Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Hoàng thái hậu đất Gò Công

               Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Nguyễn trị vì 143 năm với 13 đời vua và 13 hoàng hậu. Trong đó, có 2 bà hoàng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt vì đức độ và tấm lòng nhân hậu là Hoàng thái hậu Từ Dũ và Nam Phương Hoàng hậu. Cả hai bà đều sinh ra ở đất Gò Công, Tiền Giang.
            Hoàng thái hậu Từ Dũ là vợ vua Thiệu Trị (1807-1847) và là mẹ của vua Tự Đức. Bà tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ 1810 tại làng Sơn Quy, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là con gái của Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.
*Lăng Hoàng gia Gò Công được xây dựng vào năm 1826.
                                     
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, thuở nhỏ bà thích đọc sách, thông kinh sử, tính tình rất hiếu hạnh, nổi tiếng xinh đẹp và thông minh. Năm 12 tuổi, mẹ bị bệnh, bà một mình lo cơm nước, thuốc men. Khi mẹ mất, bà than khóc mãi nên xa gần đều biết tiếng. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ kế vua Gia Long) tuyển vào cung cho hầu Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Vì đức hạnh và tính tình thuận thảo nên rất được sủng ái. Năm Giáp Thân 1824, bà sinh Diêm Phúc công chúa, năm sau lại sinh công chúa Uyên Ý. Năm Kỷ Sửu 1829 bà sinh người con thứ 3 là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức Dực Tông Anh Hoàng đế (vua Tự Đức).
Bà là người kính cẩn nghiêm trang, cử chỉ hợp lễ. Những lúc có khánh hạ triều bái trong cung bà luôn giữ đúng lễ nghi, được mọi người kính nể. Năm 1841, khi Miên Tông lên ngôi (vua Thiệu Trị), bà được phong cung tần rồi 2 năm sau được phong thần phi. Đến năm Thiệu Trị thứ 6, bà được phong làm giai phi rồi nhất giai phi. Năm 1842, khi nhà vua ra Bắc làm lễ thụ phong, bà được theo hầu cạnh vua. Những tín vật và ấn triện vua đều giao cho bà cất giữ. Những đêm vua mãi đọc sách đến khuya, bà hầu cận không biết mệt mỏi, nhiều khi gà gáy sáng mới ăn cơm tối. Năm 1843 bà được phong làm thành phi, đến năm 1846 được phong quí phi.
Sử sách chép rằng Hoàng thái hậu Từ Dũ có tính nhớ dai. Những việc xưa trong sách hoặc những điều ghi chép trong văn thư bà chỉ cần đọc qua là nhớ ngay, mỗi khi vua hỏi bà đều trả lời chính xác. Ở trong cung bà luôn hết lòng nuôi dạy các hoàng tử và công chúa. Khi vua đau nặng bà kề cận ngày đêm, được vua căn dặn những việc về sau. Năm 1847 vua Thiệu Trị mất, con trai bà là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Sau khi lên ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà luôn từ chối. Mãi đến năm 1849 bà mới nhận Kim bảo và tôn hiệu Hoàng thái hậu. Năm 1883, vua tự Đức mất để lại di chiếu tấn tôn bà làm Thái hoàng Thái hậu, nhưng vì lúc bấy giờ việc nước rối ren nên mãi đến năm 1885 vua Hàm Nghi mới làm lễ tôn phong bà theo di chiếu.

Theo Trần Trọng Kim kể lại trong “Việt Nam sử lược” thì: “Đức Từ Dũ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Mỗi khi Đức Từ Dũ ban câu chi hay thì vua Tự Đức biên ngay vào quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục. Một hôm rảnh việc nước, vua ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn 2 ngày nữa là có kị Đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột, sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường thì gặp thuyền ngự đang chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới về tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng vào cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Vua bèn lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà bảo rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi mà để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Vua lạy tạ lui về và nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự”.
Sách sử cũng kể rằng Đức Từ Dũ thường thẳng thắn phê phán tệ tham ô, chức quyền trong triều chính. Bà nói: “Từ xưa đến nay quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm người nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ”. Bà cũng khuyên vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan. Phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc, chỉ sợ bất tài mà thôi. Đối với kẻ làm điều trái phép, hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương…”
Trong khi đó thì bà rất quý trọng các trung thần, muốn triều đình có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung mẫn cán, không từ nan việc mệt nhọc. Bà nói: “Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm. Ngặt vì còn có những quan tham bóc lột của dân không chán mà lại không biết hối cải”. Theo bà thì “của bất nghĩa sẽ không tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười. Chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài”.


Chuyện kể rằng khi Phạm Phú Thứ làm quan ở Viện Tập Hiền, chỉ vì khẳng khái can gián vua mê đàn hát, quên việc triều chính mà bị giáng chức cho xuống làm lính. Khi Đức Từ Dũ biết được, bà đã khuyên vua: “Chính ông Thứ mới là bề tôi trung, dám can vua. Còn kẻ xu nịnh, cúi đầu vâng dạ để lấy lòng bề trên, chắc gì họ hết lòng vì hoàng đế”. Nghe lời mẹ dạy, vua Tự Đức đã quỳ lại mẹ có tấm lòng nhân hậu và sau đó tha cho Phạm Phú Thứ.
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì bà là người có đức lớn, yêu nước, thương dân, là người vợ biết chăm lo cho chồng, người mẹ hiền nghiêm khắc răn dạy con. Những lời dạy của bà đều được vua Tự Đức ghi lại trong sách Từ Huấn Lục. Bà thường lấy chữ Khiêm mà khuyên răn. Bà mất ngày 22.5.1901, tức mùng 5 tháng 4 năm Tân Sửu (có tài liệu nói 12.5.1902, mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần), thọ 92 tuổi, đươc an táng tại lăng Xương Thọ, Thừa Thiên-Huế. Ở Tiền Giang hiện nay có khu lăng Hoàng gia tọa lạc tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Tại đây có mộ của Đức quốc công Phạm Đăng Hưng, là thân phụ bà Từ Dũ, ông ngoại vua của Tự Đức và nhà thờ họ Phạm, được xây cất vào năm 1826.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét