Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Dân khổ vì khu công nghiệp

Mới sáng sớm nhưng khu tái định cư Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang) vắng tanh, đa số nhà dân đều đóng cửa. Ở những căn nhà có người thì chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ngồi miệt mài đan nón bàng. Họ cho biết từ khi bị giải tỏa, hầu hết lao động trẻ đều bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống, người lớn tuổi thì chỉ biết đan nón...
*Thu nhập 15.000đ/ngày
Bà Nguyễn Thị Tiền (nhà ở đường số 12 khu tái định cư Tân Hương) kể: “Năm 2004 gia đình tôi bị giải tỏa 764m2 đất thổ cư và được bồi thường hơn 90 triệu đồng, kể cả tiền hoa màu và tiền hỗ trợ. Bồi thường với giá 99.000đ/m2 nhưng tới khu tái định cư chúng tôi phải mua nền giá 200.000đ/m2. Tổng cộng tiền nền hết 36 triệu đồng lại còn phải tốn tiền tôn nền cao thêm 6 tấc nữa mới cất nhà được. Chính quyền buộc phải cất nhà tường theo quy hoạch. Nhưng để cất được nhà tường, gia đình tôi phải bán bớt phân nửa diện tích nền để lấy tiền xây nhà. Vậy là từ nông dân chúng tôi được “lên đời” thành cư dân khu tái định cư. Tuy nhiên, từ khi cất nhà xong đến giờ tôi vợ chồng tôi luôn thấp thỏm vì còn nợ hơn 60 triệu đồng vay bên ngoài với lãi suất 5%/tháng, chưa trả nổi”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Gò Công Đông.
Hỏi các con làm nghề gì, bà Tiền nói: “Con tôi vì ít học nên… ở đợ không. Hồi ở chỗ cũ chúng tôi không giàu nhưng dễ sống. Gạo, cá, rau quả, gà vịt luôn có sẵn. Giờ ở nhà tường nhưng mọi thứ đều phải mua. Gần 70 tuổi nhưng mỗi ngày tôi phải ngồi suốt từ sáng đến chiều đan được 10 cái nón bàng, bán được 40.000đ. Trừ tiền bàng 25.000đ, còn lại 15.000đ mua được một kg gạo. Nhà có con trai và con dâu làm công nhân ở KCN, tăng ca liên tục nhưng lương tháng 3 triệu đồng ăn trước trả sau, lãnh ra thì hết. Do vậy mà lâu nay đám tiệc đều “chế” hết, không có tiền đi. Lúc đầu mấy ổng nói khu tái định cư sẽ có chợ, trạm y tế và trường học, nhưng đến giờ vẫn còn là bãi đất hoang cỏ mọc cho bò ăn, trong khi học sinh tiểu học phải qua xã Tân Hội Đông bên cạnh để học. Thằng cháu tôi mới học lớp 3, nhưng sáng mẹ đưa đi, trưa đóng tiền cơm, chiều nhờ honda ôm rước về, tổng cộng mỗi tháng tốn hết 380.000đ, chưa kể tiền tập vỡ”.
Chị Cao Thị Mười cho biết gia đình chị thuộc diện nghèo… sát đất. Trước đây vợ chồng chị chỉ có căn nhà ở đậu trên đất của cha mẹ, nên khi bị giải tỏa chỉ được bồi thường gần 7 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó thì vào khu tái định cư kiếm đâu ra đủ 36 triệu đồng để mua nền nhà? Vậy là vợ chồng chị buộc phải cắt bán một nửa diện tích để lấy tiền mua nền. Có nền rồi nhưng không có tiền cất nhà nên lại phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, đến nay đã 6 năm vẫn chưa có tiền để tô tường và lát nền. Chị Mười nói: “Nhà tôi chỉ có vỏ mà không… có ruột! Chồng tôi làm phụ hồ nhưng bữa làm bữa nghỉ. Mỗi ngày tôi mua bàng về đan nón kiếm thêm được chừng 15.000đ, trong khi tiền cho con học thêm đã tốn hết 150.000đ mỗi tháng. Khốn khổ nhất là nhiều gia đình nghèo nhưng khi xin cấp sổ hộ nghèo thì không được giải quyết vì đã có... nhà tường nên không phải hộ nghèo!”
*Nhà sập không dám sửa
Từng là Trưởng ban Thủy lợi xã, ông Trần Hữu Phước (ấp Chợ, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) cho biết: “Ngày xưa ở đây là rừng ngập mặn, bỏ hoang. Năm 1985 chính quyền vận động người dân tình nguyện tới xây dựng khu dân cư lấn biển. Mỗi hộ được cấp một lô đất rộng 20m, dài 10m và 6 tháng gạo. Phía sau là rừng ngập mặn dài ra tới biển. Một số người không chịu nổi phải bỏ đi. Riêng chúng tôi cố bám lại để phát hoang, khai thác, làm đầm nuôi tôm. Đến nay đã gần 30 năm, người dân an cư lạc nghiệp, được cấp sổ đỏ thời hạn 50 năm. Đùng một cái được lệnh giải tỏa trắng để làm KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Ông Phước kể tiếp: “Cách đây 4 năm, đầu tiên là Công ty dầu khí Mekong. Họ đến đây kê biên, áp giá làm xáo động cả lên, nhưng được nửa chừng thì bỏ chạy. Sau đó tới lượt Công ty Nam Việt Oil tới kê biên, áp giá cũng gần cả năm nay nhưng chưa tới đâu. Vì họ áp giá quá thấp, người dân không thể tái tạo được cuộc sống mới nên nhiều người cứ dùng dằng chưa chịu ký tên di dời. Như nhà tôi diện tích 200m2, nhà tường, nhưng họ áp giá chỉ có 256 triệu đồng, tính luôn các khoản hỗ trợ 6 tháng để đi tìm nơi ở mới. Với số tiền đó chúng tôi không thể ra ngoài mua được đất cất nhà, bởi vì chỉ cần mua 100m2 đất trong hẻm thôi đã hết 250 triệu đồng rồi, lấy tiền đâu cất nhà? Thế là chúng tôi khiếu nại, không đồng ý di dời”.
Tương tự, ông Bùi Văn Lý cho biết gia đình ông có tổng cộng 1,4 ha, được áp giá gần 1,9 tỉ đồng nhưng ông chưa đồng ý. “Không đồng ý bởi vì cùng một địa điểm giống nhau nhưng phía đối diện nhà tôi chỉ cách con đường đất 2m thì được bồi thường 2,1 tỉ đồng/ha, còn đất của tôi tính ra chỉ hơn 1,3 tỉ đồng/ha. Họ giải thích giá khác nhau bởi vì bên này là đất nuôi trồng thủy sản còn bên kia là đất trồng cây lâu năm, nhưng thực tế “đất lâu năm” chỉ có cây ô rô và cóc kèn. Chính vì giá đền bù không hợp lý dẫn đến việc giải tỏa kéo dài mà nhiều hộ nuôi tôm, mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng, phải bỏ đầm hoang từ nhiều năm nay. Trong khi đó thì người dân chẳng những không được cất nhà mà nhà hư, dột cũng không dám sửa, vì vậy nhiều trường hợp nhà quá cũ kỹ bị sập luôn”, ông Lý nói.
*Ngôi nhà của Vinashin xây xong rồi bỏ hoang tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp có trường hợp chị Lê Thị Trí, 30 tuổi, có 2 con nhỏ, chồng làm nghề đi biển, nhà thuộc diện… quá nghèo. Chị cho biết vào tháng trước sau khi nhà bị sập vì gió lốc chị đã lên trình với chính quyền xã. Xã bảo chị chờ họ cử cán bộ xuống xem, nếu đúng là do giông gió gây ra thì sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng nên chị cứ để hoài không dám dỡ bỏ. “Theo yêu cầu của mấy ổng, tui đã làm đơn nhờ hàng xóm ký tên xác nhận giùm rồi nộp lên xã nhưng chờ hoài không thấy ai giải quyết. Nhà sập, mẹ con tui phải che tạm cái chòi ở đỡ bên cạnh nhà mẹ. Trước đó nhà tui đã được áp giá bồi thường 142 triệu đồng nhưng chưa lãnh đồng nào”, chị Trí than thở.                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét