Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Độc đáo chùa Vĩnh Tràng

Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng, tọa lạc ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, các nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành những bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quí, hoa lá, mây trời, v.v… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Những bức thủ quyển mềm mại ghi những câu phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện “Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn… Mặc dù trong lĩnh vực tôn giáo nhưng nội dung thể hiện mang đậm yếu tố dân gian với những bức tranh vượt lên cái khung của đề tài tôn giáo như Ngao Sò tranh nhau ngư ông đắc lợi”.

Bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Chẳng hạn như giữa lòng cột cái là bộ bao lam bát tiên kỵ thú. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1907-1908 do những nghệ nhân tại địa phương thực hiện. So với các bộ bao lam xung quanh, bộ này có niên đại sớm hơn, nhưng đạt trình độ mỹ thuật cao hơn. Đây là một bức phù điêu hiếm có của những năm đầu thế kỷ 20, chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở Nam bộ phát triển khá sớm. Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng đều treo long trụ. Đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì những pho tượng đẹp nhất của chùa này là nhóm tượng bằng gỗ do thầy trò nghệ nhân Tài công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… đều là những tác phẩm rất độc đáo. “Bộ La Hán chùa Vĩnh Tràng cũng không kém về mặt nghệ thuật so với các vị La Hán chùa Tây Phương. Nét khác biệt là nó được tạc bằng gỗ. Các vị La Hán đều cỡi thú, tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại rất thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, như: Vị này bình thản, vị nọ suy tư, vị kia thảnh thơi… Phong cách từng pho tượng lột tả được hạnh nguyện của từng vị, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật, ông Tường nhận định.

Hoàn thành vào năm 1849, từ đó đến nay chùa Vĩnh Tràng đã qua nhiều đợt trùng tu, mỗi đợt đều có bổ sung những tác phẩm mỹ thuật khác nhau, từ hoành phi, long trụ, tượng thờ… Những di vật của người xưa để lại cũng cho thấy mỗi đợt trùng tu là mỗi giai đoạn kinh tế khác nhau. Đồng thời, các di sản văn hóa ấy cũng chứng minh rằng đất Mỹ Tho xưa sớm phát triển nghệ thuật tạo hình. Điển hình là nhiều bộ tượng bằng gỗ, bằng đồng, thậm chí bằng đất sét, sơn son thếp vàng như bộ tượng Thập điện đều đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đặc biệt là bức chân dung Hòa thượng Trà Chánh Hậu tại nhà tổ. Nhiều cụ cao niên kể lại rằng đương thời Hòa thượng Trà Chánh Hậu không thích chụp ảnh, vì vậy nhà điêu khắc phải tiếp xúc thường xuyên với ông để thực hiện công trình này.
Có người kể lại rằng, ngày xưa ở 2 cổng chùa Vĩnh Tràng có đặt 2 pho tượng của Hòa thượng Trà Chánh Hậu và Hòa thượng Minh Đàn. Lúc bấy giờ Hòa thượng Trà Chánh Hậu đã viên tịch, Hòa thượng Minh Đàn còn sống nên có người đặt ca dao châm biếm khiến hòa thượng hổ thẹn nên đã đem hai pho tượng này xuống. Mấy năm sau khi Hòa thượng Minh Đàn qua đời, tín đ nhớ ơn công đức hai vị nên đã đem tượng đặt lại chỗ cũ. Qua thời gian, 2 cổng chùa bị lún và nghiêng, vì vậy năm 2003 Ban trị sự chùa đã mời “thần đèn Cẩm Lũy đến chỉnh sửa. Nhưng sau đó, người ta thấy sân chùa được tôn tạo lại, hàng cây sao cổ thụ dẫn vào chùa cũng bị đốn bớt.

Theo ông Trương Ngọc Tường thì “việc thay thế 2 pho tượng Trà Chánh Hậu và Hòa thượng Minh Đàn bằng tượng Phật Di Đà ở 2 cổng cần phải xem lại, bởi câu đối khoán thủ 2 bên cổng có nội dung ca ngợi các vị tổ Chánh Hậu và Minh Đàn Hòa thượng, làm như thế chẳng khác nào “đưa Phật xuống làm tổ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét