Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Dưa hấu... lạ!

Đó là trái dưa hấu vỏ vàng của chị Cao Thị Huỳnh Mai, chủ tiệm bánh kẹo Huỳnh Mai (quốc lộ 1A, ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, Tiền Giang).

Theo lời chị Mai thì trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, chồng chị đã mua 4 trái dưa hấu vỏ vàng, ruột vàng, tại chợ Hòa Hưng (người bán là con bà Năm Búp, ở cùng xã) với giá 300 ngàn đồng đem về chưng Tết.
Sau Tết, gia đình chị lần lượt xẻ 3 trái để ăn, còn lại một trái nặng 5,2kg để tới sau rằm tháng giêng nhưng thấy không bị hư. Ngạc nhiên, chị tiếp tục giữ lại cho tới nay thì trái dưa hấu vẫn còn bình thường. Nhìn bên ngoài, cuống dưa hấu bị khô nhưng không có dấu hiệu bị thối.
Theo chị Mai thì cách đây gần một tháng, có một tài xế ghé vào tiệm uống nước, vô ý đụng chân vào bàn làm trái dưa rớt xuống sàn gạch nhưng không… bể. Cho rằng trái dưa hấu đó là “điềm hên” nên chị giữ lại cho đến nay.
*Trái dưa hấu nặng 5,2kg.
Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cai Lậy, nếu đúng trái dưa đó được mua và chưng từ trước tết đến nay (đã gần 4 tháng) nhưng vẫn chưa bị hư là điều hơi lạ, bởi dưa hấu tết thường chỉ kéo dài đến rằm hoặc 20 tháng giêng là quá lâu.
Còn theo những người bán trái cây thì loại dưa hấu màu vàng chỉ được trồng để bán cho người mua về chưng tết, sau tết không có loại dưa này.                                                 

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Khu công nghiệp bỏ hoang

 Cũng giống như phong trào xây dựng nhà máy đường, làm cảng biển, tỉnh nào cũng đua nhau làm khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN) dẫn đến khủng hoảng thừa, không thu hút được nhà đầu tư. Thế là hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Trong khi đó thì hàng ngàn hộ nông dân bị mất đất phải sống lây lất ở những khu tái định cư bằng đủ thứ nghề tạm bợ qua ngày.

Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều tỉnh. Riêng tại Tiền Giang, điển hình nhất là các KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông), KCN Long Giang và KCN Tân Phước 1 (huyện Tân Phước).
*Siêu dự án… rùa
Ngày 26-11-2007, dự án KCN Long Giang được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô diện tích 540 ha tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Theo văn bản gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Chí, nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) tự giới thiệu “là một trong 500 doanh nghiệp lớn mạnh trên thế giới. Năm 2006 công ty được xếp hạng thứ 19 trong đội ngũ 100 doanh nghiệp Trung Quốc có vốn đầu tư ở nước ngoài với tổng tài sản 4,4 tỉ USD”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN Tân Hương, huyện Châu Thành.
“Với mục tiêu biến KCN Long Giang trở thành KCN đẳng cấp quốc gia, dự án sau khi được hình thành sẽ mang lại sự phát triển và phồn vinh cho nền kinh tế và xã hội của địa phương, mang lại sự cống hiến trong việc cải thiện đời sống của người dân bản địa”, nhà đầu tư cho biết sẽ xây dựng KCN này thành 2 giai đoạn, với nhiều hạng mục đầu tư bao gồm điện tử, gia điện, máy móc thiết bị cơ khí, chế biến dược phẩm và thiết bị y tế, thiết bị giao thông vận tải, đồ dùng gia đình, dệt may, v.v… Sau khi hoàn thành, có thể thu hút khoảng 240 doanh nghiệp từ Trung Quốc với vốn đầu tư 800 triệu USD, sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang lên 2 tỉ USD và tạo cơ hội việc làm cho 100.000 lao động!
Điều đáng nói là theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển các KCN ở VN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 thì KCN Long Giang không có tên trong danh mục dự kiến ưu tiên thành lập.  Nhưng trong văn bản đề xuất với Chính phủ, Chủ  tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng việc thành lập thêm KCN này nhằm tranh thủ được nguồn vốn đầu tư hạ tầng và thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc rất cao. Nhưng rất tiếc là sau khi đền bù giải tỏa và giao đất cho chủ đầu tư, dự án này được triển khai theo tốc độ… rùa. Sau hơn 4 năm, đến nay phần lớn diện tích vẫn còn bị bỏ hoang. Chẳng những không giải quyết được việc làm cho người dân bản địa như lời hứa ban đầu, mà hàng ngàn lao động trồng khóm từ Nông trường Tân Lập cũ buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp và tha hương đi kiếm sống.
Theo số liệu của Ban quản lý các KCN Tiền Giang, KCN Long Giang hiện có 11 dự án đầu tư với diện tích đăng ký 86,9 ha, tổng số lao động là 562 người, trong đó có 75 lao động người nước ngoài. Như vậy, sau 5 năm triển khai, KCN này vẫn còn tới 453 ha đất bị bỏ hoang!                                                            
*Xã nghèo có 800 ha đất hoang 
Trong lúc hàng trăm hecta đất tại KCN Long Giang còn bị bỏ hoang cho cỏ mọc thì tỉnh Tiền Giang lại quy hoạch thêm KCN Tân Phước 1 cũng tại xã Tân Lập 1, khiến một xã nghèo vùng Đồng Tháp Mười có tới hơn 800 ha đất bị bỏ hoang.
 Theo ông Đoàn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, thì: “Có nhiều nguyên nhân khiến người dân bỏ đất hoang. Như trường hợp 400 ha đất tại KCN Tân Phước 1, ngay khi chính quyền vừa công bố quy hoạch KCN và dự kiến thu hồi đất thì người dân lập tức bỏ hoang, không sản xuất nữa. Lý do vì đây là đất nông dân hợp đồng nhận khoán với Nông trường Tân Lập, lẽ ra nông trường phải có trách nhiệm điều hành, quản lý sản xuất, nhưng nhiều năm nay nông trường đã bỏ mặc cho tự nông dân tự bơi, muốn làm gì thì làm, trong khi hợp đồng nhận khoán đến năm 2013 là hết hạn. Vì thời gian còn lại quá ngắn trong khi muốn đầu tư mới thì mỗi hecta khóm phải bỏ ra chừng 80 triệu đồng. Vì vậy, nông dân không dám đầu tư và ngân hàng cũng không cho vay nên đất bị bỏ hoang. Đó là lỗi do… cơ chế”. Vậy nông dân bỏ đất rồi sống bằng gì? Ông Thành cho biết lao động trẻ thì bỏ đi làm ở các công ty. Lớn tuổi thì ở nhà giữ con hoặc làm thuê mướn bên ngoài. Chính vì vậy mà năm ngoái hộ nghèo của xã đã tăng thêm 1%, còn từ giờ đến cuối năm thì chưa biết.
*Hơn 400 hecta đất trồng khóm bị bỏ hoang sau khi công bố quy hoạch KCN Tân Phước 1.
Tuy nhiên, ông Đỗ Tấn Sĩ, một nông dân 80 tuổi có 1,2 ha đất bỏ hoang lại có nhận định khác. Theo ông Sĩ thì lâu nay Nông trường Tân Lập vẫn còn một bộ phận hoạt động nhưng chỉ để theo dõi thu hồi nợ, không còn điều hành sản xuất nữa. Trong khi sản xuất bấp bênh, giá phân, thuốc mọi thứ đều tăng, thì giá khóm do thương lái quyết định, nông trường không còn bao tiêu sản phẩm như trước. Đất sản xuất thì trong tình trạng phập phồng chờ giải tỏa nên không ai dám đầu tư, bởi không biết bị thu hồi lúc nào. Do vậy người dân đành phải bỏ hoang cho cỏ mọc. Ông Sĩ nêu dẫn chứng như cơn lũ xảy ra hồi năm vừa rồi, vì nông trường không còn chủ động bơm tát như trước nên nhiều nông dân bị thiệt hại nặng do cá nuôi bị thất thoát, cây trái bị chết do ngập nước, trong khi người dân không thể tự bơm tát vì không có tiền.
“Ngày xưa nông dân sản xuất đồng loạt thì việc bơm tát dễ dàng, chuột bọ ít phá hại. Còn bây giờ người làm người không thì rất khó ăn, vì ở vùng Đồng Tháp Mười nếu khóm không có trái thì chuột ăn luôn cả đọt nên người dân phải bỏ. Do vậy mà ở vùng nông thôn này bây giờ chỉ còn người già và con ít, đa số lao động trẻ bỏ đi kiếm sống khắp nơi. Giờ muốn thuê người làm cỏ khóm cũng không dễ”, ông Sĩ nói.
*Tiền Giang hiện có 4 KCN đang hoạt động (và 1 KCN còn treo) với 66 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án có vốn nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 784,8 triệu USD và 3.670,7 tỉ đồng. Trong số này, chỉ có KCN Mỹ Tho đã lắp đầy 100% diện tích với 79,14 ha. Riêng KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp có diện tích 285 ha nhưng chỉ mới có 1 dự án đầu tư với diện tích 22,9 ha, còn lại đang bỏ hoang.                                                                                                                                                            

Dân khổ vì khu công nghiệp

Mới sáng sớm nhưng khu tái định cư Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang) vắng tanh, đa số nhà dân đều đóng cửa. Ở những căn nhà có người thì chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ngồi miệt mài đan nón bàng. Họ cho biết từ khi bị giải tỏa, hầu hết lao động trẻ đều bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống, người lớn tuổi thì chỉ biết đan nón...
*Thu nhập 15.000đ/ngày
Bà Nguyễn Thị Tiền (nhà ở đường số 12 khu tái định cư Tân Hương) kể: “Năm 2004 gia đình tôi bị giải tỏa 764m2 đất thổ cư và được bồi thường hơn 90 triệu đồng, kể cả tiền hoa màu và tiền hỗ trợ. Bồi thường với giá 99.000đ/m2 nhưng tới khu tái định cư chúng tôi phải mua nền giá 200.000đ/m2. Tổng cộng tiền nền hết 36 triệu đồng lại còn phải tốn tiền tôn nền cao thêm 6 tấc nữa mới cất nhà được. Chính quyền buộc phải cất nhà tường theo quy hoạch. Nhưng để cất được nhà tường, gia đình tôi phải bán bớt phân nửa diện tích nền để lấy tiền xây nhà. Vậy là từ nông dân chúng tôi được “lên đời” thành cư dân khu tái định cư. Tuy nhiên, từ khi cất nhà xong đến giờ tôi vợ chồng tôi luôn thấp thỏm vì còn nợ hơn 60 triệu đồng vay bên ngoài với lãi suất 5%/tháng, chưa trả nổi”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Gò Công Đông.
Hỏi các con làm nghề gì, bà Tiền nói: “Con tôi vì ít học nên… ở đợ không. Hồi ở chỗ cũ chúng tôi không giàu nhưng dễ sống. Gạo, cá, rau quả, gà vịt luôn có sẵn. Giờ ở nhà tường nhưng mọi thứ đều phải mua. Gần 70 tuổi nhưng mỗi ngày tôi phải ngồi suốt từ sáng đến chiều đan được 10 cái nón bàng, bán được 40.000đ. Trừ tiền bàng 25.000đ, còn lại 15.000đ mua được một kg gạo. Nhà có con trai và con dâu làm công nhân ở KCN, tăng ca liên tục nhưng lương tháng 3 triệu đồng ăn trước trả sau, lãnh ra thì hết. Do vậy mà lâu nay đám tiệc đều “chế” hết, không có tiền đi. Lúc đầu mấy ổng nói khu tái định cư sẽ có chợ, trạm y tế và trường học, nhưng đến giờ vẫn còn là bãi đất hoang cỏ mọc cho bò ăn, trong khi học sinh tiểu học phải qua xã Tân Hội Đông bên cạnh để học. Thằng cháu tôi mới học lớp 3, nhưng sáng mẹ đưa đi, trưa đóng tiền cơm, chiều nhờ honda ôm rước về, tổng cộng mỗi tháng tốn hết 380.000đ, chưa kể tiền tập vỡ”.
Chị Cao Thị Mười cho biết gia đình chị thuộc diện nghèo… sát đất. Trước đây vợ chồng chị chỉ có căn nhà ở đậu trên đất của cha mẹ, nên khi bị giải tỏa chỉ được bồi thường gần 7 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó thì vào khu tái định cư kiếm đâu ra đủ 36 triệu đồng để mua nền nhà? Vậy là vợ chồng chị buộc phải cắt bán một nửa diện tích để lấy tiền mua nền. Có nền rồi nhưng không có tiền cất nhà nên lại phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, đến nay đã 6 năm vẫn chưa có tiền để tô tường và lát nền. Chị Mười nói: “Nhà tôi chỉ có vỏ mà không… có ruột! Chồng tôi làm phụ hồ nhưng bữa làm bữa nghỉ. Mỗi ngày tôi mua bàng về đan nón kiếm thêm được chừng 15.000đ, trong khi tiền cho con học thêm đã tốn hết 150.000đ mỗi tháng. Khốn khổ nhất là nhiều gia đình nghèo nhưng khi xin cấp sổ hộ nghèo thì không được giải quyết vì đã có... nhà tường nên không phải hộ nghèo!”
*Nhà sập không dám sửa
Từng là Trưởng ban Thủy lợi xã, ông Trần Hữu Phước (ấp Chợ, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết: “Ngày xưa ở đây là rừng ngập mặn, bỏ hoang. Năm 1985 chính quyền vận động người dân tình nguyện tới xây dựng khu dân cư lấn biển. Mỗi hộ được cấp một lô đất rộng 20m, dài 10m và 6 tháng gạo. Phía sau là rừng ngập mặn dài ra tới biển. Một số người không chịu nổi phải bỏ đi. Riêng chúng tôi cố bám lại để phát hoang, khai thác, làm đầm nuôi tôm. Đến nay đã gần 30 năm, người dân an cư lạc nghiệp, được cấp sổ đỏ thời hạn 50 năm. Đùng một cái được lệnh giải tỏa trắng để làm KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Ông Phước kể tiếp: “Cách đây 4 năm, đầu tiên là Công ty dầu khí Mekong. Họ đến đây kê biên, áp giá làm xáo động cả lên, nhưng được nửa chừng thì bỏ chạy. Sau đó tới lượt Công ty Nam Việt Oil tới kê biên, áp giá cũng gần cả năm nay nhưng chưa tới đâu. Vì họ áp giá quá thấp, người dân không thể tái tạo được cuộc sống mới nên nhiều người cứ dùng dằng chưa chịu ký tên di dời. Như nhà tôi diện tích 200m2, nhà tường, nhưng họ áp giá chỉ có 256 triệu đồng, tính luôn các khoản hỗ trợ 6 tháng để đi tìm nơi ở mới. Với số tiền đó chúng tôi không thể ra ngoài mua được đất cất nhà, bởi vì chỉ cần mua 100m2 đất trong hẻm thôi đã hết 250 triệu đồng rồi, lấy tiền đâu cất nhà? Thế là chúng tôi khiếu nại, không đồng ý di dời”.
Tương tự, ông Bùi Văn Lý cho biết gia đình ông có tổng cộng 1,4 ha, được áp giá gần 1,9 tỉ đồng nhưng ông chưa đồng ý. “Không đồng ý bởi vì cùng một địa điểm giống nhau nhưng phía đối diện nhà tôi chỉ cách con đường đất 2m thì được bồi thường 2,1 tỉ đồng/ha, còn đất của tôi tính ra chỉ hơn 1,3 tỉ đồng/ha. Họ giải thích giá khác nhau bởi vì bên này là đất nuôi trồng thủy sản còn bên kia là đất trồng cây lâu năm, nhưng thực tế “đất lâu năm” chỉ có cây ô rô và cóc kèn. Chính vì giá đền bù không hợp lý dẫn đến việc giải tỏa kéo dài mà nhiều hộ nuôi tôm, mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng, phải bỏ đầm hoang từ nhiều năm nay. Trong khi đó thì người dân chẳng những không được cất nhà mà nhà hư, dột cũng không dám sửa, vì vậy nhiều trường hợp nhà quá cũ kỹ bị sập luôn”, ông Lý nói.
*Ngôi nhà của Vinashin xây xong rồi bỏ hoang tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp có trường hợp chị Lê Thị Trí, 30 tuổi, có 2 con nhỏ, chồng làm nghề đi biển, nhà thuộc diện… quá nghèo. Chị cho biết vào tháng trước sau khi nhà bị sập vì gió lốc chị đã lên trình với chính quyền xã. Xã bảo chị chờ họ cử cán bộ xuống xem, nếu đúng là do giông gió gây ra thì sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng nên chị cứ để hoài không dám dỡ bỏ. “Theo yêu cầu của mấy ổng, tui đã làm đơn nhờ hàng xóm ký tên xác nhận giùm rồi nộp lên xã nhưng chờ hoài không thấy ai giải quyết. Nhà sập, mẹ con tui phải che tạm cái chòi ở đỡ bên cạnh nhà mẹ. Trước đó nhà tui đã được áp giá bồi thường 142 triệu đồng nhưng chưa lãnh đồng nào”, chị Trí than thở.                                                        

Trả lời của bà Hoàng Yến

*Chị giải thích thế nào về một phiên tòa xử ly hôn nhưng có tới 2 bản án? Có thông tin nói phần “xét thấy” dài hơn 1 trang giấy được copy từ bản án nước ngoài là do chính chị đề xuất thẩm phán Lê Văn Lắm thêm vào? Theo hồ sơ thì TAND Long An đã tống đạt bản án cho chị trước khi phiên tòa kết thúc. Vậy chính xác chị đã nhận bản án lúc nào?
-Bà Hoàng Yến: Thực chất tôi chỉ nhận được 01 quyết định số 19/2010/HN-ST do TAND tỉnh Long An  ký ngày 6-10-2010 cho phép tôi và ông Jimmy Trần được ly hôn. Bản án này tôi cũng như Tòa Lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kỳ đều nhận được là 10 trang. Việc bản quyết định chỉ có 09 trang gởi cho Viện KSND Long An đã được Tòa án Long An trả lời nhận khuyết điểm do sai sót trong khâu hành chánh của tòa án và thẩm phán chịu trách nhiệm đã không kiểm tra kỹ trước khi ký phát hành.
Trang thứ 9 bị sót có nội dung ‘xét thấy’ như anh đề cập chính là do luật sư của tôi tại Mỹ soạn thảo và được pháp lý Phòng công chứng tại VIệt Nam dịch ra tiếng Việt và tôi làm đơn đề nghị Tòa án Long An bổ sung cho phù hợp với thông lệ xét xử của Mỹ để bản án được chấp nhận tại Mỹ. Xét thấy các nội dung này hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến nội dung xét xử mà đơn thuần là những tuyên bố tòa án xét xử công bằng, không gian lận… Nên TAND tỉnh Long An đã đưa vào bản tuyên án.
Việc dư luận cho rằng tòa án tống đạt bản án cho tôi trước khi phiên tòa kết thúc là không chính xác. Sau khi phiên xét xử chấm dứt, tôi đã phải chờ khoảng 1 tiếng rưỡi để được tống đạt bản án.
*Có 2 thông tin liên quan đến chị hiện dư luận đặc biệt quan tâm là việc trước đây chị từng là đảng viên nhưng trong hồ sơ ứng cử quốc hội lại không thể hiện. Thực ra hiện nay chị có còn là đảng viên hay không? Nếu không thì chị ra khỏi đảng vào thời điểm nào và vì sao chị không khai trong lý lịch ứng cử viên?
-Tôi được kết nạp đảng vào năm 1985. Năm 1993 tôi xin nghỉ việc. Năm 1995 mới chính thức làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về địa phương. Vì công việc của tôi phải đi công tác ở các nước, đặc biệt là vào nước Mỹ tìm hiểu thị trường từ năm 1995, do vậy tôi không có điều kiện để tiếp tục sinh hoạt đảng nên tôi đã không nộp hồ sơ về địa phương. Tôi đã không sinh hoạt đảng quá lâu nên theo Điều lệ Đảng tôi đã không còn là đảng viên nữa mặc dù chưa hề viết đơn xin ra khỏi đảng và cũng chưa bao giờ bị kỷ luật. Trong bản mẫu lý lịch theo quy định của ban bầu cử không hề có mục nào hỏi: ‘Đã từng là đảng viên không?’ Mà chỉ có mục hỏi ’Có là đảng viên Đảng cộng sản không?’  Do vậy việc tôi khai mình không phải đảng viên là hoàn toàn chính xác.
*Theo thông tin từ MTTQ Long An thì khi hiệp thương giới thiệu ứng cử viên có đặt ra yêu cầu là: đại biểu nữ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài đảng. Vậy lúc đó có ai biết chị từng là đảng viên không, hoặc có ai gợi ý việc khai hoặc không khai chi tiết này trong lý lịch ứng cử viên không?
-Như tôi đã trả lời bên trên, sau hơn 15 năm không sinh hoạt đảng, rõ ràng tôi làm gì còn là đảng viên nữa để nhận mình là đảng viên.
*Theo ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An, thì khi hiệp thương giới thiệu ứng cử viên, ông hoàn toàn không biết gì về ông Jimmy Trần, vì chị đã không khai trong lý lịch. Chị giải thích về điều này như thế nào?
-Ngày 6-10-2010, TAND tỉnh Long An đã có bản án số 19/2010/HN-ST quyết định cho phép tôi và ông Jimmy Trần được ly hôn. Ngày 22-12-2010 bản án này đã được tòa án Houston công nhận. Đến ngày 20-1-2011, Viện KSND tỉnh Long An kháng nghị rút lại quyết định xử ly hôn lý do: Viện KSND tỉnh Long An nhận được bản án chỉ có 9 trang trong khi bản án gửi cho Tòa lãnh sự VN tại Mỹ và bản gửi cho các đương sự là 10 trang.
Tuy nhiên, sau khi tôi làm hồ sơ gửi Viện KSND tối cao trình bày việc sai sót của tòa án, cá nhân tôi và ông Jimmy Trần hoàn toàn không có khiếu nại bản án tại Việt Nam; Tòa lãnh sự VN tại Houston khẳng định bản án ly hôn đã được tòa án Mỹ chấp thuận, Viện KSND tỉnh Long An đã ra quyết định số: 11/QĐ/KNPT-DS ký ngày 28-2-2011 để rút lại kháng nghị.
Rõ ràng, việc ly hôn của tôi đã được giải quyết xong vào ngày 06-10-2010 tại Việt Nam, trong khi đó ngày nộp hồ sơ tham gia ứng cử đại biểu quốc hội là 18-3-2011. Hơn nữa, trong bản mẫu lý lịch không có bất cứ mục nào yêu cầu tôi phải khai những người chồng đã ly hôn. Vậy thì tôi không khai ông Jimmy Tran là hoàn toàn chính xác. Còn việc TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm vào tháng 12-2011, rút lại quyết định xử ly hôn là yếu tố pháp lý phát sinh về sau và ngoài ý muốn của chúng tôi.
*Sau khi rút đơn xin ly hôn tại TAND tỉnh Long An, về mặt pháp lý thì xem như giữa chị và ông Jimmy Trần vẫn còn là vợ chồng? Chị nói gì về điều này và thực chất mối quan hệ giữa chị và ông Jimmy Trần hiện nay?
-Dư luận quy chụp và kết luận việc rút đơn của tôi đồng nghĩa là tôi vẫn còn mối quan hệ vợ chồng, rõ ràng là cố tình hiểu sai hoặc tự suy diễn một cách không có cơ sở pháp lý. Tôi đã ghi rất rõ trong đơn xin rút hồ sơ ly hôn tại Việt Nam dựa trên các lý do:
-Thứ nhất, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ, đã nộp hồ sơ ly hôn tại Mỹ và đã được tòa án Mỹ nhận hồ sơ giải quyết từ tháng 7-2010. Do vậy, việc  xét xử lại tại VN theo quyết định giám đốc thẩm là không cần thiết và không khả thi do ông Jimmy Trần không  tham gia.
-Thứ hai, vụ án ly hôn của tôi và ông Jimmy Trần đã hoàn tất, không có ai khiếu nại. Quyết định của TAND tỉnh Long An không gây thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức nào, vậy mà TAND tối cao lại ra quyết định giám đốc thẩm, làm rối loạn cuộc sống của chúng tôi. Chính vì vậy nên tôi rút hồ sơ ly hôn và chấp nhận theo bản án của Tòa án tại Mỹ.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Bãi miễn đại biểu quốc hội!

Sáng 17-4, thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Long An đã có buổi họp với đại diện các tầng lớp, các tổ chức, đoàn thể xã hội thành viên của mặt trận, đại biểu cho cử tri tỉnh Long An, để xem xét, lấy ý kiến tín nhiệm về tư cách đại biểu quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại cuộc họp, đại diện MTTQ tỉnh Long An đã đọc bản tường trình của bà Yến, đồng thời báo cáo tóm tắt quá trình hiệp thương, giới thiệu bà Yến ra ứng cử đại biểu quốc hội khóa 13. Sau đó, 76 vị đại biểu tham dự cuộc họp đã tiến hành bỏ phiếu kín với 2 ý kiến: bãi nhiệm hoặc không bãi nhiệm. Kết quả, đa số đại biểu đã bỏ phiếu đề xuất bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Sau cuộc họp này, thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Long An sẽ có báo cáo về Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và Ban công tác đại biểu quốc hội, trên cơ sở đó, UBTV Quốc hội sẽ xem xét và có quyết định chính thức.

Liên quan đến việc khi ra ứng cử đại biểu quốc hội, bà Đặng Thị Hoàng Yến không khai trong lý lịch đã từng vào đảng, ông Võ Lê Tuấn, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, cho biết:  “Vào thời điểm đó, theo sự phân bổ của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Long An được bầu 8 đại biểu, trong đó có một nữ thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài đảng.  Do vậy, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã họp và thống nhất để Công ty CP đầu tư Tân Đức giới thiệu một nữ, ngoài đảng, tham gia ứng cử đại biểu quốc hội khóa 13. Sau đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức và cũng là Chủ tịch HĐQT Đại học Tân Tạo) được giới thiệu ra ứng cử”.
Cũng theo ông Tuấn thì qua 3 vòng hiệp thương, lấy ý kiến nơi cư trú và nơi làm việc, bà Yến được cử tri tín nhiệm 100%. Ngoài ra, trong quá trình từ khi hiệp thương lần 1 đến hiệp thương lần 3 đều được tập thể Ủy ban MTTQ tỉnh thống nhất, không có vị nào trong Ủy ban MTTQ đặt vấn đề về bà Yến. Vì trường hợp bà Yến được giới thiệu là nữ doanh nhân thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài đảng, nên việc bà Liễu không khai đã từng vào đảng đã không được thẩm tra, làm rõ.
Tuy nhiên, một vị đại tá quân đội về hưu thì cho rằng trong vụ này rõ ràng Hội đồng bầu cử và Ủy ban MTTQ Long An đã có sơ suất trong việc thẩm tra lý lịch người ra ứng cử. Bởi vì, chẳng những Hội đồng bầu cử đã không biết được việc bà Yến đã từng vào đảng hồi năm 1986 rồi sau đó không còn sinh hoạt lúc nào, tại sao? Thậm chí, bà Yến cũng không khai có chồng là ông Jimmy Trần, Việt kiều Mỹ, đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị truy nã. Thực tế, trong lý lịch bà Yến chỉ khai có chồng và đã chết mà không khai gì về người chồng sau là Jimmy Trần, nhưng Hội đồng bầu cử cũng không nắm được.                                    

Xem xét trường hợp bà Hoàng Yến

Tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Long An tổ chức chiều 16-4, trả lời về trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu quốc hội, ông Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Không phải tới bây giờ mà ngay sau khi bầu cử Quốc hội vào năm 2011 đã có nhiều dư luận liên quan đến bà Yến. Nhưng tỉnh khẳng định quy trình hiệp thương, giới thiệu đại biểu ứng cử của Ủy ban MTTQ tỉnh Long An là hợp lệ, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, tỉnh đã giới thiệu một đại biểu nữ thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài đảng, ra ứng cử, theo cơ cấu được thống nhất giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với địa phương.
Về lý lịch ứng cử viên, ông Hùng cho rằng theo quy định thì do ứng cử viên tự khai, tự chịu trách nhiệm và có xác nhận nơi cư trú, không ai thẩm tra. Nhưng hiện nay, qua xác minh cho thấy bà Yến được kết nạp đảng vào năm 1986 nhưng đã không khai trong lý lịch khi ra ứng cử. Theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 17-4, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An sẽ họp để lấy ý kiến về trường hợp bà Yến, đồng thời sẽ báo cáo với thường trực Ủy ban MTTQ VN. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến kết luận chính thức. Còn việc xem xét, xử lý trường hợp này như thế nào thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến tình trạng hôn nhân của bà Yến, ông Trần Minh Hùng cho rằng tại thời điểm ứng cử quốc hội, bản án xử ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần của TAND Long An có hiệu lực, do vậy lúc đó bà Yến không chồng. Còn bây giờ, bản án đó đã bị TAND tối cao bác bỏ, vì vậy về mặt pháp lý hiện nay bà Yến vẫn đang có chồng là ông Jimmy Trần. Nhưng, vấn đề là Jimmy Trần đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và đang bị truy nã. Trong khi đó, theo lịch thì tuần sau các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Long An sẽ tiếp xúc cử tri. Và cho đến thời điểm này bà Yến vẫn là đại biểu Quốc hội thì đương nhiên bà Yến vẫn tiếp xúc với cử tri.
Về vụ án ly hôn của bà Yến, sau khi báo chí dẫn nguồn từ TAND tỉnh Long An cho biết tòa đã 3 lần triệu tập bà Yến đến tòa để làm việc nhưng cả 3 lần bà Yến đều vắng mặt. Sau khi báo đăng, bà Yến đã có văn bản gửi đến TAND tỉnh Long An và một số cơ quan báo chí để phản đối, cho rằng thjong tin đó sai sự thật. Theo bà Yến, thư triệu tập lần 1 do tòa gửi sai địa chỉ nên bà không nhận được và việc này là do lỗi của tòa, được thẩm phán Lê Quốc Dũng xác nhận. Thư triệu tập lần 2, bà Yến đã đến tòa ngày 13-3-2012 và được thẩm phán Trần Thị Hồng Xuyến tiếp theo đúng lịch hẹn. Riêng thư mời lần 3, vì không báo trước nên bà đi công tác nhưng đã có cử luật sư tới tòa để gặp thẩm phán Lê Quốc Dũng. Tại cuộc gặp này, thẩm phán Dũng đồng ý chuyển cuộc làm việc vào ngày 11-4-2012. Như vậy, không có chuyện cả 3 lần bà đều vắng mặt.
Tại cuộc họp báo không có đại diện của tòa án tham dự . Do vậy, Phó Chủ tịch Trần Minh Hùng đề nghị báo chí có thể trực tiếp tới TAND tỉnh Long An để xác minh, làm rõ thông tin trên. Tuy nhiên, khi báo chí tới tòa thì Phó chánh án Dương Thị Sáu trả lời người phát ngôn là Phó Chánh án Lê Quang Hùng, nhưng ông Hùng bận đi xử án ở huyện Đức Hòa nên hẹn báo chí ngày hôm sau tới.            



                       

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Kinh doanh... sức khỏe người dân!


Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc bà Võ Thị Chín (Giám đốc) và ông Nguyễn Hùng Vĩ (Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang); ông Hoàng Thọ Mẫn (Giám đốc) và bà Võ Thị Mười Hai (Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tiền Giang) theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh liên quan đến nhiều sai phạm tại bệnh viện này.
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2003 đến 2011, Ban Giám đốc BVĐK Tiền Giang đã có sáng kiến “mượn” máy xét nghiệm của các công ty tư nhân kinh doanh hóa chất để sử dụng tại bệnh viện như máy huyết học, máy sinh hóa, máy ion đồ, máy xét nghiệm nước tiểu, máy miễn dịch... Đi kèm với việc “mượn” máy là bệnh viện buộc phải mua hóa chất của các công ty để sử dụng với số tiền hàng tỉ, nhưng không cần phải đấu thầu.
 Chẳng hạn như ngày 8-2-2010, BVĐK Tiền Giang ký hợp đồng mượn máy xét nghiệm huyết học Stacompact của Công ty Nghĩa Tín, trong khi hóa chất sử dụng cho máy này không trúng thầu nhưng bệnh viện vẫn phải mua theo “hợp đồng mượn máy” với số tiền 495,7 triệu đồng. Rồi năm 2011, hóa chất sử dụng cho máy này vẫn không trúng thầu, nhưng bệnh viện vẫn tiếp tục mua với số tiền 159,6 triệu đồng. Điều kỳ lạ là trong khi bỏ ra hàng tỉ đồng để mua hóa chất không qua đấu thầu để sử dụng cho máy mượn, thì ngược lại, máy được nhà nước trang bị lại bị bệnh viện cho “trùm mền” vì… không có hóa chất sử dụng! Cụ thể là tháng 5-2010, BVĐK Tiền Giang được Dự án ĐBSCL cấp cho một máy xét nghiệm sinh hóa tự động AU400, nhưng đến nay hết hạn bảo hành đã hơn 4 tháng mà máy vẫn còn bị “trùm mền”.
Theo chủ trương của nhà nước thì ngoài thiết bị do nhà nước đầu tư, bệnh viện công lập có thể huy động của các cá nhân, tổ chức bằng con đường xã hội hóa. Nhưng theo thông tư 15 ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế thì chất lượng thiết bị phải bảo đảm mới 100%, thuộc hệ thống tiên tiến, có chứng chỉ chất lượng, xuất xứ hàng hóa… và phải sử dụng hóa chất đấu thầu. Nhưng theo kết luận thanh tra thì 20 máy xét nghiệm của các công ty cho BVĐK Tiền Giang “mượn” đều không đáp ứng được điều kiện nói trên. Vậy mà năm 2005, giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hùng Vĩ đã cho lắp đặt 8 máy xét nghiệm thuộc loại “mượn”. Năm 2006, vừa nhận chức giám đốc thay ông Vĩ, ông Hoàng Thọ Mẫn có tờ trình xin “mượn” 12 máy xét nghiệm nữa nhưng Sở Y tế không có ý kiến phê duyệt. Đến khi có thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Giám đốc BVĐK Tiền Giang vẫn tiếp tục ký hợp đồng mượn máy kèm theo điều kiện phải mua hóa chất của các công ty.

Ngày 14-7-2008, BVĐK Tiền Giang lập kế hoạch xin đấu thầu cung cấp hóa chất đặt máy xét nghiệm từ tháng 8-2008 đến 1-2011 dự kiến số tiền là 14,8 tỉ đồng, nhưng Sở Y tế Tiền Giang có văn bản chỉ đạo: “Hiện chưa có văn bản nào quy định hoặc hướng dẫn đấu thầu cung cấp hóa chất mượn máy xét nghiệm... Do đó, chưa có cơ sở để Sở Y tế xem xét quyết định”. Thế nhưng, từ năm 2008 đến tháng 6-2011, BVĐK Tiền Giang đã ký hợp đồng “mượn” thêm 11 máy xét nghiệm các loại đưa vào sử dụng mà không có hồ sơ thẩm tra, nghiệm thu chất lượng máy, đồng thời mua hóa chất không qua đấu thầu với số tiền 8,585 tỉ đồng.
Cũng theo kết luận thanh tra, tháng 3-2000 Sở Y tế Tiền Giang đã trang bị cho BVĐK Tiền Giang một hệ thống xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm. Sau khi xử lý, nước thải của bệnh viện được thải ra cống thoát nước chung của TP Mỹ Tho rồi chảy ra rạch Bảo Định và “điểm tiếp nhận” cuối cùng là sông Tiền. Nhưng quá trình sử dụng đến năm 2005 thì hệ thống thường xuyên bị hư vì quá tải. Dù đã nhiều lần sửa chữa, nhưng không đạt chỉ tiêu đầu ra. Nguyên nhân, vì theo kế hoạch thì hệ thống giường bệnh chỉ có 650 giường trong khi bình quân mỗi ngày có từ 850-900 bệnh nhân nội trú, chưa kể hơn 2.000 người nuôi bệnh thường xuyên có mặt tại bệnh viện mỗi ngày. Thế nên, bình quân lượng nước thải của bệnh viện là 533m3 ngày đêm trong khi hệ thống xử lý chỉ có 300m3/ngày đêm.
Do vậy, hàng năm BVĐK Tiền Giang đã thải ra sông Tiền 194.545m3 nước thải độc hại xử lý chưa đạt chất lượng theo quy định. Chưa kể lượng nước thải từ các khu Sở Y tế cũ, Khoa nội A, căn tin, nhà giặt… được chảy thẳng ra cống vì chưa được đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện! Ngoài các sai phạm trên, đoàn thanh tra cũng phát hiện từ năm 2006 đến 2010 BVĐK Tiền Giang đã chi hỗ trợ cho Sở Y tế sai quy định số tiền 1,189 tỉ đồng trích từ tiền thu viện phí và quỹ phúc lợi khen thưởng. Trong đó riêng năm 2006 là 1,080 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 565,5 triệu đồng sai phạm và bị thanh tra từ năm 1998, nhưng kế toán bệnh viện đã “treo” số tiền này trên sổ sách suốt từ đó đến nay.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Bà Hoàng Yến rút đơn xin ly hôn


Chiều 11-4, theo thư mời (lần thứ 4) của TAND tỉnh Long An để giải quyết vụ kiện xin ly hôn, thẩm phán Dương Thị Sáu, Phó chánh án TAND tỉnh Long An cho biết bà Đặng Thị Hoàng Yến (địa chỉ KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa, tỉnh Long An), nguyên đơn trong vụ xin ly hôn với ông Trần Jimmy, quốc tịch Hoa Kỳ, đã rút đơn khởi kiện xin ly hôn với chồng.
Do vậy, TAND tỉnh Long An đang xúc tiến thủ tục để ra quyết định đình chỉ vụ kiện đối với vụ ly hôn gây ồn ào dư luận này. Như vậy, đến thời điểm này thì ông Trần Jimmy vẫn là chồng của bà Yến, trong khi ông Trần Jimmy là một bị can đang bị Cơ quan điều tra Bộ Công an truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, còn bà Yến đang là đại biểu quốc hội.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Trần Jimmy kết hôn ngày 17-8-2007 tại Hoa Kỳ. Sau khi về VN sinh sống, bà Yến có đơn xin ly hôn. Trong khi chờ tòa án giải quyết vụ ly hôn thì ngày 5-7-2010 ông Trần Jimmy rời VN về Hoa Kỳ. Đến ngày 16-9-2010 Cơ quan điều tra Bộ Công an có quyết định khởi tố bị can đối với Trần Jimmy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, ngày 6-10-2010, ông Lê Văn Lắm, thẩm phán TAND tỉnh Long An đã đưa vụ vụ kiện ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận đơn xin ly hôn của nguyên đơn, đồng thời phán quyết giao toàn bộ khối tài sản lớn (kể cả tài sản là bất động sản, chứng khoán… ở bên Mỹ) cho bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Điều kỳ lạ là phiên tòa này lại có 2 bản với nội dung không giống nhau, một bản án 9 trang và bản kia dài 10 trang. Chính vì vậy mà sau đó ông Lắm đã bị TAND tỉnh Long An kỷ luật với hình thức cảnh cáo và không được tái bổ nhiệm thẩm phán.                                                  

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Bản án ly hôn kỳ lạ

         Đó là bản án ly hôn giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Trần Jimmy, quốc tịch Hoa Kỳ. Vì bản án này, thẩm phán Lê Văn Lắm đã bị TAND tỉnh Long An kỷ luật với hình thức cảnh cáo và không tái bổ nhiệm thẩm phán.
*Bản án kỳ lạ…
Điều kỳ lạ đầu tiên là trong một vụ xử ly hôn nhưng có tới 2 bản án, một bản 9 trang và bản kia dài 10 trang với nội dung không giống nhau. Cụ thể, ngày 6.10.2010 TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn Đặng Thị Hoàng Yến và bị đơn Trần Jimmy và bản án đã được tuyên. Nhưng mãi đến 3 tháng sau Viện KSND Long An vẫn chưa nhận được bản án, dù theo quy định là trong hạn 10 ngày. Thấy chuyện bất thường, Viện phát văn bản yêu cầu Tòa phải chuyển hồ sơ để Viện thực thi chức năng kiểm sát. Thế là ngày 6.1.2011, Tòa gửi cho Viện bản án sơ thẩm giải quyết ly hôn giữa bà Yến và ông Trần Jimmy, gồm 9 trang đánh máy, do thẩm phán Lê Văn Lắm ký tên, đóng dấu.
Nhưng chẳng hiểu vì sao, gần 2 tuần sau đó Viện KSND Long An lại nhận thêm một bản án ly hôn giữa bà Hoàng Yến và ông Trần Jimmy, qua đường bưu điện. Lại thêm một điều lạ là cả 2 bản án cùng số, cùng ngày và cùng do thẩm phán Lắm ký, nhưng về nội dung thì lại khác: Bản án nhận qua đường bưu điện có 10 trang đánh máy trong khi bản án trước đó chỉ có 9 trang! Sự khác nhau nằm ở đoạn “xét thấy” dài hơn một trang với văn phong lê thê rất khó hiểu, giống như là được copy từ bản án của nước ngoài và được biết do nguyên đơn yêu cầu… bổ sung. Xin trích một đoạn:
“Tòa án xác định các quyền xét xử công bằng của cả hai Trần Jimmy và Đặng Thị Hoàng Yến đã được tôn trọng và được thực hiện đúng theo quy trình xét xử. Trần Jimmy và Đặng Thị Hoàng Yến đều đã nhận được cơ hội để được xét xử đầy đủ và công bằng… Việc xét xử và phán quyết này được xét và xử bởi tòa án có thẩm quyền thực thi theo quy tắc luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Quyền để xét xử cả hai bên đều có được đầy đủ và thích đáng, bởi vì cả hai bên đều có những liên hệ tối thiểu với nước CHXHCN Việt Nam… Tòa án không thấy có dấu hiệu gian lận bên trong hay bên ngoài việc xét xử này… Tòa án cũng thấy là Trần Jimmy đã không hề bị bất kỳ một cản trở nào để được điều trần đối chất công bằng… Tòa án được thành lập một cách hợp pháp và phù hợp”(!)

*Điều bất thường…
Từ những tình tiết kỳ lạ trên, Viện KSND Long An có quyết định kháng nghị vì các lẽ: Trong cùng một vụ kiện, bản án cùng một số, một ngày, nhưng lại có 2 bản án với nội dung không giống nhau. Việc TAND Long An thụ lý, giải quyết vụ án trong thời gian Trần Jimmy bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đang bị truy nã, nhưng tòa đã không tiến hành làm rõ để xác định tài sản chung, tài sản riêng, mà lại căn cứ vào thỏa thuận giữa bà Yến và Trần Jimmy lập trước khi kết hôn để xử giao tài sản cho các đương sự. Đặc biệt, bản án chỉ tuyên buộc bà Yến chịu 200 ngàn đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm mà không xem xét tính án phí về tài sản với khối tài sản kếch sù là điều hết sức bất thường.
Ngoài ra, trong thời gian chờ tòa án giải quyết ly hôn thì ngày 5.7.2010 Trần Jimmy đã rời VN, đến 16.9.2010 thì bị cơ quan điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, suốt quá trình giải quyết vụ án đều không có mặt Trần Jimmy. Là thẩm phán am tường pháp luật, lẽ ra ông Lắm biết rõ Trần Jimmy vừa là bị đơn trong vụ án ly hôn, vừa là bị can trong vụ án hình sự. Thay vì vụ án dân sự phải tạm đình chỉ chờ giải quyết vụ án hình sự, vậy mà chỉ 4 ngày sau khi Trần Jimmy bị khởi tố, thẩm phán Lắm đã ký quyết định đưa vụ án ly hôn ra xét xử. Hơn nữa, căn cứ vào sự thỏa thuận về tài sản giữa Trần Jimmy và bà Yến trước khi kết hôn ở bên Mỹ, thẩm phán Lắm đã phán quyết giao toàn bộ khối tài sản lớn cho nguyên đơn trong khi chưa làm rõ, cũng là điều bất thường.
Kỳ lạ hơn, theo biên bản phiên tòa thì “biên bản kết thúc vào lúc 11 giờ 5 phút…”, trong khi biên bản tống đạt bản án sơ thẩm cho bà Yến lại thể hiện vào lúc 11 giờ 00 phút. Nếu vậy thì TAND tỉnh Long An đã có sẵn bản án và tống đạt cho bà Yến trước khi kết thúc phiên tòa(!)
       
*LS Cao Minh Triết: Tôi thấy vụ này hơi kỳ cục và khôi hài. Trong lúc Jimmy Trần bị cơ quan điều tra khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì TAND Long An lại đưa vụ án ly hôn ra giải quyết và phân chia tài sản giống như một kiểu tẩu tán tài sản hợp pháp. Ngoài ra, nếu tống đạt thơ mời trực tiếp 2 lần mà bà Yến không đến thì đình chỉ vụ án, vì bà Yến là nguyên đơn. Còn nếu tống đạt không thành, phải niêm yết ở xã, phường thì sau 30 ngày phải đình chỉ vụ án. Việc tòa mời bà Yến lần thứ 3, thứ 4 để xét xử lại tôi thấy hơi lạ.

Người Việt duy nhất làm ở hãng AP

Kỷ niệm 40 năm ngày chụp bức ảnh Em bé napalm, Nick Út-người Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer và cũng là người Việt duy nhất hiện làm phóng viên ảnh cho Hãng tin Associated Press, đã được hãng truyền hình ABC News mời trở lại Việt Nam để quay phim, chụp ảnh và gặp lại những nhân vật lịch sử trong bức ảnh đó.

Nhân chuyến đi này, ngày 2-4 Nick Út về thăm lại căn nhà ở Kỳ Son (ấp Kỳ Châu, xã Bình Qưới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nơi ông đã lớn lên thời thơ ấu. Nick Út cũng ghé thăm một số nhà hàng xóm, thăm trường Huỳnh Ngọc, thăm bạn học cũ và chợ Kỳ Son. Ôn lại kỷ niệm, Nick Út cho biết năm 1964 ông rời Kỳ Son lên Sài Gòn. Đến năm 1965, khi người anh ruột là phóng viên của AP mất trong khi tác nghiệp, người chị dâu đã giới thiệu ông vào làm cho Hãng AP, lúc đó ông mới 16 tuổi. “Lúc đầu công việc của tôi là tráng phim, rửa ảnh ở phòng tối. Nhưng sau gần 3 tháng, tôi học hỏi được rất nhiều từ các bức ảnh của đồng nghiệp từ các nơi gửi về. Thế là tôi xin làm phóng viên chiến trường từ đầu năm 1966”, Nick Út chia sẻ.
*Bức ảnh đoạt giải Pulitzer và 8 giải quốc tế khác của Nick Út.

Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, Nick Út đã đi săn ảnh ở nhiều chiến trường nóng bỏng, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ mãi là chuyến đi Hạ Lào vào đầu năm 1970. Sau 2 tuần chờ đợi ở căn cứ Ái Tử, Quảng Trị, khi có chuyến bay, ông đã xung phong đi nhưng một phóng viên nổi tiếng của AP là Henry Huet đến gặp, xin ông nhường lại để Henry Huet đi chuyến này trước khi đi nghỉ phép ở Hong Kong. Thế là Nick Út quay lại Sài Gòn. Nhưng khi về tới trụ sở AP thì hay tin cả 5 phóng viên đi trên chuyến bay đó đều thiệt mạng do trực thăng bị rớt ở Hạ Lào. Vì sao có tên Nick Út? Khi làm việc cho AP, tên Huỳnh Công Út người Mỹ không phát âm được nên họ đặt là Nick Name. Sau đó, người bạn Henry Huet đặt lại là Nick Út, vì vậy nên ông giữ cho tới bây giờ.
Nói về bức ảnh Em bé napalm gây chấn động thế giới vào thời điểm đó, Nick Út kể: “Hôm ấy là ngày 8-6-1972, tôi đi theo Sư đoàn 25 bộ binh hành quân ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khi tới nơi, thấy người dân tản cư rất nhiều sau khi máy bay ném bom ở thánh thất Cao Đài. Lúc đó tôi đã chụp được rất nhiều hình rồi, định quay về thì chợt thấy chiếc L19 quăng khói màu chỉ điểm ném bom nên tôi nấn ná ở lại. Khoảng vài phút sau thì một chiếc phản lực cơ nhào tới thả liên tiếp 4 trái bom napalm. Khi tôi đưa tele lên để chụp thì thấy từ trong khói đám đen mù mịt một tốp phụ nữ và trẻ em túa ra, gào khóc và chạy hoảng loạn, trong đó có một phụ nữ bồng trên tay một em bé đã chết. Trong lúc đang chụp ảnh thì tôi thấy một cô bé đưa hai tay vừa chạy vừa la hét trên quốc lộ, tôi liền đưa máy ra chụp nhiều kiểu, đó là Phan Thị Kim Phúc”.

Nick Út kể tiếp: “Khi thấy Phúc chạy ngang qua lửa cháy khắp người, tôi liền quăng máy ảnh xuống đường rồi chạy đi tìm nước tưới lên người cô bé. Tưới nước xong thì cô bé ngất đi. Ngay lúc đó tôi ẳm Phúc lên xe, nhờ tài xế chạy gấp về bệnh viện Củ Chi, nhưng bệnh viện từ chối, nói không thể giúp được vì người bị thương rất nhiều. Bấy giờ tôi đưa thẻ báo chí ra, dọa nếu cô bé này chết thì quý vị sẽ chịu trách nhiệm. Thế là họ… sợ nên cho người đưa băng ca tới đưa Kim Phúc vào bệnh viện”.
Ngay sau đó Nick Út về Sài Gòn để tráng phim. Thấy bức ảnh chụp Kim Phúc quá đặc biệt, một tiếng đồng hồ sau ông chuyển về Mỹ và sáng hôm sau, tất cả các báo Mỹ đều đồng loạt đăng bức ảnh này. Ngay lập tức, bức ảnh đã dấy lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh và phản đối tổng thống Nixon trên khắp thế giới. Bức ảnh sau đó đã giúp ông đoạt giải Pulitzer năm 1973 và 8 giải khác, đồng thời được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Sau 46 năm làm cho hãng AP, Nick Út nói: “Tôi may mắn là người VN duy nhất hiện làm phóng viên ảnh cho AP tại Los Angeles, California, dù năm nay đã 61 tuổi”.                                                              

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Nick Út về thăm lại quê xưa

Trong khuôn khổ chuyến trở về quê hương nhân kỷ niệm 40 năm ngày anh chụp bức ảnh cô bé Kim Phúc bị bỏng vì bom napalm tại thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày 9-6-1972, bức ảnh đã gây chấn động thế giới lúc bấy giờ đồng thời cũng làm nên tên tuổi của Nick Út, phóng viên hãng AP (bức ảnh đoạt giải thưởng  Pulitzer năm 1973); ngày 2-4, Nick Út đã trở lại quê hương ở ấp Kỳ Châu, xã Bình Qưới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, để thăm lại mái nhà xưa và ngôi trường cũ, nơi ông từng sinh sống và học thời thơ ấu. Nick Út cũng đến thăm chợ Kỳ Son và ghé thăm một số người quen cũ tại thị tứ nhỏ bé này.

*Thăm một lớp học.

*Nick Út bên di ảnh của đồng nghiệp, người đã dẫn dắt anh vào nghề phóng viên chiến trường.

*Thắp nhang cho cha mẹ.


*Nick Út và người em trai Huỳnh Công Út nhỏ.

*Chụp lại di ảnh của đòng nghiệp.

*Thăm bà con hàng xóm.

*Nick Út và người bạn học thời thơ ấu.

*Thăm chợ Kỳ Son.


*Thăm chợ Kỳ Son.

*Gặp lại người quen.

*Thăm lại chùa Châu Long.



*Nick Út trên Hàng không mẫu hạm của Mỹ trước năm 1975.

*Nick Út và Mike Tyson.