Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Hội Tôn cổ tự bây giờ

Tọa lạc tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Hội Tôn được xem là ngôi chùa cổ nhất Bến Tre.
Theo ông Huỳnh Minh (tác giả quyển Kiến Hòa xưa) thì chùa Hội Tôn được xây dựng từ đời Cảnh Hưng (1740), nguyên thủy là một cái am tu của Hòa thượng Long Thiền, người Quảng Ngãi vào khai sáng. Còn theo tài liệu của Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành, Bến Tre, thì Hội Tôn cổ tự do bà Cù Thị Báo và con gái Trần Thị Mỗi tạo lập, ban đầu chỉ là thảo am, rồi những người mộ đạo quanh vùng thỉnh Hòa thượng Long Thiền về trụ trì. Nhờ sự ủng hộ của bá tánh, Hòa thượng xây dựng chùa khang trang hơn và vận động đắp con đường dài 500m từ chùa qua cánh đồng lầy, dân gian gọi là Lộ Chùa.

Khoảng năm 1799, Hòa thượng Long Thiền theo ghe bầu trở về nguyên quán rồi viên tịch ở Quảng Ngãi, chùa Hội Tôn do Hòa thượng Khánh Hưng kế thế trụ trì. Hòa thượng Khánh Hưng là người có công lớn trong việc trùng tu chùa Hội Tôn, nhờ huê lợi từ 27 mẫu đất giao cho bổn đạo canh tác, nhưng công trình nhiều lần bị đình hoãn vì thời cuộc và kéo dài mãi đến năm 1805 mới hoàn thành. Trong đợt trùng tu lần thứ hai, chùa Hội Tôn từ kiểu dáng hình tứ trụ chuyển thành kiến trúc chữ đinh trên diện tích gần 600 m2. Phía trước là gian tiền đường và chánh điện, phía sau là hậu tổ, gian nhà khách, giám trai... Tất cả đều làm bằng gỗ, nóc lợp ngói âm dương, nền đất trộn vôi, là một ngôi chùa trang nghiêm, đẹp nhất vùng. Trong thời gian này, bổn đạo còn góp tiền, vàng cử người ra Huế đúc một cái đại hồng chung cao 1,5 mét.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa Hội Tôn đã qua hàng chục đời trụ trì và nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Năm 1947, chùa Hội Tôn được xây dựng lại, cột gỗ, vách tường, mái lợp ngói cũng theo kiến trúc dạng chữ đinh. Năm 1973 chùa Hội Tôn thêm một lần đại trùng tu, thay đổi kiểu dáng kiến trúc, bố cục, song vẫn giữ được những nét cơ bản của một ngôi chùa Nam bộ. Đến năm 2008, lấy lý do chùa bị xuống cấp nên trụ trì chùa là Đại đức Thích Hoằng Đạt, cũng là Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành, đã làm đơn xin sửa lại chùa và được chính quyền địa phương chấp thuận.
Theo mô tả của những bổn đạo lớn tuổi thì trước khi đập xây lại, chùa Hội Tôn có lối kiến trúc hình chữ tam rất khang trang cổ kính. Tiền đường bố trí theo lối thượng lầu hạ hiên 3 mái, bên ngoài nhìn vào tương tự như cổng tam quan, chính giữa có đặt bộ tượng Tam thế Phật, hai bên có gắn hai tấm phù điêu nhắc tích Phật. Các tấm phù điêu này hiện còn để ngổn ngang bên mé cổng. Ngoài khu chánh điện, giữa gian hậu tổ và nhà khách có sân thiên tĩnh trồng nhiều cây kiểng.

Trong khi đó thì ngôi chùa hiện nay khu chánh điện và nhiều công trình được xây mới hoàn toàn. Chánh điện xây theo mô hình tháp 3 tầng, mái cong, nền cao, xung quanh được bao bọc bởi 49 cánh sen và 49 hình tượng kim qui, sơn nhủ vàng. Kiến trúc liên đài chuông, liên đài trống dựng hai bên là cành sen cách điệu nhưng trông rất thô kệch. Khu chánh điện có cầu vồng nối nhà tổ, chạm hoa sen, trổ rồng phụng... màu sắc sáng rực.
Giải thích về mô hình kiến trúc mới, sư trụ trì Thích Minh Hải đem ra một tấm bảng khắc gỗ và cho biết: Đây là bảng gỗ thiết kế chùa gần 150 năm trước. Ngày xưa các cụ tổ đã phác họa mô hình chánh điện có 7 tầng trên nền hoa sen. Lối kiến trúc chùa Hội Tôn hiện nay trùng ý tưởng với người xưa, nhưng chỉ làm 3 tầng. Sư trụ trì còn tỏ ý tiếc vì “cái duyên chưa tới”, phải chi hồi xưa các cụ xây dựng theo kiểu này thì chùa Hội Tôn trở thành một công trình độc nhất vô nhị, có thể sánh với chùa một cột ở Hà Nội.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì bảng khắc gỗ nói trên chỉ là mộc bản dùng để in tranh “niệm Phật công cứ”. Khi niệm xong một chuỗi hạt người ta đánh dấu vào một ô, được nhiều ô tức là được nhiều công đức. “Đây là loại tháp La Hán 7 tầng dùng cho người niệm hướng về cõi lành, dứt tham – sân – si. Và khi qua đời, tấm “niệm phật công cứ” này được đem bỏ vào hòm tẩn liệm theo người chết. Còn theo truyền thống Phật giáo Việt Nam thì Phật không thể thờ trong tháp được. Kiến trúc tháp chỉ dành cho mộ của các Hòa thượng”, ông Tường khẳng định.
Hội tôn cổ tự còn lưu giữ khá nhiều cổ vật như: Bức hoành khắc chữ Hội Tôn tự (có từ năm 1782), xung quanh chạm rồng, đại hồng chung được tạo tác từ 1805, dăm trống và chum bằng đất nung, bộ tượng Thập điện bằng đồng Ngoài ra, chùa còn có nhiều tượng phật cổ khác bằng chất liệu đồng, gỗ… là những di vật do tiền nhân để lại.

Nhưng hiện thời hệ thống tượng phật được bố trí trong khu chánh điện đã được thay mới hoàn toàn bằng các loại tượng đá đúc sn từ bột cẩm thạch và bố trí rất lộn xộn. Chẳng hạn như tượng Nam Tào Bắc Đẩu lý ra phải hầu Ngọc Hoàng thì lại đứng chung với Di Lặc và ông Địa, còn hai vị Hộ Pháp thì lại hầu Địa Tạng. Bộ Tam bảo cũ (Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) thì được phân ra ba chỗ khác nhau. Các bộ tượng cổ này được bố trí trên 4 góc cao chánh điện (gần mái chùa), phía sau là những bức tranh Phật vẽ lên tường màu sắc rực rỡ cầu kỳ.

Điều đáng nói hơn là hầu hết tượng đồng, tượng gỗ xưa đều bị sơn vẽ lại, màu sắc lòe loẹt, thậm chí những tượng còn được sơn móng tay. Trao đổi về việc này, sư Thích Minh Hải nói hai năm trước, khi ông về đây trụ trì thì các bộ tượng cổ đã được sơn lại. Còn việc bộ Thập Điện vương phải đem cất giấu vì giữa năm 2012, chùa bị mất một tượng Quan Âm bằng đồng và kẻ trộm cũng đã nhấc tượng Thập Điện vương lên thử, vì vậy chùa phải cất bộ tượng này, sắp tới sẽ kêu thợ tới hàn dính lại mới dám đem ra trưng bày. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét