Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Độc đáo chùa Vĩnh Tràng

Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng, tọa lạc ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, các nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành những bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quí, hoa lá, mây trời, v.v… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Những bức thủ quyển mềm mại ghi những câu phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện “Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn… Mặc dù trong lĩnh vực tôn giáo nhưng nội dung thể hiện mang đậm yếu tố dân gian với những bức tranh vượt lên cái khung của đề tài tôn giáo như Ngao Sò tranh nhau ngư ông đắc lợi”.

Bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Chẳng hạn như giữa lòng cột cái là bộ bao lam bát tiên kỵ thú. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1907-1908 do những nghệ nhân tại địa phương thực hiện. So với các bộ bao lam xung quanh, bộ này có niên đại sớm hơn, nhưng đạt trình độ mỹ thuật cao hơn. Đây là một bức phù điêu hiếm có của những năm đầu thế kỷ 20, chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở Nam bộ phát triển khá sớm. Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng đều treo long trụ. Đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì những pho tượng đẹp nhất của chùa này là nhóm tượng bằng gỗ do thầy trò nghệ nhân Tài công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… đều là những tác phẩm rất độc đáo. “Bộ La Hán chùa Vĩnh Tràng cũng không kém về mặt nghệ thuật so với các vị La Hán chùa Tây Phương. Nét khác biệt là nó được tạc bằng gỗ. Các vị La Hán đều cỡi thú, tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại rất thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, như: Vị này bình thản, vị nọ suy tư, vị kia thảnh thơi… Phong cách từng pho tượng lột tả được hạnh nguyện của từng vị, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật, ông Tường nhận định.

Hoàn thành vào năm 1849, từ đó đến nay chùa Vĩnh Tràng đã qua nhiều đợt trùng tu, mỗi đợt đều có bổ sung những tác phẩm mỹ thuật khác nhau, từ hoành phi, long trụ, tượng thờ… Những di vật của người xưa để lại cũng cho thấy mỗi đợt trùng tu là mỗi giai đoạn kinh tế khác nhau. Đồng thời, các di sản văn hóa ấy cũng chứng minh rằng đất Mỹ Tho xưa sớm phát triển nghệ thuật tạo hình. Điển hình là nhiều bộ tượng bằng gỗ, bằng đồng, thậm chí bằng đất sét, sơn son thếp vàng như bộ tượng Thập điện đều đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đặc biệt là bức chân dung Hòa thượng Trà Chánh Hậu tại nhà tổ. Nhiều cụ cao niên kể lại rằng đương thời Hòa thượng Trà Chánh Hậu không thích chụp ảnh, vì vậy nhà điêu khắc phải tiếp xúc thường xuyên với ông để thực hiện công trình này.
Có người kể lại rằng, ngày xưa ở 2 cổng chùa Vĩnh Tràng có đặt 2 pho tượng của Hòa thượng Trà Chánh Hậu và Hòa thượng Minh Đàn. Lúc bấy giờ Hòa thượng Trà Chánh Hậu đã viên tịch, Hòa thượng Minh Đàn còn sống nên có người đặt ca dao châm biếm khiến hòa thượng hổ thẹn nên đã đem hai pho tượng này xuống. Mấy năm sau khi Hòa thượng Minh Đàn qua đời, tín đ nhớ ơn công đức hai vị nên đã đem tượng đặt lại chỗ cũ. Qua thời gian, 2 cổng chùa bị lún và nghiêng, vì vậy năm 2003 Ban trị sự chùa đã mời “thần đèn Cẩm Lũy đến chỉnh sửa. Nhưng sau đó, người ta thấy sân chùa được tôn tạo lại, hàng cây sao cổ thụ dẫn vào chùa cũng bị đốn bớt.

Theo ông Trương Ngọc Tường thì “việc thay thế 2 pho tượng Trà Chánh Hậu và Hòa thượng Minh Đàn bằng tượng Phật Di Đà ở 2 cổng cần phải xem lại, bởi câu đối khoán thủ 2 bên cổng có nội dung ca ngợi các vị tổ Chánh Hậu và Minh Đàn Hòa thượng, làm như thế chẳng khác nào “đưa Phật xuống làm tổ”.


Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Sau trùng tu là xuống cấp

Đình Long Trung nằm cạnh ngã ba rạch Trà Tân và rạch Ông Bảo thuộc ấp 17, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, do dân làng Mỹ Đông Trung lập vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Theo tài liệu còn lưu giữ ở địa phương thì ban đầu chỉ là ngôi đình gỗ lá đơn sơ, gọi là Mỹ Đông Trung đình. Đến năm 1932, khi 2 làng Hưng Long và Mỹ Đông Trung được sáp nhập lại với tên gọi mới là Long Trung, từ đó đình cũng lấy tên theo.

Thời Pháp thuộc, đình Mỹ Đông Trung được trùng tu nhiều lần. Căn cứ dòng lạc khoản ghi trên 2 bức hoành xưa còn giữ lại được thì có lnăm Đinh Dậu (1897) là đợt trùng tu quy mô nhất. Các cụ cao niên kể lại rằng, bấy giờ có một nhà nho đến làng Mỹ Đông Trung mở trường dạy học và kêu gọi dân trong vùng góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình, sau đó nhiều nhà hảo tâm và phú hộ tiếp tục hiến cúng các tác phẩm nghệ thuật như hoành phi, câu đối... Các bức chạm xưa hầu hết do ông thợ Sửu - một nghệ nhân nổi tiếng trong vùng thực hiện.
Vào giai đoạn chiến tranh, do nằm gần chợ Ba Dừa nên đình Long Trung ít bị thiệt hại. Qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đình được xem là đẹp nhất vùng. Đình Long Trung được xây dựng theo mô hình nhà rường kiểu Huế gồm 3 dãy nhà: chánh điện, võ ca và nhà hậu với diện tích hơn 500 m2, bằng các loại gỗ quí. Kèo, xiên, trính được chạm trỗ và kết cấu bằng hệ thống mộng, chốt rất tinh vi, chắc chắn. Nền đình lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương. Nóc đình trang trí lưỡng long tranh châu, lân, cá hóa long... đều là những tác phẩm của lò gốm Cây Mai vào đầu thế kỷ 20.

Chánh tẩm được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, cột gỗ tròn có đường kính hơn 3 tấc, kê trên các tảng đá vuông, các đôi long trụ có gắn liễn đối chạm rời, ốp vào. Đây là khu vực tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng với các đề tài tứ linh, cá hóa long, bát tiên, tứ quí, mây hạc, được tạo hình rất sinh động. Khu vực võ ca là nơi tổ chức xây chầu hát xướng trong dịp lễ Kỳ Yên nên có diện tích lớn hơn. Ông Võ Thanh Hùng, Pban quản lý đình cho biết, hồi xưa hai bên sân khấu võ ca có thiết kế các bậc gỗ dành cho khán giả ngồi xem hát. Nhưng đến những năm 1980, do không ai quản lý và được trưng dụng làm kho phân bón nên bị người ta cắt lấy gỗ. Một số bài vị tiền hiền, hậu hiền sơn son thếp vàng cũng bị mất, 4 tượng gỗ bố trí ở 4 góc cột chánh điện cũng bị chẻ làm củi chụm, còn gạch nền mục hết, mái ngói dột nhiều chỗ. Rất may những bức hoành treo ở võ ca trước chánh tẩm do cao quá nên không bị phá. Trong 3 bức hoành này, bức treo ở giữa ghi biển hiệu Mỹ Đông Trung đình là đẹp nhất, được chạm khắc 2 lớp với các phù điêu hoa văn kỳ hoa dị thảo, bách thú, bách điểu...trên bức hoành có gắn tượng tròn 3 ông Phước Lộc Thọ.

Ngày xưa đường thủy thuận tiện hơn nên cổng chính của ngôi đình được xây hướng ra phía ngã ba sông. Mỗi dịp Kỳ Yên dân làng đóng bè thủy lục rước sắc thần. Năm 1936 ông Hồ Đắc Thăng cúng tiền xây dựng cổng đình theo mô típ trụ biểu như đình miền Bắc, không có mái gác ngang, đồng thời ông nhờ cụ Đặng Thúc Liêng viết câu đối hai bên cổng. Đến sau năm 1975, cổng này vẫn còn.
Năm 1999, đình Long Trung được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và sau đó không lâu thì đình được trùng tu. Ngoài việc sơn phết lại nội thất, kiến trúc ngôi đình được giữ nguyên, chỉ lót lại gạch mới và thay mái ngói, nhất là giữ lại bộ giàn trò ở chánh điện và võ ca. Riêng cổng đình thì được sửa lại quay ra hướng chợ Ba Dừa để thuận đường bộ, vì vậy mặt tiền ngôi đình xưa được bít ngang làm hàng rào. Nhưng cái cổng cũ không được di dời hay phục chế lại mà xây mới theo lối kiến trúc thường thấy ở các công trình được trùng tu gần đây: cổng tam quan, mái cong.

Sau một thời gian trùng tu, sửa chữa, các tác phẩm mỹ thuật đình Long Trung hiện thời đã xuống cấp thê thảm. Ông Võ Thanh Hùng bức xúc: “Các bộ biển liễn, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng ngày xưa rực rỡ lắm, còn bây giờ vàng không ra vàng trắng không ra trắng. Các bức chạm con nạ gắn trên đầu cột hay bộ long, lân, qui, phụng trên bộ long trụ cũng bị sơn lại nay xỉn màu hết. Hai cây cột phía trong chánh tẩm xưa được sơn then (chất liệu chế từ nhựa cây sơn) rất bóng, khi trưng bày bông hoa, trái cây sẽ tương phản, làm nổi bật bàn thờ thần. Khi trùng tu đáng lẽ giữ nguyên và chỉ cần chùi rửa lại, họ đem sơn lại màu đen tối thui, mất hết giá trị. Toàn bộ các tác phẩm thếp vàng xưa thì bị lấy vàng giả (nhũ vàng) phủ lên vàng thiệt.
Khi được hỏi sao lúc thi công hội đình không có ý kiến, ông Hùng bảo: “Họ đâu có cho mình tham gia. Không được giám sát, không góp ý gì hết. Làm xong thì họ bàn giao cho tỉnh, huyện, người trong hội cũng không được chứng kiến buổi bàn giao. Hiện nay mái đình đã xuất hiện vài chỗ dột, bên trong có 3 khánh thờ và bàn hội đồng bằng gỗ đã mục. Còn bức hoành phi đẹp nhất khắc bốn chữ Mỹ Đông Trung đình lại rớt mất chữ “đình”.

Cách đây không lâu,  Bộ VH-TT-DL có cử cán bộ vào xem xét tính toán việc trùng tu tiếp như thay lại ngói, táng đá …và gợi ý thay cửa chánh tẩm. Nhưng hội đình không đồng ý vì cửa còn tốt, trám cửa chạm tùng, cúc, trúc, mai, bao lam trên cửa chạm phụng... còn y nguyên, nếu gỡ xuống sẽ hư. “Đình xưa có hai lớp cửa, gài song hồng, nhưng sau khi trùng tu đã tháo bỏ lớp phía trong. Nay sợ mấy ổng thay bằng cửa sắt thì hỏng hết. Còn các tấm táng cột đình xưa bằng đá, khi trùng tu lại thay bằng táng xi măng. Số táng cũ thì chôn vùi xuống nền, số còn lại tứ tán đâu hết, giờ lại muốn thay bằng táng đá, không thể hiểu nổi”, ông Đình lắc đầu nói.


Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Chiến lũy Pháo Đài xưa

Chiến lũy Pháo Đài nằm ngay Cửa Tiểu thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang. Đây là một di tích đồn lũy biên phòng hiếm hoi còn sót lại từ thời triều Nguyễn.
Theo nội dung ghi lại trên tấm bia tóm tắt lịch sử di tích thì: “Để bảo vệ cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một bảng  (?) bằng đất, gọi là đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378 m), cao 5 thước 5 tấc (2,57m), mở 2 cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1843 và 1847) được sửa chữa lại. Sau khi thành Định Tường thất thủ (tháng 4-1861), Trương Định trở về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp, đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn. Suốt cả quá trình tồn tại, chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng ở đây có chỗ viết sai chữ “bảo” thành chữ “bảng”. Theo ông Tường thì: “Bảo là đồn nhỏ đắp bằng đất, hoặc là bờ lũy trong làng đắp để ngăn chặn giặc cướp. Nhưng không hiểu sao đã mười mấy năm nay không ai sửa lại cho đúng nghĩa. Căn cứ Đại Nam thực lục thì tháng 7 năm Minh Mạng thứ 15, Khâm phái Đốc biện Dương Văn Phong đã cùng với quan tỉnh Định Tường đứng tên vào một tờ tấu, nói: “Trong tỉnh có thôn Từ Linh thuộc cửa Tiểu hải và thôn Minh Đức thuộc cửa Đại hải đều ở bãi biển, dân cư khá đông đúc, mà hai thủ sở cũ, số lính còn ít, không đủ canh phòng. Vậy xin lập ở 2 thôn mỗi thôn một thủ sở để coi giữ, lấy 100 hương dõng ở gần quanh, dồn làm 2 đội, lựa cử suất đội chia ra cai quản và làm công việc phòng thủ...”. Thủ sở này tồn tại đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) thì quan tỉnh Định Tường tâu xin đặt pháo đài để phòng bị phía biển.

Đầu năm 1859, vua lại sai Trương Văn Uyển về Định Tường cùng với Tuần phủ Nguyễn Tường Vĩnh phòng giữ cửa Tiểu đắp thành đất, làm lỗ bắn súng và sắm sửa những khí cụ phòng bị đánh giặc. Sau khi thành Gia Định thất thủ, các đồn lũy ở cửa Tiểu tỉnh Định Tường đều đặt súng lớn và khí giới, phái lính đóng giữ, nhưng nhà vua cũng chưa yên tâm nên sai Nguyễn Duy cùng với quan tỉnh Định Tường xem xét hình thế, sửa sang cho bền chặt chu đáo, tăng cường thêm quân trấn giữ. Lúc này, đồn cửa Tiểu do Bố chính Đỗ Đệ trấn giữ, đã có cấp báo cho triều đình biết, ngoài khơi có tàu của Tây dương đậu: Cửa Tiểu 1 chiếc tàu máy, cửa Đại 2 chiếc tàu máy. Vua nghe tin liền ra lệnh “những chỗ lính Tây dương có thể đi qua được, đường thủy thì lấp bằng đá gỗ, lập đồn đặt súng; đường bộ thì cấm hết đò ngang, chia quan phục để ngăn chặn”. Vì vậy các quan quân mới đắp thêm cản hàn cửa Tiểu gần đồn Từ Linh, dân gian gọi là Đập Đá hàn.
Gần đây có nhiều bài viết dựa theo tư liệu ghi chép tấm bia nói trên, cho rằng đồn Từ Linh được nghĩa quân Trương Định sử dụng làm chiến lũy nên gọi là chiến lũy Pháo Đài. Sai sót này dường như khởi nguồn từ những ghi chép về “Ông súng Cà Lăm” của tác giả Việt Cúc trong tập “Gò Công cảnh cũ người xưa” in năm 1969 - bản in có cả ảnh chụp vị trí khẩu súng. Theo mô tả của tác giả Việt Cúc, vào tháng 8-1968  ông có đến đây và phát hiện một khẩu súng thần công khuất lấp trong cây cỏ rậm rạp. Trước đó mấy mươi năm, ở đây có ngôi miếu nhỏ, một ông từ tên Chọn lo việc sửa sang ngôi miếu, làm cỏ đốn cây, dọn chỗ trống cho “Ông Súng nằm sạch sẽ”.
Căn cứ vào nội dung mô tả ở quyển sách trên di tích chiến lũy Pháo Đài được thêm vào đoạn lịch sử tưởng tượng để khẳng định “Đây là một trong những di tích gắn liền với sự nghiệp của anh hùng Trương Định”.  Thế nhưng, ghi chép của các sĩ quan quân đội viễn chinh Pháp cho thấy, khi tiến đánh Định Tường họ đã chia nhiều mũi để giương đông kích tây. Trong lúc mũi quân khác còn ì ạch vất vả trong kênh Nhà Dây Thép thì ngày 10-4-1861, thiếu tướng Hải quân Page với 3 chiếc tàu Fusée, Lily và Shamrock hiệp với chiếc Dragonne đã đến đậu ở Cửa Tiểu. Trong đêm giặc phá được một lổ hổng ở cản hàn và vượt qua tầm đạn của đồn Từ Linh bắn ra. Sau đó, họ tiếp tục phá cản hàn tại vàm Kỳ Hôn để đánh chiếm Định Tường từ hướng sông Tiền vào trưa ngày 12.4.1861.
Sau khi thành Định Tường bị chiếm, ngày 23-6-1861 Trương Định khởi nghĩa tại đất Gò Công. Ngoài các căn cứ ở Sơn Quy, Rừng Lá Gia Thuận, Lý Nhơn..., chưa có tài liệu nào đề cập đến căn cứ ở đồn Từ Linh. Mặt khác, Bình Tây đại tướng quân là một thủ lĩnh giỏi quân sự lẽ nào ông lại chọn đất ở mũi cù lao - nơi không đắc địa, không nguồn hậu cần và dễ dàng bị hải quân Pháp bao vây cô lập như vị trí đồn Từ Linh để xây chiến lũy.
Ngày nay, muốn đến chiến lũy Pháo Đài, một di tích được xếp hạng cấp quốc gia, du khách phải đi qua một con đường hẹp chừng 80cm trải đá dăm, ngoằn ngoèo, hai bên cỏ dại mọc đầy trông hoang vu tiêu điều, mặc dù cách đó chừng 500 mét là con lộ lớn được trải nhựa. Nằm ở nơi hẻo lánh, đường đi không tiện, lại thêm cảnh quan di tích còn sơ sài, đơn điệu nên rất ít người đến tham quan, chỉ khi tới ngày lễ giỗ anh hùng Trương Định hàng năm mới có vài phái đoàn đến viếng. Ngày thường vắng vẻ lắm, có người còn vào đây phòng uế bừa bãi, một người dân sống gần khu di tích cho biết.

Vào năm 2000, Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã tiến hành tôn tạo di tích Pháo Đài. Nhưng, thay vì đắp lại cái bảo xưa theo tài liệu mô tả và theo dấu tích còn lưu lại như bờ thành, hệ thống hào, ụ súng… thì người ta lại cho lát bê tông xung quanh bờ thành lục giác, rồi xây ở giữa một nhà bia, thêm một cái giếng nông… không có dấu ấn gì của đồn bảo thuở xưa. Riêng hào xung quanh giờ đã lấp cạn, dừa nước và các loại cây dại mọc đầy. Nhà bia xây dựng cũng với cột bê tông, nền tôn cao gần 2m, mái ngói cong trang trí lưỡng long tranh châu, tương tự như mô hình nhà bia ghi danh liệt sĩ thường thấy ở các xã thuộc Tiền Giang.
 Người dân địa phương cho biết, nơi đây ngày xưa có nhiều cây me và một cây trôm cổ thụ nhưng đã bị cơn bão số 9 (Durian) quật đổ vào cuối năm 2006. Những gốc me và vài cây trôm mới được trồng gần đây cùng với các loại cây làm cảnh như gừa tàu, xanh… vốn không phải là thực vật bản địa. Riêng 2 khẩu súng thần công đặt hai bên, ông Lê Ái Siêm, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang cho biết đây là 2 khẩu thần công phục chế bằng xi măng rồi sơn đen, còn khẩu thần công bằng gang của di tích thuở xưa thì đã đem về trưng bày ở Bảo tàng thị xã Gò Công.                                                    

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Công trình tiền tỉ, cổng bằng nẹp tre

Chuyện xảy ra ở đình Đồng Thạnh, tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh,  huyện Gò Công Tây, Tiền Giang.
Theo người dân địa phương thì vùng Đồng Sơn ngày xưa có hai ngôi đình, gồm Đồng Sơn đình thị và Đồng Sơn đình Trung. Trong đó Đồng Sơn đình thị (còn gọi là đình Rạch Lá) có niên đại xưa nhất. Vào năm 1864, khi Pháp đánh Gò Công, Đồng Sơn đình thị bị sập, mấy lá sắc phong thời vua Tự Đức đã mất hoặc bị cháy. Sau đó, quân viễn chinh Pháp chiếm ngôi đình làm tháp canh. Khoảng đầu thế kỷ 20, ông Huỳnh Ngọc Khiêm cắt một phần đất lập làng Trường Xuân, rồi mấy năm sau họ Huỳnh cất một đình cho làng này. Nhưng đến năm 1915 thì làng Trường Xuân và làng Bình Sơn bị chính quyền thực dân nhập vào Đồng Sơn. Vì vậy đình vừa cất xong thì phải đổi tên là Đồng Sơn đình trung để phân biệt với Đồng Sơn đình thị cũ. Năm 1979, xã Đồng Thạnh được thành lập từ một phần xã Đồng Sơn và một phần xã Thạnh Trị và tên đình cũng được đổi thành đình Đồng Thạnh.

Đình Đồng Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp Đông Tây, nền cao gần một mét, có bậc tam cấp, nền lót gạch tàu, vách tường, cột làm bằng gỗ căm xe và gạch, mái lợp ngói ống và ngói âm dương. Nóc đình được trang trí lưỡng long tranh châu, cá hóa long bằng gốm sứ. được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp nên ngoài cửa chính còn có nhiều ô cửa thiết kế theo kiểu hình vòm, trang trí nhiều hoa văn Tây, cửa sắt tương tự những ngôi nhà phú hộ ở vùng này hồi đầu thế kỷ 20. Ngoài khu vực chính tẩm và võ ca còn có nviệc làng cũng nằm trong quần thể kiến trúc ngôi đình. Võ ca, chính tẩm, sân khấu hát bội ngày xưa là sân khấu gỗ đặt trong võ ca. Nét đặc sắc nhất của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn trên hệ thống kèo, xiên, trính và nhiều bức tranh đắp nổi trên tường, cùng các loại tượng gốm trang trí bên trong và bên ngoài đình như: Tứ linh, tứ quí, bát tiên, cá hóa long, v.v...
Theo các cụ lớn tuổi ở địa phương thì Đồng Sơn đình trung ngày xưa còn có nhiều bao lam chạm khắc rất đẹp, các bàn hương án, liễn... được chạm trổ tinh vi và được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Nhưng trận hỏa hoạn vào năm 1963 đã làm hư vài phần mái ngói, phải dùng xi măng vá lại. Mái đình bị dột nhiều chỗ, thêm cửa nẻo hư hỏng phải sửa chữa tạm bợ và không ai bảo quản nên nhiều món đồ tự khí và trang trí nội thất bị mất dần.

Sau năm 1975, đình còn giữ được 4 bàn thờ, mặt trước có bức long án chạm tứ linh, hoa lá sơn son thếp vàng. Đồ tự khí gồm có 9 bài vị, 6 bộ chân đèn bằng gỗ, 1 đôi hạc gỗ, 1 bộ lỗ bộ cũng bằng gỗ. Trên cửa chính tẩm có 2 bộ bao lam thanh võng với 36 khuôn chạm các đề tài hoa lá, tứ linh, tứ quí… Trên tường nhà võ ca có các bức tranh được đắp nổi mô tả thuyền bè, cây cối và cảnh sinh hoạt của dân trong vùng hồi đầu thế kỷ 20.
Với lối kiến trúc độc đáo, không giống các ngôi đình theo mô típ đình Việt ở Nam bộ, năm 2009 đình Đồng Thạnh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sau đó, Sở VH-TT-DL Tiền Giang lập dự toán trùng tu lại đình với tổng kinh phí hơn 16 tỉ đồng, từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Công trình được trùng tu gồm 4 hạng mục: chính điện-võ ca, nhà việc hội đồng làng, nhà khói và sân-đường-cổng... do 2 Công ty CP xây dựng và phục chế công trình văn hóa và Công ty CP xây dựng công trình văn hóa (Hà Nội) thi công. Giám sát là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Đại Việt (Tiền Giang). Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao, công trình đã để lại niềm vui không trọn vẹn cho người dân địa phương.

Theo ông Phạm Văn Huệ (người bảo vệ đình) thì: “Việc thi công trùng tu lại ngôi đình được ngoài bộ cử người vô thực hiện. Gỗ lim thay dàn cột cũng chở từ miền ngoài vào... Còn bộ xiên, trính, vĩ kèo cái nào có hoa văn xưa thì lạn xẻ lớp ngoài lấy hoa văn lại, rồi dùng keo dán vô gỗ mới, làm như vậy không biết ngày nào nó bung ra. Trong khi đó thì những bức tranh đắp nổi ở vách võ ca đã bị vẽ lại và sơn phết, màu sắc nhòe nhẹt không còn đường nét cũ. “Trước khi trùng tu thấy có quay phim, chụp ảnh đàng hoàng. Không hiểu sao họ vẽ lại quá xấu, không có ký lô nào so với thời xưa”, ông Huệ bức xúc.
Khi được hỏi vì sao trong lúc trùng tu người địa phương không góp ý? Ông Huệ cho biết: “Trong ban xây dựng không có người địa phương. Bên công trình cũng không làm theo ý kiến đóng góp của dân sở tại. Ví dụ như nền cũ gạch phủ trên táng, lót xéo theo hình mắt cáo, nhưng khi trùng tu lại lót vuông, táng thì lộ trên nền gạch. Thực ra lớp cát đổ thêm chừng một tấc để phủ táng có bao nhiều tiền đâu. Nhưng các cụ góp ý thì những người thi công nói bản vẽ sao thì họ làm y vậy”.
Mặt khác, có lẽ không nằm trong hạng mục trùng tu nên phần trang trí nội thất được giao cho ban quản lý đình thực hiện. Vì vậy một số vị ở địa phương phải lo làm lại khánh thờ, trang trí các bàn thờ… Nhưng khi ghé thăm đình, ông Trương Ngọc Tường tỏ ra bức xúc, vì theo ông thì “chữ Thần ở đình làng là niềm kiêu hãnh, thể hiện trình độ văn hóa ở địa phương. Trong khi chữ Thần ở đình Đồng Thạnh được viết quá xấu lại thiếu nét, các chữ Nho trên bàn thờ tả ban, hữu ban cũng vậy, vùng này từng là trung tâm văn hóa Gò Công xưa làm vậy bôi bác quá!

 Tuy nhiên, vấn đề mà người dân rất bức xúc là kinh phí đầu tư cho ngôi đình này quá lớn so với các công trình tương tự ở địa phương nhưng nhiều hạng mục lại bị bỏ d dang. Ví dụ như cửa chính tẩm nhiều ô trám rớt mất cũng không được chạm gắn vào. Một công trình hoành tráng trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng cả 2 cổng chính và phụ đều được đóng tạm bợ bằng nẹp tre, rất phản cảm.

Trả lời về những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang khẳng định “không hề có chuyện cổng đình được làm bằng nẹp tre”. Nhưng ngay sau đó ông nói lại rằng: “Vì trước đây đình không có cổng, do đình là của chung, vì vậy khi bộ duyệt hồ sơ trùng tu cũng không có cổng. Còn cổng được làm bằng nẹp tre là do ban quản lý đình tự làm. Riêng việc đình không có nhà vệ sinh thì chúng tôi đã bàn với địa phương khi nào bố trí (vốn) được thì bố trí”. Cũng theo ông Minh thì thực hiện công trình này sở chỉ ký văn bản đề xuất với bộ, còn việc chạy xin kinh phí và tổ chức thi công thì do một đơn vị ngoài bắc lo từ A đến Z.