Chuyện mới nghe hơi bị… sốc nhưng đó là chuyện có thật tại các điểm du lịch nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Một góc ngôi nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp. |
Giải thích về chủ trương kỳ lạ trên, bà Lê Thị Chính, chủ nhân một trong những ngôi nhà cổ nổi tiếng tại Đông Hòa Hiệp, cho biết: “Thực ra thì lúc đầu chúng tôi vẫn tiếp khách Việt bình thường, không phân biệt tây hay ta. Nhưng qua một thời gian đón tiếp khách trong nước chúng tôi thấy nhiều chuyện không ổn. Đầu tiên là các nhân viên than phiền và sợ… phục vụ khách Việt vì dọn dẹp rất mệt! Chẳng hạn như trên bàn thì thức ăn bề bộn, rác thì quăng thẳng xuống sàn nhà. Trong khi ăn uống khách Việt thường hay ngẫu hứng đòi ăn những món đặc sản như ếch, cua, rùa, rắn… không có trong thực đơn, bởi vì điểm du lịch của chúng tôi là nhà dân chớ không phải nhà hàng. Và khi đòi hỏi không có thì thái độ khách không được hài lòng lắm”.
Cũng theo lời bà Chính thì: “Chúng tôi không ngại công phục vụ. Nhưng khi ngồi gần các đoàn khách Tây, thấy ánh mắt của họ nhìn khách mình rất khác. Bởi vì khi uống rượu thì khách mình hơi ồn ào, thậm chí có người còn bưng ly sang… cặp cổ cả khách Tây mời uống rượu, mặc dù không quen biết. Ngoài ra, còn một vấn đề khá tế nhị là nếu đón khách Việt, chúng tôi không có đủ người để đi theo… trông chừng! Lý do vì một số khách mình thường không ý thức. Ví dụ có lần chúng tôi nhận một đoàn gồm 120 khách của một cơ quan. Nhưng khi vào vườn cây, trái lớn nhỏ họ đều hái sạch. Rồi có lần nhà chúng tôi bị bể một cây đèn cổ hết sức quý nhưng không biết xử trí cách nào vì không thể bắt đền khách. Hoặc như mới đây, trong một đoàn khách có mấy em bé nghịch phá đã gỡ cả ốc xà cừ cẩn trên cây tủ xưa”.
Bên trong ngôi nhà cổ Đông Hòa Hiệp |
Vì những lẽ trên, bà Chính cho rằng vì không có người quản lý xuể nên tốt hơn là không tiếp… khách Việt! “Khi nào chúng tôi có đủ người sẽ tiếp hoặc là sẽ lập một khu vực riêng dành cho khách Việt. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn không tiếp khách Việt, mà đối với những đoàn khách của doanh nghiệp, cơ quan có quy mô nhỏ và có người hướng dẫn, chúng tôi vẫn tiếp. Còn đối với đoàn đi đông người, không có người hướng dẫn và khách đi lẻ, thì chúng tôi xin lỗi và… từ chối”, bà Chính nói. Nhưng từ chối bằng cách nào? Bà Chính cho biết đã thông báo thẳng với các công ty lữ hành là không tiếp khách Việt. Cũng tại xã Đông Hòa Hiệp, ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức cũng tuyên bố không tiếp khách Việt.
Ngôi nhà cổ do bà Chính quản lý nằm giữa khu vườn cây ăn trái rộng 1,8 hecta tọa lạc tại ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, có quy mô 5 gian, được cất theo kiểu chữ đinh với hơn 100 cây cột toàn bằng gỗ quý, tồn tại hơn 150 năm. Nhà có kết cấu kèo cột kiểu chồng rường, bằng loại gỗ căm xe. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, xiên, trính và trên các vách cửa, các bao lam bên trong rất đặc sắc theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Trải qua nhiều thế kỷ và chiến tranh nhưng hầu hết vật dụng trang trí như các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Độc đáo nhất là bộ bao lam được chạm lọng tùng, cúc, trúc, mai được cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, uyển chuyển, thể hiện trình độ mỹ thuật rất cao của người xưa. Ngoài ra còn có các bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ ghế nghi được chạm trổ công phu và nhiều vật dụng có giá trị mỹ thuật khác. Năm 1998 Tổ chức JICA (Nhật) đã tài trợ trùng tu ngôi nhà này với kinh phí 2 tỉ đồng vào thời điểm đó. Dự án do Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật) phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thực hiện. Các chuyên gia Nhật đã cho phục chế lại toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong theo nguyên bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét