Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nam Phương Hoàng hậu

          Nam Phương Hoàng hậu là vợ của vua Bảo Đại, là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà cũng là trường hợp duy nhất được phong hoàng hậu khi còn sống. Như vậy, trong thời nhà Nguyễn, vùng đất Gò Công có hai người được phong hoàng hậu, cách nhau 112 năm.
            Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nam Phương Hoàng hậu tên là Nguyễn Hữu Thị Lan, còn có tên thánh là Marie Thérèse, sinh ngày 4.12.1914, năm Giáp Dần, là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, người tỉnh Gò Công, là một trong 4 người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20 và là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, một gia đình giàu có bậc nhất Nam Kỳ thời bấy giờ. Ông Đạt là người bỏ tiền ra xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ ở Q.1 và nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp, TP.HCM.

Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan khi đó 12 tuổi, được gia đình gửi sang Pháp học tại trường dòng Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris. Năm 1932, sau khi thi đậu tú tài bà trở về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Cùng đi trên chuyến tàu này còn có Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh năm 1913, sau 11 năm du học ở Pháp, trở lại quê nhà. Gần một năm sau đó, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace, Đà Lạt, bà gặp vua Bảo Đại, tức Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ngày 20.3.1934 bà được tấn cung, vào ở điện Kiến Trung và 4 ngày sau được tấn phong là Nam Phương Hoàng hậu.
Giải thích về danh hiệu Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã viết: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng và Nam Phương còn có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud). Trong khi đó thì Nam Phương Hoàng hậu cũng tiết lộ về cuộc hội ngộ: “Hôm đó Đốc lý TP Đà Lạt là ông Darle gửi giấy mời cậu Lê Phát An và tôi đến dự dạ tiệc ở hotel Palace. Chúng tôi đến trễ nên buổi dạ tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi định kéo ghế ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo vô nhà. Khi cánh cửa phòng khách mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành ở giữa nhà. Ông Darle bước tới cạnh nhà vua, nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói: “Tâu hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse”… Tôi đến trước mặt hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy. Nhà vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi lên theo nhịp điệu tango…”

Theo nhiều tài liệu ghi chép thì vua Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan ngay từ lần gặp đầu tiên vì vẻ đẹp thùy mị, đoan trang của người con gái đất phương Nam, hiền lành và quyến rũ. Tuy nhiên, khi nhà vua ngỏ lời xin hỏi cưới thì nhà gái ra điều kiện: Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu chánh cung ngay trong ngày cưới. Được giữ nguyên đạo Công giáo, riêng nhà vua thì vẫn giữ đạo Phật. Phải được tòa thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau... Nam Phương hoàng hậu nổi tiếng là xinh đẹp, từng 3 lần đoạt giải hoa hậu Đông Dương. Bà mang quốc tịch Pháp và theo đạo Công giáo. Chính vì vậy mà cuộc hôn nhân giữa bà và nhà vua gặp phải nhiều phản đối của triều đình. Nhưng rồi hôn lễ vẫn được cử hành ngày 20.3.1934 tại điện Cần Chánh, trước sự chứng kiến của triều thần và đại diện nước Pháp. Hôn lễ được tổ chức ngắn gọn, đơn giản. Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Theo sử sách thì sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ, bởi vì trong 12 đời vua triều Nguyễn trước đó, các bà vợ vua chỉ được phong tước vương phi, đến khi mất mới được truy phong hoàng hậu.
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 30.8.1945 vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ tổ chức ở Ngọ Môn, để trao quốc ấn lại cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nam Phương Hoàng hậu được đánh giá là người thiết tha với đất nước. Khi thực dân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh có ý đồ tái chiếm lại thuộc địa Việt Nam, đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang gánh chịu, Hoàng hậu Nam Phương đã gửi thông điệp cho bạn bè ở châu Á yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của thực dân Pháp. Nam Phương Hoàng hậu là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta tháp tùng cùng nhà vua trong các chuyến công cán ra ngoại quốc với vai trò đệ nhất phu nhân. Bà cũng là hoàng hậu đầu tiên xuất cung tham gia các hoạt động xã hội như thăm các cô nhi viện, thăm trường nữ Trung học Đồng Khánh, và ngày chủ nhật bà cũng đi lễ nhà thờ như một người dân bình thường.                                                                      

Năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam sang Pháp định cư. Đến năm 1958, bà lại rời bỏ kinh thành Paris về sống lặng lẽ cùng với các con ở làng Chabrignac xa xôi, hẻo lánh cách 500 cây số về phía nam, thuộc tỉnh Corrèze, vùng Limousin, miền Tây Nam nước Pháp. Trong suốt 5 năm sống ở điền trang La Perche, vào đầu năm 1962 người ta thấy cựu hoàng Bảo Đại có ghé thăm 3 lần vào dịp đám cưới công chúa Phương Liên. Ngày 14.9.1963, khi vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 cây số trở về, Nam Phương Hoàng hậu cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời tới thăm cho rằng bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày thì khỏi. Nhưng rồi cơn đau tiếp tục hoành hành vì chứng lao hạch tràng hạt. Trước khi người bác sĩ thứ hai kịp đến thì Hoàng hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở. Bà ra đi trong sự cô đơn, lạnh lẽo, vì ngoài 2 người giúp việc nhà, không có người thân nào ở bên cạnh. Khi đó các con của bà đang đi học hoặc đi làm ở tận Paris, còn cựu hoàng Bảo Đại thì sống ở miền Nam nước Pháp.
            Được biết, trong đám tang của vợ cựu hoàng Bảo Đại không có mặt. Ngoài 2 hoàng tử và 3 công chúa thì không còn có người thân thích nào khác. Người quen đến dự đám tang thì có công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi, cùng vài viên chức Pháp tại địa phương. Mộ phần của bà được đặt tại nghĩa trang Chabrignac, với tấm bia đá mặt trước ghi bằng tiếng Pháp: “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan). Mặt sau tấm bia khắc dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam phương Hoàng hậu chi mộ” (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).                                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét