Lá, theo đó: “Sau khi án sơ thẩm bị
TAND tỉnh hủy ngày 5.9.1992, hồ sơ đã được chuyển đến cơ quan điều tra để thụ
lý lại… Qua kiểm tra sổ sách thụ lý án hình sự từ sau ngày 5.9.1992 đến cuối
năm 1994 cũng không thấy biên bản giao nhận hồ sơ vụ án từ TAND sang Viện KSND
huyện... Đề nghị ông tiếp tục khiếu nại tại cơ quan điều tra Công an H.Châu
Thành và rút khiếu nại ở TAND huyện”.
Theo trình bày của
ông Lá thì ngày 26.3.2013 Công an H.Châu Thành có mời ông đến làm việc nhưng
không có lập biên bản. “Tại cuộc gặp này còn có đại diện của Viện KSND huyện,
ông Nguyễn Văn Trãi, Phó trưởng Công an huyện, nói với tôi: “Việc này xảy ra
lâu quá rồi, đề nghị anh rút đơn khiếu nại cho vui vẻ cả hai bên”. Vị đại diện
Viện KSND thì nói luật tố tụng thời điểm đó là vậy, giờ khiếu nại cũng không được
gì. Ông động viên tôi về suy nghĩ lại, đừng nghe lời ai khiếu nại tốn công vô
ích”. Ông Lá nghẹn ngào: “Ông Trãi với tôi quá quen vì lúc tôi bị bắt thì ông
Trãi là điều tra viên. Hồi đó con gái tôi chưa thôi nôi, bây giờ nó đã 24 tuổi
rồi mà thân phận tôi vẫn còn là bị can vì vụ án chưa kết thúc”.
Ngày 15.5, chúng
tôi đến Công an H.Châu Thành để xác minh sự việc. Người trực ban là trung tá
Lâm Minh Theo, nói: “Vấn đề này có liên quan đến tố tụng, tôi là trực ban kiêm
nhiệm nên phải chờ thủ trưởng trả lời” và hẹn 11 giờ trưa. Nhưng khi chúng tôi trở
lại, ông Theo cho biết đã xin ý kiến ông Trần Văn Hà, Trưởng công an huyện, ông
Hà nói “vụ đó ở đây đang làm để báo cáo công an tỉnh”…
Trong khi đó thì thẩm phán Trương Thị
Hải, Chánh án TAND H.Châu Thành, thừa nhận: “Lẽ ra khi thả bị can thì phải có
quyết định đình chỉ vụ án vì không chứng minh được tội phạm, nhưng lại không có
quyết định gì hết. Sau khi bị khiếu nại, chúng tôi tìm nhưng không thấy hồ sơ ở
đây, Viện KSND tìm bên đó cũng không có. Lúc đầu cơ quan điều tra cũng không
tìm thấy nhưng cuối cùng họ báo là đã tìm thấy rồi”. Về hướng giải quyết vụ án,
bà Hải nói: “Ngày 20.9.2012 tôi đã có văn bản báo cáo việc này lên tòa án tỉnh rồi
nhưng từ đó đến nay tỉnh chưa có ý kiến gì. Cái sai này thuộc về hai chục năm về
trước, lúc đó tôi đâu có ở đây mà chịu trách nhiệm. Hôm 9.5 chúng tôi có photocopy
hồ sơ và gửi về tòa tỉnh một lần nữa”.
Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013
Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013
*Lấy chồng sớm... làm gì?!
“Yêu” rất sớm để rồi mới 15 tuổi đầu
đã mang thai, 16 tuổi đã làm mẹ và sau đó thì 4 lần toan tìm đến cái chết vì bị
chồng bạo hành, ngược đãi. Đó là bi kịch của
cô bé Đỗ Thị K.N., sinh ngày 04.11.1995, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Hương, H.Châu
Thành, Tiền Giang.
Trò chuyện với phóng viên khi vừa
mới xuất viện được một tuần, N. cho biết đây là lần thứ 4 em muốn tìm đến cái
chết. Lý do vì em đang bị bế tắc và tuyệt vọng do bị chồng đánh đập và ruồng
rẫy. N. chia sẻ trong nước mắt: “Dù đã có vợ, con nhưng anh ấy vẫn công khai
quan hệ với những cô gái khác và luôn miệng thách thức em. Anh ta bảo em có tức
thì đi thưa đi, anh ta chẳng sợ ai cả. Cứ mỗi lần em phản ứng chuyện anh ấy
công khai đi với người khác thì em bị đánh bầm dập”.
N. tâm sự: “Từ lúc mang thai đến
giờ con em đã tròn 11 tháng tuổi, nhưng chồng chưa hề cho em một đồng nào. Hàng
ngày em vừa trông con vừa phải đi làm ở vựa rau củ để kiếm tiền nuôi con. Hôm
đó vì không còn tiền mua sữa cho con nên điện thoại hỏi xin chồng. Chẳng những
không cho tiền mà anh ấy còn mắng em và bảo là “bận đi chơi với bồ rồi”. Uất ức
quá nên em mua 20 viên thuốc ngủ về uống”.
Bà Cao Thị B.(dì ruột của N.) cho
biết, do cha mẹ ly hôn sớm nên N. về sống với bà khi vừa học xong lớp 8. Hè năm
đó, khi chuẩn bị vào năm học mới, N. đi may áo dài thì gặp Phạm Duy Khanh (sinh
năm 1992), là con trai chủ tiệm may. Thấy N. xinh xắn nên Khanh theo đuổi. Gia
đình nhiều lần khuyên bảo cô bé không nên yêu sớm nhưng 2 đứa vẫn lén lút qua
lại với nhau. Khi phát hiện N. mang thai, Khanh đưa cô bé đi trốn tại nhà bạn ở
thị trấn Tân Hiệp.
Khi gia đình biết được thì N. mang
thai đã 23 tuần tuổi. Chuyện đã lỡ làng nên người nhà N. đến yêu cầu gia đình
Khanh chấp nhận vì không thể để con của N. sinh ra mà không có cha. Nhưng khi
đã có vợ, con thì Khanh lại thiếu trách nhiệm chăm sóc và thường xuyên chửi
mắng, đánh đậpvợ.
Theo giấy chứng sinh của Trung
tâm Y tế H.Châu Thành thì N. sinh con ngày 2.6.2012. Như vậy thời điểm Khanh
quan hệ tình dục dẫn đến N. mang thai khi cô bé chưa tròn 16 tuổi. Vậy mà sau khi sinh
con được 6 tháng tuổi, Khanh và N. đã được UBND xã Hoà Tịnh (H.Chợ Gạo) cấp giấy
chứng nhận đăng ký kết hôn.
*Bi kịch của một gia đình
Vào khoảng 5 giờ 5 phút sáng
11.5, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại km1954+200 quốc lộ 1
(thuộc địa phận P.Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) làm 6 người thiệt mạng
tại chỗ và 5 người bị thương. Vụ tai nạn đã gây ùn tắc giao thông nhiều giờ
liền.
Theo nhân chứng tại hiện trường
thì chiếc xe khách hiệu Mercedes, loại 16 chỗ ngồi, biển số 65K-3639 đi từ hướng
miền Tây về TP.HCM và chiếc xe tải nặng biển số 54Z- 9532, chở nước ngọt, đi
hướng ngược lại. Đến địa điểm trên, chiếc xe tải tông vào một khối bê tông của
dải phân cách (đã bị xe khác hất văng ra trước đó) làm mất thăng bằng rồi lao
sang trái đường tông thẳng vào xe khách đang chạy ngược chiều khiến chiếc xe
khách bị bẹp nát, còn chiếc xe tải thì quay ngược đầu lại tông tiếp vào dải
phân cách rồi lật nghiêng giữa lòng đường.
Bệnh viện đa khoa Long An cho
biết vào khoảng 5 giờ 50 phút, bệnh viện có tiếp nhận và cấp cứu 5 ca bị chấn
thương, trong đó chỉ có tài xế xe tải là Lê Việt Thắng (24 tuổi, ngụ xã Ngọc
Đông, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) còn điều trị tại bệnh viện. Các trường hợp khác bị
nặng hơn đều được chuyển lên TP.HCM.
Theo lời ông Lê Công Mẫn thì chiếc
xe khách là của em trai ông tên Lê Công Lộc (41 tuổi, ngụ P.Thái Bình, Q.Ninh
Kiều, TP.Cần Thơ). Ông Lộc thuê tài xế là Trần Thanh Sang (37 tuổi, ngụ P.Thái
Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chở gia đình từ Cần Thơ về nhà ông Mẫn ở gần Cầu
Voi (ấp 6, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An). Những người trên xe gồm có ông
Lê Văn Tốt (Việt kiều Mỹ, cha ruột ông Mẫn), ông Lê Công Lộc (em trai ông Mẫn)
và bà Lê Thị Phương Tâm (43 tuổi, em gái ông Mẫn). Ngoài ra còn có con gái ông Mẫn
là Lê Hồ Mẫn Nhi (19 tuổi) và 2 cháu là Quan Minh Phát, Lê Công Tài cùng 10
tuổi. Theo dự kiến thì ngày 11.5 gia đình ông Mẫn và những người em sẽ làm tiệc
chung vui cùng gia đình và ngày 12.5 sẽ tiễn cha mẹ ông sang Mỹ, nhưng khi xe chỉ
còn cách nhà hơn 15km nữa thì xảy ra tai nạn.
Như vậy, trong 6 người thiệt mạng,
ngoài tài xế Trần Thanh Sang thì có 5 người trong gia đình ông Mẫn, gồm: Ông Lê
Công Lộc (em trai ông Mẫn), bà Lê Thị Phương Tâm (em gái ông Mẫn), Lê Hồ Mẫn
Nhi (con gái ông Mẫn); Quan Minh Phát (con bà Tâm) và Lê Công Tài (con ông Lộc).
Ngoài ra, cha ông Mẫn là ông Lê Văn Tốt (82 tuổi, Việt kiều Mỹ) bị thương nặng
đang điều trị tại TP.HCM. Những người bị thương còn lại gồm: Lương Thị Hồng
Nhung (42 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Vân (22 tuổi, cùng ngụ ấp Quý Trinh, xã Nhị
Quý, H.Cai Lậy, Tiền Giang) và Phạm Thị Diệu (22 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Hòa Tây,
H.Ba Tri, Bến Tre) và Lê Việt Thắng (tài xế xe tải).
Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013
*Chuyện hi hữu ở xã Tân Lập
Chuyện hi hữu xảy
ra tại xã Tân Lập, H.Tân Thạnh (Long An). Theo tường trình của anh Nguyễn Văn
Tân (35 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Lập) thì chiều 10.4.2013, sau khi đã uống rượu,
anh chạy xe gắn máy va quẹt vào xe ô tô và xảy ra cự cãi với hàng xóm, sau đó bị
3 công an xã tới nhà mời về trụ sở làm việc. “Tới trụ sở công an xã thì tôi bị
còng tay lại rồi đẩy vô phòng. Ngay lập tức, trung úy Châu Văn Tuyến, Phó trưởng
Công an xã và Hà Nhựt Tử, công an viên, cùng nhảy vô đánh, đạp tới tấp vào mặt,
vào bụng. Sau 4 lần bị đánh, tôi bị ngất xỉu thì họ lấy nước tạt vào mặt rồi
còng tay tôi vào song cửa sổ”, anh Tân tố cáo.
*Nguyễn Văn Quốc tường trình lại sự việc. |
Thấy Tân bị
đánh, một người bán vé số chạy tới nhà cho Nguyễn Văn Quốc (anh ruột của Tân) hay.
Anh Quốc kể: “Nghe em tôi bị đánh, tôi cầm chai nước khoáng chạy tới công an xã
định gửi vô cho Tân uống. Trung úy Châu Văn Tuyến ngoắc tôi vô phòng, kêu ngồi
xuống ghế. Chưa biết ất giáp gì thì anh ta chốt cửa lại rồi bất ngờ nhảy tới đá
vào ngực khiến tôi ngả vô vách. Tôi tung cửa phòng chạy ra ngoài la lớn “công
an đánh dân” liền bị anh Hà Nhựt Tử đứng bên ngoài chặn lại, đá vào bụng, còng
tay tôi lại rồi cả hai cùng nhào vô đánh tới tấp”.
Anh Quốc kể tiếp:
“Thấy tôi bị tét da đầu máu chảy xuống cổ, anh Tuyến (trong tình trạng say rượu)
lấy tay sờ vào ót tôi rồi đưa lên miệng liếm và nói “tao ăn tí canh mày nè”.
Nói xong anh ta dùng tay chấn cổ tôi. Sợ quá, tôi la lên thì anh Tuyến dùng mấy
ngón tay thọc sâu vào họng tôi. Bị đau quá, tôi cắn mạnh khiến anh ta bị đứt
ngang đầu ngón trỏ. Sau đó tôi bị còng tay đến chiều. Khi công an huyện tới mở
còng ra, lập biên bản rồi cho về, gia đình đưa chúng tôi nhập viện đến ngày
17.4.2013 thì xuất viện”.
Cũng trong chiều
18.4, chúng tôi gặp đại tá Phạm Hữu Châu, Phó giám đốc Công an tỉnh Long An.
Ông Châu tỏ ra bất ngờ và nói “chưa nghe thông tin này”. Ngay lúc đó, một sĩ
quan tham mưu trình cho ông báo cáo của Công an H.Tân Thạnh, theo đó: “Công an
huyện xác định Nguyễn Văn Tân có hành vi gây rối trật tự công cộng, bị công an
xã mời về làm việc là đúng quy trình. Nguyễn Văn Quốc là đối tượng đang được áp
dụng biện pháp giáo dục tại xã theo Nghị định 163, là người không có liên quan
đến việc gây rối nhưng có hành vi đánh lực lượng công an và vu khống công an
đánh dân”. Viên sĩ quan tham mưu nói với phóng viên: “Vụ này Công an huyện đã
có báo cáo, xác minh rõ ràng hết rồi, xong hết rồi”.
*Bệnh án của Châu Văn Tuyến ghi bị cắn đứt 1/2 đốt xa... |
Chúng tôi hỏi:
“Vậy Phó công an xã có uống rượu và có bị cắn đứt lóng tay không?” Viên sĩ quan
tham mưu: “Có cắn và cũng có nhậu nhưng mà ít thôi. Bình thường, đâu có gì. Tại
thằng này nó ba trợn”. Ngạc nhiên hơn, ở địa phương ai cũng biết Châu Văn Tuyến
vốn là công an huyện biệt phái về làm phó công an xã và mặc sắc phục với cấp
hàm trung úy. Vậy mà viên sĩ quan tham mưu lại khẳng định ông Tuyến “chỉ là công
an viên bán chuyên trách, chớ không được chuyên trách”!
Trong khi đó thì
hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện đa khoa Tân Thạnh ghi nhận ông Tuyến, 27 tuổi, nhập
viện lúc 15 giờ 30 ngày 10.4.2013 vì “bị người khác cắn đứt gọn ½ đốt xa ngón 1
bàn tay trái”. Đặc biệt, theo phiếu xét nghiệm của bệnh viện thì nồng độ rượu
trong máu của ông Tuyến lúc nhập viện lên tới 304mg/dl, tức là hơn gấp 3 lần mức
bình thường (từ 0 đến dưới 100). Ngược lại, người bị bắt vì lý do nhậu say gây
rối là Nguyễn Văn Tân thì nồng độ rượu trong máu là 151mg/dl. Riêng Nguyễn Văn
Quốc thì hoàn toàn không có uống rượu.
*Nồng độ rượu của Châu Văn Tuyến là 308. |
Cũng theo bệnh án thì Nguyễn Văn Quốc nhập viện
trong tình trạng “bị xây xát da đầu vùng đỉnh, chẳm, phù má phải và đau mạn sườn”.
Còn Nguyễn Văn Tân thì “bầm tím gò má 2 bên, môi dưới có vết xước mặt trong + bầm,
vùng trước ngực có nhiều vết bầm…”
Một cán bộ công
tác tại xã Tân Lập khẳng định: “Đây không phải là lần đầu ông Tuyến say rượu rồi
đánh dân. Hồi cuối năm 2012, Nguyễn Văn Quốc gây rối trong gia đình, bị mời lên
xã và đã từng bị ông Tuyến đánh ngất xỉu nằm dưới sàn gạch”. Cũng theo vị này
thì từ khi ông Tuyến về làm phó công an xã vào năm 2011, đã nhiều lần sai phạm
nhưng không bị xử lý. Chẳng hạn trong một lần say rượu, ông Tuyến vác súng AK đến
trước nhà thờ bắn chỉ thiên nhiều phát. Rồi trong vụ bắt đá gà ở ấp Hải Hưng
năm 2012, khi ông Tuyến đến dân đá gà bỏ chạy hết chỉ còn lại 2 con gà, thế là ông
dùng súng bắn chết gà rồi đem về nhậu”.
Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013
Rồng giữa sông Tiền
Cù
lao Rồng,
còn gọi là cồn Tân Long, là một trong 4 cù lao trên sông Tiền được đặt tên theo bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, được phù sa bồi đắp, thành hình từ cuối thế kỷ 18.
Đây là một trong những thắng cảnh của đất Mỹ Tho (Tiền Giang), nhưng lịch sử của nó gắn liền với một quá khứ không vui: Vào đầu thế kỷ trước,
đây là nơi dành cho những người bị bệnh phong.
*Thắng cảnh của Mỹ Tho
Theo các tài liệu xưa
thì vào tháng 7.1788, Nguyễn Văn
Trương quản suất thủy binh đóng ở Mỹ Tho để ứng tiếp với bộ binh ở Trấn Định.
Nguyễn Ánh đóng ở Ba Giồng, rồi thân chinh chỉ huy thủy binh, dùng hỏa chiến đốt trại quân Tây Sơn. Tây Sơn thua to, lui binh. Nguyễn
Ánh chiếm vùng Mỹ Tho, đặt quan công đường ở dinh Trấn Định.
Lúc
này ở giữa sông Tiền, ngay vàm rạch Mỹ Tho có một bãi cát nhô lên khỏi mặt
nước. Chúa Nguyễn Ánh thấy bãi cát đẹp nên đặt tên là Long Châu đảo. Năm 1792,
Nguyễn Ánh cho xây thành Trấn Định, đối diện cù lao vừa mới hình thành. Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: “Cù lao này ở ngay trước trấn, làm cái án
gần cửa trấn. Khi trước cửa sông Mỹ Tho sâu rộng, có cặm bảy miệng đáy, thuyền
buôn qua lại phải đậu nghỉ ở đây để hóng mát xem trăng, đợi nước thuận mới đi
lên hoặc xuống. Từ năm Mậu Thân (1788) trở lại đây, phù sa bồi lấp ngày càng
cao lớn, hình thế như con rồng nằm, vì vậy Thế tổ Cao hoàng đế mới ban cho tên là Long
Châu. Cù lao dài gần 2 dặm, che kín trấn sở, ngăn chặn sóng dữ, nghiễm
nhiên là chỗ danh thắng. Nhà địa lý nói: Cửa sông mà có cồn cát nổi lên cao, đất
ấy ắt sẽ thịnh vượng”.
Khi cù lao mới nổi,
người dân đem cây bần trồng để giữ đất, lâu ngày phù sa
tích tụ, bồi đắp cho đất cồn cao thêm, bần lớn thành rừng, che chắn sóng gió
cho thuyền bè. Cũng theo Gia Định thành thông chí thì: “Ngày xưa khi gió đông nam nổi lên thì thế
nước rất dữ, sóng gió cuồn cuộn, thuyền bè qua lại luôn bị nguy hiểm. Năm Mậu
Thân (1788) thời Trung hưng trở lại đây, có bãi rồng nổi lên, ngăn giữ sóng
gió, thuyền bè qua lại rất tiện lợi”. Có bài vịnh: "Trường Giang như luyện"
nghĩa là sông phẳng lặng như tấm lụa, nay hung dữ nguy hiểm đã tiêu tan mà
thành con đường thủy rất phẳng lặng.
Đến
thế kỷ 19 cù lao Rồng được xem là một thắng cảnh của Mỹ Tho, nhiều nhà thơ lấy làm đề tài
ngâm vịnh.
*Nơi dành cho người bệnh
Theo Monographie
de province de MyTho năm 1937, ngày 14.5.1903
Toàn quyền Đông dương ra Nghị định giám sát đối với người bị bệnh phong, cấm họ lai vãng trên các con đường công cộng ở Nam kỳ. Nghị
định cho thành lập tại cù lao Rồng trên sông Tiền
một trại hủi của Nam kỳ, làm nơi tập hợp những người bị bệnh phong mà chính quyền sở tại bắt gặp trên các
con đường lưu thông, nơi công cộng, đồng thời cũng là nơi trực tiếp nhận những người Việt bị bệnh phong.
Công
trình bị dở dang vì ảnh hưởng của cơn bão năm Giáp Thìn năm 1904, sau đó được tu sửa, đến năm 1907 thì đưa vào sử dụng. Lúc này cù lao
Rồng có diện tích xấp xỉ 80 ha, dài độ 4 km, nơi rộng
nhất là 400 mét. Cơ sở điều trị bệnh phong nằm ở phía đông cuối cù lao, chia thành hai khu vực: Khu hành chính và chỗ ở
của người bệnh. Ngoài ra chính quyền thực dân Pháp còn
đào một con kênh chia cù lao ngăn cách trại phong và khu vực dân cư. Nhà
ở của nhân viên phục vụ trại phong được cất lầu rộng rãi. Còn người bệnh thì
cất riêng gồm nhiều căn nhà lá, trong đó có một căn dùng làm trạm xá, và một
căn dành cho nữ bệnh nhân. Đến năm 1914, chính quyền thực dân lần lượt thay các
nhà lá bằng nhà gạch.
Hoạt
động của trại phong được đặt dưới quyền điều hành của Tham biện, Chủ
tỉnh Mỹ Tho. Phụ tá có các cán bộ hành chánh chịu trách nhiệm quản lý cơ
sở, gồm kế toán sổ sách, hành chánh và kinh tế, an ninh trật tự, vệ sinh và
giám sát việc sử dụng lương thực, thực phẩm như nấu nướng,
phân phối, cất giữ và bảo quản các trang thiết bị, thuốc men và dụng cụ sinh
hoạt. Giúp việc cho họ còn có 2 bà sơ người Pháp thuộc dòng
Saint Paul và 3 bà sơ người Việt. Công việc khám chữa bệnh
và chỉ định thuốc điều trị có y sĩ của Ty Y tế Mỹ Tho đảm trách. Họ
đến thăm bệnh
mỗi tuần 2 lần.
Cũng
theo tài liệu nói trên, những
người bệnh ở đây được hưởng trợ cấp, được nuôi ăn mặc đầy đủ. Họ có thể tham gia các
công việc trồng tỉa. Ngoài ra, điều 6 của nội quy
trại do Thống đốc Nam kỳ ký ngày 16.9.1903
cũng cho phép những thân nhân người bệnh muốn sống chung với bệnh nhân thì được
chuyển sang ở nhà riêng trên miếng đất do cán bộ quản lý trại cấp và được hưởng
suốt đời. Họ có thể khai thác miếng đất đó thế nào tùy
ý. Đến năm 1940 thì trại phong này dời về Tuy Hòa. Lúc trại phong dời khỏi Mỹ Tho cũng là thời điểm quân phiệt Nhật
nhảy vào uy hiếp chính quyền thuộc địa Pháp. Vào thời buổi nhiễu nhương, trong dân gian xuất hiện nhiều tin đồn huyển
hoặc. Họ bảo, cù lao Rồng là cái đầu con rồng, còn cái đuôi
nằm ở bên Nhật. Nếu cái đầu nhúc nhích thì đuôi sẽ bị động đất. Người Pháp làm nhà thương cùi đã trấn yểm được đầu rồng, nay Nhật vô uy hiếp, người Pháp dời nhà thương đi cho đầu rồng quậy lên...
Theo
nhà nghiên
cứu Trương Ngọc Tường, lúc bấy giờ các nhà khoa học đã lên kế hoạch bắc một cây cầu ngang qua sông Tiền nên họ đã tiến hành khảo
sát, đào một số nơi nhằm thăm dò địa chất như ở khu vực bến Tắm Ngựa và trại
phong. Nhưng chẳng hiểu sao kế hoạch bắc cầu không được tiến hành. Dân
gian cũng đồn rằng bọn Tây đã khoan trúng cái cổ rồng và hai bàn chân, máu rồng
phun lai láng nên hoảng sợ bỏ luôn. Vào khoảng đầu tháng 3.1945,
Nhật đảo chính Pháp làm bọn quan chức địa phương rất hoang mang. Có một đại úy
Pháp lái chiến hạm Amiral Charner qua cù lao Rồng nổ súng tự
sát. Tháng sau, một chiếc máy bay của Đồng minh bay lượn trên vùng trời Mỹ Tho
bắn chìm một chiếc tàu Nhật ở phía nam cù lao Rồng.
Ngày
4.10.1912, cù lao Rồng chính thức được nhập vào địa phận làng Điều Hòa. Sau
đó được đưa về làng Bình Đức và đến ngày 13.01.1958
cù lao Rồng được tách khỏi xã Bình Đức, thành lập xã Tân Long, tổng Thuận Trị,
quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Đến năm 2003 xã Tân Long được chuyển thành
phường Tân Long, thuộc TP.Mỹ Tho.
Có người bảo rằng nếu như năm
1940, trại phong cù lao Rồng không dời đi thì có lẽ Hàn Mặc Tử sẽ trở thành nhà
thơ của đất Mỹ Tho.
Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013
Nhà bị "cắt ngọn" vì cao hơn trụ sở... UBND tỉnh!
*Bài đăng ngày 14/9/2012:
Thời gian gần đây dư luận trong cán bộ và người dân tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang, rất bức xúc khi chứng kiến tòa nhà Trung tâm điều hành du lịch (tọa lạc tại đường 30.4), vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 19.8.2009 thì nay bất ngờ bị phong tỏa kín mít để… đập và sửa chữa.
Thời gian gần đây dư luận trong cán bộ và người dân tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang, rất bức xúc khi chứng kiến tòa nhà Trung tâm điều hành du lịch (tọa lạc tại đường 30.4), vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 19.8.2009 thì nay bất ngờ bị phong tỏa kín mít để… đập và sửa chữa.
Đây là công
trình nằm trong gói dự án phát triển du lịch sông Mê Kông, sử dụng vốn vay của
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, tiểu dự án Bến tàu thủy du lịch Mỹ
Tho được xây dựng cặp bờ sông Tiền trên diện tích 12.000m2, bao gồm các hạng mục
như: Trung tâm điều hành du lịch, bờ kè, cầu tàu, bãi đỗ xe... với vốn đầu tư
lúc bấy giờ là 25,1 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,4 triệu USD. Vậy mà công
trình chỉ mới sử dụng được 3 năm thì bị đập sửa chữa lại, khiến người dân hết sức
ngạc nhiên.
*******
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (40)
trương xuân huy
Cách đây 2 năm ở
tỉnh này cũng đã làm 1 con rồng rất to, tốn 2 tỉ, xong lễ bán ve chai 60 triệu!
Tùng, Đà Nẵng
Phải nói thế này
mới đúng, các công trình xây dựng trên cùng trục đường với trụ sở UBND tỉnh
Tiền Giang không được cao hơn tư duy và tầm nhìn của ông cựu bí thư tỉnh này.
Tầm nhìn hạn chế quá.
DAN, HUNG YEN
Thật là một điều xỉ
nhục, đến cấp tỉnh còn thế này, đất nước bao giờ phát triển được đây, than
ôi!!!!!
NVH, Q1, TP HCM
Cái này sao giống
như bắt chước Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng vào năm 1910 của Mỹ
(Heights of Buildings Act of 1910) trong đó không có tòa nhà nào được phép xây
cao hơn Tòa Quốc hội Mỹ.
Thiếu gì cái hay không bắt chước lại đi lựa cái dở để làm theo. Vài năm trước đây TP HCM cũng có vụ tính cắt nóc một cao ốc gần trụ sở UBND TPHCM vì có ý kiến cho là làm xấu diện mạo trụ sở UB nhưng cuối cùng bị dẹp bỏ vì nghe lãng xẹt. Tưởng không có ai sẽ đi làm ba cái chuyện tầm phào như vậy ai dè !
Thiếu gì cái hay không bắt chước lại đi lựa cái dở để làm theo. Vài năm trước đây TP HCM cũng có vụ tính cắt nóc một cao ốc gần trụ sở UBND TPHCM vì có ý kiến cho là làm xấu diện mạo trụ sở UB nhưng cuối cùng bị dẹp bỏ vì nghe lãng xẹt. Tưởng không có ai sẽ đi làm ba cái chuyện tầm phào như vậy ai dè !
Trần Thanh, TPHCM
Nản toàn tập. Tiền
các ông có làm vậy không.
Eli
Cảm ơn anh Hoàng
Phương nhiều nghe, em ở Mỹ Tho từ nhỏ từng chứng kiến nhiều công trình xây dựng
mà từ trước tới giờ chưa có một công trình nào xây dựng hay sửa chữa mà bao che
cực kỳ "kín" như công trình này. Tòa nhà này là dạng sửa chữa nhỏ như
lời của vị phó chánh văn phòng trình bày là chỉ "bị thấm dột". Theo
em nghĩ chắc bao che cực kỳ "kín" là vì "họ" muốn che mắt
dư luận nhưng không ngờ bị anh phát hiện. Đúng là những vị QUAN kia họ kỵ cái
"cây nhọn" chĩa qua trụ sở UB nên mới "bức tử bằng cách hớt
ngọn" tòa nhà này.
Phúc Long
Tòa nhà Trung tâm
điều hành Du lịch thực tế không cao hơn tòa nhà UBND tỉnh, xét về mặt kiến trúc
cả 2 tòa nhà điều xây dựng 2 tầng (1 trệt và một lầu + mái ngói) nhưng UBND
tỉnh cao hơn vì tòa nhà này có nhiều bậc cấp trong khi đó Tòa nhà Trung tâm
điều hành Du lịch có 3 bậc cấp vậy làm sao cao hơn được. Tôi là dân Mỹ Tho tuy chưa
bao giờ cầm thước đo thực tế nhưng nhận xét một cách khách quan thì như vậy.
Tôi đồng ý với cách nhận xét của hai nông dân Mỹ Tho, dư luật địa phương cũng
nói như vậy và tôi cũng thấy như vậy. Ở TG người có quyền thì muốn làm gì thì
làm, không cần biết các bạn nói gì và nghĩ gì đâu nhé!!!
Cu Li
Quá hay, tui có
tiền tui sẽ xây 10 tầng cho cao hơn chơi, nếu thấy ngứa con mắt bên phải, đỏ
con mắt bên trái thì cứ đập, mỗi tầng đền 5 tỉ thôi !
Trần Ngọc Hoàng
Chuyện thường ngày
ở tỉnh.
Thái Phong
Khi đi ngang qua
công trình này thì ấn tượng nhất chính là phần khung vách bao che để thi công
công trình.
vodinh
Rất có thể đây là
thể hiện "chữ tôi" của một quan chức tỉnh có hạng vì cho rằng mái
ngói chiếu thẳng vào UBNN tỉnh thì sẽ xui xẻo này nọ ( có thể vị này đi xem
bói) không được nắm chức quyền lâu dài...nên tìm lý do khác để sửa lại. Cơ chế
xin cho đã trở thành một thứ văn hóa ở đất nước ta, việc xin dự án, xin công
trình...không phải là mang lại lợi ích gì cho dân mà là có được bao nhiêu %
trong số xin được.
hoacomay
Không thể nói thêm
được lời nào! Quá quan liêu!!!!!!!!
Nguyễn Tùng Chinh
Bó tay ... hết nói
nổi.
Tống Bình
Tiền chùa mà, tha
hồ phung phí!
Hân
Không biết mấy ông
quan làmcó hỏi ý kiến dân không nữa? Muốn là làm vậy trời,tại xui nên mới bị tai
nạn,cứ đổ thừa chỗ làm,sao không đổ thừa cái nhà mấy ông đang ở đi..........
Vinh
Các quan làm thế
này thì ngân sách chịu sao thấu? Kiểu tư duy "lồng sắt nhốt hòn đá"
như ở Gia Lai đây?
Xgame - TPHCM
Kiểu này đúng như
ta cao 1,50m chọn cấp dưới chỉ được cao từ 1,49m chở xuống, ấu trĩ và mê tín
quá, làm gì mà sáng sủa được?
ngothuy, P. An Phú,
Quận 2, TPHCM
Tôi là dân của TP
Mỹ Tho, từ ngày giải phóng đến nay đã mấy chục năm mà đời sống của đại đa số
người dân không khá lên được bao nhiêu, cơ sở hạ tầng cũng chẳng có gì phát
triển chỉ thấy cấp chính quyền làm toàn những chuyện lợi bất cập hại, vừa gây
tốn kém tiền của của dân vừa gây tổn thất cho dân như xây cống Bảo Định không
mang lại lợi ích gì cho ngăn mặn theo chủ trương của tỉnh mà gây cản trở dòng nước
làm ngập úng bao nhiêu hecta vườn cây ăn trái lâu năm của các xã ven sông, cản
trở việc lưu thông của tàu bè. Con nước năm rồi ngập úng chết hàng lọat vườn
cây trái lâu năm, chính quyền xã + TP đến từng hộ dân khảo sát ghi nhận thiệt
hại để đền bù, ghi đã 3 lần nhưng đến giờ chưa thấy hỗ trợ cho dân bị thiệt hại
đồng nào.
Tiếp đến chính quyền tỉnh lại cho đắp đê bao dọc theo sông Bảo định phía xã Đạo thạnh để ngăn triều cường gây ngập úng: công trình không có tính khả thi, thiếu cân nhắc tình toán và cũng không lấy ý kiến dân tự triển khai, đang làm thì 1 số đọan đã sạt xuống sông làm mất thêm đất của dân. Trong kỳ họp Hội đồng ND cấp tỉnh cách nay đã 3 năm, tôi được nghe các ông lãnh đạo tỉnh thông bào sẽ triển khai làm bờ kè dọc 2 bờ sông Bảo định và kinh phí đã được duyệt nhưng không biết vì sao không làm. Nghe nhiều lời hứa hẹn nhưng không thấy thực hiện gì, chỉ làm những việc không mang lại lợi ích gì cho dân.mà thêm tốn kém tiền của mà người dân phải còng lưng đóng thuế và làm thiệt hại thêm của dân.
Tiếp đến chính quyền tỉnh lại cho đắp đê bao dọc theo sông Bảo định phía xã Đạo thạnh để ngăn triều cường gây ngập úng: công trình không có tính khả thi, thiếu cân nhắc tình toán và cũng không lấy ý kiến dân tự triển khai, đang làm thì 1 số đọan đã sạt xuống sông làm mất thêm đất của dân. Trong kỳ họp Hội đồng ND cấp tỉnh cách nay đã 3 năm, tôi được nghe các ông lãnh đạo tỉnh thông bào sẽ triển khai làm bờ kè dọc 2 bờ sông Bảo định và kinh phí đã được duyệt nhưng không biết vì sao không làm. Nghe nhiều lời hứa hẹn nhưng không thấy thực hiện gì, chỉ làm những việc không mang lại lợi ích gì cho dân.mà thêm tốn kém tiền của mà người dân phải còng lưng đóng thuế và làm thiệt hại thêm của dân.
vuongbui (Q.7,
TPHCM)
Lại thể hiện cung
cách quan liêu của mấy quan cấp tỉnh.
Hai nông dân - Mỹ
Tho, Tiền Giang
Hình như vì lý do
gì đó mà ông nhà báo này chưa nói hết sự thật. Theo tui được biết thì việc cắt
ngọn tòa nhà nói trên vì lý do phong thủy: Nghe đồn rằng gần đây ông chủ tịch
bị thoát vị đĩa đệm, ông phó chủ tịch thì bị bệnh tim, bà phó chủ tịch thì vừa
mới bị té gãy xương đòn. Chính vì vậy mà họ xử ngôi nhà nói trên vì cho rằng
mũi nhọn đã đâm thẳng vào trụ sở UBND tỉnh nên gây hậu quả. Mấy năm trước tại
trụ sở UBND tỉnh này cũng từng xảy ra việc đốn bỏ 2 cây liễu và 2 lần dời cổng
vì lý do phong thủy, ông tân chủ tịch vừa lên thay thì bị té quẹo giò. Sau đó
họ chủ trương đập bỏ, sửa, xây các trụ sở đều quay mặt về hướng bắc.
nguyen hoang (MỸ
THO, TIỀN GIANG)
Thực ra các bác nói
sai hết nguyên nhân tòa nhà bị đập là do lãnh đạo UBND tỉnh sặc mùi mê tín dị
đoan là tòa nhà có mũi nhọn chĩa qua UB tỉnh làm cho vị phó bị té gãy chân, vị
trưởng bị thoát vị địa đệm nên coi phong thủy phải đập bỏ - giống vụ đốn hàng
dương liễu ở tỉnh ủy vậy thôi.
Thanh Bình
là Chánh văn phòng
tỉnh ủy mà nói như vậy thì chỉ làm mất lòng tin của dân với chính quyền sở tại.
Công trình hàng chục tỉ đồng xây dựng xong, sử dụng được 3 năm thì "đập
phá-sửa chữa"???? "tốn kém + lãng phí + tham nhũng = dự án".
trong khi hàng triệu người dân "ăn chưa no, mặc chưa ấm" vẫn phải
gồng mình kiếm từng đồng xu để "đóng góp vào ngân sách nhà nước"!!!!!
LÃNG PHÍ
Tu Do, TpHCM
Công trình mới xây
mà dột rồi uổng quá ha. Chắc tại mua vật liệu không tốt.
Lê Ngọc Cường, Đà
Nẵng
Tóm lại, ý của Đ/c
cựu bí thư tỉnh ủy là việc phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh Tiền Giang nói
chung không được cao quá nóc nhà của UBND tỉnh. Than ôi !
võ chí tình - Phú
Yên
Phong thủy quá đi.
gây tốn kém lãng phí của Nhà nước
Tú Huế - Phú Lộc-
Thừa Thiên Huế
Tiền vay này ai
trả? Nếu nói như ông chánh văn phòng thì khi xây dựng, ai là người cấp phép?
Đừng trả lời kiểu ấy với dân. Tiền vay phát sinh cho việc này rồi cũng lấy từ
tiền thuế của dân ra mà thôi
Bich Loan, Mỹ Tho
Tòa nhà Trung tâm
điều hành du lịch bị sửa chữa là do mũi nhọn của mái nhà (đầu xông) chĩa vào
cửa UBND tỉnh. Theo tục mê tín thì không tốt. Ai nói chính quyền không tin dị
đoan
Nhật Hồng - Đà Lạt
Cảm ơn các cấp Đảng,
chính quyền, công an và cả hệ thống chinh trị Tiền Giang đã nghiêm túc tạo một
nét son trong tỉnh nhà để dân hiểu rõ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trần Trung Hiếu
Đúng là tiền của
Nhà nước, nên xài cứ như tiền chùa.
KTS LÊ CÔNG SĨ -Trà
Vinh
Theo tôi, có vẻ như
có vấn đề gì đó khá "nhùng nhằng" trong việc "cắt ngọn" tòa
nhà trung tâm điều hành du lịch vốn tọa lạc ở thế "chiếu tướng" tòa
nhà làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh này!
Theo dõi nội dung bài báo, tôi nhận ra dường như đằng sau việc đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà này là vấn đề "phong thủy" (tôi xin mở ngoặc kép chữ phong thủy). Tuy nhiên, dù với lý do gì, đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà trên cũng không thuyết phục, và xung quang vấn đề này cần làm rõ những yếu tố sau:
1. Lý do hạn chế chiều cao công trình so với công trình trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thực tế, không rõ vì nguyên nhân nào, có một dạo nhiều địa phương đã đặt ra "lệ làng" này, tức không cho phép công trình xây dựng cao hơn công trình nhà làm việc của chính quyền!
Thực tế, nhà nước VN là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên xem ra không khó thấy quan niệm ấy đã lỗi thời. Việc duy trì một quan niệm lỗi thời trong xã hội hiện đại là biểu hiện của sự trì níu trong tư duy của những lãnh đạo đương quyền, và đó là thực trạng nguy hiểm bởi đó cũng là nguyên do khiến tình hình kinh tế xã hội địa phương bị kìm hãm! Lại nữa, bất kỳ "chủ trương của lãnh đạo" nào cũng đều phải dựa trên pháp luật, tức phải theo những điều luật cụ thể chứ không do mong muốn chủ quan của lãnh đạo!
2. Lý do công trình sai phạm so với quy hoạch kiến trúc khu vực, tức vượt quá chiều cao giới hạn cho phép. Nếu vậy, phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, quy trình cấp phép, thi công, hoàn công của công trình này. Cụ thể, nếu công trình thiết kế vượt quá chiều cao quy định thì cá nhân nào thẩm định, trách nhiệm của đơn vị cấp phép ở đâu khi để "lọt lưới" công trình. Tương tự, cơ quan quản lý xây dựng có "buông lỏng" để công trình thi công "sai" và hoàn công, đưa vào sử dụng đến nay đã trên 3 năm mới "phát hiện" (?!). Làm rõ trách nhiệm, tất nhiên, sau đó phải xử lý nghiêm và công khai cho truyền thông.
3. Công trình bị "cắt ngọn" vì lý do... "phong thủy". Mặc dù bài báo không đề cập nhưng việc chú thích hai bức ảnh đính kèm và cách chụp của phóng viên, tôi cho rằng số phận công trình này bị định đoạt bởi chính quyền địa phương do yếu tố "phong thủy". Cạnh đó, qua dư luận ở địa phương (tôi có quen nhiều người trong ngành kiến trúc và xây dựng tỉnh này), tôi nghiên nhiều về lý do "phong thủy". Không thể khác và đến giờ đã không còn chối cãi, phong thủy là khoa học, là nghệ thuật, chi phối nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có kiến trúc. Tuy nhiên, khi kết luận một công trình, một khu vực, một đô thị "sai" phong thủy hay có ảnh hưởng tiêu cực đến công trình khác cần phải có nghiên cứu khoa học và kết luận nghiêm cẩn từ những nhà nghiên cứu!
Có ý kiến cho rằng trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng", nên đề nghị "cắt ngọn" mà theo dư luận thực ra chỉ là cải tạo mặt đứng theo hướng "phá thế trực hung" của công trình này (?!).
Theo tôi, sai phạm của cá nhân lãnh đạo xuất phát từ năng lực và đạo đức, tư cách cán bộ, tức từ bản thân theo triết lý xưa nay là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", chứ hẳn không thể xuất phát từ yếu tố mang tính "ngoại vi" được dán nhãn "phong thủy". Nói cách khác, lãnh đạo kém năng lực, thiếu tu dưỡng tư cách đạo đức thì dù làm việc ở công trình nào trước sau gì cũng bị "nhúng chàm"!
Theo dõi nội dung bài báo, tôi nhận ra dường như đằng sau việc đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà này là vấn đề "phong thủy" (tôi xin mở ngoặc kép chữ phong thủy). Tuy nhiên, dù với lý do gì, đề nghị "cắt ngọn" tòa nhà trên cũng không thuyết phục, và xung quang vấn đề này cần làm rõ những yếu tố sau:
1. Lý do hạn chế chiều cao công trình so với công trình trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thực tế, không rõ vì nguyên nhân nào, có một dạo nhiều địa phương đã đặt ra "lệ làng" này, tức không cho phép công trình xây dựng cao hơn công trình nhà làm việc của chính quyền!
Thực tế, nhà nước VN là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên xem ra không khó thấy quan niệm ấy đã lỗi thời. Việc duy trì một quan niệm lỗi thời trong xã hội hiện đại là biểu hiện của sự trì níu trong tư duy của những lãnh đạo đương quyền, và đó là thực trạng nguy hiểm bởi đó cũng là nguyên do khiến tình hình kinh tế xã hội địa phương bị kìm hãm! Lại nữa, bất kỳ "chủ trương của lãnh đạo" nào cũng đều phải dựa trên pháp luật, tức phải theo những điều luật cụ thể chứ không do mong muốn chủ quan của lãnh đạo!
2. Lý do công trình sai phạm so với quy hoạch kiến trúc khu vực, tức vượt quá chiều cao giới hạn cho phép. Nếu vậy, phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, quy trình cấp phép, thi công, hoàn công của công trình này. Cụ thể, nếu công trình thiết kế vượt quá chiều cao quy định thì cá nhân nào thẩm định, trách nhiệm của đơn vị cấp phép ở đâu khi để "lọt lưới" công trình. Tương tự, cơ quan quản lý xây dựng có "buông lỏng" để công trình thi công "sai" và hoàn công, đưa vào sử dụng đến nay đã trên 3 năm mới "phát hiện" (?!). Làm rõ trách nhiệm, tất nhiên, sau đó phải xử lý nghiêm và công khai cho truyền thông.
3. Công trình bị "cắt ngọn" vì lý do... "phong thủy". Mặc dù bài báo không đề cập nhưng việc chú thích hai bức ảnh đính kèm và cách chụp của phóng viên, tôi cho rằng số phận công trình này bị định đoạt bởi chính quyền địa phương do yếu tố "phong thủy". Cạnh đó, qua dư luận ở địa phương (tôi có quen nhiều người trong ngành kiến trúc và xây dựng tỉnh này), tôi nghiên nhiều về lý do "phong thủy". Không thể khác và đến giờ đã không còn chối cãi, phong thủy là khoa học, là nghệ thuật, chi phối nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có kiến trúc. Tuy nhiên, khi kết luận một công trình, một khu vực, một đô thị "sai" phong thủy hay có ảnh hưởng tiêu cực đến công trình khác cần phải có nghiên cứu khoa học và kết luận nghiêm cẩn từ những nhà nghiên cứu!
Có ý kiến cho rằng trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng", nên đề nghị "cắt ngọn" mà theo dư luận thực ra chỉ là cải tạo mặt đứng theo hướng "phá thế trực hung" của công trình này (?!).
Theo tôi, sai phạm của cá nhân lãnh đạo xuất phát từ năng lực và đạo đức, tư cách cán bộ, tức từ bản thân theo triết lý xưa nay là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", chứ hẳn không thể xuất phát từ yếu tố mang tính "ngoại vi" được dán nhãn "phong thủy". Nói cách khác, lãnh đạo kém năng lực, thiếu tu dưỡng tư cách đạo đức thì dù làm việc ở công trình nào trước sau gì cũng bị "nhúng chàm"!
Hạnh Hoa
Ôi! các quan sao
lại mê tín đến phi lý thế. Muốn giữ được ghế thì phải có Đức có Tài và hết lòng
vì dân chứ. Thật buồn!
trần ngọc thành
Chuyện chỉ có ở
VIỆT NAM.
Người Mỹ Tho
Còn rất nhiều những
công trình tại Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang cho thấy sự yếu kém trong quản lý, và
đầu tư gây lãng phí tại tỉnh Tiền Giang. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm
túc thực hiện " Phê Bình và Tự Phê Bình" theo đúng nghị quyết của
Đảng đề ra! Không làm qua loa, thành tích. Kiểm điểm từng việc nóng của Tỉnh
như Nhà máy nước BOO Tiền Giang Công Ty Du Lịch Tiền Giang Các Khu Công Nghiệp,
Công An tỉnh Tiền Giang, Lễ hội 333 năm Mỹ Tho Đại Phố gây tốn kém và không
hiệu quả !!
hoàng giang
Bao đời nay phép
vua thua lệ làng là điều luôn luôn xảy ra ở các địa phương có mấy xếp thích xem
địa lý, phong thủy để "giữ ghế" mà! Như tôi đây chỉ là 1 GV bình
thường mà lỡ mua xe tay ga giống màu xe của Hiệu trưởng thì sẽ bị
"đì" ngóc đầu lên không nổi huống hồ cả một cái nhà to đùng như thế.
Lê Nhân, Cần Thơ
Oái!!! Chuyện tưởng
như đùa!
long tran van
Đúng là lệ làng! Đã
qua thế kỷ 21 rồi mà ông Mỹ (tho) này vẫn còn lạc hậu quá vậy?
Thu Trang, Mỹ Tho
Hy vọng là tiền sửa
chữa do ông giám đốc bỏ tiền túi ra làm
Civil
"Chưa dự
toán"! Nói nghe có vẻ không hợp lý, tôi cũng là kỹ sư xây dựng, cái chuyện
chưa dự toán hoàn toàn phi lý! Ngay cả cái nhà phố bình thường ít nhất cũng có
dự toán sơ bộ, đằng này lại là đề xuất của Sở, không có kế hoạch vốn cũng chẳng
thầu nào dám làm đâu chứ ở đó mà chưa dự toán.
Lâm Ninh Thuận
Lý do mà 2 vị lãnh
đạo Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra đã không có tính thuyết phục, bởi vì:
Thứ nhất là 2 ý kiến này không thống nhất về lý do phải cắt ngọn tòa nhà trung
tâm điều hành du lịch. Thứ 2 nếu như quy hoạch kiến trúc khu vực này không cho
phép các tòa nhà mới xây cao hơn trụ sở Tỉnh ủy và UBND, thì tại sao ngay trong
khi phê duyệt thiết kế, hoặc trong lúc xây dựng các cơ quan chức năng không
đình chỉ, khắc phục mà lại để kéo dài đến 2 năm mới đập bỏ gây lãng phí.
Với cách nhìn khách quan, có thể đặt ra vấn đề là có chăng vấn đề phong thủy trong vụ việc này. Trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng"... Nên việc Sở văn hóa- thể thao và du lịch đề nghị và được chấp thuận cho sửa chữa bằng cách cắt ngọn đổ mái bằng tòa nhà (gỡ thế chiếu tướng cho trụ sở UBND tỉnh) là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, đây là một nội dung mới phát sinh mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần đưa vào xem xét kiểm điểm theo tinh thần NQ TW 4 (khóa XI) hiện nay.
Với cách nhìn khách quan, có thể đặt ra vấn đề là có chăng vấn đề phong thủy trong vụ việc này. Trong 2 năm qua, ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của một số vị cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, điển hình là vụ sai phạm trong việc hóa giá cổ phần hóa công ty du lịch Tiền Giang. Phải chăng, từ những vụ việc đó, mà người ta cho rằng trụ sở làm việc của UBND tỉnh Tiền Giang đã bị mũi nhọn của tòa nhà trung tâm điều hành du lịch "chiếu tướng"... Nên việc Sở văn hóa- thể thao và du lịch đề nghị và được chấp thuận cho sửa chữa bằng cách cắt ngọn đổ mái bằng tòa nhà (gỡ thế chiếu tướng cho trụ sở UBND tỉnh) là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, đây là một nội dung mới phát sinh mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần đưa vào xem xét kiểm điểm theo tinh thần NQ TW 4 (khóa XI) hiện nay.
Công Tâm (Gia Lai)
Bị cắt ngọn vì
phạm thượng. May mà chưa bị cắt gốc !
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)