Theo đại tá Lê Dũng thì “có khi cơ quan công quyền lại quá lo cho dân”. Ví dụ như Luật hôn nhân gia đình quy định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Vì vậy, khi người dân đăng ký quyền sở hữu do một người đứng tên, nếu có vấn đề phát sinh thì người vợ hoặc chồng sẽ khởi kiện và tòa sẽ xử. Trong khi đó thì cơ quan công quyền lại yêu cầu người dân phải chứng minh đây là tài sản riêng thì mới được đăng ký. Có những thủ tục khi hỏi ở cơ quan thuế thì được biết đã bỏ rồi, nhưng ở bên dưới vẫn đòi. Khó hiểu nhất là khi làm thủ tục xin cấp chủ quyền nhà, cơ quan thuế đòi người dân phải có hóa đơn đỏ mua vật liệu xây dựng để chứng minh là tự xây dựng. Ông Dũng đặt vấn đề: “Nếu sợ trốn thuế tại sao không quản lý người bán mà lại quản lý người mua?”
Theo nghị định của Chính phủ thì một việc không trả hồ sơ để người dân bổ sung quá 2 lần, trừ trường hợp do người dân thiếu sót. “Nhưng theo ông Dũng thì ở cấp xã có những trường hợp người dân phải bổ sung tới 5 lần, thậm chí tới… 7 lần! Thậm chí, có những trường hợp người dân đã cất nhà ở từ trước ngày 15.10.1993 rất lâu, nhưng chẳng rõ do sơ suất của ai mà khi được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp lại không nói tới đất ở. Thế là bây giờ người dân buộc phải đi “xin” quyền sử dụng đất ở. Nhưng khi cấp xã làm xong, nộp về trên thì trên lại “phán” trường hợp này sai pháp luật, phải thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, phải tổ chức thanh tra và phải lập lại hồ sơ hết sức nhiêu khê. Chính vì vậy mà tại UBND xã Đạo Thạnh còn tồn đọng hơn 300 hồ sơ nằm trong hộc tủ, trong khi ở xã Trung An thì còn hơn 1.000 hồ sơ, không giải quyết được cho dân”, ông Dũng bức xúc.
Cũng theo ông Dũng thì sau khi UBND TP Mỹ Tho ban hành quyết định 02 về quy hoạch xây dựng thì ở cấp xã lại phát sinh vấn đề hết sức rắc rối. Cụ thể là khi người dân có nhu cầu sang nhượng đất, nếu như thửa đất đó chưa có sẵn đường đi thì chính quyền yêu cầu người dân phải cắt ra để làm đường đi rộng 4m, gọi là thỏa thuận quy hoạch, kể cả đất của cha sang tên cho con! Điều này, theo ông Dũng thì quyết định 02 của UBND TP Mỹ Tho không có đề cập đến, nhưng khi thực hiện thì chính quyền cơ sở lại đặt ra, làm khó dân.
Kỳ lạ hơn, ngay tại Sở Tài nguyên-Môi trường Tiền Giang lại có quy định khi người dân sang nhượng đất buộc phải trích biên bản đo đạc, trong khi chính cơ quan này thiết lập và giữ biên bản nhưng lại buộc người dân phải đi trích lục để đi nộp cho mình. Rồi người dân còn bị yêu cầu phải nộp thông báo miễn thuế thu nhập cá nhân, bằng bản chính, trong khi ngành thuế lại nói chỉ có một bản chính, không thể giao cho người dân. Ông Dũng nói: “Nếu gọi là một cửa liên thông thì tại sao ngành tài nguyên-môi trương không mang bản photocopy đi đối chiếu với ngành thuế mà lại bắt dân phải làm, lại còn đòi bản chính, cái mà người dân không có?”
Và ông Dũng cảnh báo: “Chính vì bị làm khó, rắc rối như vậy nên người dân nản chỉ, không muốn làm. Hậu quả là khi có giải tỏa, đền bù thì sẽ phát sinh khiếu kiện, lúc đó càng khó hơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét