Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Buôn lậu vàng ký vì... nghèo!

Ngày 20.1, TAND H.Châu Thành (Tiền Giang) đưa vụ buôn lậu gần 400 kg vàng ra xét xử sơ thẩm sau gần 4 năm khởi tố vụ án. Từ sáng sớm, 7 bị cáo (đều được tại ngoại) đã thuê một chiếc ô tô đi từ Châu Đốc (An Giang) đến dự phiên tòa. Nhưng chờ tới 9 giờ 30 tòa mới bắt đầu làm việc và khi làm thủ tục xong thì đã 10 giờ. Đây là vụ án buôn lậu quy mô lớn nhưng các bị cáo đã “tự tin” không cần nhờ luật sư bào chữa.
*Đối phó bằng hợp đồng khống
Theo cáo trạng công bố tại tòa thì rạng sáng ngày 4.2.2010, khi Công an H.Châu Thành kiểm tra chiếc ô tô biển số 67M-2029 đi từ Châu Đốc về TP.HCM thì phát hiện trên xe có 92 kg vàng thỏi, mỗi thỏi trọng lượng 1 kg, được cất giấu dưới ghế ngồi và trong người của Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi, tất cả cùng ngụ ở An Giang. Toàn bộ số vàng này không có nhãn hiệu và hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Tại cơ quan điều tra, Don, Sanh và Lợi khai số vàng trên là của Nguyễn Ngọc Luân (62kg) và Nguyễn Thị Tuyết Vân (30kg), cả 2 người cùng ngụ tại Châu Đốc, An Giang. Khi bị cơ quan điều tra triệu tập, Luân và Vân khai nhận số vàng trên được mua của một người Campuchia tên Kỵ và Kỵ giao vàng tại nhà. Sau đó, Vân thuê Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi vận chuyển lên TP.HCM giao cho Phạm Tùng Nguyên (90 Đỗ Ngọc Thạnh, Q.5, TP.HCM) 20kg và Trịnh Thị Hồng Vân (Lô C, khu dân cư Bình Tiên, Q.6, TP.HCM) 10kg. Riêng Luân thì thuê Lê Văn Don vận chuyển 62kg vàng lên TP.HCM giao cho Phạm Tùng Nguyên 32kg và Tiêu Khai Phến (28, Nguyễn Thị Nhỏ, Q.5, TP.HCM) 30kg.

Vì Nguyên và Phến đã tạm ứng trước cho Luân và Vân 2,873 triệu USD nên nghe tin xe chở vàng bị bắt, họ đã điện thoại yêu cầu Luân và Vân phải giao đủ 82/92kg vàng đã ứng trước tiền. Do vậy mà ngay trong ngày 4.2.2010, Vân tiếp tục đặt mua 20kg vàng rồi thuê Hồng Chí Quang (em ruột của Hồng Đức Sanh, đã bỏ trốn) mang 20kg vàng đi xe khách lên TP.HCM giao cho Phạm Tùng Nguyên. Còn Luân thì gọi cho người nhà ở đường Lý Tự Trọng, TP.HCM lấy 10kg vàng có sẵn đem giao cho Phến, đồng thời điện thoại cho Kỵ đặt mua tiếp 32kg vàng rồi chiều 5.2.2010, Luân trực tiếp đến trạm xe khách Kim Ngân (Châu Đốc) gửi 10kg vàng cho Phạm Tùng Nguyên. 22kg vàng còn lại, Luân thuê người đi xe khách lên TP.HCM giao cho Nguyên sau đó.
Để đối phó với cơ quan điều tra, Luân nhờ Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến làm 2 hợp đồng khống ghi ngày 2.2.2010 với nội dung là thuê Luân “phân kim 843 lượng vàng nữ trang” ,nhằm hợp thức hóa 62kg vàng lậu bị bắt giữ.
*Trả hồ sơ, đổi tội danh
Khi mới bị bắt, Nguyễn Thị Tuyết Vân cũng khai có người phụ nữ tên Kỵ (ngụ chợ Olympic, Phnom Penh, Campuchia) điện thoại cho Vân đặt vấn đề buôn vàng qua biên giới. Các điều kiện mua bán như số lượng, chất lượng, đơn giá, kể cả chi phí vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam đều thỏa thuận qua điện thoại. Địa điểm giao nhận vàng tại nhà của Vân và thanh toán bằng đô la Mỹ, thông qua những người giao vàng.  Sau khi nhận vàng, Vân gói thành từng cục, ghi ký hiệu riêng bên ngoài rồi thuê Hồng Đức Sanh, Nguyễn Văn Lợi, Hồng Chí Quang vận chuyển lên TP.HCM giao cho các tiệm vàng ngay trong ngày.
Căn cứ vào lời khai của Luân và Vân, cơ quan điều tra phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Campuchia xác minh được những người sử dụng điện thoại để liên lạc, mua bán vàng qua biên giới với Luân và Vân chính là Tăng Ly Sun và Phong Khi Yên (con của Sun) ngụ tại đường 298, quận Chom Ca Mon, TP.Phom Penh. Hai người này là chủ tiệm kinh doanh vàng thẻ và vàng ký. Cơ quan điều tra cũng xác định từ tháng 1 đến ngày 7.2.2010, Luân cùng đồng phạm đã mua bán vàng trái phép từ Campuchia về Việt Nam tổng cộng 210kg rồi vận chuyển lên TP.HCM bán lại Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến, trong đó 62kg vàng bị bắt giữ ngày 4.2.2010 trị giá 43,5 tỉ đồng, gây thất thu thuế nhập khẩu 389,8 triệu đồng và đã bán trót lọt 148kg, thu lợi bất chính 88,8 triệu đồng. Riêng Nguyễn Thị Tuyết Vân cùng đồng phạm đã mua bán 126kg vàng lậu qua biên giới, trong đó số bị bắt giữ ngày 4.2.2010 là 30kg, trị giá 21 tỉ đồng, gây thất thu thuế nhập khẩu 188,6 triệu đồng, đồng thời đã bán trót lọt 96kg...

Từ những cơ sở trên, ngày 17.2.2011, Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thị Tuyết Vân và các đồng phạm về tội buôn lậu. Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì sau đó TAND tỉnh Tiền Giang đã trả hồ sơ lại và yêu cầu “điều tra bổ sung vì chứng cứ yếu, chưa đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội buôn lậu”. Thế là vụ án bị ngưng lại khá lâu. Mãi cho đến ngày 25.9.2013, Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang mới ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội “buôn lậu” sang tội “kinh doanh trái phép”, đồng thời chuyển hồ sơ về Công an H.Châu Thành điều tra lại.
*Chị Hai, chị Mũi là ai?
Theo cáo trạng ngày 14.11.2013 của Viện KSND H.Châu Thành thì phần nội dung phạm tội và lời khai ban đầu của các bị can vẫn không thay đổi. “Riêng 2 bị can Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân đã thay đổi lời khai, cho rằng họ không mua số vàng nhập lậu nói trên của Tăng Ly Sun mà là mua lại của 2 người phụ nữ tên là chị Mũi và chị Hai ở huyện Tịnh Biên và khu vực Núi Sam (Châu Đốc, An Giang)”, cáo trạng đã không làm rõ “chị Mũi” và “chị Hai” đó là ai nhưng đã đổi tội danh từ buôn lậu sang kinh doanh trái phép.
Trong phần thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Luân luôn trả lời bất nhất, rối rắm. Khi gặp câu hỏi khó thì ngập ngừng rất lâu, không trả lời hoặc nói là “không nhớ”. Vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, hỏi Luân khi mua bán vàng có hỏi địa chỉ của người phụ nữ tên Mũi không? Luân nói: “Chị Mũi nói nhà ở Tịnh Biên nhưng chưa gắn số nhà. Còn bị cáo thì bận mua bán nên đâu có vô đó làm chi”. Thẩm phán hỏi: “Cho dù buôn lậu hay kinh doanh trái phép đều là hành vi trái pháp luật. Tại sao trong suốt một thời gian dài bị cáo khai buôn lậu, rồi hơn một năm sau lại thay đổi lời khai?” Bị cáo Luân làm thinh, không trả lời được. Khi tòa hỏi tổng cộng số lượng vàng là bao nhiêu Luân nói không nhớ. Nhưng hỏi thu lợi bao nhiêu thì bị cáo nói 88,8 triệu đồng. Tòa hỏi vì sao hỏi số lượng thì bị cáo nói không nhớ, còn thu lợi bao nhiêu thì bị cáo nói chính xác vậy? Luân trả lời: “Dạ, cái đó cơ quan điều tra tình giùm”.

Trả lời thẩm vấn của tòa, Phạm Tùng Nguyên nói biết mua bán vàng như vậy là trái phép, nhưng vì hoàn cảnh nghèo nên phải làm, mặc dù mỗi lần mua vàng số tiền bị cáo đặt trước cho Luân và Vân tới hàng triệu đô la.
Sau khi bị bắt tạm giam 6 tháng thì 2 ông trùm vàng tại Chợ Lớn là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến được cơ quan điều tra cho gia đình bảo lãnh tại ngoại. Sau đó gần một năm thì Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân được Viện KSND Tiền Giang cho tại ngoại. Cuối cùng thì 3 bị can mang vàng thuê là Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi được TAND Tiền Giang cho tại ngoại. Trong khi đó thì vụ án kéo dài 4 năm mới đưa ra xét xử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét