Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Lừa đảo từ... trại giam!

Kẻ có “biệt tài” này là Phan Cao Giang, một can phạm đang chấp hành hình phạt 14 năm tù tại một trại giam ở Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đêm 26.12.2010, ông Huỳnh Anh Tuấn (ngụ ấp Hòa Phú, xã Thiện Trí, H.Cái Bè, Tiền Giang) đi bán heo từ TP.HCM về quá khuya, không gọi cửa vào nhà mà nằm ngủ ngay trên võng trước hiên nhà. Gần sáng, giật mình tỉnh dậy ông phát hiện số tiền 694 triệu đồng để trong giỏ mang bên mình không cánh mà bay mất. Giữa lúc cơ quan điều tra đang truy tìm thủ phạm thì Công an xã Thiện Trí nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu tên là Định, “Đội trưởng, công tác ở Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Kiên Giang”. Định thông báo đã bắt được kẻ trộm và đề nghị Công an xã liên hệ giúp, yêu cầu bị hại gọi số máy 0938061524 gặp Định để biết thêm chi tiết.
Khi ông Tuấn liên lạc với Định thì được biết: “Sắp tới Công an Kiên Giang sẽ đến Công an H.Cái Bè để phối hợp trao trả lại số tiền bị mất cho ông Tuấn”. Vì vậy, Định gợi ý ông Tuấn “bồi dưỡng cho 11 đồng chí có công trong vụ bắt trộm” mỗi người một triệu đồng, bằng cách mua thẻ cào điện thoại di động rồi nhắn mã số thẻ vào máy của Định. Quá vui mừng vì đã tìm lại được số tiền lớn tưởng là đã mất, ngay lập tức ông Tuấn đã mua thẻ cào và chuyển cho Định tài khoản 11 triệu đồng. Nhưng rồi khi ông Tuấn gọi lại để kiểm tra thì chỉ nghe tín hiệu “ò ó e”.
Đêm 3.1.2011 kẻ trộm đột nhập vào Công ty CP rau quả Tiền Giang (xã Long Định, H.Châu Thành) cạy tủ sắt lấy đi 400 triệu đồng, 2.502 USD, một máy ảnh và một máy tính xách tay. 4 ngày sau, Công an xã Long Định nhận được điện thoại của một người tự xưng là Long, “cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Bình Phước”. Long cho biết đã bắt được 4 đối tượng trong vụ trộm ở Công ty CP rau quả Tiền Giang khi nhóm này đang mang hàng đi tiêu thụ và yêu cầu đại diện công ty liên lạc vào số máy 01883444039 của Long. Cũng giống như trường hợp trên, Long đề nghị “bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có công bắt trộm 7 triệu đồng” bằng hình thức mua và nhắn mã số thẻ cào điện thoại di động. Nộp tiền xong, đại diện Công ty CP rau quả Tiền Giang chuẩn bị đi Bình Phước để nhận lại tài sản bị mất thì Long tắt điện thoại.
Quá trình điều tra, công an phát hiện tù nhân Phan Cao Giang còn lừa thêm 7 vụ khác, cũng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Như ngày 9.11.2010,  Phan Văn Tám bị tạm giữ về hành vi đánh bạc thì chị Võ Thị Năm nhận được điện thoại của một người tự xưng là Tùng, “cán bộ Công an H.Châu Thành”, nói chồng chị bị té đập đầu chấn thương nặng. Muốn được chăm sóc tốt thì mua thẻ cào điện thoại rồi nhắn mã số vào số máy 01675618649. Tưởng là thật, chị Năm đã mua thẻ cào và nhắn vào số máy trên số tài khoản 2,5 triệu đồng. Rồi ngày 14.11.2010, sau khi gây tai nạn giao thông làm chết 3 người, tài xế Cao Quốc Hiền bị tạm giam thì hôm sau có người gọi cho gia đình Hiền, xưng là Tân, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an Tiền Giang, cho biết Hiền bị động kinh và đập đầu vào tường tự sát. Muốn thăm hoặc nói chuyện qua điện thoại với Hiền thì phải nhắn mã số 8 thẻ cào điện thoại di động vào số máy 01207469257 của Tân.
Tương tự, ngày 5.4.2011, sau khi bị mất xe gắn máy Air Blade, chị Tạ Thị Thu (tạm trú ấp 4, P.10, TP Mỹ Tho) được công an phường tới thông báo Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt được kẻ trộm và kêu chị Thu liên lạc số điện thoại 01885551192 để gặp cán bộ thụ lý. Gọi vào số máy trên, một người xưng là Tân “cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu” gợi ý chị Thu bồi dưỡng 7 triệu đồng, cũng bằng cách mua thẻ cào điện thoại di động rồi đọc mã số cho Tân. Sau khi nộp 3 triệu đồng, chị Thu nghi ngờ, gọi trở lại thì “cán bộ Tân” tắt máy…
Sau khi xảy ra nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn giống nhau, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định được kẻ giả danh công an để gây án chính là Phan Cao Giang, 34 tuổi, đang thụ hình bản án 14 năm tù tại Trại giam Xuyên Mộc, thuộc Bộ Công an. Lật lại hồ sơ cho thấy Giang đã có nhiều tiền án, tiền sự, như năm 1993 và 1996 đã bị Công an Q.4 và Công an Q.10 TPHCM bắt về hành vi trộm cắp tài sản. Từ năm 1997 đến năm 2006 y 4 lần bị phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, năm 2000 đã bị Tòa án Quân khu 7 xử phạt 8 năm tù; năm 2005 bị TAND Q.1, TP.HCM phạt 9 năm tù và ngày 30.3.2006 bị TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phạt 5 năm tù...
Làm việc với cơ quan điều tra, Giang khai nhận: Ngày 29.12.2010, Giang dùng điện thoại di động gọi cho bạn gái là Nguyễn Thị Thắm (ngụ ấp Bình Đức 2, xã Bình Hòa, H.Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhờ mua báo Công an, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TPHCM… rồi đọc cho y nghe thông tin về các vụ án hình sự. Qua đó, Giang biết được vụ mất trộm 694 triệu đồng ở xã Thiện Trí, H.Cái Bè, nên đã sử dụng điện thoại di động gọi tổng đài 1080 để hỏi số điện thoại của Công an xã Thiện Trí. Sau đó, Giang gọi cho Phó công an xã Nguyễn Văn Dũng, tự xưng là cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Kiên Giang để “xác minh vụ trộm” như đã nói trên. Tưởng là thật, anh Dũng đã thông báo cho bị hại Huỳnh Anh Tuấn biết để liên lạc với Giang. Kết quả là nạn nhân bị mất thêm 11 triệu đồng nữa.
Vụ lừa thứ 2, Giang khai: Sau khi nghe bạn gái Nguyễn Thị Thắm đọc báo qua… điện thoại, biết được vụ mất trộm xảy ra tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang, ngày 7.1.2011 Giang sử dụng điện thoại di động gọi đến tổng đài 1080 để hỏi số điện thoại của Công an xã Long Định. Sau đó y gọi đến Công an xã, xưng là Long, cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Bình Phước, cho biết đã bắt được thủ phạm vụ trộm nói trên và yêu cầu thông báo cho bị hại biết để liên hệ, đồng thời đề nghị “bồi dưỡng” 7 triệu đồng. Số tài khoản lừa đảo được, Giang khai đã bán lại cho các phạm nhân trong trại giam để lấy tiền tiêu xài.
Về nguồn gốc máy điện thoại di động, Giang khai đã thuê của Cù Quốc Toàn, cũng đang thụ án tù chung buồng giam với Giang. Mỗi lần thuê máy Giang trả cho Toàn 60.000đ. Riêng 2 số sim 01883444039 và 0938061524 dùng để thực hiện hành vi phạm tội, Giang khai đã nhờ một bạn tù tên Phạm Văn Phương mua giùm khi được ra ngoài lao động. Trong khi đó thì Nguyễn Thị Thắm, bạn gái của Giang, khai nhận quen biết Giang từ năm 2009. Thắm thường xuyên liên lạc qua điện thoại với Giang và mua báo để đọc tin các vụ án cho người yêu nghe.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Chánh án, phó chánh án bị tố nhận tiền chạy án

Một người đàn bà ở nông thôn, ít học, đã dám phát đơn tố cáo đích danh 3 nữ chánh án, phó chánh án và thẩm phán của TAND huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) nhận tiền “chạy án” và mượn tổng cộng hàng trăm triệu đồng nhưng… không trả!
*Chi 28 triệu đồng để thắng kiện?
Sự việc bắt đầu từ vụ tranh chấp dân sự: bà Phạm Thị Hồng nợ bà Nguyễn Thị Thủy (ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) 105 triệu đồng nhưng đòi không trả. Qua giới thiệu của một nữ luật sư, bà Thủy tìm gặp Phó chánh án Phan Thị Uyên nhờ giúp đỡ. Uyên tư vấn: “Chị cứ thưa để xã hòa giải đi, lên đây tôi tính cho”.
Cuối tháng 3-2007, vụ việc được chuyển lên tòa huyện. Bà Thủy tố cáo: “Sau khi hướng dẫn tôi viết bản tự khai, bà Uyên đặt thẳng vấn đề muốn thắng kiện phải chi 28 triệu đồng bồi dưỡng?! Hôm đó Uyên hẹn tôi 12 giờ trưa đem tiền đến chỗ nghỉ của bà ngay trong tòa án. Tôi rủ thêm chị Hồ Thị Tuyết Nhung (người quen với bà Uyên và được xử thắng kiện nhiều lần) cùng mang 20 triệu đồng đến gặp Uyên. Nhưng bà Uyên không chịu, nói còn thiếu 8 triệu đồng nữa, buộc tôi phải về lấy. Hôm đưa tiền, bà Uyên ra phía sau cơ quan hái cho chúng tôi mỗi người một trái đu đủ đem về. Sau đó tòa xử tôi thắng kiện. Từ đó tôi và bà Uyên thân nhau”.
Chữ ký và biên nhận mượn tiền của Phó chánh án Phan Thị Uyên.
Năm 2008, bà Thủy bị mẹ chồng là bà Lê Thị Hà, kiện đòi lại đất đã cho từ 25 năm trước. Vụ kiện được chuyển lên tòa huyện. Lần này, bà Thủy lại cùng Nhung đến nhờ Phó chánh án Uyên giúp. Bà Thủy cho biết: Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Uyên điện thoại nói là đã bàn với mấy chị em trong tòa rồi. Ngày 16-11-2008, Uyên kêu tôi chi 19 triệu đồng để “bồi dưỡng” cho chị em. Số tiền này bà Uyên nói chi cho chánh án Võ Thị Kim Loan 7 triệu đồng, Uyên 4 triệu, 2 thẩm phán Lê Thị Tám và Trần Công Thành mỗi người 4 triệu dặn tôi gửi ở nhà chị Nhung, sẽ cho người tới nhận. Sau đó Uyên điện cho tôi biết là đã nhận đủ tiền ri”.
 *Chạy án hay lừa đảo?
Vụ kiện sau đó không xét xử vì mẹ chồng bà Thủy rút đơn lại, nhưng rồi bà Thủy bị kiện lần 2. Bà Thủy tường trình: “Ngày 5-9-2009, Uyên điện thoại nói chánh án Loan bảo tôi phải chi tiền cho chị em xét xử. Khi tôi thắc mắc trước đó đã đưa 19 triệu đồng rồi thì bà Uyên nói “chị Loan bảo hồ sơ nào xử theo hồ sơ nấy. Nếu không chi tiếp, chị Loan ngã qua nguyên đơn là chị thua. Tôi hỏi chi bao nhiêu nữa thì bà Uyên bảo đưa thêm15 triệu đồng để chia cho bà  Loan, ông Thành và bà Tám. Riêng bà Uyên lần nầy vì chỗ tình nghĩa nên không nhận tiền”.
Chữ ký và biên nhận mượn tiền của thẩm phán Lê Thị Tám.
Cũng theo tố cáo của bà Thủy thì: “Sau đó bà Uyên gợi ý tôi đưa thêm 30 triệu đồng để “chạy” lên tỉnh. Tiếp theo là 14 triệu đồng để chi cho ông T., địa chính huyện. Rổi 15 triệu đồng để mướn luật sư làm di chúc giả và 35 triệu đồng để làm sổ đỏ giả, chờ khi mẹ chồng tôi chết đem ra xài (?!) Để tôi tin, Uyên mời ông T. đến quán cà phê Đại Cát gặp chị Nhung bàn bạc. Hôm đó tôi đòi đi theo nhưng bà Uyên không cho. Khoảng 3 tháng sau, bà Uyên bảo tôi đưa thêm 3,2 triệu đồng nữa để đóng thuế trước bạ… Vậy mà cuối cùng tôi bị thua kiện. Tổng cộng bà Uyên lấy của tôi tổng cộng 173 triệu đồng tiền chạy án. Riêng tiền mượn và tiền lãi tôi đi vay giùm là 85,3 triệu đồng, có biên nhận do bà Uyên ký tên”.
Cũng trong thời gian đó, bà Thủy tố cáo thẩm phán Lê Thị Tám nhiều lần hỏi mượn tiền khi thụ lý vụ án. Đây cũng là điều bất thường vì quan chức lại đi “mượn” tiền của dân nghèo! Bà Thủy cho biết: “Lúc đầu thì hỏi mượn vài ba triệu đồng và trả đúng hẹn. Sau tăng dần lên 10 triệu, 20 triệu và cuối cùng là 70 triệu đồng rồi… quỵt luôn. Theo lời dặn của họ, mỗi lần đưa tiền “chạy án” hoặc cho mượn tôi đều gi qua chị Hồ Thị Tuyết Nhung. Chỉ có 3 lần tôi trực tiếp đưa tiền. Sau khi người chạy xe ôm (giới thiệu là Nguyễn Minh Tâm, đi chiếc xe biển số 63F1-3701) tới nhận, bà Uyên hoặc bà Tám điện cho tôi biết đã nhận đủ tiền. Ngoài những lần giao tiền qua người chạy xe ôm, có lần đích thân bà Uyên đeo khẩu trang, đi xe gắn máy đến trước nhà chị Nhung bóp kèn, kêu đem tiền ra.
*Không biết, không mượn tiền!
Bà Thủy bức xúc vì cho rằng mình bị lừa có "kịch bản".
Khi thấy chuyện “mượn tiền” có dấu hiệu bất thường, ngày 3-3-2010 bà Thủy tới trụ sở TAND huyện Gò Công Tây lớn tiếng la lối thì Chánh án Võ Thị Kim Loan yêu cầu vào phòng để nói chuyện. Bà Thủy cho biết: “Chính bà Loan đã trực tiếp lấy lời khai và hướng dẫn tôi viết đơn kiện Phan Thị Uyên và Lê Thị Tám. Bà Loan hứa sẽ động viên hai cán bộ cấp dưới trả lại tiền cho tôi. Trong khi đó thì bà Uyên và Tám trở mặt, đuổi tôi ra, nói rằng không hề quen biết tôi, cũng không có mượn tiền.
“Nhưng rồi sau đó bà Loan điện thoại dọa: “Chồng của Tám làm chức lớn lắm. Chị quậy không lại sẽ ở tù. Hay là hủy bỏ đơn tố cáo đi?” Nghe vậy, tôi hỏi làm cách nào thì bà Loan hướng dẫn, sau đó bảo tôi chi 8 triệu đồng và nhờ chị Nhung đem tới cho . Rồi ngày 20-3 Loan bảo tôi đưa 10 triệu đồng để giúp tôi đòi nợ. Ngày 21-3 lại đòi thêm 5 triệu nữa, nói là để yêu cầu người chạy xe ôm làm chứng cho tôi… Vậy mà tại phiên tòa (xử vụ tranh chấp) ngày 13-4-2010, tôi bị thua kiện”, bà Thủy bức xúc.
Liên quan đến tố cáo của bà Thủy, ngày 10-10 bà Võ Thị Kim Loan, Chánh án TAND H.Gò Công Tây, cho biết: “Chúng tôi có biết bà Thủy, bà Nhung, nhưng không quen và không có nhận tiền chạy án, cũng không có mượn tiền và chưa bao giờ điện thoại cho 2 người này”.  
Theo ông Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, thì: “Sau khi xảy ra vụ lùm xùm, bà Thủy khai đã đưa tiền thông qua bà Nhung và người chạy xe ôm biển số 63F1-3701. Chính tôi đã tới Gò Công tìm ra chiếc xe này là của ông Tám Bò. Ông Tám cho biết đã từng bán đi rồi… mua trở lại và năm 2010 đã bị mất biển số, nhưng được cấp lại số cũ(?!) Hiện chúng tôi đang điều tra xem vụ này thực chất là chạy án hay lừa đảo? Cụ thể là bà Thủy có đưa tiền, nhưng bà Nhung và người chạy xe ôm có chuyển tới bà Loan, bà Uyên và Tám hay không? Nếu liên quan đến nội bộ sẽ xử lý dứt khoát. Còn làm không ra, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”.              

Kinh doanh... đám giỗ!

Đó là “loại hình” kinh doanh mới đang phát triển mạnh tại một số tỉnh ở vùng châu thổ sông Cửu Long, thay cho phong trào kinh doanh… đám cưới tai tiếng bây giờ là chuyện xưa rồi. Thoạt đầu, phong trào này hình thành từ một vài quan chức nhỏ cỡ chừng cấp trưởng phó phòng, nhân dịp nhà có đám giỗ trùng hợp với ngày nghỉ cuối tuần nên mời một số đồng nghiệp, bè bạn thân thiết tới cùng chung vui với quy mô chừng 3-4 bàn. Những buổi tiệc như vậy thực ra cũng rất vui, vì mang tính chất gia đình. Nhưng thời gian gần đây, người ta thấy nhiều đám giỗ đã bị biến dạng, trở thành phong trào và cơ hội kinh doanh của không ít vị chức sắc có quyền thế.
Gọi là kinh doanh bởi vì có những đám giỗ được tổ chức với quy mô còn lớn hơn cả đám cưới. Đặc biệt có nơi, một số quan chức lãnh đạo cấp tỉnh đã không ngần ngại tổ chức đám giỗ rầm rộ kéo dài trong suốt 2 ngày liền. Chỉ là đám giỗ nhưng phân công người viết thiệp mời hẳn hoi. Phải che rạp để đãi khách và thuê cả bảo vệ để giữ xe ô tô, xe gắn máy. Tất nhiên, đằng sau những đám giỗ phô trương kiểu đó có nhiều chuyện đáng bàn.
Trước hết, vì là đám giỗ nên không thể dời sang ngày thứ bảy, chủ nhật mà phải tổ chức đúng ngày giỗ, tức là ngay trong ngày làm việc. Để tiếp đãi chừng 500 khách, có những vị quan chức đầu tỉnh đã huy động gần hết cán bộ, nhân viên thuộc quyền bỏ nhiệm sở tới nhà mình để phục vụ trong 2 ngày liền. Vậy là từ việc riêng của gia đình đã biến thành việc công. Độc chiêu nhất là đám giỗ nhưng các sếp lại mời bằng thiệp. Vì vậy đố anh cán bộ dưới quyền nào dám… trốn, không đi đám giỗ!
Chính vì bị mời đích danh bằng thiệp nên có những đám giỗ gần như tất cả giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị, thành và giám đốc các doanh nghiệp đều có mặt. Xe hơi đậu kín đường, bia rượu chất đầy nhà. Thử làm một phép tính đơn giản: Với 500 khách mời, mỗi vị khách đi đám giỗ nhà sếp “bèo” lắm cũng phải ráng mua một thùng Heineken hoặc một chai rượu tây, chưa kể đi bằng phong bì rất khó thấy. Ít ai dám ôm thùng Tiger tới chớ đừng nói là bia 333 giá rẻ. Và với giá 400.000 đồng một thùng Heineken, nếu nhân bình quân 500 khách thì con số đã là vài trăm triệu đồng. Một kiểu kinh doanh rất hiệu quả!
Nhưng đó là con số hữu hình. Còn có những con số vô hình khác không nhìn thấy được như vài chục cán bộ, nhân viên phải bỏ nhiệm sở để tới nhà sếp tận tụy phục vụ trong 2 ngày liền. Ngày giờ công của nhà nước bị ăn cắp, công việc ở công sở bị đình đốn. Hầu hết giám đốc các doanh nghiệp, các sở ngành và lãnh đạo các huyện, thành đều đi đám giỗ bằng xe hơi, có tài xế đưa đón. Có những huyện cách xa chừng 50-60 cây số hoặc có cả khách từ TP.HCM về, nên ngoài việc tiêu tốn xăng dầu, sử dụng xe công, ngày công,  sự lãng phí là rất lớn.                                                                                                           
          


Du lịch Việt "tẩy chay" khách Việt!

Chuyện mới nghe hơi bị… sốc nhưng đó là chuyện có thật tại các điểm du lịch nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Một góc ngôi nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp.
Giải thích về chủ trương kỳ lạ trên, bà Lê Thị Chính, chủ nhân một trong những ngôi nhà cổ nổi tiếng tại Đông Hòa Hiệp, cho biết: “Thực ra thì lúc đầu chúng tôi vẫn tiếp khách Việt bình thường, không phân biệt tây hay ta. Nhưng qua một thời gian đón tiếp khách trong nước chúng tôi thấy nhiều chuyện không ổn. Đầu tiên là các nhân viên than phiền và sợ… phục vụ khách Việt vì dọn dẹp rất mệt! Chẳng hạn như trên bàn thì thức ăn bề bộn, rác thì quăng thẳng xuống sàn nhà. Trong khi ăn uống khách Việt thường hay ngẫu hứng đòi ăn những món đặc sản như ếch, cua, rùa, rắn… không có trong thực đơn, bởi vì điểm du lịch của chúng tôi là nhà dân chớ không phải nhà hàng. Và khi đòi hỏi không có thì thái độ khách không được hài lòng lắm”.
Cũng theo lời bà Chính thì: “Chúng tôi không ngại công phục vụ. Nhưng khi ngồi gần các đoàn khách Tây, thấy ánh mắt của họ nhìn khách mình rất khác. Bởi vì khi uống rượu thì khách mình hơi ồn ào, thậm chí có người còn bưng ly sang… cặp cổ cả khách Tây mời uống rượu, mặc dù không quen biết. Ngoài ra, còn một vấn đề khá tế nhị là nếu đón khách Việt, chúng tôi không có đủ người để đi theo… trông chừng! Lý do vì một số khách mình thường không ý thức. Ví dụ có lần chúng tôi nhận một đoàn gồm 120 khách của một cơ quan. Nhưng khi vào vườn cây, trái lớn nhỏ họ đều hái sạch. Rồi có lần nhà chúng tôi bị bể một cây đèn cổ hết sức quý nhưng không biết xử trí cách nào vì không thể bắt đền khách. Hoặc như mới đây, trong một đoàn khách có mấy em bé nghịch phá đã gỡ cả ốc xà cừ cẩn trên cây tủ xưa”.
Bên trong ngôi nhà cổ Đông Hòa Hiệp
Vì những lẽ trên, bà Chính cho rằng vì không có người quản lý xuể nên tốt hơn là không tiếp… khách Việt! “Khi nào chúng tôi có đủ người sẽ tiếp hoặc là sẽ lập một khu vực riêng dành cho khách Việt. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn không tiếp khách Việt, mà đối với những đoàn khách của doanh nghiệp, cơ quan có quy mô nhỏ và có người hướng dẫn, chúng tôi vẫn tiếp. Còn đối với đoàn đi đông người, không có người hướng dẫn và khách đi lẻ, thì chúng tôi xin lỗi và… từ chối”, bà Chính nói. Nhưng từ chối bằng cách nào? Bà Chính cho biết đã thông báo thẳng với các công ty lữ hành là không tiếp khách Việt. Cũng tại xã Đông Hòa Hiệp, ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức cũng tuyên bố không tiếp khách Việt.
Ngôi nhà cổ do bà Chính quản lý nằm giữa khu vườn cây ăn trái rộng 1,8 hecta tọa lạc tại ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, có quy mô 5 gian, được cất theo kiểu chữ đinh với hơn 100 cây cột toàn bằng gỗ quý, tồn tại hơn 150 năm. Nhà có kết cấu kèo cột kiểu chồng rường, bằng loại gỗ căm xe. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, xiên, trính và trên các vách cửa, các bao lam bên trong rất đặc sắc theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Trải qua nhiều thế kỷ và chiến tranh nhưng hầu hết vật dụng trang trí như các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Độc đáo nhất là bộ bao lam được chạm lọng tùng, cúc, trúc, mai được cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, uyển chuyển, thể hiện trình độ mỹ thuật rất cao của người xưa. Ngoài ra còn có các bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ ghế nghi được chạm trổ công phu và nhiều vật dụng có giá trị mỹ thuật khác. Năm 1998 Tổ chức JICA (Nhật) đã tài trợ trùng tu ngôi nhà này với kinh phí 2 tỉ đồng vào thời điểm đó. Dự án do Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật) phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thực hiện. Các chuyên gia Nhật đã cho phục chế lại toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong theo nguyên bản.                                                                                            

Bi kịch xuất khẩu lao động

Nghe lời chiêu dụ của “cò”, hàng chục nông dân tay lấm chân bùn chạy vay tiền sang Malaysia lao động để mong thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng rồi ở xứ người, họ phải chịu cảnh tù đày, bị đánh đập, trục xuất và phải ôm nợ.
*Vỡ mộng thoát nghèo…
Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Hòa Phú, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè ,Tiền Giang) kể: Giữa năm 2010, bà Phùng Thị Hoa  (ngụ ấp Hòa Điền cùng xã) có con gái  là Cao Thi Đẹp đang lao động ở Malaysia, tới rủ bà cho con là Cao Duy Khanh đi Malaysia xuất khẩu lao động. Khanh năm nay 23 tuổi, học xong trung học, đi bộ đội gần 2 năm xuất ngũ về đang học nghề sửa xe gắn máy. Theo bà Hoa thì sang bên đó Khanh cũng làm ngành xe, lương bổng khá, vừa học vừa làm mỗi tháng cũng kiếm được từ 5-7 triệu đồng, hợp đồng làm việc đến năm 2012. Để con được đi Malaysia, bà Bé phải chạy vay 15 triệu đồng để nộp cho bà Hoa lo thủ tục. Sau đó Khanh được hướng dẫn xuống Mỹ Tho làm hộ chiếu để xuất cảnh.
Cao Duy Khanh cho biết, khoảng giữa tháng 6-2010 anh và 7 người cùng xóm tới sân bay ở Kuala Lumpur thì bị Cảnh sát Malaysia không cho nhập cảnh vì không có người đón. Cả nhóm không ai biết ngoại ngữ, cứ đứng lớ ngớ nên bị tạm giữ 24 tiếng đồng hồ. Đến sáng hôm sau, khi nhân viên của Đại sứ quán tới bảo lãnh thì cả nhóm bị trục xuất về Việt Nam. Khoảng nửa tháng sau, bà Phùng Thị Hoa tới nhà kêu tiếp tục làm giấy tờ để đi lần 2. Lần này, có 2 người con gái của ông Ba Hạt bỏ cuộc nên bà Hoa rủ thêm 3 người khác. Vậy là ngày 8-7-2010, nhóm 9 người, toàn là nông dân, đã bay sang Malaysia.
Khi tới Kuala Lumpur, nhóm người VN được Cao Thị Đẹp (con gái bà Hoa) hướng dẫn vào làm tại một xưởng sản xuất dây thắng xe Honda với mức lương 650 ringgit/tháng, mỗi ngày làm 12 tiếng. Nhưng đến đầu tháng 10-2010 thì cả nhóm bất ngờ bị cảnh sát Malaysia đem 2 xe tới bắt toàn bộ đưa về tạm giam, sau khi xảy ra đánh nhau giữa Cao Văn Lượm (em trai của Đẹp) với những người trong nhóm. Sau đó cảnh sát phát hiện ra hộ chiếu của nhóm 15 người đều đi du lịch và đã hết hạn. Vì vậy, sau 2 tuần bị tạm giam, tất cả đều bị đưa ra tòa và bị phạt tù 3 tháng, đến tháng 2-2011 thì bị trục xuất về nước.
Trong thời gian các đồng hương vào tù thì Đẹp bay về Việt Nam, lấy giấy tờ của người khác dán hình mình vào rồi đến cơ quan xuất nhập cảnh làm hộ chiếu khác để đi tiếp sang Malaysia thì bị công an phát hiện. Lúc này, Đẹp liên tục điện thoại cho bà Bé yêu cầu tới Công an tỉnh rút đơn tố cáo, thì con bà ở Malaysia mới… có ngày về. Trong khi đó thì anh trai của Đẹp tên là Lộc điện thoại sang Malaysia, yêu cầu Khanh điện thoại về gặp… công an nói rằng Khanh đi Malaysia là tự nguyện chớ không phải do Đẹp rủ!
*Bi kịch nơi xứ người
Trong thời gian ở trại giam, Khanh kể, vì không biết tiếng bản xứ, cũng không biết tiếng Anh nên mỗi lần cảnh sát hỏi thì ú ớ, không hiểu là bị đánh. Khi thì bị bạt tay, lúc thì bị ăn dùi cui. Ăn uống thì ngày 3 cử: Sáng mỗi người được phát 2 lát bánh mì sandwich. Trưa và chiều mỗi lần được nửa chén cơm. Mỗi bữa ăn được phát một ca nước uống. Mỗi lần di chuyển đều bị còng tay. Căn phòng rộng chừng 250m2 nhưng chưa khoảng 600 tù nhân, tất cả nằm dưới sàn bê tông. Mỗi ngày được chừng 2 ca nước để tắm nhưng có khi 2 ngày không có nước. Trong 3 tháng ở tù, Khanh cho biết chỉ có duy nhất một bộ quần áo tù. Muốn giặt, phải mượn của những người bị tù lâu vì họ được 2 bộ. Thỉnh thoảng còn bị bắt ra sân phơi nắng từ 8 giờ đến 12 giờ trưa mà không hiểu lý do.
Võ Thị Lệ Thu không cầm được nước mắt khi kể về bi kịch ở xứ người
Cùng đi Malaysia còn có em Võ Thị Lệ Thu, 20 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh. Thu cho biết: “Vì Đẹp là chị chồng của chị ruột em nên em cùng chị Võ Thị Mỹ Xuân và anh rể Cao Văn Lượm theo Đẹp sang bên đó. Nhóm của em gồm 5 người đi vào tháng 2 âm lịch năm 2010. Trước khi đi, Đẹp nói sang đó làm lương từ 1.000 đến 1.200 ringgit/tháng, cũng làm tại xưởng sản xuất dây thắng xe Honda. Vì tưởng là người trong gia đình nên lúc đầu chỉ tốn tiền làm giấy tờ và vé máy bay thôi. Không ngờ sang đó được 5 tháng thì xảy ra cự cãi và đánh nhau về chuyện tiền bạc giữa chị Đẹp với nhóm người từ bên này qua nên bị cảnh sát bắt. Lý do cự cãi xuất phát từ việc Đẹp trước đó nói dẫn đi giùm, nhưng khi tới Malaysia thì đòi “tiền công” mỗi người từ 17 triệu đến hơn 20 triệu đồng, sau đó lại đòi tiếp 1.900 ringgit nữa”.
Kể chuyện ở tù, Thu cho biết lúc đầu bị cảnh sát giam nửa tháng. Đến khi tòa tuyên án thì chuyển đến giam nơi khác. Trong thời gian hơn 4 tháng em đã qua 5 nhà tù. Là tù nhân nữ, không bị đánh đập, nhưng Thu cho biết sáng trưa chiều, trước khi ăn cơm đều bị bắt ra phơi nắng chừng một tiếng đồng hồ, gọi là bị phạt. Khi vào nhà tù lớn thì được phát 2 bộ quần áo tù để thay đổi, còn nhà tù nhỏ thì chỉ có bộ quần áo trong người. Tính từ ngày lên máy bay đi Malaysia đến khi trở về VN tròn 10 tháng. Nhưng Thu nói trong nước mắt: “Ngày về em không còn đồng nào, vì tiển em làm đều bị Cao Thị Đẹp lấy hết, nói là mua vé máy bay, trong khi vé bay được chủ xưởng mua cho. Khi đi, mẹ em mượn 60 triệu đồng và một lượng vàng nhưng sang đó chỉ gửi về được 20 triệu đồng để trả nợ”.
Cũng tại ấp Hòa Phú, có trường hợp 2 chị em Nguyễn Thị Mỹ Ngân (22 tuổi) và Nguyễn Thị Ngân Giang (20 tuổi). Thấy người khác đi ham quá nên cũng xin đi. Không có tiền, gia đình phải chạy đi vay nóng 30 triệu đồng. Nhưng tiễn Ngân và Giang lên máy bay chiều hôm trước thì chiều hôm sau 2 người đã về tới nhà. Lý do là khi tới Kuala Lumpur không có người đón, bị tạm giữ và sáng hôm sau bị trục xuất.
Người dân bức xúc cho biết sau khi sự việc xảy ra, họ đã nộp đơn cho công an xã, công an huyện và tỉnh nhưng chẳng ai giải quyết. Ngày 5.10, chúng tôi liên hệ với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tiền Giang thì được xác nhận sự việc trên là có. Khi phát hiện Cao Thị Đẹp giả tên họ người khác để làm hộ chiếu, cơ quan này đã tạm giữ, lập hồ sơ chuyển sang Phòng CSĐT tội phạm về TTXH để xử lý. Còn xử lý ra sao thì không rõ.
Trong khi đó thì một quan chức của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cho biết hành vi của Cao Thị Đẹp chỉ bị phạt hành chính về việc giả mạo giấy tờ và bị cấm xuất cảnh. Thế nhưng, theo người dân thì Cao Thị Đẹp đã bay sang Malaysia cách đây hơn một tháng.                                             
                                                                                                                                        

Từ tội phạm thành... bạn nhậu!

Giữa lúc dư luận về vụ quan chức ăn nhậu và tắm sông với nữ tiếp viên nhà hàng trên sông Vàm Cỏ Tây làm một phụ nữ thiệt mạng chưa lắng xuống, thì tại Cần Giuộc (Long An) lại… xì ra vụ “chạy án” với số tiền gần nửa tỉ đồng, liên quan ít nhất một trong những nhân vật của vụ ăn nhậu tai tiếng nói trên.
*Một năm tù=480 triệu đồng?!
 Theo bản án phúc thẩm ngày 18-7-2011 của TAND tỉnh Long An thì từ tháng 7-2010 bị cáo Phạm Thị Bé (53 tuổi, ngụ ấp Chánh Nhì, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc) mở quán nhậu tại nhà, tuyển nữ tiếp viên phục vụ, nhưng không trả lương mà tiếp viên chỉ nhận tiền boa của khách. Khi tiếp viên bán dâm thì bị cáo cho hành lạc ngay tại 2 phòng ngủ trong nhà và mỗi lần như vậy bị cáo lấy “tiền xâu” 50.000đ. Trưa ngày 6-12-2010, trong lúc 2 vị khách cùng 2 nữ tiếp viên đang “mây mưa” thì công an ập vào bắt quả tang.
Ngày 18-3-2011,  tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Phạm Thị Bé 3 năm tù về tội chứa mại dâm. Tại phiên xử phúc thẩm, xét thấy: “Hành vi của bị cáo xâm phạm trực tiếp đến trật tự công cộng, đạo đức xã hội và là nguyên nhân làm lây truyền các bệnh nguy hiểm… Tòa cấp sơ thẩm xử bị cáo 3 năm tù là có căn cứ… Nhưng vì “bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, có bổ sung bệnh mổ tử cung, rối loạn tiền đình, gãy cột sống, văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, được địa phương xác nhận gia đình khó khăn”. Vì vậy, TAND tỉnh Long An chấp nhận một phần kháng cáo, cải sửa án sơ thẩm, phạt Phạm Thị Bé 2 năm tù…
Trong khi đó, theo tường trình của ông Đặng Ngọc Nguyễn (chồng bà Bé) thì sau khi vợ ông bị bắt, ông đã làm quen với Lê Văn Phổ (43 tuổi, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc) qua môi giới của một người chạy xe ôm. Đầu tháng 12-2010, Phổ tới nhà ông Nguyễn khoe về sự quen thân với nhiều cán bộ ở Viện KSND huyện và hứa sẽ giúp chạy lo lót để bà Bé không phải thụ án tù, với giá tiền 480 triệu đồng, chưa tính 15 triệu đồng “tiền công” cho riêng Phổ. Không rõ Phổ đã “chạy án” ra sao, nhưng đúng một tháng sau, ngày 5-1-2011 bà Bé được tại ngoại. Thấy lời nói của Phổ là có “cơ sở”, vì vậy ông Nguyễn tiếp tục lo chạy tiền để chung cho Phổ.
Điều bất ngờ là tại phiên tòa sơ thẩm, bà Bé bị phạt 3 năm tù giam. Đến lúc này, Phổ “tư vấn” cho ông Nguyễn chi thêm 250 triệu đồng để “chống án” lên tỉnh, đồng thời bày cách cho bà Bé đi khám bệnh và lấy nhiều giấy chứng nhận. Và chẳng biết có phải là sự ngẫu nhiên không nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, đúng như lời Phổ hứa, bà Bé được giảm xuống còn 2 năm tù. Ngay sau đó Phổ tới nhà bà Bé nhận tiếp 250 triệu đồng, nhưng vì chạy tiền không ra nên gia đình chỉ đưa 160 triệu đồng. Sau “thành công” này, Phổ gợi ý sẽ tiếp tục chạy để bà Bé không phải ở tù. Nhưng sau một thời gian được ở nhà, bà Bé nhận được thông báo sẽ thi hành án tù từ ngày 26-9. Thế là ngày 22-9, khi Phổ yêu cầu chi tiếp số tiền công cho riêng Phổ thì gia đình ông Nguyễn đã báo công an.
*Tội phạm thành… bạn nhậu
Năm 2007, Lê Văn Phổ từng bị Công an huyện Cần Giuộc bắt giam về tội đánh bạc và bị tòa xử 18 tháng tù treo. Nhưng sau vụ này, người ta thấy Phổ thường ăn nhậu chung với một số quan chức của cơ quan tố tụng huyện. Và trong tiệc nhậu chết người trên sông Vàm Cỏ Tây ngày 20-8, Phổ là một trong 6 người đàn ông có mặt trên phà cùng ăn nhậu và tắm sông với 6 người đẹp. Thế nhưng, sau khi xảy ra sự cố, cả 2 ông Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang (cựu Viện trưởng và Phó viện trưởng Viện KSND huyện Cần Giuộc) đều nói mình không hề quen biết với các cô gái và cũng không quen với Lê Văn Phổ, việc đi ăn nhậu là thụ động, vì bị rủ rê…
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do Huyện ủy Cần Giuộc tổ chức ngày 16-9, khi trả lời báo chí về việc trong nhóm ăn nhậu có Lê Văn Phổ, từng liên quan đến một vụ án do Viện KSND H.Cần Giuộc thụ lý, ông Thái Văn Ô, Phó bí thư thường trực Huyện ủy, giải thích: “Ông Nguyễn Kim Đoạn và Lê Văn Phổ vốn là người cùng ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông (Cần Giuộc) nên họ thân nhau”. Dư luận cũng đặt vấn đề có hay không sự liên quan giữa tiệc nhậu chết người trên sông Vàm Cỏ Tây với việc “chạy án” của Lê Văn Phổ? Bởi vì trước khi ăn nhậu cùng các quan chức Viện KSND huyện Cần Giuộc và trước khi bị bắt, Phổ đã nhận tiền chạy án của gia đình Phạm Thị Bé tổng cộng 480 triệu đồng.  
*Các cơ quan tỉnh… chưa biết!
Khi hay tin Lê Văn Phổ bị bắt, báo chí đã liên lạc với các cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu sự việc nhưng thông tin rất mù mờ, vì Công an và Viện KSND huyện Cần Giuộc đều nói “không biết vụ bắt giữ này”. Chiều 27-9, thượng tá Phạm Hữu Châu, người phát ngôn Công an tỉnh Long An cũng cho biết “Có nghe vụ bắt giữ, nhưng Công an huyện chưa có báo cáo”.
Trong khi đó thì thẩm phán Lê Quang Hùng, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ngày 18-7, cho rằng bản án phúc thẩm phạt bị cáo Phạm Thị Bé từ 3 năm xuống còn 2 năm tù là đúng với quy định của pháp luật. “Trong vụ án này, từ khi tòa tỉnh tiếp nhận vụ án đến khi đưa ra xét xử công khai không có ai tác động đến việc xử án cũng như không có việc nhận tiền chạy án để giảm án cho bị cáo”. Cũng theo ông Hùng, theo BLHS thì ở khung hình phạt này bà Bé bị phạt từ 1 đến 5 năm tù. Việc giảm án cho bà Bé do có nhiều tình tiết mới như bà Bé bị gai cột sống, cắt cổ tử cung, rối loạn tiền đình, v,v…                              

Quan chức tắm sông với... nữ tiếp viên!

  Đó là kết luận ban đầu của cơ quan điều tra có liên quan đến 2 ông Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang, Viện trưởng và Viện phó Viện KSND huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sau cuộc nhậu tai tiếng làm cho một phụ nữ rớt xuống sông thiệt mạng.
*Buổi tiệc weekend trên sông…
Theo thượng tá Phạm Hữu Châu, người phát ngôn Công an tỉnh Long An, thì câu chuyện bắt đầu từ việc ông Võ Thành Trung (ngụ ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) thuê một chiếc phà để chở một số “chiến hữu” dạo chơi trên sông Vàm Cỏ Đông, nhân dịp cuối tuần. Sáng ngày 20-8, ông Trung lái xe ô tô tới đón ông Nguyễn Nhật Tuấn (nhân viên Bưu điện Chợ Trạm, H.Cần Đước), ông Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang (Viện trưởng và Viện phó Viện KSND huyện Cần Giuộc). Khi đến điểm tập kết là bến phà Bến Bạ (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) thì có thêm ông Trần Thanh Long (nhân viên tư vấn bảo hiểm) và ông Đào Ngọc Hưng (làm nghề kinh doanh bất động sản) cùng tham gia.
Về phía các người đẹp thì có 2 nữ tiếp viên của quán Phương Thanh tại Cần Giuộc là Nguyễn Thị Hồng Cẩm (25 tuổi, quê ấp Thuận Phú, xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Mỹ Hằng (18 tuổi, quê ấp 6, xã Mỹ Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) và Nguyễn Hoàng Nhã (phường 15, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Ngoài ra, trong số những người lên phà còn có Lê Văn Phổ (xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc) và Nguyễn Ngọc Ba (ngụ xã Tân Thành, H.Thủ Thừa), làm nghề kinh doanh. Trong buổi tiệc này còn có 2 người bán vé số là Trần Trung Hiếu và Nguyễn Thành Lâm (cùng 17 tuổi, ngụ ấp 4B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) được thuê lên phà để nướng tôm, cua phục vụ cho các thực khách.
Vừa lên phà thì nhóm người này bắt đầu uống bia, đồng thời cho phà chạy về bến phà Long Sơn để mua thêm tôm bổ sung mồi nhậu. Sau đó họ quay trở lại Bến Bạ để rước thêm 3 người đẹp nữa gồm: Mai Thị Ngọc (18 tuổi, quê  ấp 2, xã An Bình B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), không nghề nghiệp; Võ Thị Hoa (28 tuổi, ngụ ấp Thanh Hà, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) là công nhân của Công ty giày Ching Luk, huyện Cần Giuộc) và Đinh Thị Kim Phượng (20 tuổi, ấp Hòa Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc) là bạn của Hoa. Sau đó, nhóm người này vừa tiếp tục uống bia vừa cho phà chạy giống như nhà hàng nổi, về hướng sông Vàm Cỏ Tây rồi neo đậu ở bờ sông thuộc ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Và tại đây, bi kịch đã xảy ra.
*Cuộc nhậu của những người lạ!
Theo thượng tá Phạm Hữu Châu, khi cuộc nhậu đã kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, bấy giờ Mai Thị Ngọc cùng một số người đẹp lên bờ để đi vệ sinh thì bị dính bùn nên nhảy luôn… xuống sông để tắm. Lúc này, các vị quan chức và thực khách đang ngồi ăn nhậu trên phà thấy vậy cũng muốn… tắm liền nhào xuống tắm chung! Riêng Đinh Thị Kim Phượng vì không biết bơi nên ở lại trên phà để giữ tiền, điện thoại và chìa khóa cho Võ Thị Hoa. Còn tài công Chía và 2 người bán vé số thì bỏ lên bờ đi đốn dừa nước. Khi tiếp viên Nguyễn Thị Mỹ Hằng đang tắm cách đó chừng 5m, nghe như có tiếng người ngã xuống nước. Nhìn lên phà không thấy Phượng đâu nên Hằng la lên. Ngay lập tức, những người còn lại bơi đến mũi phà lặn tìm nhưng không thấy. Đến 20 giờ cùng ngày thì các thợ lặn tìm được thi thể nạn nhân chìm nơi phà neo đậu. Qua khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan điều tra xác định nạn nhân tử vong vì ngạt nước.
Ông Nguyễn Chí Tâm, Phó Công an xã Nhựt Ninh, cho biết khi ông tới hiện trường thì các vị khách tắm sông đều đã lên phà. Lúc đó trên phà bia bọt vẫn còn trên bàn. Khi vớt được thi thể nạn nhân vẫn còn mặc nguyên quần áo, tiền bạc, điện thoại còn trong túi. Việc khám nghiệm hiện trường và giải phẫu tử thi kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau. Trả lời cơ quan điều tra, các người đẹp đều nói “không quen, không biết các quan chức”. Các quan chức lại càng không biết các em tiếp viên ở quán bia. Vậy mà họ cùng ngồi nhậu rồi tắm chung với nhau suốt chừng 5 tiếng đồng hồ! Thậm chí, ông Viện trưởng Nguyễn Kim Đoạn còn nói “thấy khó chịu” khi có các người đẹp xuất hiện, mặc dù chính ông Viện trưởng cũng tham gia tắm sông(!)
Thế nhưng, dù có quen biết với nhau hay không thì việc các quan chức ăn nhậu rồi cùng tắm sông với các nữ tiếp viên đã là sai phạm rành rành. Trả lời về việc này, chiều 2-9 ông Thái Văn Ô, Phó bí thư Huyện ủy Cần Giuộc cho biết: “Theo giải trình thì thấy các anh cũng thành khẩn, nhưng chính xác chưa thì chưa biết. Chúng tôi đang chờ kết luận của công an. Riêng việc ăn nhậu rồi tắm sông cùng với phụ nữ thì rõ ràng là sai phạm về mặt đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên, đương nhiên phải bị kiểm điểm, xử lý. Còn mức độ như thế nào thì phải chờ cơ quan điều tra, vì trong giải trình các anh nói có thấy các cô nhưng không biết là ai”.
Trong khi đó thì ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc cho biết việc này ông đã giao cho Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy theo dõi nhưng chưa báo cáo nên ông chưa nắm được. Việc giải trình của 2 cán bộ ông cũng giao cho ông Thái Văn Ô, Phó bí thư thường trực đọc, nhưng cũng chưa nghe báo cáo. Riêng thông tin về việc có vài cô là tiếp viên quán bia, ông đã chỉ đạo cho Phòng LĐ-TBXH xác minh làm rõ.
Phải chờ kết luận điều tra
Tối 1-9, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Công Pha, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An và hỏi cơ quan này đã có động thái gì đối với 2 cán bộ Viện KSND H.Cần Giuộc chưa? Ông Pha cho biết: “Thì chỉ bắt làm tường trình thôi. Đâu có gì”.
*Vậy trường hợp những cán bộ này ăn nhậu và tắm sông cùng các tiếp viên quán bia thì sao?
-Ông Pha: Quán bia nào? Làm gì có?
*Thì 2 cô ở quán Phương Thanh, H.Cần Giuộc, theo Công an tỉnh cho biết.
-Ông Pha: Có không? Cái này tôi chưa nắm được. Nhưng thôi để cơ quan điều tra làm xem họ có dính líu gì không. Phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.                    
                       

Quan huyện ăn nhậu và tắm sông!

Sự việc xảy ra đã hơn 10 ngày nhưng mới đây người ta mới biết tham gia trong vụ ăn nhậu tai tiếng này còn có 2 quan huyện Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang, Viện trưởng và Viện phó Viện KSND huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
            Chuyện bắt đầu vào sáng 20-8-2011, một người đàn ông tên Trung điện thoại hỏi thuê chiếc phà sắt loại 60 tấn, của bà LâmThị Kiều (ấp 4B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) với giá 2 triệu đồng để làm “du thuyền” đưa các chiến hữu “du hí” trên sông. Sau khi tổ chức dựng rạp và bàn ghế ngay trên phà, khoảng 10 giờ cùng ngày có 6 người đàn ông và 3 cô gái trẻ đi trên 2 chiếc ô tô du lịch cùng một xe gắn máy chạy thẳng xuống phà. Họ mang theo bia rượu và mồi nhậu.
Cùng lên phà còn có 2 trẻ em bán vé số được thuê làm nhiệm vụ nướng tôm, cua phục vụ ăn nhậu. Khi phà chạy được một đoạn thì họ yêu cầu tài công cặp bến để đón thêm 3 cô gái nữa. Sau đó họ cho chiếc phà chạy dọc theo sông Vàm Cỏ Đông để vừa ăn nhậu, vừa ngắm cảnh. Đến khoảng 14 giờ, khi tới khu vực ngã ba thuộc ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ), thấy có cây cổ thụ cao to che bóng mát, nhóm thực khách đã yêu cầu neo phà lại gần bờ. Và rồi trước cảnh sông nước hữu tình, nhóm thực khách này đã ngẫu hứng rủ các cô gái cùng… tắm sông! Trước cảnh khó coi giữa thanh thiên bạch nhật, người tài công và 2 em bán vé số đã bỏ lên bờ.
Đến khoảng 16 giờ, nghe tiếng kêu cứu, tài công và 2 em bán vé số chạy trở về phà thì thấy các vị khách hốt hoảng vì có một phụ nữ vừa bị chìm. Ngay lập tức người tài công đã lặn xuống sông để tìm nhưng không có kết quả. Sau đó, nhóm thực khách thuê thợ lặn đến tìm và vớt được thi thể nạn nhân, đồng thời xác định đó là Đinh Thị K.P. (20 tuổi, ngụ ấp Hòa Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, Long An). Thông tin ban đầu cho biết nạn nhân đã có chồng và có một con nhưng sống ly thân, đang làm công nhân cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Cho đến thời điểm này cơ quan điều tra vẫn từ chối cung cấp thông tin chính thức liên quan đến vụ việc cho báo chí. Nhưng theo thông tin từ các nhân chứng thì nạn nhân không biết bơi nên ngay từ đầu đã từ chối tắm sông. Khi được vớt lên bờ, trong túi quần nạn nhân còn 2 điện thoại di động và một số tiền. Cũng vì vậy nên có dư luận cho rằng nạn nhân đã bị kéo xuống sông trong lúc đùa giỡn, bởi lan can của chiếc phà khá cao nên ít có khả năng nạn nhân tự té xuống sông?!
Trong khi đó thì một nhân chứng tại địa phương cho biết trong lúc nhóm nam nữ tắm sông, ông nghe nhiều tiếng chọc ghẹo, cười đùa và có cả tiếng la của một phụ nữ “đừng kéo tôi xuống nước…”. Nhưng lúc đó ông vẫn nghĩ đó là chuyện đùa giỡn.
Về những thực khách trên chiếc “du thuyền”, ngoài 2 ông Nguyễn Kim Đoạn và Nguyễn Hương Giang, còn có một chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy ở Cần Đước. Được biết, sau khi sự việc xảy ra, người này đã bỏ ra 15 triệu đồng thuê nhóm thợ lặn tìm xác nạn nhân. Một nhân vật khác được cho là nhân viên một bưu cục ở Cần Giuộc. Hai nhân vật còn lại thì làm nghề kinh doanh ở Q.7, TP.HCM. Sau khi đưa được thi thể nạn nhân lên bờ, 2 ông cán bộ của Viện KSND huyện đã vội vã thuê xe honda ôm về trước.