Chuyện xảy ra ở đình
Đồng Thạnh,
tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang.
Theo người dân địa phương thì vùng Đồng Sơn ngày xưa có hai ngôi đình, gồm Đồng Sơn đình thị
và Đồng Sơn đình Trung. Trong đó Đồng Sơn đình thị (còn gọi là đình Rạch
Lá) có niên đại xưa nhất. Vào
năm 1864, khi Pháp đánh Gò Công, Đồng Sơn đình thị bị sập, mấy lá sắc phong thời
vua Tự Đức đã mất hoặc bị cháy. Sau đó, quân viễn chinh Pháp chiếm ngôi đình
làm tháp canh. Khoảng đầu thế kỷ 20, ông Huỳnh Ngọc Khiêm cắt một phần đất
lập làng Trường Xuân, rồi mấy năm sau họ Huỳnh cất một đình cho làng này. Nhưng đến năm 1915 thì làng Trường Xuân và làng Bình Sơn bị chính quyền thực
dân nhập vào Đồng Sơn. Vì vậy đình vừa cất xong thì phải đổi
tên là Đồng Sơn đình trung để phân biệt với Đồng Sơn đình thị cũ. Năm 1979, xã
Đồng Thạnh được thành lập từ một phần xã Đồng Sơn và một phần xã Thạnh Trị và
tên đình cũng được đổi thành đình Đồng Thạnh.
Đình Đồng Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp Đông Tây,
nền cao gần một mét, có bậc tam cấp, nền lót gạch tàu, vách tường, cột
làm bằng gỗ căm xe và gạch, mái lợp ngói ống và ngói âm dương. Nóc đình được trang trí lưỡng long tranh châu, cá hóa long bằng gốm sứ. Vì
được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp nên ngoài cửa chính còn có nhiều ô cửa
thiết kế theo kiểu hình vòm, trang trí
nhiều hoa văn Tây, cửa sắt tương tự những ngôi nhà phú hộ ở vùng này hồi đầu
thế kỷ 20. Ngoài khu vực chính tẩm và võ
ca còn có nhà việc làng cũng nằm trong quần thể kiến trúc ngôi đình. Võ ca, chính
tẩm, sân khấu hát bội ngày xưa là sân khấu gỗ đặt trong võ ca. Nét đặc sắc nhất
của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn trên hệ thống kèo,
xiên, trính và nhiều bức tranh đắp nổi trên tường,
cùng các loại tượng gốm trang trí bên trong và bên ngoài đình như: Tứ linh, tứ
quí, bát tiên, cá hóa long, v.v...
Theo các cụ lớn tuổi ở địa phương thì Đồng Sơn đình trung ngày xưa còn có nhiều bao lam chạm
khắc rất đẹp, các bàn hương án, liễn... được chạm trổ tinh vi và được sơn son
thếp vàng lộng lẫy. Nhưng trận hỏa hoạn vào năm 1963 đã làm hư vài phần mái ngói, phải dùng xi măng vá lại. Mái đình
bị dột nhiều chỗ, thêm cửa nẻo hư hỏng phải sửa chữa tạm bợ và không ai bảo
quản nên nhiều món đồ tự khí và trang trí nội thất bị mất dần.
Sau năm 1975, đình còn giữ
được 4 bàn thờ, mặt trước có bức long án chạm tứ linh, hoa lá sơn son thếp
vàng. Đồ tự khí gồm có 9 bài vị, 6 bộ chân đèn bằng gỗ, 1 đôi hạc gỗ, 1 bộ lỗ
bộ cũng bằng gỗ. Trên cửa chính tẩm có 2 bộ bao lam thanh võng với 36 khuôn
chạm các đề tài hoa lá, tứ linh, tứ quí… Trên tường nhà võ ca
có các bức tranh được đắp nổi mô tả thuyền bè, cây cối và cảnh sinh hoạt của
dân trong vùng hồi đầu thế kỷ 20.
Với lối kiến trúc độc đáo,
không giống các ngôi đình theo mô típ đình Việt ở Nam bộ, năm 2009 đình Đồng Thạnh được
công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc
gia. Sau
đó, Sở VH-TT-DL Tiền Giang lập dự toán trùng tu lại đình với tổng kinh
phí hơn 16 tỉ đồng, từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Công
trình được trùng tu gồm 4 hạng mục: chính điện-võ ca, nhà việc hội đồng làng,
nhà khói và sân-đường-cổng... do 2 Công ty CP xây dựng và phục chế công trình
văn hóa và Công ty CP xây dựng công trình văn hóa (Hà Nội) thi công. Giám sát
là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Đại Việt (Tiền Giang). Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao, công trình đã để lại niềm vui không
trọn vẹn cho người dân địa phương.
Theo ông Phạm Văn Huệ (người
bảo vệ đình) thì: “Việc
thi công trùng tu lại ngôi đình được ngoài bộ
cử người vô thực hiện. Gỗ lim thay dàn cột cũng chở từ miền ngoài
vào... Còn bộ xiên, trính, vĩ kèo cái nào có hoa
văn xưa thì lạn xẻ lớp ngoài lấy hoa văn lại, rồi dùng keo dán vô gỗ mới, làm như vậy không biết ngày nào nó bung ra”. Trong khi đó thì những bức tranh đắp nổi ở vách võ ca đã bị vẽ lại và sơn phết, màu sắc nhòe
nhẹt không còn đường nét cũ. “Trước khi trùng tu thấy có quay phim, chụp ảnh đàng hoàng. Không hiểu sao họ vẽ lại
quá xấu, không có ký lô nào so với thời xưa”, ông Huệ bức xúc.
Khi được hỏi vì sao trong lúc trùng tu người địa phương không góp ý? Ông
Huệ cho biết: “Trong ban xây dựng không có người địa phương.
Bên công trình cũng không làm theo ý kiến đóng góp của dân sở
tại. Ví dụ như nền cũ gạch phủ trên táng, lót xéo theo hình mắt cáo,
nhưng khi trùng tu lại lót vuông, táng thì lộ trên nền gạch. Thực
ra lớp cát đổ thêm chừng một tấc để phủ táng có bao nhiều tiền đâu.
Nhưng các cụ góp ý thì những người thi công nói bản vẽ sao thì họ làm y vậy”.
Mặt khác, có
lẽ vì không nằm trong hạng mục trùng tu nên phần trang trí nội thất được giao cho ban quản lý đình thực hiện. Vì
vậy một số vị ở địa phương phải lo làm lại khánh thờ,
trang trí các bàn thờ… Nhưng khi ghé thăm đình, ông
Trương Ngọc Tường tỏ ra bức xúc, vì theo ông thì “chữ Thần ở đình làng là niềm kiêu hãnh, thể hiện trình độ văn hóa ở địa
phương. Trong
khi chữ Thần ở đình Đồng Thạnh được viết quá xấu lại
thiếu nét, các chữ Nho trên bàn thờ tả ban, hữu ban cũng vậy, vùng này từng là
trung tâm văn hóa Gò Công xưa làm vậy bôi bác quá!”
Tuy nhiên, vấn đề mà người dân rất bức xúc là kinh phí đầu tư cho ngôi đình này quá lớn so với các công trình tương tự ở địa phương nhưng nhiều hạng mục lại
bị bỏ dở dang. Ví dụ như cửa chính tẩm nhiều ô trám rớt mất cũng
không được chạm gắn vào. Một công trình hoành tráng trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng cả
2 cổng chính và phụ đều được đóng tạm bợ bằng nẹp tre, rất phản cảm.
Trả lời về những
bức xúc của người dân, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang khẳng
định “không hề có chuyện cổng đình được làm bằng nẹp tre”. Nhưng ngay sau đó
ông nói lại rằng: “Vì trước đây đình không có cổng, do đình là của chung, vì vậy
khi bộ duyệt hồ sơ trùng tu cũng không có cổng. Còn cổng được làm bằng nẹp tre
là do ban quản lý đình tự làm. Riêng việc đình không có nhà vệ sinh thì chúng
tôi đã bàn với địa phương khi nào bố trí (vốn) được thì bố trí”. Cũng theo ông
Minh thì thực hiện công trình này sở chỉ ký văn bản đề xuất với bộ, còn việc chạy
xin kinh phí và tổ chức thi công thì do một đơn vị ngoài bắc lo từ A đến Z.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét