Đó là “loại hình” kinh doanh mới đang phát triển mạnh tại một số tỉnh ở vùng châu thổ sông Cửu Long, thay cho phong trào kinh doanh… đám cưới tai tiếng bây giờ là chuyện xưa rồi. Thoạt đầu, phong trào này hình thành từ một vài quan chức nhỏ cỡ chừng cấp trưởng phó phòng, nhân dịp nhà có đám giỗ trùng hợp với ngày nghỉ cuối tuần nên mời một số đồng nghiệp, bè bạn thân thiết tới cùng chung vui với quy mô chừng 3-4 bàn. Những buổi tiệc như vậy thực ra cũng rất vui, vì mang tính chất gia đình. Nhưng thời gian gần đây, người ta thấy nhiều đám giỗ đã bị biến dạng, trở thành phong trào và cơ hội kinh doanh của không ít vị chức sắc có quyền thế.
Gọi là kinh doanh bởi vì có những đám giỗ được tổ chức với quy mô còn lớn hơn cả đám cưới. Đặc biệt có nơi, một số quan chức lãnh đạo cấp tỉnh đã không ngần ngại tổ chức đám giỗ rầm rộ kéo dài trong suốt 2 ngày liền. Chỉ là đám giỗ nhưng phân công người viết thiệp mời hẳn hoi. Phải che rạp để đãi khách và thuê cả bảo vệ để giữ xe ô tô, xe gắn máy. Tất nhiên, đằng sau những đám giỗ phô trương kiểu đó có nhiều chuyện đáng bàn.
Trước hết, vì là đám giỗ nên không thể dời sang ngày thứ bảy, chủ nhật mà phải tổ chức đúng ngày giỗ, tức là ngay trong ngày làm việc. Để tiếp đãi chừng 500 khách, có những vị quan chức đầu tỉnh đã huy động gần hết cán bộ, nhân viên thuộc quyền bỏ nhiệm sở tới nhà mình để phục vụ trong 2 ngày liền. Vậy là từ việc riêng của gia đình đã biến thành việc công. Độc chiêu nhất là đám giỗ nhưng các sếp lại mời bằng thiệp. Vì vậy đố anh cán bộ dưới quyền nào dám… trốn, không đi đám giỗ!
Chính vì bị mời đích danh bằng thiệp nên có những đám giỗ gần như tất cả giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị, thành và giám đốc các doanh nghiệp đều có mặt. Xe hơi đậu kín đường, bia rượu chất đầy nhà. Thử làm một phép tính đơn giản: Với 500 khách mời, mỗi vị khách đi đám giỗ nhà sếp “bèo” lắm cũng phải ráng mua một thùng Heineken hoặc một chai rượu tây, chưa kể đi bằng phong bì rất khó thấy. Ít ai dám ôm thùng Tiger tới chớ đừng nói là bia 333 giá rẻ. Và với giá 400.000 đồng một thùng Heineken, nếu nhân bình quân 500 khách thì con số đã là vài trăm triệu đồng. Một kiểu kinh doanh rất hiệu quả!
Nhưng đó là con số hữu hình. Còn có những con số vô hình khác không nhìn thấy được như vài chục cán bộ, nhân viên phải bỏ nhiệm sở để tới nhà sếp tận tụy phục vụ trong 2 ngày liền. Ngày giờ công của nhà nước bị ăn cắp, công việc ở công sở bị đình đốn. Hầu hết giám đốc các doanh nghiệp, các sở ngành và lãnh đạo các huyện, thành đều đi đám giỗ bằng xe hơi, có tài xế đưa đón. Có những huyện cách xa chừng 50-60 cây số hoặc có cả khách từ TP.HCM về, nên ngoài việc tiêu tốn xăng dầu, sử dụng xe công, ngày công, sự lãng phí là rất lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét