Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Bi kịch xuất khẩu lao động

Nghe lời chiêu dụ của “cò”, hàng chục nông dân tay lấm chân bùn chạy vay tiền sang Malaysia lao động để mong thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng rồi ở xứ người, họ phải chịu cảnh tù đày, bị đánh đập, trục xuất và phải ôm nợ.
*Vỡ mộng thoát nghèo…
Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Hòa Phú, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè ,Tiền Giang) kể: Giữa năm 2010, bà Phùng Thị Hoa  (ngụ ấp Hòa Điền cùng xã) có con gái  là Cao Thi Đẹp đang lao động ở Malaysia, tới rủ bà cho con là Cao Duy Khanh đi Malaysia xuất khẩu lao động. Khanh năm nay 23 tuổi, học xong trung học, đi bộ đội gần 2 năm xuất ngũ về đang học nghề sửa xe gắn máy. Theo bà Hoa thì sang bên đó Khanh cũng làm ngành xe, lương bổng khá, vừa học vừa làm mỗi tháng cũng kiếm được từ 5-7 triệu đồng, hợp đồng làm việc đến năm 2012. Để con được đi Malaysia, bà Bé phải chạy vay 15 triệu đồng để nộp cho bà Hoa lo thủ tục. Sau đó Khanh được hướng dẫn xuống Mỹ Tho làm hộ chiếu để xuất cảnh.
Cao Duy Khanh cho biết, khoảng giữa tháng 6-2010 anh và 7 người cùng xóm tới sân bay ở Kuala Lumpur thì bị Cảnh sát Malaysia không cho nhập cảnh vì không có người đón. Cả nhóm không ai biết ngoại ngữ, cứ đứng lớ ngớ nên bị tạm giữ 24 tiếng đồng hồ. Đến sáng hôm sau, khi nhân viên của Đại sứ quán tới bảo lãnh thì cả nhóm bị trục xuất về Việt Nam. Khoảng nửa tháng sau, bà Phùng Thị Hoa tới nhà kêu tiếp tục làm giấy tờ để đi lần 2. Lần này, có 2 người con gái của ông Ba Hạt bỏ cuộc nên bà Hoa rủ thêm 3 người khác. Vậy là ngày 8-7-2010, nhóm 9 người, toàn là nông dân, đã bay sang Malaysia.
Khi tới Kuala Lumpur, nhóm người VN được Cao Thị Đẹp (con gái bà Hoa) hướng dẫn vào làm tại một xưởng sản xuất dây thắng xe Honda với mức lương 650 ringgit/tháng, mỗi ngày làm 12 tiếng. Nhưng đến đầu tháng 10-2010 thì cả nhóm bất ngờ bị cảnh sát Malaysia đem 2 xe tới bắt toàn bộ đưa về tạm giam, sau khi xảy ra đánh nhau giữa Cao Văn Lượm (em trai của Đẹp) với những người trong nhóm. Sau đó cảnh sát phát hiện ra hộ chiếu của nhóm 15 người đều đi du lịch và đã hết hạn. Vì vậy, sau 2 tuần bị tạm giam, tất cả đều bị đưa ra tòa và bị phạt tù 3 tháng, đến tháng 2-2011 thì bị trục xuất về nước.
Trong thời gian các đồng hương vào tù thì Đẹp bay về Việt Nam, lấy giấy tờ của người khác dán hình mình vào rồi đến cơ quan xuất nhập cảnh làm hộ chiếu khác để đi tiếp sang Malaysia thì bị công an phát hiện. Lúc này, Đẹp liên tục điện thoại cho bà Bé yêu cầu tới Công an tỉnh rút đơn tố cáo, thì con bà ở Malaysia mới… có ngày về. Trong khi đó thì anh trai của Đẹp tên là Lộc điện thoại sang Malaysia, yêu cầu Khanh điện thoại về gặp… công an nói rằng Khanh đi Malaysia là tự nguyện chớ không phải do Đẹp rủ!
*Bi kịch nơi xứ người
Trong thời gian ở trại giam, Khanh kể, vì không biết tiếng bản xứ, cũng không biết tiếng Anh nên mỗi lần cảnh sát hỏi thì ú ớ, không hiểu là bị đánh. Khi thì bị bạt tay, lúc thì bị ăn dùi cui. Ăn uống thì ngày 3 cử: Sáng mỗi người được phát 2 lát bánh mì sandwich. Trưa và chiều mỗi lần được nửa chén cơm. Mỗi bữa ăn được phát một ca nước uống. Mỗi lần di chuyển đều bị còng tay. Căn phòng rộng chừng 250m2 nhưng chưa khoảng 600 tù nhân, tất cả nằm dưới sàn bê tông. Mỗi ngày được chừng 2 ca nước để tắm nhưng có khi 2 ngày không có nước. Trong 3 tháng ở tù, Khanh cho biết chỉ có duy nhất một bộ quần áo tù. Muốn giặt, phải mượn của những người bị tù lâu vì họ được 2 bộ. Thỉnh thoảng còn bị bắt ra sân phơi nắng từ 8 giờ đến 12 giờ trưa mà không hiểu lý do.
Võ Thị Lệ Thu không cầm được nước mắt khi kể về bi kịch ở xứ người
Cùng đi Malaysia còn có em Võ Thị Lệ Thu, 20 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh. Thu cho biết: “Vì Đẹp là chị chồng của chị ruột em nên em cùng chị Võ Thị Mỹ Xuân và anh rể Cao Văn Lượm theo Đẹp sang bên đó. Nhóm của em gồm 5 người đi vào tháng 2 âm lịch năm 2010. Trước khi đi, Đẹp nói sang đó làm lương từ 1.000 đến 1.200 ringgit/tháng, cũng làm tại xưởng sản xuất dây thắng xe Honda. Vì tưởng là người trong gia đình nên lúc đầu chỉ tốn tiền làm giấy tờ và vé máy bay thôi. Không ngờ sang đó được 5 tháng thì xảy ra cự cãi và đánh nhau về chuyện tiền bạc giữa chị Đẹp với nhóm người từ bên này qua nên bị cảnh sát bắt. Lý do cự cãi xuất phát từ việc Đẹp trước đó nói dẫn đi giùm, nhưng khi tới Malaysia thì đòi “tiền công” mỗi người từ 17 triệu đến hơn 20 triệu đồng, sau đó lại đòi tiếp 1.900 ringgit nữa”.
Kể chuyện ở tù, Thu cho biết lúc đầu bị cảnh sát giam nửa tháng. Đến khi tòa tuyên án thì chuyển đến giam nơi khác. Trong thời gian hơn 4 tháng em đã qua 5 nhà tù. Là tù nhân nữ, không bị đánh đập, nhưng Thu cho biết sáng trưa chiều, trước khi ăn cơm đều bị bắt ra phơi nắng chừng một tiếng đồng hồ, gọi là bị phạt. Khi vào nhà tù lớn thì được phát 2 bộ quần áo tù để thay đổi, còn nhà tù nhỏ thì chỉ có bộ quần áo trong người. Tính từ ngày lên máy bay đi Malaysia đến khi trở về VN tròn 10 tháng. Nhưng Thu nói trong nước mắt: “Ngày về em không còn đồng nào, vì tiển em làm đều bị Cao Thị Đẹp lấy hết, nói là mua vé máy bay, trong khi vé bay được chủ xưởng mua cho. Khi đi, mẹ em mượn 60 triệu đồng và một lượng vàng nhưng sang đó chỉ gửi về được 20 triệu đồng để trả nợ”.
Cũng tại ấp Hòa Phú, có trường hợp 2 chị em Nguyễn Thị Mỹ Ngân (22 tuổi) và Nguyễn Thị Ngân Giang (20 tuổi). Thấy người khác đi ham quá nên cũng xin đi. Không có tiền, gia đình phải chạy đi vay nóng 30 triệu đồng. Nhưng tiễn Ngân và Giang lên máy bay chiều hôm trước thì chiều hôm sau 2 người đã về tới nhà. Lý do là khi tới Kuala Lumpur không có người đón, bị tạm giữ và sáng hôm sau bị trục xuất.
Người dân bức xúc cho biết sau khi sự việc xảy ra, họ đã nộp đơn cho công an xã, công an huyện và tỉnh nhưng chẳng ai giải quyết. Ngày 5.10, chúng tôi liên hệ với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tiền Giang thì được xác nhận sự việc trên là có. Khi phát hiện Cao Thị Đẹp giả tên họ người khác để làm hộ chiếu, cơ quan này đã tạm giữ, lập hồ sơ chuyển sang Phòng CSĐT tội phạm về TTXH để xử lý. Còn xử lý ra sao thì không rõ.
Trong khi đó thì một quan chức của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cho biết hành vi của Cao Thị Đẹp chỉ bị phạt hành chính về việc giả mạo giấy tờ và bị cấm xuất cảnh. Thế nhưng, theo người dân thì Cao Thị Đẹp đã bay sang Malaysia cách đây hơn một tháng.                                             
                                                                                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét