Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

*Xe ngựa độc nhất miền Tây

Từ hướng Sài Gòn về Bến Tre, qua khỏi cầu Rạch Miễu vài trăm mét rẽ trái vào con đường quanh co uốn khúc cặp bờ sông Tiền, tới bến phà Rạch Miễu cũ thì nghe tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng vó ngựa lốc cốc âm vang trên con đường làng. Đó là tuyến đường xe ngựa độc đáo và độc nhất còn lại ở miền Tây Nam bộ.

1-Tuyến xe ngựa không dài, chỉ chừng vài cây số đi qua 2 xã Qưới Sơn và Tân Thạch của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, với đội xe ngựa gần 50 chiếc, đặc biệt trong đó rất nhiều người đánh xe là phụ nữ. Cũng không phải là xe thổ mộ với thùng gỗ, bánh gỗ độc đáo, thơ mộng của ngày xưa mà là những chiếc xe ngựa cải tiến với sườn sắt, bánh cao su, mui trần. Vậy mà hơn 10 năm qua, tuyến đường này mỗi ngày vẫn thu hút hàng trăm du khách đến từ Mỹ, Anh, Úc,  Nhật… tới đây để thử “cảm giác xe ngựa”. Từ Sài Gòn, họ được các công ty lữ hành đưa tới Mỹ Tho rồi xuống du thuyền đi một vòng quanh các cù lao Long, Lân, Qui, Phụng rợp bóng cây xanh giữa sông Tiền. Sau đó, họ ngồi trên xe ngựa chạy xuyên qua những hàng dừa, những cây cầu bắc qua con rạch nhỏ, dưới ánh nắng chói chang của làng quê thanh bình, yên ả.

Trên tuyến xe ngựa này có một gia đình rất nổi tiếng. Đó là gia đình ông Trần Văn Hồng, còn gọi là Sáu Náo-xe ngựa, nhà ở ấp Qưới Hưng, xã Qưới Sơn. Ông Sáu nổi tiếng vì qua gần 2 thế kỷ, 4 đời nhà ông đã gắn bó với nghề xe ngựa. “Ba tôi chạy xe ngựa từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Khi tôi lên 5-6 tuổi thì đã thấy ba tôi chạy xe ngựa rồi. Đến đời tôi, năm học lớp Tư tôi đã bắt đầu theo xe ngựa vào ngày nghỉ thứ năm và chủ nhật. Tới năm lớp Nhất thì tôi nghỉ học luôn để theo xe. Tết này tôi đã qua “thất thập cổ lai hy”, tuổi con ngựa, nhưng vẫn chưa muốn bỏ nghề. Cả gia đình tôi hiện có 13 chiếc xe, 13 con ngựa và 4 thế hệ bao gồm con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại tổng cộng 16 người cùng chạy xe ngựa”, ông Sáu chia sẻ.
Chỉ con ngựa đang cột ngoài chuồng ngay trước cửa nhà, ông Sáu nói đó là “con ngựa chiến” nên lúc nào cũng ở sát bên ông, vì cưng nó nên không để nó ở xa được, sợ nó… buồn! Hỏi con ngựa có những ưu điểm gì, ông Sáu nói: “Con ngựa này biết nghe. Hễ tôi kêu nằm thì nó nằm, kêu đứng dậy thì nó đứng dậy, vì nó đã quen với tiếng người. Còn thấy người lạ vô chuồng thì nó sẽ… cự bằng cách cắn hoặc đá”. Ông Sáu kể rằng ngày xưa ông cũng từng chạy xe thổ mộ. So với chiếc xe bây giờ thì xe thổ mộ có mui hình vòm, lòng xe hẹp hơn, bánh xe bằng gỗ cao đến một thước, xe không có ghế ngồi nên hành khách ngồi bệt xuống chiếu bông. Xe thổ mộ rất đẹp nhưng bây giờ hiếm vì nó quá đắt, mỗi chiếc đến hơn 30 triệu đồng do được làm bằng gỗ quý. Còn xe ngựa hiện nay được làm bằng sắt, giá chỉ 3-4 triệu đồng.

Hơn nửa đời người sống bên cạnh ngựa, ông Sáu nói chỉ cần nhìn qua là biết ngựa tốt xấu, thậm chí biết ngựa đã từng bị bệnh. Hỏi nhìn bằng cách nào, ông nói: “Con trâu bệnh thì bị nhẵn ở sừng, còn ngựa bệnh thì nhẵn ở móng. Ví dụ bình thường móng ngựa láng, nhưng nếu bị bệnh một lần thì móng của nó bị khuyết vô. Đối với ngựa dữ, thấy người lạ tới gần thì 2 lỗ tai nó xếp lại, mắc láo liên. Còn ngựa đá khi gặp người lạ thì đuôi của nó ngoắc lia lịa. Kinh nghiệm từ đời ba tôi cho biết ngựa kéo xe thì đực cái gì cũng được nhưng phải là ngựa tốt. Ngựa tốt là ngựa còn tơ, đi giỏi và không phải là ngựa chứng. Còn ngựa non mà chứng thì có bán rẻ cũng không mua”.
2-Tôi gặp ông Sáu lần đầu vào năm 2009. Lần đó ông than rằng mang tiếng là “xe ngựa quốc tế”, chuyên phục vụ khách Tây nhưng giá một cuốc xe chỉ có 20.000đ. Thấy hẻo quá, bà con đã kiến nghị xin điều chỉnh giá nhưng chưa có kết quả. Lần này, ông Sáu khoe sau đợt kiến nghị đó, các công ty lữ hành đã thống nhất tăng lên mức 25.000đ và “giữ giá ổn định” từ đó cho đến nay.

Chúng tôi hỏi vậy hiện nay mỗi ngày ông còn dư được bao nhiêu, ông Sáu cười hề hề: “Làm gì dư được chú ơi. Như trường hợp của tôi, nếu ngày đông khách chạy được hơn 4 chuyến thì thu nhập trên 100.000đ. Nhưng một con ngựa mỗi ngày ăn 2kg lúa, 1kg cám và một bao cỏ. Lúa 7.000đ một kg, cám 6.000đ một kg và cỏ thì 30.000đ một bao. Như vậy nếu ngày nào “hên” chạy được từ 4 chuyến trở lên thì còn dư được 50.000đ hoặc hơn chút đỉnh, còn bữa nào ế khách thì coi như  thua rồi”. Thu nhập bấp bênh vậy sao nhiều người vẫn bám theo nghề xe ngựa? Ông Sáu nói dù không làm giàu được nhưng nghề này không sợ đói: “Ví dụ chiều nay trong nhà hết gạo nhưng sáng mai chạy một cuốc là có tiền. Bởi vậy nên ngay cả mùng một Tết chúng tôi cũng không nghỉ”.
Chị Trần Kim Chấn, 48 tuổi, là con gái của ông Sáu, cho biết chị bắt đầu chạy xe ngựa từ năm 21 tuổi. Gia đình chị hiện có 4 người gồm vợ chồng chị và 2 người con, trong đó có cô con gái cùng chạy xe ngựa. Cũng như ông Sáu, chị so sánh: “Lúc xe ngựa còn 20.000đ một chuyến thì một kg lúa gần 4.000đ. Bây giờ giá một kg lúa đã hơn 7.000đ nhưng giá một chuyến xe ngựa vẫn 25.000đ. Mấy năm trước khi giá xe ngựa 25.000đ thì một ngày công phụ hồ 50.000đ. Còn bây giờ công phụ hồ đã lên 140.000đ trong khi giá xe ngựa vẫn không đổi”.

Chỉ than vậy thôi chớ ông Sáu chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bởi theo ông thì ngoài việc mưu sinh kiếm sống, xe ngựa còn là cái duyên, cái nghiệp và sự đam mê. Căn nhà của ông Sáu vốn đã chật hẹp, vậy mà chung quanh nhà, ngoài xe, ngựa ông còn nuôi chim cu, bồ câu, gà nòi, gà đòn, gà ác… tổng cộng chừng vài chục con. Trong lúc ông trò chuyện với khách, tiếng bồ câu kêu, tiếng gà và mấy con cu ngói, cu đất liên tục gáy inh ỏi.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét