Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Độc đáo gốm sứ Gò Công

Rời quê hương cách đây 8 năm để theo chồng định cư ở vùng Bordeaux, Pháp. Nhưng 2 năm sau chị đã “lôi kéo” được anh chàng họa sĩ Francois Jarlov trở lại Việt Nam thực hiện giấc mơ ngay tại quê mình, nơi chưa từng có ai làm gốm sứ bao giờ. Đó là chị Phan Thị Thùy Mai, 33 tuổi, chủ cơ sở gốm Đông Gia, thị trấn Vĩnh Bình, H.Gò Công Tây, Tiền Giang.

1.Không đi thẳng vào câu hỏi của khách, chị bắt đầu giải thích tại sao lại làm gốm sứ. Chị nói xứ mình từ thời xa xưa đã có những làng nghề rất nổi tiếng như Bát Tràng, Lái Thiêu… làm gốm theo cách thủ công và pha men cổ truyền. Nhưng rồi những làng nghề dần dần bị mai một đi, và người làm gốm bây giờ ít còn ai chịu khó tự pha men nữa mà sử dụng men pha sẵn từ Trung Quốc. Sợ người nghe không hiểu, chị giải thích cặn kẽ: “Khác với men công nghiệp, nếu pha màu xanh thì ra xanh, pha đỏ thì ra đỏ. Còn men hỏa biến được pha tự nhiên theo công thức gia truyền. Ví dụ cái chén trước khi nung là màu vàng của đất sét. Nhưng sau 9 tiếng đưa vào lò với nhiệt độ 1.300 độ C thì sẽ ra màu tím hoặc xanh, nên gọi là hỏa biến”.
“Nhứt dáng nhì da”, đầu tiên là kiểu dáng đẹp, men độc rồi mới tới đất. Chẳng hạn như màu xanh của gốm Đông Gia được tạo ra do sự tương tác hóa học giữa ôxit sắt và titan cộng với nhiệt, gọi là men hỏa biến, màu sắc do men tạo ra chớ không phải do màu. Sự khác biệt còn tùy thuộc vào môi trường lò, nhiệt độ nung, thời gian nung và thành phần hóa học của men. Thậm chí, cùng một loại men nhưng đất khác nhau cũng cho ra màu khác. Chị đưa ra một cái bình hoa làm ví dụ. Cũng là men hỏa biến, có thể làm thêm một cái khác với kiểu dáng tương tự, nhưng màu sắc, hoa văn và giọt chảy thì không hoàn toàn giống nhau. Lợi thế của gốm Đông Gia là nung tới 1.300 độ C nên đất đã sánh lại. Vì vậy mà xài lâu ngày men vẫn không bị sứt mẻ, khi đưa tay gõ nhẹ thì nghe tiếng kêu leng keng rất thanh.

Nhưng để làm được men quý đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài. Như loại men ngọc, càng sử dụng càng thấy đẹp long lanh như ngọc, lúc thì thấy màu xanh đậm, lúc xanh nhạt. Còn khi uống trà thì làm cho màu trà đẹp hơn. Chị Mai cho biết xưa nay ở Việt Nam có loại men xác trà, màu xanh nhưng hơi ngả vàng. Xác trà thì dễ làm nhưng để đi đến men xanh thì rất khó. Khó nhất là xanh da trời vì chỉ có một loại tràng thạch làm ra được loại men này. Có thể hôm nay mua được tràng thạch cho ra màu xanh thế này, nhưng sau đó mua tràng thạch khai thác ở địa điểm khác sẽ không làm ra được men giống như cũ. Chính vì vậy mà có những loại men bị thất truyền, không làm lại được, nên rất quý.
2.Người Nhật nói rằng nền kinh tế Việt Nam mình phát triển theo chiều thẳng đứng, còn họ thì đi lên từ từ theo đường dốc. Nhưng chính nhờ đi theo đường dốc mà họ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Còn mình đi lên theo chiều thẳng đứng, không làm hàng thủ công mà đi thẳng vào sản xuất công nghiệp nên không biết gì về men, về gốm sứ làm bằng phương pháp thủ công. Theo chị Mai thì nền kinh tế của Nhật dù đã phát triển vượt bậc nhưng đến bây giờ nước họ vẫn còn tồn tại những làng nghề sản xuất gốm thủ công và mỗi gia đình chuyên làm một loại men khác nhau.

Trong khi đó thì ở nước ta bây giờ đi tìm một người sản xuất gốm bằng tay là rất khó, vì không ai đào tạo nữa. Chị Mai đặt vấn đề tại sao ngay từ thời Lý, Trần đã có những vật dụng bằng gốm rất đẹp, sắc sảo. Còn thời đại công nghiệp bây giờ nghề truyền thống bị mai một đi, bị thất truyền, vì không còn ai tìm tòi, làm lại cái ngày xưa, vì nền kinh tế phát triển theo chiều thẳng đứng. Theo chị thì gốm sứ làm bằng tay có khi không được hoàn chỉnh nhưng có tính con người hơn, và trải qua thời gian sẽ thành đồ cổ có giá trị về văn hóa, tinh hoa của con người. Còn sản phẩm công nghiệp, dù tròn trịa nhưng nó được làm bằng máy móc, hàng loạt, có bể cũng không tiếc vì có thể mua lại cái khác.
Chính vì nhận thức như vậy nên chị đi theo hướng thủ công, sản xuất men hỏa biến mặc dù rất khó. Vấn đề là sản phẩm của gia đình chị luôn có sự khác biệt với sản phẩm cùng loại vì tính độc đáo và cạnh tranh rất cao. Ví dụ có khách hàng khi nhìn thấy bình trà vuông được làm bằng men thiên mục và cho ra màu nâu, rất thích nên đặt làm 2.000 cái. Nhưng nghĩ là giá cao, họ đi tìm nơi khác nhưng cuối cùng phải quay lại vì nơi khác không thể làm được loại men với màu sắc rất lạ chưa từng thấy như của Đông Gia. Chị Mai lý giải: “Nếu chỉ sản xuất với giá rẻ thì đến một lúc nào đó nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt, vì đất cũng không phải là vô tận. Và nếu cứ bán rẻ như thế thì sau này con cháu mình sẽ không còn gì để ăn”.

3.Gần như tất cả các loại đất sét đều có thể làm được gốm, nhưng đất nào làm loại gốm nào thì hơi khó vì có một số loại men phải có đất thích hợp mới làm ra được một số màu nhất định. Chẳng hạn như cùng một loại men nhưng đất của Pháp và đất Tiền Giang sẽ cho ra màu sắc khác nhau, vì đất của mình có nhiều oxit sắt. Khi nung tới 1.300 độ C, oxit sắt sẽ chảy thành những giọt rất đẹp và tạo ra những sản phẩm độc đáo.
Bắt đầu từ một lò nung nhỏ, chị Mai cho biết thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn vì Gò Công ở xa nguồn nguyên liệu. Đầu tiên vợ chồng chị phải lên tận Bình Dương để mua gạch cách nhiệt nhập từ Malaysia về, sau đó thiết kế, rồi xây lò. Đa số các cơ sở làm gốm đều mua nguyên liệu pha sẵn của Trung Quốc, vì vậy những loại nguyên liệu đặc biệt để pha thủ công rất khó kiếm trên thị trường. Như trường thạch chị phải chạy ra tận Hà Nội để mua. Rồi silicat, oxit sắt, oxit đồng…, mỗi món mua ở mỗi tỉnh. Nhiều khi mua xong, chở về tới nơi thì dở khóc dở cười, như có lần mua tro xương nhưng lại là thạch cao. Còn hiện nay trung bình mỗi tháng Đông Gia xuất khẩu một container đi Nhật, Pháp và một số nước châu Âu.

“Điều bất ngờ là loại đất sét lấy từ vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang khi làm men ngọc lại cho ra loại gốm rất đẹp, đặc biệt là màu nâu và tím. Từ thành công bước đầu, chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng sản xuất để tạo ra một dòng sản phẩm đặc thù riêng của ĐBSCL, bằng loại đất của Tiền Giang, để khi nói đến Đông Gia thì khách du lịch biết nó được làm tại Tiền Giang”, chị Mai nói.

Sản phẩm của Đông Gia rất đa dạng với hàng trăm mẫu mã khác nhau, từ vật dụng trang trí nhà cửa, khách sạn, đến bộ liễn thờ bằng gốm Raku. Rồi những loại men độc, hàng độc, được xoay tay có thể dùng làm của hoặc sử dụng trong nhà, rất đặc biệt vì không cái nào giống cái nào, như bình trà vuông chẳng hạn. Dòng tiếp theo là đồ gia dụng như tô, chén, dĩa, muỗng… bằng sứ, có thể đưa vào máy rửa chén được.
Đông Gia hiện có một showroom ở đường Lê Thánh Tôn, TP.HCM để khách hàng xem mẫu. Thương hiệu Đông Gia đã đăng ký quốc gia, quốc tế và một số mẫu đã đăng ký độc quyền. Logo của Đông Gia là biểu tượng bông sen và mặt trời, bằng dấu triện đóng bên dưới mỗi sản phẩm.                   

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Cải cách hành... dân!

            Từ nhiều năm nay TP Mỹ Tho đã áp dụng thủ tục hành chính “một cửa”, nhưng theo đại tá Lê Dũng, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, thì vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị… hành một cách vô lý. Chẳng hạn như thủ tục chuyển nhượng nhà đất, theo quy định thì chỉ cần có hợp đồng chuyển nhượng, giấy chứng nhận QSDĐ ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các thủ tục về thuế. Khi đi công chứng, người dân bị đòi giấy CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… Đến khi nộp hồ sơ thì  cơ quan thuế lại đòi thêm bản sao giấy CMND, bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao hộ khẩu…
Theo đại tá Lê Dũng thì “có khi cơ quan công quyền lại quá lo cho dân”. Ví dụ như Luật hôn nhân gia đình quy định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Vì vậy, khi người dân đăng ký quyền sở hữu do một người đứng tên, nếu có vấn đề phát sinh thì người vợ hoặc chồng sẽ khởi kiện và tòa sẽ xử. Trong khi đó thì cơ quan công quyền lại yêu cầu người dân phải chứng minh đây là tài sản riêng thì mới được đăng ký. Có những thủ tục khi hỏi ở cơ quan thuế thì được biết đã bỏ rồi, nhưng ở bên dưới vẫn đòi. Khó hiểu nhất là khi làm thủ tục xin cấp chủ quyền nhà, cơ quan thuế đòi người dân phải có hóa đơn đỏ mua vật liệu xây dựng để chứng minh là tự xây dựng. Ông Dũng đặt vấn đề: “Nếu sợ trốn thuế tại sao không quản lý người bán mà lại quản lý người mua?”

Theo nghị định của Chính phủ thì một việc không trả hồ sơ để người dân bổ sung quá 2 lần, trừ trường hợp do người dân thiếu sót. “Nhưng theo ông Dũng thì ở cấp xã có những trường hợp người dân phải bổ sung tới 5 lần, thậm chí tới… 7 lần! Thậm chí, có những trường hợp người dân đã cất nhà ở từ trước ngày 15.10.1993 rất lâu, nhưng chẳng rõ do sơ suất của ai mà khi được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp lại không nói tới đất ở. Thế là bây giờ người dân buộc phải đi “xin” quyền sử dụng đất ở. Nhưng khi cấp xã  làm xong, nộp về trên thì trên lại “phán” trường hợp này sai pháp luật, phải thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, phải tổ chức thanh tra và phải lập lại hồ sơ hết sức nhiêu khê. Chính vì vậy mà tại UBND xã Đạo Thạnh còn tồn đọng hơn 300 hồ sơ nằm trong hộc tủ, trong khi ở xã Trung An thì còn hơn 1.000 hồ sơ, không giải quyết được cho dân”, ông Dũng bức xúc.
Cũng theo ông Dũng thì sau khi UBND TP Mỹ Tho ban hành quyết định 02 về quy hoạch xây dựng thì ở cấp xã lại phát sinh vấn đề hết sức rắc rối. Cụ thể là khi người dân có nhu cầu sang nhượng đất, nếu như thửa đất đó chưa có sẵn đường đi thì chính quyền yêu cầu người dân phải cắt ra để làm đường đi rộng 4m, gọi là thỏa thuận quy hoạch, kể cả đất của cha sang tên cho con! Điều này, theo ông Dũng thì quyết định 02 của UBND TP Mỹ Tho không có đề cập đến, nhưng khi thực hiện thì chính quyền cơ sở lại đặt ra, làm khó dân.
Kỳ lạ hơn, ngay tại Sở Tài nguyên-Môi trường Tiền Giang lại có quy định khi người dân sang nhượng đất buộc phải trích biên bản đo đạc, trong khi chính cơ quan này thiết lập và giữ biên bản nhưng lại buộc người dân phải đi trích lục để đi nộp cho mình. Rồi người dân còn bị yêu cầu phải nộp thông báo miễn thuế thu nhập cá nhân, bằng bản chính, trong khi ngành thuế lại nói chỉ có một bản chính, không thể giao cho người dân. Ông Dũng nói: “Nếu gọi là một cửa liên thông thì tại sao ngành tài nguyên-môi trương không mang bản photocopy đi đối chiếu với ngành thuế mà lại bắt dân phải  làm, lại còn đòi bản chính, cái mà người dân không có?”
            Và ông Dũng cảnh  báo: “Chính vì bị làm khó, rắc rối như vậy nên người dân nản chỉ, không muốn làm. Hậu quả là khi có giải tỏa, đền bù thì sẽ phát sinh khiếu kiện, lúc đó càng khó hơn”.         

Ông chánh án "3 trong 1"!

            Làm thay công việc của thư ký tòa, ông chánh án bị tố đã tự đứng ra nhận đơn khởi kiện rồi trực tiếp xét xử. Xử xong, ông tiếp tục giúp đương sự “chạy án” lên tòa cấp trên!
*Thủ tục… đầu tiên!
Sự việc bắt đầu từ một vụ tranh chấp dân sự. Năm 2008 ông Nguyễn Minh Chiêu (ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, H.Đức Hòa, Long An) có mua chiếc xe ô tô hiệu Chevrolet Captivalt, biển số 52F-4303, trị giá hơn 483 triệu đồng. Vì muốn đăng ký biển số xe của TP.HCM, ông Chiêu đã nhờ bà Trần Thị Dung (ngụ 418 đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM) là em nuôi và có quan hệ làm ăn chung, đứng tên giùm. Tiền mua xe và chi phí đăng ký xe do ông Chiêu bỏ ra.

Do trong quá trình làm ăn chung giữa hai người phát sinh mâu thuẫn. Thế là ngày 30.11.2010 bà Dung nộp đơn khởi kiện tại TAND H.Đức Hòa để đòi lại chiếc xe do mình… đứng tên! Và cũng từ đây vụ việc liên quan đến một số quan tòa. Theo biên bản làm việc giữa ông Trương Hòa Bình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Đức Hòa với bà Dung ngày 26.10.2011, bà Dung tố cáo: “Sau khi nộp đơn khởi kiện, bà Dung đã gặp ông Nguyễn Văn Đến, Chánh án TAND H.Đức Hòa để trình bày sự việc. Ông Đến hứa sẽ trực tiếp giải quyết vì xe do bà Dung đứng tên nên phần thắng sẽ thuộc về bà Dung. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đơn thì ông Đến cũng nhờ bà Dung “mua giùm” một máy tính xách tay và một điện thoại di động, đồng thời yêu cầu bà Dung ứng trước 10 triệu đồng để “lo thủ tục xét xử”!
Vẫn theo tố cáo của bà Dung với UBKT Huyện ủy Đức Hòa, vì “chắc ăn” sẽ lấy được xe nên bà đã mua cho ông Đến một máy tính xách tay hiệu Dell 16 triệu đồng và một điện thoại Nokia N72 giá 7,2 triệu đồng. Nhưng sau đó ông Đến còn tiếp tục yêu cầu bà đưa thêm 20 triệu đồng “chi phí” nữa. Khi bà Dung thắc mắc sao tốn nhiều tiền quá thì ông Đến giải thích “vì phải lo chạy ở nhiều nơi”! Kết quả là tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8.4.2011 do Đến trực tiếp xét xử, bà Dung được tuyên thắng kiện. Tòa buộc ông Chiêu phải “trả lại” xe cho bà Dung.
*“Cưa đôi” chiếc Chevrolet!
Cho rằng mình bị tòa huyện xử ép, ông Chiêu nộp đơn kháng cáo lên tòa cấp trên. Lúc này, vì thấy việc làm của mình không đúng nên bà Dung nao núng, muốn rút đơn khởi kiện. Nhưng theo tường trình của bà Dung với UBKT Huyện ủy Đức Hòa thì ông Đến đã làm áp lực, yêu cầu bà phải tiếp tục vụ kiện vì nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của ông(!?) Ông Đến còn đặt thẳng vấn đề: nếu ông lo thắng kiện thì sẽ “chia đôi” chiếc ô tô. Sau khi tòa tuyên án xong thì lấy xe lại và đem bán.
Dù sợ mắc tội đưa hối lộ, nhưng vì đã lỡ chi nhiều tiền rồi nên phải tiếp tục theo. Bà Dung cho biết sau đó ông Đến hẹn gặp bà tại quán ăn Đồng Xanh ở thị trấn Bến Lức. Tại đây, ngoài ông Đến còn có một người lạ, được giới thiệu là ông Lê Quang Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Long An. Vẫn theo tường trình của bà Dung với UBKT Huyện ủy Đức Hòa: “Ông Đến kêu tôi bỏ phong bì đưa cho ông Hùng 20 triệu đồng. Tôi đã làm theo và đưa tiền trực tiếp cho ông Hùng. Nhưng rồi sau đó ông Đến lại cho biết người thụ lý vụ án không phải là ông Hùng mà là ông Lê Văn Lắm. Vì vậy, theo yêu cầu của ông Đến, ngày 15.5.2011 tôi phải đưa thêm 10 triệu đồng để ông chi cho ông Lắm”.

Cũng theo tường trình của bà Dung thì sau đó ông Đến lại điện thoại nói ông Lắm đòi thêm 20 triệu đồng nữa “mới đủ chi phí”, đồng thời cho số tài khoản của ông Lắm để bà Dung chuyển tiền. Ngày 24.5.2011, bà Dung nhờ em ruột là Trần Minh Hòa chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản số 010293952 của ông Lê Văn Lắm tại Ngân hàng Đông Á. Chuyển tiền xong, bà Dung được ông Lắm triệu tập đến TAND tỉnh Long An 2 lần, nhưng cả 2 lần đều không làm việc được vì ông Chiêu không đến.
Vì nghi ngờ có chuyện khuất tất nên phía bị đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán và TAND Long An phân công thẩm phán Võ Văn Hiếu trực tiếp xét xử. Thấy tình thế bất lợi, bà Dung điện thoại yêu cầu ông Đến trả lại toàn bộ số tiền đã đưa và không tiếp tục tham gia vụ kiện nữa. Lúc đó, ông Đến động viên bà Dung cứ yên tâm, ai xử cũng thắng kiện vì ông đã chuyển 20 triệu đồng cho ông Hiếu rồi. Nhưng tại phiên xử phúc thẩm ngày 26.8.2011, bà Dung bất ngờ xin rút lại yêu cầu khởi kiện.
*Trả lại tiền… chạy án
Sau phiên tòa phúc thẩm, bà Dung liên tục điện thoại đòi ông Đến phải trả lại tất cả các khoản mà bà đã “chung chi” nên sau đó có người mang điện thoại, máy tính xách tay đến nhà bà để trả lại. Về phần tiền, ông Đến cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm bà Dung được xử thắng kiện, coi như chi phí đã xong. Riêng số tiền đã chi ở tòa cấp trên thì để từ từ ông tìm cách lấy lại. Và ông dọa: “Nếu để lùm xùm ra thì chết, kể cả em, vì đây không phải là chuyện nhỏ đâu”!

Không đồng ý với cách “xử” như vậy nên ngày 21 và 22.9.2011 bà Dung đã tới thẳng trụ sở TAND H.Đức Hòa để… đòi tiền. Không gặp được ông Đến, bà Dung đã lớn tiếng la lối giữa chốn công đường. Khoảng 2 ngày sau, ông Mai Văn Hiệp (là thư ký tòa) điện thoại hẹn bà Dung ra… vòng xoay Phú Lâm để nhận lại tiền do ông Đến gửi, nhưng bà Dung sợ không dám tới chỗ hẹn. Sau  đó, thẩm phán Lê Văn Lắm tìm đến nhà bà Dung yêu cầu bà nhận lại số tiền 20 triệu đồng do bà đã “chuyển nhầm” vào tài khoản của ông. Nhưng bà Dung không nhận và đòi phải trả hết số tiền mà bà đã đưa trước đó. Mấy hôm sau thì có người đến gặp con bà Dung nói “có quà của chú ở Đức Hòa gửi”. Khi bà Dung mở ra thì trong gói quà đó có 60 triệu đồng.                                                            
*Ngày 30.12.2011, ông Trương Hòa Bình, Phó chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Đức Hòa, xác nhận: “Bà Dung có đến đây tố cáo việc bà phải nộp tiền theo yêu cầu của ông Đến trong quá trình xét xử vụ kiện từ huyện đến tỉnh, nhưng lúc ấy bà cứ tưởng là lệ phí xét xử chớ không biết đó là đưa hối lộ. Chúng tôi đã lập biên bản ghi nhận sự việc, đồng thời yêu cầu bà Dung cung cấp chứng cứ để có cơ sở báo cáo với thường trực Huyện ủy. Tuy nhiên, sự việc kéo dài vì đến nay chúng tôi mới được cung cấp thêm thông tin”.
Chúng tôi cũng liên hệ với ông Lê Văn Lợi, Chánh án TAND tỉnh Long An, để làm rõ sự việc, nhưng ông Lợi cho biết: “Tôi vẫn chưa nhận được thông tin về việc này”.



Vỡ nợ tiền tỉ trong trường học

            Đó là Trưởng tiểu học Long Trung 1, một ngôi trường nghèo ở xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang. Trường có khoảng 25 giáo viên nữ thì 7 người bị nợ với tổng số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. Người gây nợ cũng là cô giáo của trường và là vợ của thầy Phó hiệu trưởng!
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mười thì sự việc được phát hiện từ tháng 7.2011, lúc đó Ban giám hiệu nhận được đơn tố cáo của một số giáo viên nên đã tổ chức cuộc họp để “hòa giải” và yêu cầu cô Trương Thị Thùy Linh (người bị vỡ nợ) có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay cô Linh vẫn chưa thực hiện được cam kết trả nợ. Do vậy ngày 8.12 vừa qua nhà trường tiếp tục tổ chức cuộc họp “hòa giải” lần 2 để các giáo viên an tâm công tác”. Theo biên bản của nhà trường thì cô Linh Lan là người bị nợ nhiều nhất với 126 chỉ vàng 24k và hơn 78 triệu đồng. Ngoài ra, cô Lan còn cho cô Linh “mượn tên” để vay ngân hàng 330 triệu đồng. Tổng cộng, cô Lan bị nợ hơn 900 triệu đồng.

Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp “cho mượn tên” để vay ngân hàng rồi bị ôm nợ, như cô Nguyễn Thị Diệu Hiền vay ngân hàng 40 triệu đồng, tiền hụi 23 triệu đồng và 1 chỉ vàng. Cô Phan Thị Thanh Trúc “mượn giùm” 180 triệu đồng, cô Thái Thị Thu Thủy vay giùm 65 triệu đồng và tiền hụi 40 triệu đồng, cô Lê Thị Kim Quyên bị nợ hơn 70 triệu đồng, cô Nguyễn Thị Báu 70 triệu đồng… Rất bức xúc vì lỡ… cho mượn tiền rồi đòi không được, cô Linh Lan cho biết ngoài tiền của cá nhân, cô còn gom thêm tiền của cha mẹ để đưa cho cô Linh. “Sau khi phát hiện cô Linh đổ nợ vào cuối năm 2010, tôi chỉ yêu cầu cô trả vốn lại thôi nhưng một năm nay không lấy được đồng nào”, cô Lan nói.
Ngày 23.12, sau khi làm việc với hiệu trưởng, thầy Đoàn Phong Phú (chồng cô Linh) đề nghị được “tâm sự” với chúng tôi vì thầy “cũng là một nạn nhân trong gia đình”. Thầy Phú nói việc vợ ông mượn tiền của các cô giáo ông không biết, đến khi đổ bể ra vào thì số nợ quá lớn, chưa kể vợ ông còn thế chấp đất để vay tiền ngân hàng. Nguyên nhân bị vỡ nợ, thầy Phú cho rằng do vợ ông làm trung gian vay tiền của các cô giáo để cho người khác vay lại rồi bị giật. Ông cũng thừa nhận khi huy động vốn, vợ ông có mua hai miếng đất cất nhà mở shop bán quần áo ở chợ Ba Dừa nhưng đã bán một căn để trả nợ. Thầy Phú nói vợ chồng ông sẽ không giật nợ, nhưng vì số tiền quá lớn nên phải trả từ từ. Chúng tôi hỏi trả từ từ chừng bao lâu? Ông nói sẽ cố gắng trả chừng… 2-3 năm!                                      

Giám đốc chiếm đoạt vé số của nhân viên

            Ngày 22.12, anh Trần Nam Phúc (công tác tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An) cho biết anh đã chính thức nộp đơn tại TAND TP Tân An khởi khiện ông Trương Hữu Bình, là giám đốc của mình, để “đòi lại tờ vé số bị chiếm đoạt”.
Theo tường trình của anh Phúc, khoảng 8 giờ sáng ngày 2.12.2011, ông Học (công tác tại Chi cục Thủy lợi Long An) có tới Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An để mua số liệu thủy văn. Tình cờ, có chị Năm Kim vào cơ quan bán vé số nên ông Học mua luôn 2 lốc (một lốc có số cuối cùng là 48 của Công ty XSKT Vĩnh Long và lốc kia có số cuối cùng 29 của Công ty XSKT Bình Dương) để tặng anh chị em có mặt tại cơ quan mỗi người 2 tờ của 2 tỉnh khác nhau. Anh Phúc nêu cụ thể: “Ông Học đã tặng lần lượt từ chú Bình, đến tôi, anh Miên, chị Dưỡng, chị Diệu mỗi người 2 tờ của 2 đài khác nhau. Tới lượt anh Thắng ngồi ở phòng bên cạnh thì hết vé có số đuôi 48 đài Vĩnh Long nên ông Học tặng cho anh Thắng 2 tờ có số đuôi 29 của đài Bình Dương, đồng thời tặng thêm cho chú Bình một tờ nữa của đài Bình Dương có số đuôi 29. Tổng cộng ông Học đã mua 15 tờ vé số, trong đó có 6 tờ của đài Vĩnh Long và 9 tờ của đài Bình Dương”.

Anh Phúc kể tiếp: “Đến khoảng 17 giờ hôm đó, khi tôi đang phụ bán phở tại nhà của chú Bình thì chú tới hỏi 2 tờ vé số được tặng lúc sáng ở đâu đưa chú… dò giùm cho! Vì trong lúc đang lở tay nên tôi bảo chú Bình thò vào túi áo lấy 2 tờ vé số giùm. Một lúc sau, chú Bình nói “vé số không trúng” rồi nhét trở lại vào túi áo của tôi tờ vé số Bình Dương. Thấy vậy, tôi nói vé không trúng còn bỏ vào đây làm gì. Thế là chú Bình lấy luôn tờ vé số đó rồi đi chỗ khác. Khoảng 30 phút sau, khi đang ngồi uống bia chung thì chú Bình mua tặng cho tôi 2 tờ vé số chưa xổ. Đến sáng hôm sau, khi tôi đang trực ở cơ quan thì chị Năm Kim (người bán vé số hôm trước) đến cho biết tờ vé có số đuôi 48 của đài Vĩnh Long trúng độc đắc và an ủi rồi. Lúc đó, chị Năm Kim cho tôi xem 2 tờ trúng giải an ủi có số 063848, còn tờ trúng đặc biệt thì có số 163848”.
Ngay lập tức, anh Phúc chạy tới nhà sếp của mình để… đòi lại tờ vé số Vĩnh Long có số đuôi 48 ngày hôm trước, nhưng ông Bình vẫn bảo “tờ vé số đó không trúng”. Anh Phúc tường trình: “Khi tôi hỏi vậy tờ vé số đó đâu rồi thì chú Bình làm ngơ rồi mặc quần áo vào và bỏ ra ngoài. Trở về cơ quan, gặp lại chú Bình tôi tiếp tục đòi lại tờ vé số thì chú Bình nói “vé số đó không trúng  và đã quăng rồi”. Đến sáng thứ hai (5.12), khi mọi người tới cơ quan thì được biết trong 6 tờ vé số có số đuôi 48 của đài Vĩnh Long được ông Học cho đều trúng giải. Trong đó, chị Dưỡng, chị Diệu, anh Miên, xác nhận đã trúng giải đặc biệt. Ông Học thì cho biết chỉ trúng giải an ủi. Tờ vé số của tôi bị chú Bình lấy. Riêng chú Bình (được cho 3 tờ, 1 tờ Vĩnh Long)  thì nói không trúng tờ nào hết”!
Thế nhưng, anh Phúc không tin và vẫn khẳng định tờ vé số của mình đã trúng giải và bị ông Bình chiếm đoạt. Do vậy, anh quyết nộp đơn khởi kiện ra tòa để đòi lại tờ vé số đã mất.                                             
Sáng qua, chúng tôi đến Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An nhưng ông Bình đi vắng. Trao đổi qua điện thoại, ông Bình khẳng định: “Chuyện đó không có. Cần gì anh cứ đến Công an P.2 (TP Tân An) tìm hiểu vì tôi đã tường trình sự việc ở đó rồi”.
Trong khi đó thì Công an TP Tân An cho biết có nhận được đơn tố cáo của anh Trần Nam Phúc, nhưng vì đây là quan hệ dân sự nên không nhận đơn và đã hướng dẫn anh Phúc nộp đơn khởi khiện ở TAND TP Tân An.

Hát vì người nghèo!

            “Thụ phong linh mục vào năm 2005 tại giáo phận Mỹ Tho, tôi được phân công về làm việc ở các giáo xứ Chợ Bưng, Tân Hiệp và Ba Giồng. Tại các giáo xứ vùng quê này, chứng kiến nhiều cảnh đời còn nghèo khó, không ít học sinh dù rất ham học nhưng không có tiền để học, người tàn tật thiếu phương tiện đi lại… Vì vậy tôi luôn suy nghĩ phải làm điều gì đó để giúp đỡ người nghèo”. Đó là lời trần tình của linh mục JB Nguyễn Tấn Sang, cha sở của giáo xứ Ba Giồng (xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, Tiền Giang).
*Linh mục Nguyễn Sang.
Nhưng muốn làm từ thiện thì phải có tiền, mà linh mục (LM) thì đâu có được phép kinh doanh. Cũng không thể cứ đi xin của người này để cho người khác. Vậy là ông nghĩ ra cách dùng tiếng hát của mình để thu âm những bài thánh ca vào đĩa CD để bán, lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Do vậy mà từ năm 2005, chương trình “Tiếng hát vì người nghèo” đã ra đời. Vì không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nên khi thực hiện album đầu tiên cũng gặp không ít khó khăn. Điều bất ngờ là album đầu tiên với chủ đề “Dấu ấn” được phát hành 500 bản nhưng chỉ trong vòng một tuần đã bán hết. Và sau nhiều lần tái bản, album đầu tiên này đã phát hành đạt con số kỷ lục là 100.000 bản. Sau khi trừ các khoản chi phí, toàn bộ số tiền thu được từ album này được dùng để mua gạo giúp cho người nghèo ngay trong giáo xứ Ba Giồng.
Sau thành công ban đầu, tính đến nay LM Sang đã thu âm được 15 album ca nhạc với số lượng phát hành tổng cộng hơn 750.000 bản CD. Để người nghe không cảm thấy nhàm chán, ông đã làm phong phú chương trình bằng cách mời các ca sĩ Hương Lan, Giao Linh và Khánh Ly tham gia hát trong một số album. Cũng vì vậy, ngoài việc phát hành trong nước, mấy năm gần đây ông đều dành trọn 30 ngày nghỉ phép để sang Mỹ, Úc và Canada phối hợp cùng với các ca sĩ tổ chức chương trình văn nghệ và phát hành CD trong cộng đồng người Việt. Dù không nhận tiền thù lao, nhưng LM Sang cho biết khi ông sang Úc lưu diễn trong 3 tuần tại các thành phố Sydney, Melbourne, Perth và Brisbane thì các ca sĩ Hương Lan, Giao Linh và Khánh Ly đều có mặt đủ 3 tuần. Tại Mỹ, ông đã từng hát ở 6 tiểu bang như California, New Mexico, Atlanta… Tại Canada thì hát ở Montreal và Toronto. Sắp tới ông chuẩn bị lưu diễn ở Anh, Na Uy và Đan Mạch.

Việc các album được phát hành với số lượng lớn đáng ngạc nhiên như vậy, theo LM Sang thì không phải vì giọng hát hay mà còn do cách chọn nhạc. Cụ thể là trong các album không chỉ có những bài thánh ca dành cho giáo dân mà còn có cả những bài hát ca ngợi về công ơn cha mẹ như Lòng mẹ, Ơn nghĩa sinh thành, Còn thương rau đắng mọc sau hè… để phục vụ cho bà con ngoại đạo. Sinh năm 1973, tốt nghiệp ĐH Văn hóa, nhưng theo LM Sang thì sự thành công của ông là nhờ… trời cho cái giọng, đặc biệt là sự đam mê về âm nhạc. Vì vậy, ông luôn hát bằng cái hồn và trái tim của mình nên chinh phục được người nghe.
Qua hơn 6 năm miệt mài làm từ thiện bằng tiếng hát của mình, tính đến nay LM Sang đã cất được 135 căn nhà tình thương cho người nghèo, đã cấp hơn 500 suất học bổng cho học sinh nghèo từ cấp 2 đến đại học, giúp 600 xe lăn và 100 xe lắc tay cho người tàn tật ở nhiều tỉnh, thành. Gạo thì ông nói không nhớ nổi số lượng là bao nhiêu tấn, vì cứ mỗi 2 tháng thì chương trình “Tiếng hát vì người nghèo” lại đến với khoảng 500 người nghèo, không phân biệt tôn giáo. Ngay tại giáo xứ Ba Giồng, cứ vào thứ sáu mỗi tuần nhà thờ đều tổ chức nấu ăn và mang tới tận nhà cho khoảng 100 người có hoàn cảnh khó khăn, dị tật. Ngoài việc giúp mổ sáng mắt cho hơn 5.000 người già , ông còn giới thiệu cho hơn 400 trường hợp được mổ tim, đồng thời trực tiếp giúp tiền để mổ tim cho hơn 20 trường hợp.

Theo nhận xét của giám mục Giáo phận Mỹ Tho Bùi Văn Đọc thì đây là một linh mục tham gia hoạt động từ thiện tiêu biểu nhất của giáo phận. Còn LM Sang thì nói ông cảm thấy rất hạnh phúc vì chương trình “Tiếng hát vì người nghèo” trước đây ông bắt đầu một mình thì nay đã có 850 thành viên tự nguyện tham gia, đồng hành giúp người nghèo vượt qua nghèo khó.                                                                                      

Ở tù vẫn vô tư xài điện thoại!

            Mặc dù đang thụ hình bản án 14 năm tù ở Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), vậy mà từ trong tù, Phan Cao Giang đã sử dụng điện thoại di động để lừa đảo hàng loạt vụ; trong khi theo quy định thì phạm nhân không được phép sử dụng điện thoại, kể cả các vật dụng cứng, sắc nhọn... và được khám xét kỹ trước khi vào trại giam.
*Lừa đảo qua điện thoại
Để thực hiện được hành vi lừa đảo, Phan Cao Giang khai nhận đã thuê của Cù Quốc Toàn (là phạm nhân bị giam chung phòng) 2 điện thoại di động hiệu Nokia để giả danh công an liên lạc ra bên ngoài. Mỗi lần như vậy Giang trả cho Toàn 60.000đ/giờ bằng cách mua thẻ cào nộp vào tài khoản điện thoại. Trước khi ra tay, Giang điện thoại cho bạn gái là Nguyễn Thị Thắm (ngụ ấp Bình Đức 2, xã Bình Hòa, H.Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhờ mua báo và đọc cho y nghe thông tin về các vụ án hình sự vừa xảy ra. Từ điện thoại thuê của Toàn, Giang đã lừa lấy của Công ty CP rau quả Tiền Giang 7 triệu đồng sau khi đơn vị này bị mất trộm 400 triệu đồng, 2.502 USD, một laptop và một máy ảnh vào đêm 3.1.2011. Chỉ trong 3 tháng, Giang khai đã thuê điện thoại của Toàn khoảng 40 lần và đã trả cho Toàn 20 triệu đồng. Việc thanh toán tiền được chuyển vào tài khoản điện thoại của em ruột Toàn tên là Âm, ngụ ở Bình Phước.
Thấy “làm ăn” quá dễ dàng, Giang mua lại điện thoại Nokia của phạm nhân Nguyễn Hồng Phương với giá 2 triệu đồng và từ điện thoại này, Giang thực hiện được 2 vụ lừa ở TX Đồng Xoài (Bình Phước) và 1 vụ ở Tiền Giang. Trong đó có vụ lừa ông Huỳnh Anh Tuấn (xã Thiện Trí, H.Cái Bè, Tiền Giang) lấy 11 triệu đồng sau khi đọc báo biết ông Tuấn vừa bán heo và bị mất trộm 694 triệu đồng. Theo lời khai của Giang thì tháng 3.2011, y đã mua một điện thoại Nokia 6290 để biếu cho một cán bộ quản giáo tên là T. Nhờ vậy mà mỗi khi được ra ngoài lao động, cán bộ T. đã cho Giang mượn điện thoại để liên lạc về gia đình. Nhưng thay vì gọi cho gia đình, Giang đã sử dụng điện thoại của cán bộ T. để thực hiện thêm 2 vụ lừa đảo trên địa bàn Tiền Giang. Như trường hợp chị Tạ Thị Thu (đường Lê Thị Hồng Gấm, P6. TP Mỹ Tho): Ngày 5.4.2011, sau khi bị mất xe gắn máy Air Blade, nạn nhân còn bị lừa thêm 7 triệu đồng. Giang khai mỗi lần mượn điện thoại của cán bộ T. thì y nạp tiền vào tài khoản điện thoại từ 1 đến 2 triệu đồng, còn việc thực hiện hành vi lừa đảo thì cán bộ T. không biết.
*Và “chung, chi” tiền?!
Cũng theo lời khai của Giang thì y đã nhiều lần “chung chi” tiền cho một số cán bộ quản giáo, sau khi bị phát hiện sử dụng điện thoại trong trại giam để thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể, Giang khai đã đưa cho cán bộ H. 5 triệu đồng để nhờ người này đưa lại giùm cho cán bộ L. (cấp trên của ông H.) ở Trại giam Xuyên Mộc. Lý do đưa tiền, Giang giải thích rằng do cán bộ quản giáo S. yêu cầu, vì theo cán bộ S. thì cán bộ L. đã biết việc Giang sử dụng điện thoại trong trại giam. Ngoài số tiền phạm tội mà có, Giang còn yêu cầu gia đình “chi viện” thêm để chi cho một số cán bộ. Chẳng hạn như ngày 19.4.2011 Giang mua 2 vé máy bay cho cán bộ T. về quê với số tiền 2,8 triệu đồng, thông qua một người bạn tên Tuấn Anh đang làm việc tại phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoài 8 triệu đồng nạp vào tài khoản điện thoại di động, Giang khai còn mua tặng cho cán bộ T. một dàn máy nghe nhạc giá 3 triệu đồng, một điện thoại Nokia giá 1.390.000đ và 1 triệu đồng tiền mặt…
Đối với cán bộ S., Giang khai đã “chi” 5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại di động giá 1,4 triệu đồng và 3 lần nạp tiền vào tài khoản điện thoại tổng cộng 1,7 triệu đồng. Riêng cán bộ H., Giang khai đã chi 2,8 triệu đồng tiền mặt, 3 chai rượu, đồng thời điện thoại về gia đình yêu cầu chuyển vào tài khoản của cán bộ H. nhiều lần tổng cộng 10 triệu đồng. Ngoài ra, Giang còn khai đã chi tiền cho 5 cán bộ khác tổng cộng hơn 7 triệu đồng và một máy laptop hiệu Dell giá 7 triệu đồng. Chơi “xộp” hơn, Giang còn mua “tặng” cho trại giam một tivi hiệu LG giá 3,8 triệu đồng!
Đáng lưu ý, theo lời khai của Giang thì y biết rõ có 15 phạm nhân như Cu Lãnh, Khôi Đen, Hiền Lúa, Phúc Nhóc, Hùng Bắc, Lâm Bi… mỗi khi được ra ngoài lao động đã liên lạc bằng điện thoại để mua ma túy đem vào trại giam bằng cách bỏ vào ống hút ngậm trong miệng, hoặc nhét vào hậu môn để không bị cán bộ quản giáo phát hiện. Sau đó, họ đem bán lại cho các phạm nhân nghiện với giá từ 5 đến 10 triệu đồng một tép.                           
*Tù nhân Phan Cao Giang còn lừa 7 vụ khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như ngày 9.11.2010, sau khi bị tạm giữ về hành vi đánh bạc thì gia đình Phan Văn Tám nhận được điện thoại của một người tự xưng là “cán bộ Công an H.Châu Thành”, nói Tám bị té đập đầu chấn thương nặng. Muốn được chăm sóc tốt thì mua thẻ cào điện thoại và nhắn mã số vào số máy 016756… 2,5 triệu đồng. Ngày 14.11.2010, sau khi gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, gia đình tài xế Cao Quốc Hiền nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an Tiền Giang, cho biết Hiền đập đầu vào tường tự sát. Muốn thăm hoặc nói chuyện qua điện thoại với Hiền thì nhắn mã số 8 thẻ cào điện thoại di động vào số máy 012074...
Lật lại hồ sơ cho thấy Giang có nhiều tiền án, tiền sự: Năm 1993 và 1996 đã bị Công an Q.4 và Công an Q.10 TPHCM bắt về hành vi trộm cắp tài sản. Từ năm 1997 đến năm 2006 4 lần bị phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, năm 2000 đã bị Tòa án Quân khu 7 xử phạt 8 năm tù; năm 2005 bị TAND Q.1, TP.HCM phạt 9 năm tù và ngày 30.3.2006 bị TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phạt 5 năm tù...

Khu vườn lạ của chàng trai trẻ

            Một chàng trai trẻ lại có sự đam mê kỳ lạ với hoa mai và cổ vật, vốn là thú tiêu khiển xưa nay của những người… già! Nhưng cũng từ đam mê đó anh đã tạo ra một khu vườn rất lạ.
*“Sốc” vì khu vườn… lạ
Nếu bạn đi từ hướng Sài Gòn về Bến Tre, qua trạm thu phí cầu Rạch Miễu, tới ngã tư An Khánh rẽ phải theo tỉnh lộ 883, đi chừng 4 cây số rồi hỏi “khu vườn lạ” thì ai cũng biết. Lạ bởi vì ở giữa vùng cây trái xum xuê của vùng sông nước Cửu Long, lại có một khu vườn chỉ trồng toàn… hoa mai, không phải là sầu riêng, là chôm chôm hoặc bưởi da xanh, những đặc sản nổi tiếng của vùng này. Đó là một khu vườn rộng gần 7.000 m2 tràn ngập sắc vàng rực rỡ với vô số những cội mai già, đủ kiểu dáng vào mỗi độ xuân về, khiến khách qua đường ai cũng phải ghé mắt, dừng chân.

Chủ nhân của khu vườn lạ đó là Trần Thanh Giang, 34 tuổi, một doanh nhân trẻ khá thành đạt và… chưa vợ. Tốt nghiệp trường luật năm 2002, Giang không theo nghề mà lại đi làm cho một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện. Một năm sau, anh lập công ty riêng có trụ sở chính đặt tại thị trấn Châu Thành (Bến Tre), nhưng phạm vi hoạt động trên cả nước. Điều kỳ lạ là bao nhiêu vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh, anh đã dốc hết để mua một khu vườn tại ấp 1, xã Phú Túc (H.Châu Thành) chỉ để trồng… mai! Bấy giờ, nhiều nông dân trong vùng hết sức ngạc nhiên và tiếc rẻ khi thấy anh đốn bỏ hết vườn sầu riêng hạt lép và nhãn xuồng cơm vàng đang cho hoa lợi để trồng mai, một loại cây chỉ ra hoa mỗi năm một lần vào Tết Nguyên đán. Cứ trồng mai đến đâu thì anh đốn bỏ sầu riêng và nhãn tới đó. Hàng xóm thấy vậy có người nghĩ anh chàng này vừa có tiền đã chơi ngông hoặc hơi bị… khùng!
Bà Trần Thị Bạch Thủy, mẹ Giang, nhớ lại: “Lúc đầu nghe con trai khoe mới mua được miếng vườn gần một tỉ đồng nằm cạnh đường giao thông, lại trồng toàn cây ăn trái đặc sản, tôi mừng lắm vì đây là thành quả đầu tiên của con sau mấy năm ra trường. Nhưng rồi sau đó tôi hết sức bất ngờ và bị sốc khi Giang đã cho đốn sạch hết cây ăn trái để trồng… mai. Tiếc quá, nhưng lúc đó tôi chỉ còn biết lắc đầu vì không thể nào ngăn cản con được. Còn Giang thì chỉ cười và giải thích rằng nó mua đất là để trồng mai chớ không phải làm vườn. Vậy là từ 4 gốc mai có sẵn, đến bây giờ khu vườn của Giang đã sưu tập được gần 700 gốc mai với đủ chủng loại, hình dáng, giá trị khác nhau, với giá mua vào từ 5-7 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi gốc.
Không giải thích được vì sao lại quá yêu thích cây mai, Giang chỉ nói đó là niềm vui và ước mơ của anh từ thuở nhỏ. Giang “mê” mai đến nổi mỗi khi đến đâu anh đều “cài” vệ tinh lại với lời dặn “nếu thấy có ai bán mai đẹp thì làm ơn gọi giùm”. Không chỉ săn lùng ở các tỉnh miền Tây mà anh còn bỏ công lặn lội ra tận Bình Dương, Bình Phước để tìm mai độc. Mẹ anh kể có lần vừa mổ ruột thừa được một ngày và còn đang nằm viện, không chịu ni khi xem hình ảnh cây mai cổ thụ rất đẹp đang rao bán, anh đã bay sang Campuchia để tận mắt xem cây mai thật đẹp đến mức nào. Cũng chính vì vậy mà bao nhiêu lợi nhuận từ kinh doanh anh đổ hết vào vườn mai. Sau 4 năm, Giang đã đầu tư vào vườn mai gần 6 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2009 hơn 3 tỉ đồng.
*Ngôi nhà toàn bằng… dừa!
Năm 2008, ở giữa khu vườn mai, Giang tự thiết kế và cất một căn nhà cũng hết sức độc đáo và lạ mắt. Từ mái, vách, cột, kèo, giường ngủ, nội thất, tất cả đều được làm từ gỗ của gần… 1000 cây dừa. Riêng nền thì được lát bằng… gốm. Ngôi nhà thi công ròng rã suốt 3 năm mới hoàn thành. Lúc đầu Giang cất nhà định chuẩn bị cưới vợ. Nhưng nhà làm xong thì lại chứa toàn cổ vật, mà chủ yếu là bộ sưu tập hàng trăm chiếc chậu và đôn bằng gốm sứ cổ với hình tượng con voi đủ các kiểu được làm từ cuối thế kỷ19 và đầu thế kỷ 20 từ làng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa.

Theo Giang thì: “Dòng gốm Cây Mai có giá trị không chỉ do có niên đại lâu đời mà còn ở sự sắc sảo trong chế tác mẫu mã, các chi tiết hoa văn khéo léo và kỹ thuật sử dụng men của nghệ nhân người Việt xưa. Thoạt nhìn tưởng như thô mộc, đơn giản, nhưng ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn mực trong tạo hình bố cục hài hòa. Đặc biệt gốm Cây Mai có nước men bóng, bền với thời gian và hoa văn trang trí trên sản phẩm sắc nét đến từng chi tiết nhỏ. Vì vậy, có những chiếc đôn hình con voi thuộc dòng gốm Cây Mai hiện có giá chừng vài chục triệu đồng nhưng không dễ tìm”.
               *Vườn mai của Giang hầu hết là loại mai vàng nguyên thủy, nhưng chủng loại rất đa dạng từ 5, 6, 8 cánh đến 12 cánh. Có một loại mai cúc đến 150 cánh nhưng đó là loại mai được lai tạo nên anh không xem là quý. Màu sắc của hoa cũng đa dạng, từ vàng, vàng nhạt, vàng đậm đến hơi đỏ hoặc màu cam. Có loại cánh hoa dài, có loại cánh hoa tròn. Có loại tỏa mùi thơm nhưng có loại không thơm, loại mai ra chồi màu xanh thì thơm hơn loại ra chồi màu tím.                                                                                                      

Một vụ án còn nhiều khuất tất

          Theo hồ sơ vụ án thì vào rạng sáng ngày 19.1.2011, sau khi nhà báo Lê Hoàng Hùng bị phóng hỏa, một số nhân chứng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường và tham gia chữa cháy như các ông Trần Văn Mến, Nguyễn Văn Sữa, Nguyễn Công Anh và Trần Trọng Nghĩa… đã được cơ quan điều tra lấy lời khai. Nhưng theo LS Nguyễn Văn Đức, người đại diện quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại, thì ngay chính lời khai của các nhân chứng này vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn. Do vậy ông đã kiến nghị TAND tinh Long An trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì không thể đưa vụ án ra xét xử khi còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Cụ thể, theo biên bản ghi lời khai vào lúc 4 giờ sáng ngày 19.1 (bút lục số 311) thì ông Trần Trọng Nghĩa (quê xã Quốc Tuấn, H.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là kỹ sư xây dựng công trình gần nơi xảy ra vụ án) thì: “Khoảng 1 giờ 30, nghe tiếng la lớn bên nhà của anh Hùng, tôi ra xem thì thấy lầu 1 nhà anh Hùng bốc cháy. Tôi đi vòng ra sau nhà mở cửa chạy qua thì thấy cửa tầng trệt đã mở, cửa rào phía trước đã mở. Tôi chạy về nhà bưng qua một thùng nước lên lầu 1 tạt vào phòng ngủ của anh Hùng…” Tương tự, lời khai của ông Nguyễn Công Anh (là công nhân xây dựng, quê Hà Tĩnh) cho biết: “Nghe có tiếng kêu cứu, tôi ngồi dậy nhìn sang thì thấy ở lầu 1 nhà ông Hùng có lửa cháy. Tôi chạy sang nhà Nghĩa và cùng anh Nghĩa chạy sang nhà ông Hùng… Khi chạy đến nhà ông Hùng, thấy ông già ba của chị Liễu từ nhà chạy qua thì cửa rào và cửa chính tầng trệt đã mở… (bút lục số 305)”

Trùng khớp với lời khai của hai nhân chứng trên, tiếp xúc với chúng tôi ngày 1.3.2011, gia đình bị can Trần Thúy Liễu, mà cụ thể là ông Trần Văn Mến và bà Trần Thúy Nga (cha và chị bà Liễu) kể: Ngay khi ông Hùng bị phóng hỏa, ông Trần Văn Mến (lúc đó đang ngủ ở trại gà cạnh nhà ông Hùng) nghe tiếng la chạy sang thì thấy cửa chính vào nhà ông Hùng chỉ khép lại mà không khóa. Trong khi đó thì cháu Lê Hồng Châu (con ông Hùng) cho biết ngay khi nghe tiếng ông Hùng kêu cứu, cháu nghe có tiếng chân người chạy “bịch, bịch” rất nhanh từ trên lầu xuống cầu thang
Tuy nhiên, theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An ngày 20.10.2011 thì: “Sau khi nghe tiếng la cháy, ông Trần Văn Mến và anh Trần Trọng Nghĩa chạy đến trước sân nhà Liễu đều xác định cửa chính tầng trệt nhà Liễu khóa kín không vô được”. Ngoài ra, căn cứ vào bản kết luận giám định ngày 9.2.2011 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Long An thì: “Để luồng vòng tròn của đầu sợi dây vào thanh sắt tạo thành nút trượt, đối tượng phải ở trên ban công luồn vào và thả sợi dây xuống đất. Do vậy, không thể có người đu trên sợi dây để leo lên lầu 1 hoặc thoát từ ban công lầu 1 nhà Hoàng Hùng xuống mặt đất”. Chính từ các căn cứ nói trên nên kết luận điều tra cũng như cáo trạng đã kết luận bị can Trần Thúy Liễu chỉ hành động một mình, vụ án không có đồng phạm. Thế nhưng, ai cũng hiểu sợi dây dù chỉ là hiện trưởng giả và đương nhiên, nếu vụ án có đồng phạm thì đồng phạm cũng không leo vào nhà nạn nhân bằng sợi dây dù mà phải vào và thoát ra từ cửa chính. Mặt khác, theo lời khai của bà Đặng Thị Nguyệt Sương thì ngày 17.1 có bán cho người đàn ông sợi dây dù 10 m và không nhớ có bán sợi dây dù 12 m cho người phụ nữ nào, nhưng tình tiết này cũng chưa được làm rõ.
Sau khi vụ án xảy ra, bị can Trần Thúy Liễu khai rằng nguyên nhân dẫn đến việc phóng hỏa giết chồng vì uất ức, do bị ông Hùng thường xuyên đánh đập, trong khi những người thân của bị can Liễu đều khẳng định vợ chồng ông Hùng ít xảy ra cãi vã, đồng thời chưa ai thấy ông Hùng đánh vợ bao giờ. Về việc này, trong biên bản hỏi cung ngày 12.8.2011, khi được hỏi: “Việc bị can cho rằng Lê Hoàng Hùng đánh nhiều lần Nhung và Châu có biết không?” Bị can Liễu trả lời: “Nhung và Châu có biết và thấy Hùng đánh tôi khi còn ở nhà cũ 1-2 lần. Còn khi về nhà mới thì không thấy, ngay cả cãi lộn cũng không cho con biết”.
Khi điều tra viên hỏi việc bị cáo có thai có báo cho Hùng và Tâm biết không? Liễu nói: “Tôi không báo nhưng Hùng phát hiện giấy siêu âm nên Hùng biết nhưng không nói gì, mà chỉ chửi bóng gió thôi. Còn Tâm thì tôi báo là có thai, Tâm chịu và hỏi tôi tính thế nào? Tôi tự uống thuốc phá thai”.                                                                         

Nam Phương Hoàng hậu

          Nam Phương Hoàng hậu là vợ của vua Bảo Đại, là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà cũng là trường hợp duy nhất được phong hoàng hậu khi còn sống. Như vậy, trong thời nhà Nguyễn, vùng đất Gò Công có hai người được phong hoàng hậu, cách nhau 112 năm.
            Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nam Phương Hoàng hậu tên là Nguyễn Hữu Thị Lan, còn có tên thánh là Marie Thérèse, sinh ngày 4.12.1914, năm Giáp Dần, là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, người tỉnh Gò Công, là một trong 4 người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20 và là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, một gia đình giàu có bậc nhất Nam Kỳ thời bấy giờ. Ông Đạt là người bỏ tiền ra xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ ở Q.1 và nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp, TP.HCM.

Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan khi đó 12 tuổi, được gia đình gửi sang Pháp học tại trường dòng Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris. Năm 1932, sau khi thi đậu tú tài bà trở về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Cùng đi trên chuyến tàu này còn có Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh năm 1913, sau 11 năm du học ở Pháp, trở lại quê nhà. Gần một năm sau đó, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace, Đà Lạt, bà gặp vua Bảo Đại, tức Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ngày 20.3.1934 bà được tấn cung, vào ở điện Kiến Trung và 4 ngày sau được tấn phong là Nam Phương Hoàng hậu.
Giải thích về danh hiệu Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã viết: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng và Nam Phương còn có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud). Trong khi đó thì Nam Phương Hoàng hậu cũng tiết lộ về cuộc hội ngộ: “Hôm đó Đốc lý TP Đà Lạt là ông Darle gửi giấy mời cậu Lê Phát An và tôi đến dự dạ tiệc ở hotel Palace. Chúng tôi đến trễ nên buổi dạ tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi định kéo ghế ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo vô nhà. Khi cánh cửa phòng khách mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành ở giữa nhà. Ông Darle bước tới cạnh nhà vua, nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói: “Tâu hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse”… Tôi đến trước mặt hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy. Nhà vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi lên theo nhịp điệu tango…”

Theo nhiều tài liệu ghi chép thì vua Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan ngay từ lần gặp đầu tiên vì vẻ đẹp thùy mị, đoan trang của người con gái đất phương Nam, hiền lành và quyến rũ. Tuy nhiên, khi nhà vua ngỏ lời xin hỏi cưới thì nhà gái ra điều kiện: Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu chánh cung ngay trong ngày cưới. Được giữ nguyên đạo Công giáo, riêng nhà vua thì vẫn giữ đạo Phật. Phải được tòa thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau... Nam Phương hoàng hậu nổi tiếng là xinh đẹp, từng 3 lần đoạt giải hoa hậu Đông Dương. Bà mang quốc tịch Pháp và theo đạo Công giáo. Chính vì vậy mà cuộc hôn nhân giữa bà và nhà vua gặp phải nhiều phản đối của triều đình. Nhưng rồi hôn lễ vẫn được cử hành ngày 20.3.1934 tại điện Cần Chánh, trước sự chứng kiến của triều thần và đại diện nước Pháp. Hôn lễ được tổ chức ngắn gọn, đơn giản. Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Theo sử sách thì sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ, bởi vì trong 12 đời vua triều Nguyễn trước đó, các bà vợ vua chỉ được phong tước vương phi, đến khi mất mới được truy phong hoàng hậu.
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 30.8.1945 vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ tổ chức ở Ngọ Môn, để trao quốc ấn lại cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nam Phương Hoàng hậu được đánh giá là người thiết tha với đất nước. Khi thực dân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh có ý đồ tái chiếm lại thuộc địa Việt Nam, đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang gánh chịu, Hoàng hậu Nam Phương đã gửi thông điệp cho bạn bè ở châu Á yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của thực dân Pháp. Nam Phương Hoàng hậu là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta tháp tùng cùng nhà vua trong các chuyến công cán ra ngoại quốc với vai trò đệ nhất phu nhân. Bà cũng là hoàng hậu đầu tiên xuất cung tham gia các hoạt động xã hội như thăm các cô nhi viện, thăm trường nữ Trung học Đồng Khánh, và ngày chủ nhật bà cũng đi lễ nhà thờ như một người dân bình thường.                                                                      

Năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam sang Pháp định cư. Đến năm 1958, bà lại rời bỏ kinh thành Paris về sống lặng lẽ cùng với các con ở làng Chabrignac xa xôi, hẻo lánh cách 500 cây số về phía nam, thuộc tỉnh Corrèze, vùng Limousin, miền Tây Nam nước Pháp. Trong suốt 5 năm sống ở điền trang La Perche, vào đầu năm 1962 người ta thấy cựu hoàng Bảo Đại có ghé thăm 3 lần vào dịp đám cưới công chúa Phương Liên. Ngày 14.9.1963, khi vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 cây số trở về, Nam Phương Hoàng hậu cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời tới thăm cho rằng bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày thì khỏi. Nhưng rồi cơn đau tiếp tục hoành hành vì chứng lao hạch tràng hạt. Trước khi người bác sĩ thứ hai kịp đến thì Hoàng hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở. Bà ra đi trong sự cô đơn, lạnh lẽo, vì ngoài 2 người giúp việc nhà, không có người thân nào ở bên cạnh. Khi đó các con của bà đang đi học hoặc đi làm ở tận Paris, còn cựu hoàng Bảo Đại thì sống ở miền Nam nước Pháp.
            Được biết, trong đám tang của vợ cựu hoàng Bảo Đại không có mặt. Ngoài 2 hoàng tử và 3 công chúa thì không còn có người thân thích nào khác. Người quen đến dự đám tang thì có công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi, cùng vài viên chức Pháp tại địa phương. Mộ phần của bà được đặt tại nghĩa trang Chabrignac, với tấm bia đá mặt trước ghi bằng tiếng Pháp: “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan). Mặt sau tấm bia khắc dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam phương Hoàng hậu chi mộ” (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).                                                                                   

Hoàng thái hậu đất Gò Công

               Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Nguyễn trị vì 143 năm với 13 đời vua và 13 hoàng hậu. Trong đó, có 2 bà hoàng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt vì đức độ và tấm lòng nhân hậu là Hoàng thái hậu Từ Dũ và Nam Phương Hoàng hậu. Cả hai bà đều sinh ra ở đất Gò Công, Tiền Giang.
            Hoàng thái hậu Từ Dũ là vợ vua Thiệu Trị (1807-1847) và là mẹ của vua Tự Đức. Bà tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ 1810 tại làng Sơn Quy, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là con gái của Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.
*Lăng Hoàng gia Gò Công được xây dựng vào năm 1826.
                                     
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, thuở nhỏ bà thích đọc sách, thông kinh sử, tính tình rất hiếu hạnh, nổi tiếng xinh đẹp và thông minh. Năm 12 tuổi, mẹ bị bệnh, bà một mình lo cơm nước, thuốc men. Khi mẹ mất, bà than khóc mãi nên xa gần đều biết tiếng. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ kế vua Gia Long) tuyển vào cung cho hầu Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Vì đức hạnh và tính tình thuận thảo nên rất được sủng ái. Năm Giáp Thân 1824, bà sinh Diêm Phúc công chúa, năm sau lại sinh công chúa Uyên Ý. Năm Kỷ Sửu 1829 bà sinh người con thứ 3 là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức Dực Tông Anh Hoàng đế (vua Tự Đức).
Bà là người kính cẩn nghiêm trang, cử chỉ hợp lễ. Những lúc có khánh hạ triều bái trong cung bà luôn giữ đúng lễ nghi, được mọi người kính nể. Năm 1841, khi Miên Tông lên ngôi (vua Thiệu Trị), bà được phong cung tần rồi 2 năm sau được phong thần phi. Đến năm Thiệu Trị thứ 6, bà được phong làm giai phi rồi nhất giai phi. Năm 1842, khi nhà vua ra Bắc làm lễ thụ phong, bà được theo hầu cạnh vua. Những tín vật và ấn triện vua đều giao cho bà cất giữ. Những đêm vua mãi đọc sách đến khuya, bà hầu cận không biết mệt mỏi, nhiều khi gà gáy sáng mới ăn cơm tối. Năm 1843 bà được phong làm thành phi, đến năm 1846 được phong quí phi.
Sử sách chép rằng Hoàng thái hậu Từ Dũ có tính nhớ dai. Những việc xưa trong sách hoặc những điều ghi chép trong văn thư bà chỉ cần đọc qua là nhớ ngay, mỗi khi vua hỏi bà đều trả lời chính xác. Ở trong cung bà luôn hết lòng nuôi dạy các hoàng tử và công chúa. Khi vua đau nặng bà kề cận ngày đêm, được vua căn dặn những việc về sau. Năm 1847 vua Thiệu Trị mất, con trai bà là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Sau khi lên ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà luôn từ chối. Mãi đến năm 1849 bà mới nhận Kim bảo và tôn hiệu Hoàng thái hậu. Năm 1883, vua tự Đức mất để lại di chiếu tấn tôn bà làm Thái hoàng Thái hậu, nhưng vì lúc bấy giờ việc nước rối ren nên mãi đến năm 1885 vua Hàm Nghi mới làm lễ tôn phong bà theo di chiếu.

Theo Trần Trọng Kim kể lại trong “Việt Nam sử lược” thì: “Đức Từ Dũ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Mỗi khi Đức Từ Dũ ban câu chi hay thì vua Tự Đức biên ngay vào quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục. Một hôm rảnh việc nước, vua ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn 2 ngày nữa là có kị Đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột, sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường thì gặp thuyền ngự đang chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới về tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng vào cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Vua bèn lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà bảo rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi mà để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Vua lạy tạ lui về và nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự”.
Sách sử cũng kể rằng Đức Từ Dũ thường thẳng thắn phê phán tệ tham ô, chức quyền trong triều chính. Bà nói: “Từ xưa đến nay quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm người nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ”. Bà cũng khuyên vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan. Phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc, chỉ sợ bất tài mà thôi. Đối với kẻ làm điều trái phép, hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương…”
Trong khi đó thì bà rất quý trọng các trung thần, muốn triều đình có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung mẫn cán, không từ nan việc mệt nhọc. Bà nói: “Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm. Ngặt vì còn có những quan tham bóc lột của dân không chán mà lại không biết hối cải”. Theo bà thì “của bất nghĩa sẽ không tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười. Chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài”.


Chuyện kể rằng khi Phạm Phú Thứ làm quan ở Viện Tập Hiền, chỉ vì khẳng khái can gián vua mê đàn hát, quên việc triều chính mà bị giáng chức cho xuống làm lính. Khi Đức Từ Dũ biết được, bà đã khuyên vua: “Chính ông Thứ mới là bề tôi trung, dám can vua. Còn kẻ xu nịnh, cúi đầu vâng dạ để lấy lòng bề trên, chắc gì họ hết lòng vì hoàng đế”. Nghe lời mẹ dạy, vua Tự Đức đã quỳ lại mẹ có tấm lòng nhân hậu và sau đó tha cho Phạm Phú Thứ.
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì bà là người có đức lớn, yêu nước, thương dân, là người vợ biết chăm lo cho chồng, người mẹ hiền nghiêm khắc răn dạy con. Những lời dạy của bà đều được vua Tự Đức ghi lại trong sách Từ Huấn Lục. Bà thường lấy chữ Khiêm mà khuyên răn. Bà mất ngày 22.5.1901, tức mùng 5 tháng 4 năm Tân Sửu (có tài liệu nói 12.5.1902, mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần), thọ 92 tuổi, đươc an táng tại lăng Xương Thọ, Thừa Thiên-Huế. Ở Tiền Giang hiện nay có khu lăng Hoàng gia tọa lạc tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Tại đây có mộ của Đức quốc công Phạm Đăng Hưng, là thân phụ bà Từ Dũ, ông ngoại vua của Tự Đức và nhà thờ họ Phạm, được xây cất vào năm 1826.