Nhân chuyến đi này, ngày 2-4 Nick Út về thăm lại căn nhà ở Kỳ Son (ấp Kỳ Châu, xã Bình Qưới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nơi ông đã lớn lên thời thơ ấu. Nick Út cũng ghé thăm một số nhà hàng xóm, thăm trường Huỳnh Ngọc, thăm bạn học cũ và chợ Kỳ Son. Ôn lại kỷ niệm, Nick Út cho biết năm 1964 ông rời Kỳ Son lên Sài Gòn. Đến năm 1965, khi người anh ruột là phóng viên của AP mất trong khi tác nghiệp, người chị dâu đã giới thiệu ông vào làm cho Hãng AP, lúc đó ông mới 16 tuổi. “Lúc đầu công việc của tôi là tráng phim, rửa ảnh ở phòng tối. Nhưng sau gần 3 tháng, tôi học hỏi được rất nhiều từ các bức ảnh của đồng nghiệp từ các nơi gửi về. Thế là tôi xin làm phóng viên chiến trường từ đầu năm 1966”, Nick Út chia sẻ.
*Bức ảnh đoạt giải Pulitzer và 8 giải quốc tế khác của Nick Út. |
Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, Nick Út đã đi săn ảnh ở nhiều chiến trường nóng bỏng, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ mãi là chuyến đi Hạ Lào vào đầu năm 1970. Sau 2 tuần chờ đợi ở căn cứ Ái Tử, Quảng Trị, khi có chuyến bay, ông đã xung phong đi nhưng một phóng viên nổi tiếng của AP là Henry Huet đến gặp, xin ông nhường lại để Henry Huet đi chuyến này trước khi đi nghỉ phép ở Hong Kong. Thế là Nick Út quay lại Sài Gòn. Nhưng khi về tới trụ sở AP thì hay tin cả 5 phóng viên đi trên chuyến bay đó đều thiệt mạng do trực thăng bị rớt ở Hạ Lào. Vì sao có tên Nick Út? Khi làm việc cho AP, tên Huỳnh Công Út người Mỹ không phát âm được nên họ đặt là Nick Name. Sau đó, người bạn Henry Huet đặt lại là Nick Út, vì vậy nên ông giữ cho tới bây giờ.
Nói về bức ảnh Em bé napalm gây chấn động thế giới vào thời điểm đó, Nick Út kể: “Hôm ấy là ngày 8-6-1972, tôi đi theo Sư đoàn 25 bộ binh hành quân ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khi tới nơi, thấy người dân tản cư rất nhiều sau khi máy bay ném bom ở thánh thất Cao Đài. Lúc đó tôi đã chụp được rất nhiều hình rồi, định quay về thì chợt thấy chiếc L19 quăng khói màu chỉ điểm ném bom nên tôi nấn ná ở lại. Khoảng vài phút sau thì một chiếc phản lực cơ nhào tới thả liên tiếp 4 trái bom napalm. Khi tôi đưa tele lên để chụp thì thấy từ trong khói đám đen mù mịt một tốp phụ nữ và trẻ em túa ra, gào khóc và chạy hoảng loạn, trong đó có một phụ nữ bồng trên tay một em bé đã chết. Trong lúc đang chụp ảnh thì tôi thấy một cô bé đưa hai tay vừa chạy vừa la hét trên quốc lộ, tôi liền đưa máy ra chụp nhiều kiểu, đó là Phan Thị Kim Phúc”.
Nick Út kể tiếp: “Khi thấy Phúc chạy ngang qua lửa cháy khắp người, tôi liền quăng máy ảnh xuống đường rồi chạy đi tìm nước tưới lên người cô bé. Tưới nước xong thì cô bé ngất đi. Ngay lúc đó tôi ẳm Phúc lên xe, nhờ tài xế chạy gấp về bệnh viện Củ Chi, nhưng bệnh viện từ chối, nói không thể giúp được vì người bị thương rất nhiều. Bấy giờ tôi đưa thẻ báo chí ra, dọa nếu cô bé này chết thì quý vị sẽ chịu trách nhiệm. Thế là họ… sợ nên cho người đưa băng ca tới đưa Kim Phúc vào bệnh viện”.
Ngay sau đó Nick Út về Sài Gòn để tráng phim. Thấy bức ảnh chụp Kim Phúc quá đặc biệt, một tiếng đồng hồ sau ông chuyển về Mỹ và sáng hôm sau, tất cả các báo Mỹ đều đồng loạt đăng bức ảnh này. Ngay lập tức, bức ảnh đã dấy lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh và phản đối tổng thống Nixon trên khắp thế giới. Bức ảnh sau đó đã giúp ông đoạt giải Pulitzer năm 1973 và 8 giải khác, đồng thời được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Sau 46 năm làm cho hãng AP, Nick Út nói: “Tôi may mắn là người VN duy nhất hiện làm phóng viên ảnh cho AP tại Los Angeles, California, dù năm nay đã 61 tuổi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét