Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều tỉnh. Riêng tại Tiền Giang, điển hình nhất là các KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông), KCN Long Giang và KCN Tân Phước 1 (huyện Tân Phước).
*Siêu dự án… rùa
Ngày 26-11-2007, dự án KCN Long Giang được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô diện tích 540 ha tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Theo văn bản gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Chí, nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) tự giới thiệu “là một trong 500 doanh nghiệp lớn mạnh trên thế giới. Năm 2006 công ty được xếp hạng thứ 19 trong đội ngũ 100 doanh nghiệp Trung Quốc có vốn đầu tư ở nước ngoài với tổng tài sản 4,4 tỉ USD”.
*Đất hoang mênh mông tại KCN Tân Hương, huyện Châu Thành. |
Điều đáng nói là theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển các KCN ở VN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 thì KCN Long Giang không có tên trong danh mục dự kiến ưu tiên thành lập. Nhưng trong văn bản đề xuất với Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng việc thành lập thêm KCN này nhằm tranh thủ được nguồn vốn đầu tư hạ tầng và thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc rất cao. Nhưng rất tiếc là sau khi đền bù giải tỏa và giao đất cho chủ đầu tư, dự án này được triển khai theo tốc độ… rùa. Sau hơn 4 năm, đến nay phần lớn diện tích vẫn còn bị bỏ hoang. Chẳng những không giải quyết được việc làm cho người dân bản địa như lời hứa ban đầu, mà hàng ngàn lao động trồng khóm từ Nông trường Tân Lập cũ buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp và tha hương đi kiếm sống.
Theo số liệu của Ban quản lý các KCN Tiền Giang, KCN Long Giang hiện có 11 dự án đầu tư với diện tích đăng ký 86,9 ha, tổng số lao động là 562 người, trong đó có 75 lao động người nước ngoài. Như vậy, sau 5 năm triển khai, KCN này vẫn còn tới 453 ha đất bị bỏ hoang!
*Xã nghèo có 800 ha đất hoang
Trong lúc hàng trăm hecta đất tại KCN Long Giang còn bị bỏ hoang cho cỏ mọc thì tỉnh Tiền Giang lại quy hoạch thêm KCN Tân Phước 1 cũng tại xã Tân Lập 1, khiến một xã nghèo vùng Đồng Tháp Mười có tới hơn 800 ha đất bị bỏ hoang.
Theo ông Đoàn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, thì: “Có nhiều nguyên nhân khiến người dân bỏ đất hoang. Như trường hợp 400 ha đất tại KCN Tân Phước 1, ngay khi chính quyền vừa công bố quy hoạch KCN và dự kiến thu hồi đất thì người dân lập tức bỏ hoang, không sản xuất nữa. Lý do vì đây là đất nông dân hợp đồng nhận khoán với Nông trường Tân Lập, lẽ ra nông trường phải có trách nhiệm điều hành, quản lý sản xuất, nhưng nhiều năm nay nông trường đã bỏ mặc cho tự nông dân tự bơi, muốn làm gì thì làm, trong khi hợp đồng nhận khoán đến năm 2013 là hết hạn. Vì thời gian còn lại quá ngắn trong khi muốn đầu tư mới thì mỗi hecta khóm phải bỏ ra chừng 80 triệu đồng. Vì vậy, nông dân không dám đầu tư và ngân hàng cũng không cho vay nên đất bị bỏ hoang. Đó là lỗi do… cơ chế”. Vậy nông dân bỏ đất rồi sống bằng gì? Ông Thành cho biết lao động trẻ thì bỏ đi làm ở các công ty. Lớn tuổi thì ở nhà giữ con hoặc làm thuê mướn bên ngoài. Chính vì vậy mà năm ngoái hộ nghèo của xã đã tăng thêm 1%, còn từ giờ đến cuối năm thì chưa biết.
*Hơn 400 hecta đất trồng khóm bị bỏ hoang sau khi công bố quy hoạch KCN Tân Phước 1. |
“Ngày xưa nông dân sản xuất đồng loạt thì việc bơm tát dễ dàng, chuột bọ ít phá hại. Còn bây giờ người làm người không thì rất khó ăn, vì ở vùng Đồng Tháp Mười nếu khóm không có trái thì chuột ăn luôn cả đọt nên người dân phải bỏ. Do vậy mà ở vùng nông thôn này bây giờ chỉ còn người già và con ít, đa số lao động trẻ bỏ đi kiếm sống khắp nơi. Giờ muốn thuê người làm cỏ khóm cũng không dễ”, ông Sĩ nói.
*Tiền Giang hiện có 4 KCN đang hoạt động (và 1 KCN còn treo) với 66 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án có vốn nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 784,8 triệu USD và 3.670,7 tỉ đồng. Trong số này, chỉ có KCN Mỹ Tho đã lắp đầy 100% diện tích với 79,14 ha. Riêng KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp có diện tích 285 ha nhưng chỉ mới có 1 dự án đầu tư với diện tích 22,9 ha, còn lại đang bỏ hoang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét